Trang chủ > 005. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh)

005. Gia phả họ Lê (ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh)

12/08/2022 16:37:10

Gia phả họ Lê (ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh hoàn thành năm 20004.

DẪN NHẬP

Ông bà ta thường nói : “Cây có cội nước có nguồn, chim có tổ, người có tông” để dạy dỗ con cháu. Ý là để con cháu biết rằng người ta sanh ra ở đời đều phải có nguồn có cội, có ông bà mới có cha mẹ, rồi mới có mình. Do vậy đã là con cháu thì phải biết tổ tiên ông bà là ai? Tên tuổi là gì? Từ đâu đến đây, sanh ra những ai? Làm ăn ra sao?…

Nhưng cho dù một người có trí nhớ tốt cách mấy cũng không thể nhớ hết tên tuổi, ngày giỗ, mồ mả, thế thứ, vai vế, hành trạng của từng người trong dòng họ, nhất là dòng họ ta trải qua nhiều đời, sanh sôi đông đảo, phái viễn chi phân, mà bổn phận làm con, ta phải nhớ lấy mà như nói ở trên việc “nhớ” rõ ràng không dễ!

Nỗi bức xúc ấy chỉ có Gia phả mới giải quyết được.

Vậy Gia phả là gì? Mà cho đến nay trong một số bà con ta vẫn còn chưa thấu hiểu?

Xin trả lời: Gia là nhà, phả là ghi chép vào. Gia phả là một quyển sổ để ghi chép vào đó tất cả tên tuổi, húy kỵ, nơi để mồ mả của ông bà, cô bác, anh chị em đã quá vãng hoặc còn sanh tiền để cho mọi người xem vào đó mà thấu hiểu.

Chỉ cần giở ra từng trang gia phả thì lập tức từng hành trạng mỗi người và nhiều người lần lượt hiện ra, ta có thể soi rọi vào đó mà biết rõ nơi ăn chốn ở, công nghiệp nhiều ít, giàu có hoặc nghèo nàn, sống thọ hoặc vắn số, con cháu nội ngoại là những ai, hoặc người đi ở rể nơi xa…

Trên đây là những điều cơ bản, gia phả còn cho ta biết những điều sâu xa hơn như là gương nghèo vượt khó học hành đỗ đạt, gương đáp theo tiếng gọi non sông ra đi cứu nươc, quên thân vì đại cuộc, gương hai bàn tay trắng gầy dựng nên sự nghiệp đó là điều hay để phấn đấu noi theo và rồi cũng sẽ có những điều dở mà người ta nên tránh xa đừng nên mắc phải.

Do vậy, có gia phả, đọc gia phả không phải là để ỷ thế cậy thần, mà là để có cả niềm tự hào dòng họ, để phấn đấu vươn lên, dù cho có thất cơ lỡ vận cũng nhớ về ông bà mà gượng đứng lên gầy dựng lại sự nghiệp, hãy đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, chín bỏ làm mười, quên đi tỵ hiềm nhỏ nhen, để khỏi làm tủi hỗ vong linh ông bà mà phải tội.

Mặc dù trong họ tộc đã bỏ ra một thời gian để dựng nên bản Phú Ý từ tháng 10 năm 1999 với ý định tiếp tục hoàn thành bộ Gia phả cho họ mình. Tháng 7 năm 2003 mới bắt đầu thực sự thực hiện dựng gia phả này, nhưng do còn nhiều điều lầm lẫn, phải có sự thẩm tra, gạn lọc, bàn bạc nhiều lần, nhiều người, đến cuối tháng 12/2003 mới cơ bản hoàn thành, với tên gọi là “Gia phả họ Lê ở ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh”, bản thảo được giao về hội đồng gia tộc nghiệm thu, sửa chữa trong thời gian trước và sau tết Giáp Thân, sau đó nhóm thực hiện thuộc Chi hội Khoa học Lịch sử – Gia phả – Hồi ký TP.HCM hoàn chỉnh, kịp đến ngày giỗ Hội 12 tháng 02 năm Giáp Thân sẽ trước kính dâng lên ông bà, sau đó công bố trong dòng họ.

Đây là bản mới lập lần đầu, e rằng còn có sự lầm lẫn mong được mọi người bổ sung, sửa chữa.

 Xóm Huế, 

 những ngày cuối Đông năm Quý Mùi 2003.

1. LÊ VĂN NÀM

2. LÊ VĂN ĐIỀN

3. VÕ VĂN MỘT 

(cháu nội bà Lê Thị Khoe)

4. LÊ XÍCH PHỤNG 

(tức út Bê)

 

PHẢ KÝ

Bên cạnh quốc lộ 22, trước khi đến cầu vượt thị trấn Củ Chi, về phía tay trái có một địa danh dân gian gọi là Xóm Huế, mà các nhà Nho bản địa khi dựng ngôi đình làng, đã ghi biển đề là “Thuận Hóa thôn đình”, ý nói là đình của những người ở Thuận Hóa, nhưng tìm kỹ vẫn không thấy tên thôn Thuận Hóa trên bản đồ Đại Việt (vì Châu Thuận, Châu Hóa là tên mới đặt khi thu phục đất Chiêm Thành) đây chỉ do quen dùng chữ nghĩa để nói lên đó là đình của những người “ngoài Huế” vào định cư, khai cương thác thổ thành làng xóm, mà có danh xưng Xóm Huế.

