Trang chủ > 014. Gia phả họ Trương (ấp Giồng Dứa, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An)

014. Gia phả họ Trương (ấp Giồng Dứa, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An)

14/08/2022 21:10:54

Gia phả họ Trương ở ấp Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2005.

LỜI TỰA

Từ lâu, ông bà chúng tôi có kể lại rằng: dòng họ Trương của ta ở ấp Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh (nay là Mỹ Hạnh Nam), huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An) là từ Giồng Sến (cũng xã Mỹ Hạnh) qua, và chỉ biết tên hai ông Trương Văn Rốn, sanh khoảng năm 1846 và ông Trương Văn Thêm, sanh khoảng năm 1851. Rồi nhờ bà con trong họ truy tìm được bản tông chi cũ, ghi giản đơn nhưng nếu có thêm tên ông Trương Văn Vào, sanh khoảng 1830 và ba ông là ba anh em trai. Căn cứ vào năm sanh, ông Trương Văn Vào là anh lớn, đến ông Trương Văn Rốn rồi mới đến ông Trương Văn Thêm. Ba ông được con cháu họ Trương coi như ba ông tổ đầu tiên đến khai cơ lập nghiệp ở vùng đất này. Hiện mộ của ông Trương Văn Thêm được xây dựng bằng đá xanh kiểu cổ vẫn còn nguyên ở khu đồng mã họ tộc ấp Giồng Dứa này. Còn di cốt ông Trương Văn Vào và ông Trương Văn Rốn đang thờ ở miếu tộc.

Riêng ông cao tổ họ Trương (sanh ra ba ông tổ nói trên) chỉ có di cốt đặt trong miếu tộc thờ Cửu Huyền Thất Tổ (không ghi rõ họ tên), con cháu trong họ cúng lệ hàng năm (ba năm giỗ lớn một lần) vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Trong dòng họ không còn ai biết và cũng không có ai có tư liệu ghi chép ông mất ở đâu, khoảng năm nào, ai cải táng đưa di cốt về thờ ở miễu tộc vào năm nào? So với tuổi người con lớn của ông là ông Trương Văn Vào (1830), suy đoán có thể ông cao tổ sanh khoảng năm 1800. Con cháu ông không rõ ông bà cao tổ có vào đây sanh sống hay mất ở miền ngoài, rồi khi con cháu lập nghiệp ổn định mới thỉnh vào sau. Theo truyền miệng trong họ, con cháu biết được ông cao tổ có 3 người vợ (cũng không rõ tên tuổi các bà).

Vì muốn tìm rõ cội nguồn, tháng 11/2004, con cháu trong họ có cậy hai chuyên viên gia phả ra tận hai xã Đức Hòa, Đức Lập huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhà thờ tộc họ Trương, được xem bảng gia phả cổ tìm có tên ông Trương Văn Bằng (Dựa). Trên đường về, hai chuyên viên có ghé viếng hai nhà thờ tộc Trương ở Mỹ Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi và xã Cẩm Kim ở Hội An, Quảng Nam để được bổ sung thêm tư liệu gia phả. Lần thứ hai, khoảng tháng 6/2005, theo sự gợi ý chuyên viên GP Huỳnh Văn Năm tiếp tục liên hệ:

1. Ông Trương Văn Ất là người lớn tuổi của họ Trương đang cư trú tại xã Đức Hòa huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Ông là cán bộ đi kháng chiến đã về hưu, hiện ông trên 70 tuổi. Ông là hậu duệ đời 13 của họ Trương Hà Tĩnh, ông hiểu về giòng họ rất nhiều và cũng rất nhiệt tình.

Qua những lần tiếp xúc: trực tiếp một lần và nhiều lần bằng điện thoại, bằng thư liên lạc qua lại ông đã từng khẳng định: ông Tổ Sơ Thúc đời VIII có tên hiệu Tiền Trương Công tên húy Án Phủ quân là người nằm dưới ngôi mộ đất, ông Ất đã chụp hình vừa mới gởi vào. Có câu thơ ám chỉ ngôi mộ này được những người trong họ thường đọc, cha ông Ất cũng có lần đọc cho ông nghe và ông Ất nhớ đến tận bây giờ. Thơ rằng: “Mộ này đã tỏ qui Nam, Trương Sang chi mộ nằm kề một bên”. Con ông Sơ Thúc tên Tiền Trương Công tên hiệu Tuy Cáp Bằng ông này đã vô Nam nên Mộ tổ Sơ Thúc đến nay vẫn chưa xây. Cánh hậu duệ họ Trương đang cư trú tại xã Ân Phú huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh là hậu duệ con của ba người em của ông Sơ Thúc trên.

Cũng qua ông Ất giới thiệu 2 ông chú của ông Ất:

1. Là ông Trương Kim Ngọc cư trú tại chợ Tân An huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận; 2. ông Trương Văn Cương cư trú tại thị trấn Eah Leo tỉnh Daklak. Ông Trương Kim Ngọc vào Nam khoảng năm 1943-1944, đã mất năm 1974, các con ông là Trương Thị Phụng, Trương Văn Công, Trương Văn Đức, Trương Văn Thọ đều nói không có một tài liệu gì về gia phả Hán Nôm.

