Trang chủ > 072. Gia phả họ Trần (ấp Long Hưng, Long Trì, Châu Thành, Long An)

072. Gia phả họ Trần (ấp Long Hưng, Long Trì, Châu Thành, Long An)

21/08/2022 16:53:09

Gia phả họ Trần ở ấp Long Hưng, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012. 

LỜI CẢM ƠN

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM và gia tộc Trần xin chân thành cảm ơn lãnh đạo tỉnh Long An, huyện Châu Thành, các xã Long Trì, An Lục Long, Dương Xuân Hội, Phú Ngãi Trị, nhà tưởng niệm Hương trưởng Trần Vĩnh Hoài đã phối hợp, giúp đỡ chúng tôi trong việc gắn với tổ quán, địa phương để khảo sát, nghiên cứu, phỏng vấn… về việc dựng bộ gia phả này.

Cảm ơn Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, Hội đồng Khoa học TP.HCM, Hội đồng Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, Nhà Lưu niệm Trần Văn Giàu; Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bảo tàng TP.HCM đã cung cấp tài liệu mật thời thực dân Pháp và di vật lịch sử; Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Tuấn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM… đã nhiệt tình hỗ trợ điều kiện, phương tiện trong quá trình tác nghiệp của đoàn chuyên viên gia phả, riêng ông Trần Văn Thọ (đời X) và ông Nguyễn Chơn Trung - cháu ngoại bà Trần Thị Kế (đời X họ Trần) - đã vận động tài trợ phần in ấn gia phả; đặc biệt tỉnh Long An tổ chức trọng thể lễ giao nhận bộ gia phả Họ Trần (GS Trần Văn Giàu) tại thành phố Tân An, tỉnh Long An ngày 27/8/2012.

Tất cả sự đóng góp quý báu trên của quý cơ quan, đơn vị, cá nhân đã thể hiện tấm lòng đối với giáo sư Trần Văn Giàu và góp phần cùng chúng tôi hoàn thành bộ gia phả quan trọng, đầy tình nghĩa này.

Ngày 19 tháng 6 năm 2012

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HÀNH GIA PHẢ TP.HCM và GIA TỘC HỌ TRẦN

 

LỜI TỰA

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, ông Út tôi (tức giáo sư Trần Văn Giàu - em ruột ông nôi tôi) từ miền Bắc trở về. Ông là người lớn tuổi nhứt của dòng họ còn sanh tiền, nhứt là tài năng, sự cống hiến cả cuộc đời ông cho dân tộc nên con cháu, dòng họ, bà con ở xóm làng đều hết sức kính yêu và quý trọng. Ông là tấm gương lớn để con cháu noi theo. Việc đầu tiên khi ông về tới quê nhà là đi viếng mồ mã ông bà, thắp nhang quỳ lạy mà khóc, thăm nhà thờ Tổ tiên, trân trọng xem kỹ từng kỷ vật còn sót lại, như bàn thờ , tủ gỗ, cặp liễng đối mà ông đã thấy từ thời niên thiếu, rồi mới đi thăm hỏi bà con họ hàng. Ông rất mừng khi tiếp nhận Bản Phú ý bằng chữ Nho do ông Trần Đức Bốn (đời VI) để lại. Ông nhắc về “Mã Bảy”, về các ngày giỗ ông bà Tổ tiên…

Việc làm của ông đã tạo ấn tượng sâu sắc, là bài học quý giá cho chúng tôi - hậu duệ họ Trần - về lòng tôn kính Tổ tiên, thương nhớ cội nguồn, thương yêu những người cùng huyết thống. Nên tôi, Trần Văn Mẫn, là cháu đích tôn chi trưởng của dòng họ Trần ta, người nắm khá nhiều tư liệu về dòng họ, theo tinh thần của tổ tiên ngày trước ghi chép lại quan hệ huyết thống của dòng tộc. Lần đầu do ông Trần Đức Bốn (đời VI), lần thứ hai do ông cố tôi là Trần Văn Chơi (đời IX) lập bảng tông chi… Tôi đang tiếp bước thì may thay tại đám tang của Giáo sư Trần Văn Giàu ở Nhà tang lễ TP.HCM, có chuyên viên gia phả (Trung Tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM) đến viếng và hỏi chuyện những người thân trong gia đình, được biết có Bảng Tông chi họ Trần. Sau đó được sự đồng ý của Ban Giám đốc Trung tâm Gia phả và Trung tâm tự nguyện nhận dựng bộ gia phả họ Trần (giáo sư Trần Văn Giàu) hiến tặng cho dòng họ để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với thầy Trần Văn Giàu, đối với họ tộc Trần đã có công sanh thành dưỡng dục một người con ưu tú làm rạng danh cho dòng họ, quê hương và dân tộc.