Sách Gia Định thành thông chí viết : năm 1808 Gia Định trấn đổi gọi là Gia Định thành đặt chức quan tổng trấn, hiệp tổng trấn, phó tổng trấn để thống hạt cả 5 trấn của miền Nam là Phiên An trấn, Biên Hòa trấn, Định Tường trấn, Vĩnh Thanh trấn và Hà Tiên trấn.

Trấn Phiên An coi một phủ Tân Bình, dưới phủ có bốn huyện là Bình Dương, Tân Long, Thuận An, Phước Lộc.

Huyện Bình Dương đặt ra hai tổng mới là Bình Trị, Dương Hòa, trong tổng Dương Hòa có 74 thôn, xã, phường, ấp ngang nhau ấy đã thấy xuất hiện tên Tân Thông thôn và Tân Thông tây giáp, tên gọi này tuy chưa chỉ rõ vị trí ở đâu nhưng sau vài lần thay đổi, nó sẽ là tên gọi mà họ tộc ta cư ngụ hiện nay, mà các tên thôn, giáp do Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam đặt ra, chắc là nơi đó đã có người ở, chớ không lẽ việc đặt tên thôn nơi chỗ không người!

Xu thế Nam tiến là xu thế tất yếu, và chủ trương di dân Ngũ Quảng vào Nam đã có kết quả rực rỡ, với chính sách cai trị khá lỏng lẻo là một chủ trương khôn ngoan, làm cho vùng đất miền Nam nhanh chóng phát triển cả về diện tích đất đai lẫn quy mô dân số.

Năm 1836 vua Minh Mạng hạ dụ sai Trương Đăng Quế vào Nam đo đạc lập sổ địa bạ cho Lục tỉnh Nam kỳ, thực tế dân cư đã đông đúc, ruộng nương khai phá nhiều, nên phải tách đặt thêm những địa danh mới, theo sổ địa bạ này, ta thấy rõ như sau:

Tỉnh Gia Định coi 2 phủ Tân Bình và Tân An.

Phủ Tân Bình coi 2 huyện Bình Dương và Tân Long.

Huyện Bình Dương đã phân thành 6 tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Thượng, Dương Hòa Trung và Dương Hòa Hạ.

Trong đó tổng Dương Hòa Trung có 1 xã, 20 thôn (nên biết xã và thôn ngang nhau) mà ngày nay vẫn còn dùng là:

1. An Nhơn Tây thôn

2. An Thuận Tây thôn

3. Gia Lộc thôn

4. Lộc Ninh thôn

5. Mỹ Hưng thôn

6. Mỹ Khánh thôn

7. Nhuận Đức thôn

8. Phú Hòa Đông thôn

9. Phú Lợi xã

10. Phú Thạnh thôn

11. Phước An thôn

12. Phước Hội thôn

13. Phước Mỹ thôn

14. Tân Phú Trung thôn

15. Tân Thông thôn

16. Tân Thông Tây thôn

17. Tân Thông Trung thôn

18. Tân Thuận thôn

19. Trung Lập thôn

20. Vĩnh An thôn

21. Vĩnh An Tây thôn

Tên thôn xếp theo vần A, B, C, đồng thời trong lúc này đã có xuất hiện các tên dân gian:

- Bến Bà Chua ở thôn An Nhơn Tây

- Bến Nghèo ở thôn Phú Hòa Đông 

- Lái Lược ở thôn Phú Hòa Đông

- Láng The ở xã Phú Lợi

- Bà Giã ở thôn Phước An

- Mũi Côn ở thôn Phước Mỹ

- Bàu Tre ở thôn Tân Thông Trung

Chưa thấy xuất hiện tên Bàu Sim, Xóm Huế, Xóm Chùa, Mũi Lớn, Cây Sộp, Cây Bài .... phải chăng con người “ngoài Huế” đã có nhưng tên gọi “Xóm Huế” chưa thành, cho dù địa giới thôn ta đã được xác định:

Tân Thông Tây thôn, phía Đông giáp thôn Tân Thông, phía Tây giáp thôn Tân Thông Trung, phía Nam giáp thôn Hòa Mục tổng Tân Phong Trung huyện Tân Long, phía Bắc giáp thôn Tân Thông Trung và Tân Thông, ruộng mới khẩn có 3 sở cộng chung là 13 mẫu, 5 sào, cùng một chủ được phân canh là ông Lê Văn Tích, ông Tích cũng là thôn trưởng thôn Tân Thông Tây. Ông họ Lê này làm cho ta liên tưởng phải là ông tổ của cánh họ Lê nào ở đây chưa được biết chăng? Bởi trên vùng đất hẹp Xóm Huế, Xóm Chùa ngoài họ ta còn có ít nhất bốn cánh họ Lê khác nhau cùng chung sống...