2. Là ông Trương Văn Cương vào Nam khoảng 1994 ông có con tên Trương Văn Đức đang là phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Eah Leo và cũng báo lại hoàn toàn không biết gì về gia phả cổ của giòng họ Trương xã Đức Hòa huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.

Những vấn đề trên, ông Huỳnh Văn Năm đã trực tiếp điện thoại báo lại với chú Tư Sang và chú cũng đồng ý kết thúc việc truy tìm thông tin về giòng họ Trương. Nhưng khi xây dựng bộ gia phả họ Trương cũng phải nêu cho được những điểm còn tồn nghi để sau này có điều kiện ta tiếp nối thêm.  

Trong quá trình thực hiện bộ gia phả, chúng tôi đã nhờ Chi hội Khoa học Lịch sử – Gia phả của thành phố. (Số 4 Bà Huyện Thanh Quan – P.6 – Q.3 – TP.HCM. ĐT: 0903813094). Các chuyên viên gia phả đã tìm hiểu địa bạ tỉnh Long An (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) và ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng kết quả chưa được như ý muốn.

Từ đó cho chúng ta có thể kết luận: với các sự kiện, tư liệu nắm được đến nay, ta chưa thể khẳng định ông tổ trong Nam có tổ quán là ở xã Đức Hòa và Đức Lập, tỉnh Hà Tĩnh: việc này xin mở ngỏ, tiếp tục truy tìm thêm về sau.

Trong khi chưa có đầy đủ tư liệu để biết đích xác ông tổ họ Trương từ miền ngoài vào lập nghiệp ở đất này vào năm nào, ngoài ba người thì còn ai cùng đi? Nên bộ gia phả này chỉ ghi được phả hệ của ba ông mà con cháu coi là ông Tổ đời II, khi sống ở đất này, mỗi ông là khởi thủy một chi. 

Ông Trương Văn Thêm sanh năm 1851 Tân Hợi, mất (giỗ) ngày mùng 4 tháng 3 âm lịch. Ông sánh duyên cùng bà Nguyễn Thị Yêm, sanh năm 1855 Ất Mẹo, mất ngày mùng 6 tháng 9 âm lịch. Mộ táng của ông bà tại ấp Giồng Dứa, khu đồng mả họ Trương.

Ông bà hạ sanh được 6 người con, có người thứ tư chết nhỏ, còn 5 người 3 trai (3. Trương Văn Nào, 5. Trương Văn Trình, 6. Trương Văn Trị) và 2 gái (2. Trương Thị Đâu, út Trương Thị Năng)

Đây là chi được nhắc đến nhiều trong bộ gia phả này mà hầu hết con cháu sanh sống tại đây và còn khá đông đủ.

Trong các người con của ông bà, thì bà thứ hai Trương Thị Đâu có chồng là ông Nguyễn Văn Phú (đã từng làm trong ban hội tề làng và mua chức huyện hàm) thuộc gia đình giàu có danh giá thời bấy giờ và cũng có đông con nhứt: 15 người con, nhưng chỉ nuôi được 6 người đều ở xa theo bên nội và cũng đã qua đời. Còn đứa cháu sơ của bà là Mai Văn Trí hiện làm giám đốc hãng đóng tàu CARIC ở Sài Gòn. Trí thường về vào những ngày giỗ, tết viếng thăm mồ mả ông bà.

Tôi là Trương Văn Minh đã từng cùng anh Sáu Hứ đưa các chuyên viên gia phả đến viếng mộ ông cố (Trương Văn Thêm), ông nội (Trương Văn Nào) và cha mẹ tôi là ông Trương Văn Giảo và bà Lê Thị Trưa ở các khu đồng mả gia tộc, viếng chùa Pháp Minh do ông cố Năm Trương Văn Trình sáng lập. Tôi cũng đưa các anh em gia phả đến tận một số nơi trong đất ông bà, kỷ niệm về dấu vết khai phá của ông cha, nay vẫn còn như: Đìa Treo, Đìa Ngắt Nghéo, Đìa Sen nằm sát rừng Thiên Nhiên rộng gần một mẫu đất, nay không còn. Chỉ còn di tích ở bìa rừng là Miễu Bà, dưới miễu là hầm bí mật từng nuôi giấu ông Ba Tôn (Nguyễn Văn Thuyền) và nhiều cán bộ cách mạng.

Qua việc tìm hiểu, chúng tôi càng kính trọng ông bà, yêu quý mảnh đất. Có thể hiểu từ tay trắng với công sức mồ hôi, ông bà ta đã khổ công khai phá hàng chục mẫu đất rừng hoang lập nghiệp và để lại cho con cháu sau này. Ông bà chắc là những người đứng chân sớm nhất trên đất Mỹ Hạnh.