Từ tháng 6/2011 đến nay, gia đình tôi (tôi và hai con tôi) và em Phương (Trần Văn Phương), đại diện họ Trần ta cùng con cháu trong họ tộc, hết lòng phối hợp, sát cánh với các chuyên viên Trung Tâm gia phả trong việc đưa đón, dẫn đường, tổ chức đi lại, ăn nghỉ cho hàng chục chuyến đi, cung cấp văn tự, tư liệu về gia phả, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của các chuyên viên trong khi tác nghiệp.

Nhờ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bà con trong họ, đến nay công việc đã hoàn thành. Dòng họ ta đã có bộ Gia phả họ Trần hoàn chỉnh từ đời Cao Tổ Trần Đức Loan (đời IV) đến con cháu chúng ta là đời thứ XIV hiện nay.

Bộ gia phả gồm các phần chính Phả ký: tóm lược đầy đủ, bao quát sự nghiệp, công đức Tổ tiên ông bà qua các thế hệ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, lịch sử địa lý nhân văn vùng đất quê hương và hướng phát triển xây dựng dòng họ văn hóa cho lớp con cháu nối truyền. Phả hệ: ghi chép có hệ thống, trật tự thế thứ từ Cao Tổ, họ tên những con, cháu, chắt… kèm hành trạng từng người nối tiếp hết đời này đến đời khác cho đến ngày nay. Phả đồ: sơ đồ ghi tên những người họ Trần (cả nam và nữ) theo từng đời để dễ nhận biết thế thứ của mỗi người trong họ tộc. Ngoại phả: Những bài viết đi sâu về những người có công lao đóng góp nổi bật trong dòng họ và xã hội - mà trong phần Phả hệ chưa nói hết; những công trình, di tích, sự kiện có liên quan đến dòng họ và Phụ khảo: những vấn đề, sự kiện để tham khảo, nghiên cứu bổ sung cho việc tìm hiểu sâu hơn phần chính phả.

Bộ gia phả là gia bảo của dòng họ và rất thiêng liêng vì chứa đựng họ tên, linh hồn của Tổ tiên ông bà nên phải được ra sức giữ gìn và đặt trang trọng nơi bàn thờ gia tiên; chỉ được xem và đọc cho con cháu nghe về công trạng của ông bà trong ngày giỗ hoặc trước khi cưới dâu chọn rễ để tránh nhầm người trong họ.

Nhân dịp này, chúng tôi xin kính lời cảm ơn chân thành đến Đảng, chánh quyền các cấp đã nhiệt tình ủng hộ, đến bà con cô bác, anh chị em  cháu trong dòng họ đã nhiệt tình cung cấp thông tin, tư liệu cho các chuyên viên gia phả hoàn thành nhiệm vụ; chân thành cảm ơn các chuyên viên gia phả đã hết lòng, vượt nhiều khó khăn vất vả, tận tụy với công việc, phối hợp tốt với dòng họ. Qua đây chúng tôi cũng trân trọng kính lời cảm ơn sâu sắc đến Ban giám đốc Trung tâm Gia phả đã quan tâm chỉ đạo đoàn chuyên viên giỏi thực hiện hoàn chỉnh bộ gia phả đồ sộ và quý báu cho họ Trần chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn tất cả.

Tổ quán Long Trì mùa Thu 2012

Đại diện họ Trần

Đời XII

TRẦN VĂN MẪN

TRẦN VĂN PHƯƠNG

Kính báo

 

PHẢ KÝ

Việt Nam có Quốc Tổ Hùng Vương. Không biết trên thế giới này có mấy dân tộc được hạnh phúc vô cùng to lớn như Việt Nam ta? Quốc Tổ sanh ra trăm họ, là cội nguồn cao nhứt, duy nhứt của một dân tộc thống nhứt. Hễ là người con đất Việt mang trong tim dòng máu Lạc Hồng dù ở chơn trời góc biển, cứ đến ngày giỗ Quốc Tổ, lòng ai cũng dậy lên niềm tự hào yêu kính đến xốn xang hướng về đất Tổ vua Hùng.