Năm 1841, triều Nguyễn tách huyện Bình Dương tăng thiết thêm huyện Bình Long. Điều chỉnh các tổng Bình Trị, Dương Hòa thuộc huyện Bình Dương, đặt các tổng Bình Thạnh, Long Tuy thuộc huyện Bình Long đến 1862 Pháp phá vỡ phòng tuyến Chí Hòa rồi trực chỉ lên Bà Điểm Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng, phải chăng cuộc chạy loạn này mà bao nhiêu thư tịch, văn khế, phú ý đều bị tiêu hủy, ngày nay không còn ai giữ được, vì vậy mà hành trạng của ông bà từ thuở khai canh vẫn còn mù mịt?

Trong 83 năm cai trị, ý đồ thâm độc của thực dân Pháp là quyết triệt tiêu thiết chế văn hóa của người Việt tận cơ sở làng thôn như là bãi bỏ cấp phủ huyện, đặt thành quận, cấp tổng chỉ là cấp trung gian, thống nhất Hương chức Hội tề và Hương chức Hội Hương làm một để phá bỏ cơ sở tín ngưỡng dân gian ở Đình nhưng rồi họ cũng không phủ nhận được Thành Hoàng bổn cảnh và Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ ở làng.

Cuối thời thuộc địa Pháp, không còn phân biệt danh xưng thôn hay xã, từ thời 1878 tỉnh Gia Định có 234 xã thôn, nay chỉ còn 80 làng, chính quyền lập ra cấp quận (tương đương phủ huyện xưa). Lúc này quận Hóc Môn có 5 tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung, Long Tuy Hạ, Bình Thạnh Trung và Bình Thạnh Hạ

Tổng Long Tuy Hạ có 4 làng là:

1. Thái Mỹ

2. Trung lập

3. Phước Hiệp

4. Tân An Hội, nhập các thôn Tân Thông, Tân Thông Đông, Tân Thông Tây (thôn này có lúc gọi là Tân An Tây) – Tân Thông Trung và Vĩnh An Tây.

Tên gọi xã Tân An Hội được giữ nguyên suốt 2 cuộc kháng chiến, có điều dưới chế độ Sài Gòn, đã tách Hóc Môn lập quận mới Củ Chi cho thuộc về tỉnh Hậu Nghĩa cũng mới lập. Lúc đó quận Củ Chi có các xã: Phước Hiệp, Phước Vĩnh Ninh, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Thái Mỹ, Trung Lập.

Hình thái địa bàn duyên cách, xã hội nhân văn đều có nhiều thay đổi từ 1945 đến 1975 như là:

- Số người Bắc di cư năm 1954 về ngụ ở xóm Bắc Hà (Bàu Ông Nhẳm), đa số là tín đồ Công giáo.

- Số Việt kiều Campuchia chạy nạn Long Nol về ở trên đất sở cao su Franchini, nay là ấp Tân Định Tân Tiến.

- Tỉnh lộ 8 được nối dài từ Củ Chi đến thị trấn Hậu Nghĩa.

- Căn cứ liên hợp quân sự Đồng Dù do Mỹ xây dựng ở Cây Bài.

Từ sau năm 1975, Củ Chi là huyện ngoại thành TP.Hồ Chí Minh có 1 thị trấn và 20 xã, trong đó Tân An Hội xưa đã chia thành hai, phần phía Đông là xã Tân Thông Hội, phần phía Tây là xã Tân An Hội, gồm có các ấp Xóm Huế, Xóm Chùa, Mũi Lớn, Bàu Tre, Cây Sộp, cắt một phần đất ấp Chợ về cho thị trấn Củ Chi.

Ngày nay, qua 28 năm hòa bình, toàn dân đi lên xây dựng CNXH, nông thôn ta đường nhựa phẳng phiu, điện đến mọi nhà, kinh Đông tưới mát, trường học khang trang, khu công nghiệp được xây dựng, hứa hẹn một tương lai ấm no hạnh phúc.

Đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc “tìm tông, vấn tổ” và “kế chí thuật sự”; người Huế vào đây lúc nào, để có tên là Xóm Huế?

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Ai cũng biết Xóm Huế là do từ xa xưa có nhiều người từ “ngoài Huế” (tức Thuận Hóa) của tỉnh Thừa Thiên vào định cư ở đây mà thành danh, nhưng điều khó khăn nhất cho việc dựng bộ gia phả họ Lê này, bởi từ xưa trên địa bàn 2 ấp Xóm Huế, Xóm Chùa có ít nhất 5 cánh họ Lê cùng sống cộng cư với nhau, xem ra các vị đầu tiên của mỗi cánh hiện diện trước sau không bao lâu, lại nữa nhược điểm chung của mỗi họ không xác định được niên đại, thế hệ của mình, cũng do cuộc sống xã hội nông thôn quá thoáng, không khép kín nên cho dù lúc đầu ít người, họ có quy ước phân vùng cư trú, nhưng rồi sau người càng sanh sôi, đất không nảy nở, nên mạnh ai nấy tự do khai phá, sang nhượng đất đai mà các họ sống đan xen nhau không còn phân biệt.