Ý định dựng gia phả họ Trương có từ lâu nhưng ý chú Tư Sang còn cân nhắc. Nhưng thấy rằng cô bác lớn tuổi trong họ đã mất gần hết, chờ nữa sẽ không còn biết hỏi ai, nên anh em con cháu, trong đó có cháu Mai Văn Trí là người đóng góp công sức nhiều nhứt trong việc quyết định tiến hành lập gia phả. Sau này còn thiếu thì con cháu có điều kiện sẽ thêm vô. Nhờ cháu Trí có quen với các chuyên viên gia phả nên việc viết lách, biên soạn, in ấn đỡ phải lo. Con cháu anh em trong họ cố gắng nhớ mà kể lại, mỗi người nhớ một ít ghi hết vào đây.

Bộ gia phả này là một công trình tập thể, là công sức của họ Trương ta và của các chuyên viên gia phả nỗ lực suốt cả năm trời mới có được. 

Cho tôi được phép gửi lời cám ơn bà con cô bác, anh chị em cháu họ Trương ta đã hết sức ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho các anh em gia phả. Xin cám ơn Chi hội Gia phả TP.HCM đã cử những chuyên viên hết sức nhiệt tình và có năng lực và cố gắng hoàn thành bộ gia phả họ Trương tốt đẹp nhất.

Bộ gia phả như là một gia bảo của dòng họ và mang tính thiêng liêng vì có tên tuổi, năm sinh, ngày giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta, cùng các mối quan hệ giữa dòng họ trong đó. Chúng ta và các con cháu mai sau phải trân trọng giữ gìn để làm cơ sở giáo dục truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đừng làm điều gì sái quấy để phụ lòng tổ tiên, ông bà. Đó cũng là cách báo hiếu vậy.

Đại diện họ Trương

TRƯƠNG VĂN MINH

 

PHẢ KÝ

Sau ngày đất nước thanh bình, gia đình sum họp, cuộc sống của nhân dân ta ngày càng khá lên, cũng là lúc nhân dân cả nước ta, đặc biệt là ở Nam Bộ “đi trước về sau”, đồng bào ta càng có nhu cầu tìm hiểu cội nguồn, dòng họ mình.

Tổ tiên dòng họ tuy là quá khứ xa vời, có khi cả 5 hay 7 đời, cách đây khoảng một vài thế kỷ nhưng lại vô cùng gần gũi thân thiết. Vì mỗi người chúng ta còn lưu dẫn dòng máu của tổ tiên trong huyết quản mà khi nhớ đến, nhắc đến nó như trỗi dậy tha thiết, da diết tạo thành sức mạnh nội lực phi thường, thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc.

Họ Trương nhà ta cũng như vậy, cũng chịu chung hoàn cảnh thăng trầm của lịch sử như bao dòng họ khác, chịu bao mất mát hi sinh, trải qua giai đoạn mở đất khai hoang lập nghiệp, chống thiên tai dịch họa để giữ nhà, giữ đất, bảo vệ quê hương, bảo tồn dòng họ… đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu mới có được như ngày hôm nay.

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo các vị cao niên trong họ cho biết, ông viễn tổ họ Trương gốc ở Hà Tĩnh (nghe nói ngoài đó có nhà thờ tộc họ Trương nhưng chưa có điều kiện đầy đủ kết nối dòng họ được). Một nhánh họ Trương vào phương Nam lập nghiệp, không rõ danh tánh những vị nào, vào những năm nào, dựng nghiệp ở vùng Đức Hòa, hay còn ở những nơi đâu nữa? Di tích còn lưu lại là miếu thờ ông cố Tổ Đại Thần, con cháu chỉ biết đó là ông Tổ đời I ở đất phương Nam. Ngôi miếu hiện tọa lạc tại ấp Giồng Dứa, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cạnh khu mộ ông Trương Văn Thêm và cách không xa chùa Pháp Minh mấy (cũng do người trong họ tạo dựng).

“Cố Tổ Đại Thần” được viết chữ Hán thờ trong miếu – vì sợ phạm thượng kỵ húy – con cháu không dám để tên thật. Đây có thể là danh hiệu do nhân dân tôn vinh những người có nhiều công lao trong việc khai hoang lập ấp (như thành hoàng làng), hoặc phải chăng ông có làm quan thời phong kiến nhà Nguyễn? Đến nay con cháu trong họ còn chưa biết được rõ. Nếu dựa vào các đời con cháu thì có thể phỏng đoán được thời gian  ông dừng chân trên mảnh đất này. Từ ông “Cố Tổ Đại Thần” – tức ông Tổ đời I – đến các ông Trương Văn Thêm (đời II), Trương Văn Nào (đời III), ông Trương Văn Giảo (đời IV) Trương Tấn Sang (đời V), Trương Tấn Hoàng (đời VI) đến nay gồm có 6 đời. Nếu mỗi đời (thế hệ) cách nhau từ 20 đến 25 năm, thì ông Tổ đời I cách nay từ 150 đến 180 năm, tức vào khoảng năm 1824 đến 1854, thuộc triều vua Minh Mạng (1820-1840), thời nhà Nguyễn ra sức mở cõi phương Nam. Từ đó, chúng ta có thể suy đoán thêm: ông vào lập nghiệp lúc tuổi từ 20 đến 30, tức ông có thể sanh từ năm 1804 đến năm 1824. Không rõ bà hạ sinh mấy người con, con cháu chỉ biết có ba người là: ông Trương Văn Vào, Trương Văn Rốn, Trương Văn Thêm mà sau này là ba người đứng đầu các chi phái họ Trương ở xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An.