Trong sự đồng tộc mà không đồng tông ấy, số người mang họ Lê ở đây đã có nhiều đời có quan hệ hôn nhân với nhau với sự đồng thuận và đều cho rằng không trái với đạo lý.

Câu trả lời về nguồn gốc và quan hệ giữa các họ Lê này còn chưa có đáp án

Nhân đây, xin được ghi các cánh họ Lê:

1. Họ Lê ở gần chúng ta nhất, chung quanh đình xóm Huế, ông tổ là Lê Văn Bốn, đời sau có các vị Lê Văn Hường 1896, Lê Văn Nghe 1916, Lê Văn Tân 1925 và Lê Văn Hóng, có một chi di về lập nghiệp ở ấp Bàu Đưng xã An Nhơn Tây, họ Lê này có miếu họ ở đối diện xéo đình Xóm Huế, chỉ ghi là thờ Cửu huyền Thất tổ.

2. Nhóm họ Lê ở lệch về mé cực Đông Xóm Huế, dựa bìa ruộng trông sang ấp Thượng (Tân Thông Hội) gần Miếu Bà Ngũ Hành, có xây miếu họ, người hiện nay là Lê Văn Xân.

3. Nhóm họ Lê ở Xóm Chùa gần thị trấn Củ Chi, hiện diện muộn. Ông bà tổ là Lê Văn Đợi + Trần Thị Bốn sinh ra: Lê Thị Cam, Lê Văn Mật, Lê Thị Ong, Lê Thị Bến, Lê Thị Hy, Lê Thị Tể và Lê Văn Ráng.

4. Nhóm họ Lê ở giữa Xóm Chùa, ông tổ là Lê Văn Phiêu, lập gia đình với bà Phan Thị Theo ở Giồng Sao sinh ra: Lê Văn Cưng, Lê Văn Dưng, Lê Thị Chỉnh, Lê Thị Xửng, Lê Thị Vững, Lê Văn Bề, Lê Văn Trại, Lê Văn Trễ và Lê Văn Hẹn.

Ấy là chưa kể ở ấp Thượng có cánh họ Lê, đứng đầu là Lê Văn Luông và Nguyễn Thị Tuyết sinh con là: Lê Văn Nhị, Lê Văn Như, Lê Văn Chai, Lê Thị Dầu, Lê Thị Minh và Lê Văn Trượng, có miếu thờ lâu đời dựa vào nhà vuông ấp và Miếu Bà Ngũ Hành.

Dựa hai bìa ruộng giữa Xóm Huế, Xóm Chùa là họ Lê chúng ta với thế đất “thượng thổ hạ điền” với một vụ ơn trời mưa nắng, đôi trâu đi trước, cái cày theo sau, đất đai do ông bà khai phá về sau con cháu tạo dựng thêm rồi dựng vợ gả chồng lan tỏa nhiều nơi như Trung Lập, Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Mỹ Hạnh, Đức Lập, nơi nào cũng có dấu ấn họ Lê chúng ta.

Hãy bắt đầu từ ông tổ đầu tiên.

Không có tài liệu, di vật, bút tích, văn bia nói về tên tuổi, năm sinh, năm mất, chỉ biết ngày giỗ ông là ngày 6 tháng giêng hằng năm, nhưng từ ngày lập miếu họ thì ngày này không còn dùng nữa, do đó muốn phỏng đoán thời gian hiện diện của tổ phụ, chỉ phải theo cách tính mỗi thế hệ cách nhau 25 năm.

Người thuộc đời 4 biết được năm sinh là ông 6 Lê Văn Trượng sinh năm 1864, trừ bốn anh chị ông Trượng (cách nhau 2 năm) và 25 năm của thân phụ ta có : 1864 – (8 + 25) = 1831. Ông Lê Văn Đạo đời 3 sinh năm 1831, đời 2 Lê Văn Hề sẽ là 1806 và ông tổ phụ đời 1 sinh ra tại nguyên quán có thể là 1770. Như vậy khi đến đây chắc phải đã có đầy đủ con cái. Nên ta nói rằng ông có mặt tại đây từ đầu thế kỷ 19 và cũng là lúc dân Ngũ Quảng vào Nam tấp nập như họ Đặng ở Bàu Sim, họ Võ ở Bà Giã, đó là thời gian mà Nguyễn Ánh đã lấy lại được ngai vàng và lên ngôi hoàng đế tại Phú  Xuân.

Sự hiện diện của ông tổ đời 1 có thể trùng lắp với thời kỳ đo đạc lập địa bạ năm 1836, nhưng do ông chưa làm chủ được mảnh đất nào, nên việc kê khai chỉ cho biết “ruộng mới khẩn” của 1 chủ có 3 sở gồm 13 mẫu 5 sào, mà người được phân canh là ông thôn trưởng Lê Văn Tích cho đến đời 2 ông Lê Văn Hề và các con đã đủ lực để khai khẩn thì thời gian đo đạc đã qua lâu rồi.