Con cháu chi thứ ba (chi ông Trương Văn Thêm) hiện khá đông đảo, chủ yếu ở đất Mỹ Hạnh Nam từ xưa đến nay và gắn kết chặt chẽ với nhau. Bộ gia phả này, chủ yếu đi sâu vào chi thứ ba: ông Trương Văn Thêm và hậu duệ 5 đời nối tiếp.

Ông Trương Văn Thêm sanh năm 1851 (Tân Hợi), đã có mặt trên đất này từ giữa thế kỷ 19. Đầu tiên, ông lập nghiệp ở đất Giồng Sến, Mỹ Hạnh (nay là Mỹ Hạnh Bắc) và có mấy người con thuộc dòng lớn. Người vợ đầu qua đời, ông chuyển sang ở Giồng Dứa (nay là xã Mỹ Hạnh Nam). Tại đây, ông kết duyên cùng người phụ nữ thứ hai và sinh ra mấy người con (dòng thứ hai). Sau đó, người vợ thứ hai mất, lúc này có lẽ tuổi trung niên nên ông không đi đâu nữa mà vẫn ở lại Giồng Dứa. Rồi ông có người vợ thứ ba, tiếp tục sinh con đẻ cháu tại đây (dòng thứ ba) và con cháu vẫn sống quần tụ trên mảnh đất này cho đến ngày nay.

Người vợ thứ ba tạ thế trước ông và mộ hiện còn ở khu đồng mả đất nhà, nhìn kiểu dáng, quy mô ngôi mộ đá xanh cỡ lớn ghép khuôn, vô mộng, các cạnh bắt chỉ, mộ bia chạm hoa văn còn sắc nét, trải qua hàng trăm năm vẫn còn như nguyên vẹn – ngoại trừ phần chữ Hán khắc trên mộ bia bị mòn nhiều chỗ ghi còn đọc được. Ta có thể hiểu được bề thế (uy tín và điền sản) của ông lúc sanh tiền. Những người lớn tuổi trong hộ còn cho biết, chính khuôn viên ngôi mộ lớn này là chuẩn bị sinh phần cho ông và bà. Nhưng thật ra chỉ có mình bà được táng trong khuôn viên ngôi mộ lớn này vì bà tạ thế trước ông. Phần ông, sau khi bà mất, ông theo học Phật giáo thuộc phái tu tiên với điều luật, hay có lý do nào khác mà ông không thể nằm chung cùng bà trong phần mộ đã định sẵn như ban đầu. Trước lúc lâm chung, ông dặn dò con cháu phải xây mộ khác cho ông ngay bên cạnh ngôi mộ lớn của bà, cũng kiểu dáng như vậy nhưng khuôn nhỏ hơn vì chỉ táng có một mình ông.

Ông Trương Văn Thêm và người vợ thứ ba sinh được sáu người con. Trừ một người chết nhỏ, còn lại 5 người (2 gái, 3 trai) đã sinh con đẻ cháu nối dòng, có công đóng góp cho làng nước làm rỡ ràng thêm kiến họ Trương nhà ta. Trong số đó, có những người nổi bật như ông Trương Văn Nào. Ông là người con thứ hai trong gia đình nhưng cũng có thể coi là trưởng nam vì người thứ nhứt là nữ (bà Trương Thị Đâu). Ông sanh năm 1871 (Giáp Tuất) và mất vào ngày mùng 2 tháng 7 năm 1943 (Quý Mùi), thọ 69 tuổi. Đây là tuổi thọ tương đối cao thời bấy giờ. Từ khi ra đời cho đến khi mãn phần, cả cuộc đời ông nằm trọn trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta và có lẽ ông từng chứng kiến bao cuộc quật khởi của nhân dân ta vùng lên đánh đuổi giặc Pháp. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, do Võ Văn Tần, người Đức Hòa là thành viên của ban lãnh đạo khởi nghĩa – mà ít nhiều ở mức độ khác nhau, bản thân ông và con cháu trong kiến họ Trương đã góp phần tham gia cùng với các dòng họ khác – cùng với nhân dân huyện Đức Hòa và Nam Kỳ lục tỉnh tạo nên sự kiện lịch sử này. Sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa đã có tác dụng khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước và ý chí bất khuất của cả dân tộc ta trước họa ngoại xâm.

Từ đời thứ IV trở đi, hậu duệ của họ Trương tỏa sáng. Nhiều người là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, có uy tín, có tầm ảnh hưởng với nhân dân. Ông Trương Minh Bạch, con trai trưởng của ông Trương Văn Khi, từng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Đức Hòa nổi tiếng thời kỳ chống Pháp. Sau khi tập kết ra miền Bắc 1954, tiếp tục hoạt động cho cách mạng. Với tài năng và uy tín của mình, đồng chí Trương Minh Bạch được Trung ương Đảng chọn làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị trong suốt thời gian dài. Có lẽ tài sản vô giá của ông Trương Minh Bạch để lại cho con cháu là tấm lòng trung thành và đức hy sinh vì nghĩa cả của dân tộc. Tấm gương cao đẹp của ông có tác động trực tiếp đến những người con cháu thế hệ tiếp sau.

Đồng chí Trương Tấn Sang thừa hưởng truyền thống yêu nước của dòng họ, mà trực tiếp là người cha – tức ông Trương Văn Giảo – đã từng là cán bộ cách mạng thời Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình là cơ sở cách mạng, có 5 hầm bí mật ở khuôn viên khu vườn và cả dưới nền miếu Bà Ngũ Hành, để nuôi giấu cán bộ. Từ nhỏ, Trương Tấn Sang vốn tư chất thông minh, có ý chí và hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước thời chiến tranh chống Mỹ và xây dựng đất nước sau hòa bình. Với công lao cống hiến và đức độ của mình, đồng chí được Đảng tín nhiệm, đắc cử vào ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, từng làm Bí thư thành ủy TP.HCM, hiện nay là Trưởng ban kinh tế của Đảng, là cán bộ cao cấp của Đảng ta, là người nổi bật, có vị trí xã hội cao nhất trong dòng họ Trương nhà ta tính đến nay. Dù hoàn cảnh công tác ở xa, đồng chí vẫn quan tâm đến dòng họ, chú ý đến việc chăm sóc mồ mả, tu bổ nhà thờ, cố gắng sắp xếp công việc để có mặt trong những ngày giỗ của ông bà, cha mẹ.

Nhà thờ tộc họ Trương hiện nay do ông Trương Văn Minh là người anh thứ ba của ông Trương Tấn Sang thủ quản và lo việc cúng giỗ, phụng tự. Ông Minh từng là cán bộ quân y tiền phương huyện Đức Hòa, là cơ sở nội tuyến của ban binh vận phân khu II (Long An). Ông hiện đang cùng gia đình ở tại nhà thờ, theo tập quán dòng họ. Ông Minh cho biết: nhà thờ do ông nội lập từ xưa, trước đình chiến 1954, lính Tây vô dỡ, sau hòa bình 1954, ba của ông là ông út mới xây cất lại (lo việc phụng tự). Đồ thờ trong nhà bị thất lạc gần hết, chỉ còn: 2 bộ ván ngựa, 1 bàn thờ, 1 bàn độc, 1 tủ đứng và 1 bàn tròn. Những vật này còn lại là nhờ đem chôn, giấu dưới ao, mương hay gởi nhà bà con.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT 

Đất Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa là nơi phát tích họ Trương nhà ta trên đất phương Nam này. Đây cũng là vùng đất đã trải qua nhiều biến động lịch sử và thời cuộc trong suốt chiều dài lịch sử. Mỹ Hạnh ở về phía Đông Bắc tỉnh Long An.

Về địa chất, vùng đất này nằm tại làn ranh giữa vùng phù sa cổ miền Đông phía Củ Chi và vùng phù sa mới do sông Vàm Cỏ Đông nối với Đồng Tháp Mười bồi đắp nên. Bởi vậy, địa mạo cao thấp nhấp nhô tạo thành những con giồng (đất cao) như các địa danh còn tồn tại theo cách gọi dân gian cho đến ngày nay như: Giồng Cám, Giồng Lốp, Giồng Dứa, Giồng Lớn, Giồng Ngang... và những chỗ trũng sâu tạo thành những bàu đìa to, đến nay vẫn còn, tuy có bị thu hẹp. Chính tại những con giồng, bàu đìa là nơi thích hợp để những người đi khai hoang mở đất quần tụ lại với nhau lập làng, dựng đình chùa, sản xuất làm ăn sinh sống...

Về lịch sử, sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Đầu xuân Mậu Dần 1698, kinh lược Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) vào Nam lấy đất Đồng Nai lập dinh Trấn Biên, lập huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn dựng dinh Phiên Trấn, lập huyện Tân Bình thuộc phủ Gia Định”. Năm Gia Long nguyên niên 1802 đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, thăng huyện làm phủ tức phủ Tân Bình. Phủ Tân Bình có hai huyện là Bình Dương và Tân Long. Huyện Tân Long có hai tổng là: Tân Phong và Long Hưng. Thôn Đức Hòa là một trong 74 thôn thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Gia Định.

Hơn hai trăm năm về trước, nơi này còn là vùng đất hoang vu. Một số địa danh còn lưu lại đến hôm nay đã nói lên điều đó: Rừng Dầu, rừng Sến nơi mọc nhiều cây dầu, cây sến, Gò Hươu nơi có nhiều loại thú rừng có sừng dài, Tràm Lạc nơi có rừng tràm bao la người đi vào thường bị lạc không tìm được lối ra.

Khoảng đầu thế kỷ 18, đoàn người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này hầu hết là số nông dân nghèo ở miền Trung từ bỏ quê hương dắt díu vào đây phá rừng khai hoang tạo dựng quê hương mới. Trong dân gian còn truyền tụng về những người giỏi võ nghệ, mưu trí sức lực phi thường như ông Mai Văn Mẫn đánh chết cọp, ông Việc sớm đánh chết heo rừng để bảo vệ bà con và bảo vệ mùa màng.