Sau đó người Pháp đến, việc tổ chức bộ máy cai trị mất một thời gian, cho đến từ 1920 đến 1924, họ mới phái kinh lý đến từng làng để đo đạc lại, lập họa đồ, sổ bộ khá chi tiết với chủ quyền hợp pháp của người đương thời, có ghi rõ nguồn gốc do thừa kế, hay chuyển nhượng, kèm theo câu chứng thư cũ bị thất lạc từ năm 1862. Sổ văn khế này hiện ít ai còn giữ được, chỉ còn lưu trữ ở văn khố quốc gia.

Ông tổ đời 1 và các con chọn phần đất phía Nam ấp Xóm Huế vựa bìa ruộng nhìn sang Đức Hòa cách bởi cánh đồng cỏ năng chua phèn nặng, đây là vùng đất cuối cùng của khu vực phù sa cổ Đông Nam bộ mà tập quán trên gò cất nhà, dưới ruộng cày cấy, phù hợp với văn hóa nông nghiệp Việt Nam từ ngàn đời, rồi người ta lại gọi phía ruộng là “phía trước” cho dù ở phía Bắc có con đường sứ “Thiên lý cù” rộn rịp vẫn gọi là mé sau, chứng tích ngày nay còn danh xưng ấp Hậu (ấp Hậu ngày xưa chạy dài từ Xóm Huế xuống Bàu Sim, sau bị đất sở cao su Franchini cắt ngang khoảng giữa, nên ngày nay có 2 ấp Hậu khác nhau của 2 xã Tân Thông Hội và Tân An Hội). Sau đó mở rộng dần sang Xóm Chùa, ngẫu nhiên hóa thành kiết địa an táng ông bà, nơi phần đất phân cho ông Lê Văn Lộc, Lê Văn Lịch đời ba phát triển tiếp theo và miếu thờ tôn tộc họ Lê.

CUỘC SỐNG NƠI XÓM HUẾ VÀ CHUYẾN RA ĐI LẦN NỮA CỦA ĐỜI II

Đại thể thì con cháu đều hiểu rằng ông bà tổ đời I và các con đến định cư tại Xóm Huế, hay đến đây rồi mới sinh các con thì không có bằng chứng nào để xác định, nhưng chia nhau đi lần nữa là có thật, nhưng sự hiểu biết có vài chi tiết không giống nhau.

Ông bà tổ phụ đã ở suốt đời tại đây với người con trai út Lê Văn Hề, còn hai người anh cùng nhau ra đi lần nữa về miệt Trảng Bàng, Gò Dầu (xưa là Tân Ninh, Quang Hóa).

Qua khảo sát thực tế, có trao đổi với các phái họ Lê. Sự ghi chép các bản tông chi, ta thống nhất nhận định như sau:

Ông tổ phụ đời 1 tên là Lê Văn Nam có một bà vợ (khuyết danh) và ba con trai đến Xóm Huế. Một thời gian không lâu sau đó, hai người con lớn lại đi tiếp một ngày lội bộ theo đừơng thiên lý ở hướng Tây và dừng chân ở xóm Gia Bình (lúc đó là thôn Gia Lộc, tổng Dương Hòa Trung, huyện Bình Dương, phía Tây là thôn Thanh Phước, xứ Gò Dầu, thuộc tổng Bình Cách Trung, huyện Thuận An). 

Phả hệ ông anh lớn khuyết danh ở Gia Bình như sau:

Nhân đây cũng nói lại cho đúng: ông anh cả lên ở Gia Bình đến đời con mới có 1 người (ông Lê Văn Thinh) tách ra ở lên làng Phước Thạnh cánh này có lập nhà thờ tộc, giỗ ngày 1/10 ÂL nên Gia Bình và Phước Thạnh là một. 

Người anh thứ hai định cư ở xa hơn một khoảng là ấp Trâm Vàng làng Thanh Phước (nay thuộc huyện Gò Dầu), may mắn được biết tên ông này là Lê Văn Ký.

Phả hệ được biểu diễn như sau:

Ông Lê Văn Ký có mộ ở Bàu Hầm, cánh ông Lê Minh Đường lập nhà thờ họ ở ấp Trâm Vàng năm 1996, giỗ ngày 14/5 âl. 

(Ông Lê Văn Tồn có thể là một trong hai chi phái kể trên).

Nhánh ở xóm Rỗng Tượng một địa danh nằm giữa 2 xã Gia Bình và Thanh Phước.

Ông Lê Văn Tồn đời 3, ông Tồn sinh con gái là Lê Thị Soi đời 4, bà Soi lấy chồng người họ Hồ sinh ra Hồ Thị Xưa đời 5, đã thành ngoại tộc, bà Xưa sinh ra đời 6 là ông Huỳnh Văn Cao, hiện nay là hiệu trưởng trường Trần Quốc Đại ở Rỗng Tượng. Xem như nhóm này không còn họ Lê trực hệ kế thừa.

Về phần người em út ở lại Xóm Huế với cha mẹ mình là ông Lê Văn Hề, con cháu sinh sôi nảy nở đông đảo và liệt kê đầy đủ ở phần sau.

Nhân đây cũng xin mọi người loại bỏ ý nghĩ là ông tổ phụ bị truy nã vì tội gì đó mà phải dìu dắt nhau chạy nạn và ly tán không dám ở chung, tại sao không tìm nơi heo hút lánh thân mà ở dọc đường thiên lý, trước mắt bàng dân thiên hạ.