Năm 1836, thời vua Minh Mạng cho đo đạc lập địa bạ, tổng Long Hưng được chia thành 3 tổng: Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Long Hưng Hạ. Thôn Đức Hòa là một trong 12 thôn của tổng Long Hưng Thượng. Năm 1841, thời Thiệu Trị, thôn Đứa Hòa thuộc tổng cầu An Hạ, chuyển từ tổng Long Hưng Thượng huyện Tân Long về thuộc huyện Bình Long (huyện mới tách ra từ huyện Bình Dương). Năm 1867, tổng cầu An Hạ thuộc tỉnh Sài Gòn, năm 1872, thuộc hạt Chợ Lớn, năm 1910 đổi là tỉnh Chợ Lớn.

Tổng cầu An Hạ có 11 làng: An Ninh, Lộc Giang, Đức Hòa, Đức Lập, Hiệp Hòa, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, Lương Hòa, Mỹ Hạnh, Tân Mỹ và Tân Phú Thượng. Và cũng từ đây cấp tổng được bãi bỏ, thành lập cấp quận, quận Đức Hòa ra đời, lỵ sở đóng tại ngả tư thị trấn Đức Hòa như ngày nay.

Mỹ Hạnh nói riêng và Đức Hòa nói chung là vùng địa linh, từ xa xưa đã có truyền thống đấu tranh chống áp bức, xâm lược thật mạnh mẽ, có những nhân kiệt thật nổi tiếng. Năm 1885, Nguyễn Văn Quá và Nguyễn Châu Tín ở xã Mỹ Hạnh  đã cùng với Phan Văn Hớn ở Bà Điểm (Hóc Môn) tập hợp nông dân lập mưu tấn công tiêu diệt dinh quận Bình Long (Hóc Môn), giết chết vợ chồng đốc phủ Trần Tử Ca gian ác lập chiến công vang dội vùng 18 Thôn Vườn Trầu (Thập bát phù viên).

Tiếp đến thời Nam kỳ khởi nghĩa 1940, những tấm gương hi sinh lẫm liệt của Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần càng làm sục sôi bầu nhiệt huyết của nhân dân Mỹ Hạnh, quê hương anh hùng Nguyễn Thị Hạnh lao vào hai cuộc kháng chiến đánh Pháp chống Mỹ suốt 30 năm đến ngày toàn thắng 30/04/1975 và đang ra sức xây dựng lại quê hương đổ nát sau cuộc chiến tranh dai dẳng với bao đau thương mất mát chất chồng.

Năm 1956, Ngô Đình Diệm nhập tỉnh Chợ Lớn (có 4 quận: Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa và Trung Huyện) với tỉnh Tân An lập ra tỉnh Long An. Năm 1963, để kiểm soát chặt hơn vùng này, Ngô Đình Diệm lập ra tỉnh mới Hậu Nghĩa gồm có 3 quận là Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (Gia Định). Tỉnh lỵ đặt tại Bàu Trai (Khiêm Cương) của Đức Hòa. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), chính quyền cách mạng bãi bỏ tỉnh Hậu Nghĩa, 3 huyện Đức Hòa, Trảng Bàng và Củ Chi được trả về các tỉnh cũ.

Do tình hình dân số ngày càng đông, cũng như nhiều xã khác của huyện Đức Hòa, xã Mỹ Hạnh được chia ra làm hai xã là Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam, nơi ông tổ họ Trương nhà ta định cư lập nghiệp, sanh con đẻ cháu nối truyền cho đến ngày nay. Mỹ Hạnh nằm phía tây sát cửa ngõ vô Sài Gòn, một trọng điểm vành đai của địch, là địa bàn tập kết quân cách mạng đánh vào Sài Gòn trong các chiến dịch lớn, nơi ra mắt quân giải phóng liên quận Đức Hòa – Hóc Môn, sau đó là vệ quốc đoàn chi đội 15, trung đoàn 308 do Huỳnh Văn Một, người con của Đức Hòa làm Trung đoàn trưởng, đơn vị võ trang nổi tiếng thời bấy giờ, khiến giặc Pháp kiêng nể.

Chúng rất sợ khi phải ruồng bố đồng bưng Tràm Lạc, Rừng Dầu của Mỹ Hạnh. Nhờ địa thế thiên nhiên thuận lợi, nghề chăn nuôi ngựa đua độc đáo ở Mỹ Hạnh – sau lan ra nhiều xã của quận Đức Hòa – có từ xa xưa, là nguồn cung cấp chủ yếu số ngựa đua nổi tiếng cho trường đua Phú Thọ (Sài Gòn). Sau giải phóng, tỉnh Long An đã quy hoạch khu trường đua ngựa ở Mỹ Hạnh, Đức Hòa nhưng có sự điều đình của trường đua Phú Thọ TP.HCM nên Long An đã ngưng lại. Hiện nay, nghề nuôi ngựa đã giảm nhiều, cả xã chỉ còn chừng vài chục hộ.

Ông Đỗ Văn Lục cho biết, nhà ông có bốn đời nuôi ngựa, tính từ đời ông cố của ông. Cha ông là ông Đỗ Văn Hương (Năm Hương) nổi tiếng là người nuôi ngựa giỏi. Ông Lục đã từng bán một con ngựa đua mua được một mẫu ruộng. Nay ông đã già 74 tuổi, sức yếu đành thôi, vì nuôi ngựa rất công phu và tốn kém. Họ Trương ta cũng có nhiều người nuôi ngựa đua có tiếng, có người bán được con ngựa xây được ngôi nhà.

Sau ngày đất nước đổi mới, đời sống người dân ở Mỹ Hạnh, trong đó có họ Trương ta, khá giả hơn trước. Lộ nhựa, điện lưới quốc gia khắp nơi, trạm y tế, trường học, nhà cửa khang trang, chưa kể các khu công nghiệp của huyện Đức Hòa. Xã Mỹ Hạnh tương lai sẽ có khu quy hoạch của nhà nước, tạo bao công ăn việc làm tăng thu nhập cho lao động nông nhàn, không chỉ với nghề truyền thống: cấy lúa, trỉa đậu, đan lát như xưa nay.

Ngay trên mảnh đất ông bà để lại ở Giồng Dứa này mà hầu hết các lớp con cháu họ Trương ta hiện đang quây quần chung sống cũng thay đổi nhiều qua bao biến thiên của lịch sử và xã hội. May mắn còn lại số di tích quan trọng như miếu thờ ông Cố tổ họ Trương cổ xưa nhứt, ông bà tôn kính gọi là miếu Cố tổ đại thần, hiện còn trân trọng lưu giữ 3 bộ hài cốt của ông và hai bà coi như gia bảo của dòng họ. 

Cạnh khu đồng mả của ông bà là chùa Pháp Minh, ngôi chùa do ông Trương Văn Trình sáng lập sau khi ông tâm nguyện tầm sư học đạo ở Trung Quốc về trụ trì. Chùa có thời gian bị giặc Pháp dỡ đem đi chỗ khác xây công sở, đồn bót. Con cháu ông đòi lại, địch bồi thường cộng với sự chung công của trong dòng họ và bá tánh xây đúc lại khang trang như ngày nay.

Miếu Ngũ Hành được ông Tổ họ Trương xây khi mới đến đây khai hoang mở đất. Miếu còn là di tích lịch sử. Thời chiến tranh, miếu là nơi trú ẩn nhiều cán bộ cao cấp của Đảng an toàn tuyệt đối trong suốt thời kỳ chiến tranh ác liệt. Đồng chí Ba Tôn (Nguyễn Văn Thuyền) là cán bộ thường xuyên ở hầm bí mật dưới nền miếu, thoát qua bao lần hiểm nguy trước mũi súng kẻ thù. Nhớ ơn, sau giải phóng, đồng chí Ba Tôn trực tiếp về lo tu sửa xây mới ngôi miếu ân nghĩa này khang trang như ngày nay.

Miếu Ngũ Hành là một trong số di tích còn lại khá nguyên vẹn của dòng họ. Số di tích khác chỉ còn vị trí, bị thay đổi nhiều hoặc thay đổi hẳn dáng dấp xưa, nay chỉ còn trong ký ức của lớp con cháu. Ông Trương Văn Hứ nhắc lại lời kể của mẹ là bà Hà Thị Khỏe rằng: Miếu Ngũ Hành xưa nằm ở bìa rừng thiên nhiên của ông bà khi mở đất giữ lại khoảng 1 ha rừng trồng, cộng với cây cổ thụ nguyên sinh, ý để con cháu sau này nhớ đến thời khai hoang gian khổ.

Nhưng qua hai cuộc chiến tranh kéo dài, bom đạn giặc đã hủy diệt sạch. Ngay cây cám cổ thụ duy nhất còn sót lại trong vườn nhà ông Sáu Hứ, ông đã nhiều lần đấu tranh với giặc quyết giữ lại rất gay go. Cuối cùng, thừa lúc ông vắng nhà, địch cho xe ủi đất triệt hạ. Rừng thiên nhiên không còn nhưng đất của rừng thiên nhiên vĩnh viễn sẽ còn mãi như con cháu họ Trương mãi mãi trường tồn, như bà con quê hương Mỹ Hạnh quyết bám đất giữ làng, ra sức giữ gìn và phát triển nơi chôn nhau cắt rốn, nguồn cội của dòng họ ngày càng giàu đẹp hơn lên.

Khu đất rừng thiên nhiên nằm giữa hai khu vườn nhà của ông Trương Văn Hứ và ông Trương Văn Minh đang khai thác trồng trọt các loại hoa màu. Người ta còn biết rừng thiên nhiên nhờ còn Miếu Ngũ Hành vốn nằm ở đầu bìa rừng, và Đìa Sen nằm dọc bên hông, Đìa Sen nằm dọc suốt chiều dài của rừng thiên nhiên, cách nhau bằng một bờ ranh. Diện tích Đìa Sen rộng 5 sào, gần bằng nửa diện tích rừng thiên nhiên. Đìa Sen vẫn còn, lòng đìa cạn hiện còn lác đác bông sen bông súng, có cá nuôi làm thức ăn độ nhựt. Nhiều người trong họ kể lại Đìa Sen xưa nơi chứa nước ngọt trong lành để cho bà con trong vùng gánh xài vào mùa khô hạn. Sen mọc nhiều điểm trang hoa đẹp. Cá dưới ao không ai bắt, lưu cửu năm nay qua năm nọ, đến nỗi cá lóc mọc râu (!)