Sách Gia Định thành thông chí, phần Thành trì chí viết về đường thiên lý phía Tây rằng:

“Tháng 10 năm Ất Hợi, năm Gia Long 14 (1815) vua sai tổng trấn Gia Định đo từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành bát quái qua cầu Tham Lương, qua bến đò Thị Sưu, chằm Lão Nhông giáp ngã ba Khê Lăng đến sông Lớn dài 439 dặm, gặp sông bắt cầu, xây cống, chỗ bùn lầy lấy đất bồi đắp, qua rừng đẵn cây, mở đường thiên lý rộng 6 tầm, đường bình an cho người, ngựa. Những nơi hẻo lánh không có nhà thì việc đưa tin truyền báo, việc nghỉ trọ của khách vãng lai nên theo thể lệ dịch trạm mà thi hành”.

Con đường “thiên lý cù” còn gọi “đường sứ” dùng để tiện lợi thông thương với nước láng giềng Campuchia, trên nền đường đó, sau là đường thuộc địa số 1 (Route Colonial No1) nay là quốc lộ 22, sẽ thành đường Xuyên Á vẫn rộn rịp tấp nập là thế, đâu phải chốn dung thân của kẻ tội đồ.

Nay ta thống nhất nói: ông bà tổ phụ có 3 con trai:

1. Phái Gia Bình, Phước Thạnh

2. Phái Thanh Phước, Trâm Vàng, ông Lê Văn Ký (Phái Rỗng Tượng có thể là một trong hai phái kể trên).

3. Phái Xóm Huế, Tân An Hội, ông Lê Văn Hề

DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA, VIỆC NỐI KẾT DÒNG HỌ

Hai người anh ra đi, họ lập gia đình sanh con cái và tất nhiên họ gần gũi và lui tới với  nhau không đứt đoạn nhưng đối với phái Xóm Huế đã không còn liên hệ qua một thời gian khá dài, không hiểu vì lý do gì? Hoặc thời cuộc, hoặc nghèo khó, hay có sự giận hờn gì nhau chăng? Có điều từ đời này qua đời khác, ông bà vẫn dặn dò con cái là họ Lê ta khởi nguồn từ Xóm Huế. Củ Chi và hãy nhớ rằng có ngày giỗ Tổ tiên là mùng 6 tháng giêng để mà noi dấu.

Công bằng mà nói, việc nối kết dòng họ Gia Bình, Trâm Vàng với Xóm Huế được thân thiết như ngày nay cũng nhờ vào sự chủ động của cánh huynh trưởng Gia Bình - Trâm Vàng với cả tấm lòng “tầm tông vấn tổ” khá công phu và kiên trì về cội nguồn Xóm Huế.

Từ trước những năm 1945, ông bác mười Lê Văn Thiên, người đã về ở Phước Thạnh cùng vài anh em khác từ miệt Gò Dầu đã dò tìm về Xóm Huế hỏi thăm hai cha con ông Lê Văn Trượng và Lê Văn Vọng và cánh họ Lê có ngày giỗ 6 tháng giêng!

Gặp nhau thì đã gặp đúng người, đúng chỗ nhưng hai ông Trượng và Vọng đã qua đời, người hiện diện là con cháu, tức ông Chánh lục bộ Lê Văn Phu cùng với Lê Văn Nàm, gợi lại chuyện ngày xưa, lời di ngôn lớp cha chú dặn lại rằng: “Từ nơi đây, hai người con ra đi, nay có hơn vài thế hệ mới có dịp trùng phùng sau non thế kỷ ly tan”.

Sau lần các bác tìm về, tiếp đó quê hương  Xóm Huế trân trọng nhận được bốn cấp đá ong đỏ để xây mộ cho ông bà tổ phụ đời 1 và ông bà Lê Văn Hề. Bởi lẽ mỏ đá nơi Suối Ông Hùng gần Gò Dầu luôn có sẵn, tất nhiên số kinh phí được thanh toán sòng phẳng.

Nhưng rồi cuộc vui sum họp chưa bao lâu thì hai cuộc kháng chiến nổ ra, mọi người lại bận lo toan đánh giặc, giữ nhà, đời sống khó khăn, điều kiện đi lại bị hạn chế, người lớn tuổi lần lượt qua đời nên việc lui tới bị thưa dần, chỉ có những người sống trong “ấp chiến lược” mới có cơ hội gặp nhau.

Ngày nay, qua 28 năm đất nước hòa bình, cuộc sống no ấm đã đến với mọi người, các miếu thờ họ tộc đã được thiết lập, công việc về nguồn dễ dàng, các chi các phái đều đến với nhau nên tình cảm ruột rà càng thêm thân thiết, bởi ai cũng hiểu rằng là cây cùng một gốc, nước chung một nguồn nên đều cố vun bồi gốc rể, khơi thông nguồn ngọn, cho cành lá sum suê, cho mênh mông biển rộng và hiểu rằng mình cùng một ông tổ: Lê Văn Nam.