Đất Mỹ Hạnh xưa lồi lõm, có nhiều giồng, dưới giồng đất thấp là ruộng, đất sâu biến thành đầm đìa. Đất ông bà họ Trương có nhiều đìa, tận dụng đìa trữ nước, nuôi cá. Đìa Sen ở cạnh khuôn viên nhà. Ra xa một khoảng có Đìa Treo rộng khoảng 20 cao đất, nay vẫn còn, diện tích đã bị thu hẹp. Cá đồng sống quanh năm nhờ bờ đìa mát rượi bóng mát cây trâm, cà na mọc quanh bờ đìa. Cách đó một đỗi là đìa Ngắt Nghéo, có tên trong bản đồ cũ. Có lẽ đây là một trong những điểm bắn pháo của Mỹ Ngụy, là điểm của du kích bám trụ.

Dãy đìa này được coi là những dấu tích còn lại thời khai hoang của ông bà, con cháu trong họ thỏa thuận phân chia ra để quản lý, khai thác, giữ gìn.

Tất cả những di tích của ông bà để lại dù lớn nhỏ, dù còn nguyên vẹn hay đã hư hỏng biến dạng thay hình, đối với con cháu họ Trương ta vẫn là những kỷ vật vô giá, vừa có giá trị như những nhân chứng sống nhắc nhở tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống dòng họ cho con cháu mai sau luôn nhớ đến cội nguồn và giữ gìn thanh danh dòng họ ta vậy.

Biết rõ nguồn cội để chúng ta càng thêm yêu kính tổ tiên ông bà. Hiểu rõ lịch sử vùng đất nơi đã đùm bọc che chở nuôi dưỡng tổ tiên ông bà ta, chúng ta càng thêm yêu thương bảo vệ mảnh đất quê hương, càng ra sức dựng xây – coi như là tiếp tục sự nghiệp của ông cha – vừa làm theo ước nguyện của tổ tiên, vừa giúp ích cho đời, tức là con cháu đã góp phần làm cho rỡ ràng thêm dòng họ.

ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

Cũng như bao dòng họ khác, họ Trương ta cũng có đặc điểm của mình.

Đối với các nguyên tổ ở miền Trung đã có truy tìm nhưng chưa được đầy đủ, chính xác (vẫn còn tiếp tục) được biết một số vị có làm quan võ thời vua Quang Trung, Cảnh Thịnh (có sắc phong). Nhưng từ đời ông Tổ Trương Văn Thêm vào Nam và các lớp con cháu sau này chuyên sống chủ yếu bằng nghề nông hết sức cần cù chịu khó từ tay trắng mà lập nên sự nghiệp, có nhiều ruộng đất ở Giồng Sến và Giồng Dứa, có nhiều ngôi mộ đá xanh, to, hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn ... chứng tỏ gia thế khá giả nhưng không có vị nào làm quan cho Pháp, cả trong ban chức sắc hội tề làng. Có lẽ do xa trường học và đường đi lại khó khăn, trong thời chiến tranh con cháu ít được đi học. Mãi đến đời IV, đời V, chiến tranh tạm yên trong con cháu có nhiều người học hành giỏi giang, thành đạt.

Mang truyền thống yêu nước chống áp bức bất công, tổ tiên họ Trương quyết chí lập nghiệp nơi đất mới, nên ra sức bảo vệ thành quả của mình, đông đảo con cháu họ Trương ta hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến. Nhiều người anh dũng hy sinh, nhiều người đã giữ chức vụ quan trọng như chủ tịch huyện Đức Hòa thời đầu chống Pháp ác liệt, đặc biệt có người là ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, có người được tổ chức bố trí làm nội tuyến chiến đấu trong lòng địch đã lập thành tích xuất sắc; hầu hết gia đình con cháu họ Trương đều là cơ sở cách mạng, trong đó có hầm bí mật trong miếu Bà suốt hàng chục năm trời nuôi giấu bao lớp cán bộ cao cấp do gia đình họ Trương bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đến ngày giải phóng, dù đã bị địch bắt bớ tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Kiên quyết với kẻ thù, chan hòa với làng xóm, thương yêu, đùm bọc trong dòng họ là đạo đức nổi bật của họ Trương và trong hoàn cảnh nào, lúc nghèo khó hoạn nạn hay khi khá giả, danh giá hiển đạt vẫn một mực khiêm tốn thương yêu quý trọng mọi người nên được nhân dân trong vùng kính mến kính trọng. Đến nay dù có nhiều người tham gia cách mạng nhưng nề nếp gia phong vẫn được giữ vững thể hiện rõ trong những ngày cúng giỗ ông bà. Những người có điều kiện thường quan tâm giúp đỡ cho con cháu, việc học hành, lo công ăn việc làm và nhắc nhau việc đối nhân xử thế trong và ngoài dòng họ nối truyền danh giá họ Trương ta.