XÓM HUẾ - CỦ CHI TÌNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI

Tổ phụ Lê Văn Hề cũng là người con út và duy nhất đảm đương  công cuộc khai phá buổi đầu họ Lê ở Xóm Huế, phỏng độ ông ra đời khoảng 1810. Khi đã an cư lạc nghiệp là lúc triều đình nhà Nguyễn  bắt đầu suy yếu, đất nước lăm le bị người Pháp đe dọa và việc phải đến đã đến.

“Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế cũng khô,

Bát ngát nhẽ mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng người đời cũng rụng”

(Gia Định thất thủ vịnh)

Ông và các con ra sức lao động, khai khẩn đất hoang trên gò lần qua  Xóm Chùa để cất nhà làm rẫy, đắp bờ khai mương ở vùng thấp thành ruộng, trong bối cảnh đất nước bị sự thống trị của ngoại bang hơn 80 năm dài, các đời bốn, năm tiếp bước theo sau, cũng có người khá lên có ruộng đất đồng thời có vị trí nhất định trong làng xóm, ra gánh vác việc làng, lo toan việc đình miếu, nhưng cũng có người chỉ đủ ăn, hoặc phải làm mướn, có số người khi lập gia đình phải đi ở rể phương xa..

Ngày nay, con cháu ghi nhận tổ phụ Lê Văn Hề lần lượt có ba bà vợ, nhưng không biết tên, mỗi bà sanh 2 con, tất cả là 6 trai.

Sáu vị này là đời 3, trong gia phả này xếp thành gọi là chi như sau:

Chi ông Lê Văn Đạo

Chi ông Lê Văn Hiền là con bà 1

Chi ông Lê Văn Lộc

Chi ông Lê Văn Lịch là con bà 2

Chi ông Lê Văn Chung

Chi ông Lê Văn Ninh là con bà 3

Trong 6 người con trai này, 2 ông Lộc và Lịch về ở Xóm Chùa, 4 ông còn lại phân nhau ở Xóm Huế, các đời sau con cháu đông đảo thì có khẩn thêm hoặc mua sắm được nhiều hơn trên địa bàn hai ấp Xóm Huế, Xóm Chùa.

Giai đoạn thế hệ thứ 5 trong khi người mất người còn thì cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 xảy ra, cả dãy Bến Đò Tân Thông bị dìm trong máu lửa, rồi đệ nhị thế chiến chấm dứt, nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam ra đời, đánh dấu cáo chung của chế độ thực dân phong kiến.

Nhưng đất nước vẫn chưa yên, con cháu họ Lê Xóm Huế cùng nhân dân Nam bộ lại phải xếp bút nghiên lên đường tranh đấu chín năm để kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève năm 1954.

Cũng khá lý thú là đơn vị Lê Dương đóng ở Củ Chi, chi phối địa bàn Xóm Huế đã từng là đội quân hung hãn khát máu, từng đánh phá, chun hầm địa đạo ở Bà Giã, Cây Da, đó là đại đội 3 tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (3/1/13o DBLE) là đơn vị đầu hàng sớm nhất ngày mở màn chiến dịch Điện Biên.

Nhưng chưa một ngày được bình yên, dấu ấn cuộc tàn sát đẫm máu trong ngày biểu tình mừng hòa bình của nhân dân tại Quán Đôi làm cho bao nhiêu người ngã xuống đã báo hiệu hai năm chưa phải là ngày thống nhất hai miền, mà thật thế, chính quyền Sài Gòn được quan thầy Mỹ giúp đỡ đã gây thêm 20 năm máu xương, tang tóc nữa. Cường độ chiến tranh càng ác liệt hơn, ấp chiến lược thí điểm Xóm Huế từ 1952 được xây dựng, đóng thêm đồn ở bìa ruộng để ngăn cách lòng dân hướng về cách mạng.

Quận Củ Chi được thành lập, tỉnh lộ 8 được nối dài, căn cứ Đồng Dù do Mỹ dựng lên, cùng với các khu người Bắc di cư đã làm cho đồng bào như  bị trói chặt trong giòng kềm tỏa của quân thù, nhưng bản chất của người dân Xóm Huế trong đó có họ Lê ta vốn là yêu nước, yêu dân tộc, biết phân biệt đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, cho dù bị bao vây tứ phía bởi Phượng Hoàng, Lam Sơn, bởi chiến dịch Tố Cộng, bởi sự tàn ác của tên Quận Bình ác ôn chuyên mổ bụng người, thì đâu cứ gì phải ở vùng tự do, vùng giải phóng mới ra gánh vác việc nước non, mà người trong vùng giặc càng dễ thấy bộ mặt phản dân hại nước của một số người, cho nên bà con ta, người có đủ điều kiện thì thoát ly tham gia kháng chiến, số lớn bỏ đi Sài Gòn lánh mặt làm thuê, chạy xe lam, xích lô máy để nuôi sống gia đình, cũng có một số thanh niên bị bắt đi quân dịch, mong cho mãn hạng trở về. 

Củ Chi đất thép nở hoa hồng, sát nách căn cứ Đồng Dù là vùng tam giác sắt đã từng bẻ gãy các trận càn Jouson City, Cédar Fall, Manhattan của Mỹ, lừng danh khu chiến An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Trung Lập, Phú Hòa Đông đã làm nên Củ Chi huyện anh hùng và cờ Mặt trận Giải phóng tung bay trên nóc dinh quận trưởng Củ Chi sáng ngày 30/4/1975 hoàn tất chiến dịch Hồ Chí Minh lúc 11 giờ cùng ngày.

THỜI KỲ ĐỘC LẬP TỰ DO, XÂY DỰNG CNXH

Ngày nay, qua hơn ¼ thế kỷ đất nước có độc lập, hòa bình lại qua vài năm bước sang thiên niên kỷ mới trong đà đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội với nền kinh tế đổi mới, mở cửa, nông thôn Củ Chi đường nhựa vươn khắp hang cùng ngõ hẻm, điện quốc gia không thiếu nhà nào, kênh mương thủy lợi tưới tiêu chằn chịt, trường học đều khắp xóm thôn, hứa hẹn một tương lai sáng lạn, một xã hội thịnh vượng, công bằng, dân chủ, văn minh.

Đời xưa, ông bà với nền học vấn tứ thư, ngũ kinh nhưng ắt cũng chưa thấu đáo đến phần tinh tuý của nó, cho đến khi qua chữ quốc ngữ theo vần La-tinh thì nhiều lắm cũng đến lớp nhất trường tổng Long Tuy Hạ, ở chợ Củ Chi, mấy ai có được tú tài. Khi đời 6, đời 7 lớn lên lại gặp hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, không rãnh để học hành, ngày nay con cháu nội ngoại chúng ta có nhiều hạnh phúc. Người làm nông đã có máy cày máy xới, nuôi bò sữa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, lập trang trại phân bón vi sinh, điều khiển nghịch vụ có kết quả, người đi làm công nhân xí nghiệp thì tiếp xúc với máy móc hiện đại, kẻ đến trường có điều kiện nâng cao tri thức đã xuất hiện lớp bác sỹ, thạc sĩ, kỹ sư và có một số người đang là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, tỉnh, thành phố, giúp cho dòng họ càng thêm tự hào.

Củ Chi đất thép thành đồng có khu công nghiệp Tây Bắc, có đường Xuyên Á chạy ngang, trong tương lai vùng bưng Kinh Thầy Cai sẽ là khu đô thị mới, công nghiệp và dân cư hiện đại, sẽ là vùng đối trọng với khu Nam Sài Gòn, con em chúng ta khi học hành thành đạt sẽ đem sức mình ra thi thố tại quê nhà để thêm rỡ ràng dòng họ, cống hiến trí tuệ cho đất nước cho quê hương.

KẾT LUẬN

Làm gia phả không phải để cố ý phô trương dòng họ, dựa thế cậy thần, mà là để thấy sự lao khổ của ông bà thời kỳ khẩn hoang lập làng, truyền tử lưu tôn cho đến đời nay, để biết rằng tại Xóm Huế còn có các nhánh họ Lê khác, đồng tộc mà không đồng tông, biết rằng ngoài phái út họ Lê ta, còn có hai vị bá tổ về ở miệt Gò Dầu, Trảng Bàng. Đến nay còn có đông đảo hậu duệ. Để biết rằng nơi ấp Xóm Chùa còn có mộ ông bà tổ phụ mẫu và miếu Lê Tông Đường ngày giỗ thường niên là 12 tháng 2 âm lịch, biết rằng trong mỗi gia đình họ ta ngoài bàn thờ cha mẹ, ông bà ra, ở bên trong còn trang trọng kính thờ họ bên mình, họ bên mẹ và họ bên vợ, chứng tỏ lòng tôn kính trong ba họ đã đào tạo ra mình. Tất nhiên, trong họ đông người, mỗi cá nhân cũng có người này người khác, người thiệt thà, kẻ ranh mãnh, người thành công, kẻ thất bại trên đường đời. Đó là điều không tránh khỏi, nhưng nhìn chung bản chất họ ta là bao dung, cởi mở, hòa nhã, thâm trầm, vui tính, nhanh nhẹn, được cảm tình và sự nể trọng của người chung quanh, là một tập thể có văn hóa.

Do đó, lớp người lớn tuổi ngày nay kỳ vọng rằng con cháu sau này biết rằng họ Lê ta có chung  dòng máu, là cây một gốc, là nước một nguồn, hãy đoàn kết thương yêu nhau, người khá giúp người nghèo, người giỏi răn dạy người dốt, chọn điều phải, tránh điều quấy, tránh đua đòi xa hoa phung phí, sa vào các tệ nạn xã hội, ra sức phấn  đấu học hỏi. Trên tinh thần “chị ngã, em nâng”, “bầu ơi  thương lấy bí cùng” bởi, giấy rách cũng giữ lấy lề!

“Mẹ dưỡng, cha nuôi mới sống mà

Phải thương phải tưởng đến ông bà

Làm người hiếu nghĩa, suy nguồn cội

Có mẹ, có cha mới có ta...”

(Trích Trương Minh Ký di cảo)