Lòng tri ân “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành đạo lý của người Việt Nam, là nét đẹp truyền thống văn hóa muôn đời của dân tộc. Chính truyền thống văn hóa nầy là nội lực vô tận tạo ra sức mạnh vô biên trang bị cho dân tộc ta đủ sức chống chọi và quyết thắng mọi kẻ thù trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước suốt mấy ngàn năm qua và mãi mãi trường tồn. Một tin vui lớn là hồ sơ đề cử “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã đệ trình UNESCO sẽ xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (SGGP, 15.5.2012).

Nước có sử, Nhà có phả.

Sử để ghi chép sự hưng vong của đất nước, Phả ghi lại sự thạnh suy cảu một gia tộc, dòng họ. Dân tộc do nhiều họ tộc hợp thành trong nghĩa đồng bào thiêng liêng bền chặt. Mỗi họ tộc do một ông bà Tổ sanh ra trong tình huyết thống, ruột rà. Đối với Tổ quốc đã vậy, đối với Tổ tiên gia tộc ông bà có phần gần gũi hơn. Nhứt là các lớp hậu duệ biết được nguồn cội, thấu hiểu phần nào nỗi gian truân, vất vả của Tổ tiên trong việc định cư, dựng nghiệp, nối truyền cho con cháu sau nầy.

Như họ Trần ta, là một trong những họ tộc lớn, hiện diện gần ba trăm năm đã  góp công đầu khai hoang mở đất vùng Tân An, trấn Gia Định nối truyền con cháu đến nay được 14 đời.

I.  PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo Bảng Phú ý họ Trần bằng chữ Nho từ ông bà truyền lại ghi rõ, ba đời viễn tổ :  TRẦN ĐỨC TĂNG (đời I), Trần Đức Huệ (đời II) và Trần Đức Long (đời III) là ở Tổ quán thôn Hòa Ninh, Tổng Trung, huyện Phù Mỹ (nay là xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), tỉnh Bình Định. Lịch sử địa lý tỉnh Bình Định ghi : năm 1471, Phù Mỹ là một phần của huyện Phù Ly thuộc phủ Hoài Nhơn. Năm 1832, Phù Ly được chia làm 2 huyện : Phù Cát và Phù Mỹ, lấy sông La Tinh làm ranh giới tự nhiên, lỵ sở Phù Mỹ đóng tại thôn Trà Quang (nay là thị trấn Phù Mỹ); Bắc giáp Hoài Nhơn, Nam và Tây Nam giáp Phù Cát, Tây Bắc giáp Hoài An, hướng ra biển.

Phiên âm (từ nguyên bản chữ Hán)

Nhứt biên - Viễn tổ cư tại Phù Mỹ huyện, Trung tổng, Hòa Ninh thôn. Nhứt biên phú ý.

Nhứt biên - Viễn tổ Trần Đức Tăng hạ sanh Trần Đức Huệ.

Nhứt biên - Trần Đức Huệ hạ sanh Trần Đức Long, Trần Thị Nghĩa.

Nhứt biên - Trần Đức Long hạ sanh Trần Đức Loan.

Nhứt biên - Nội Nhứt Chi Cao Tổ Trần Đức Loan hạ sanh nam nữ đẳng (1) danh thị.

Nhứt biên - Trần Đức Nghị, Trần Đức Nhị, Trần Đức Chấn, Trần Đức Hòe, Trần Đức Tâm, Trần Thị Ký, Trần Thị Yên, Trần Thị Thạnh, Trần Thị Lựu, Trần Thị Yến.

Nhứt biên - Trần Đức Chấn hạ sanh Trần Đức Bốn, Trần Đức Đinh, Trần Đức Trinh, Trần Đức Tuyết, Trần Đức Nguyên (Ngươn), Trần Thị Diệu, Trần Thị Phương, Trần Thị Cừu (2), Trần Thị Mai.

Dịch Nghĩa

• Ông Viễn Tổ họ Trần ở thôn Hòa Ninh, Tổng Trung, huyện Phù Mỹ.

- Ông Viễn Tổ TRẦN ĐỨC TĂNG sanh ra Trần Đức Huệ.

- Ông TRẦN ĐỨC HUỆ sanh ra Trần Đức Long, Trần Thị Nghĩa.

- Ông TRẦN ĐỨC LONG sanh ra Trần Đức Loan.

• Chi ông Cao Tổ  TRẦN ĐỨC LOAN sanh ra các nam nữ:

Trần Đức Nghị  -  Trần Đức Nhị  -   Trần Đức Chấn.

Trần Đức Hòe - Trần Đức Tâm  - Trần Thị Ký

Trần Thị Yên -  Trần Thị Thạnh  -  Trần Thị Lựu -  Trần Thị Yến.

- Ông Trần Đức Chấn sanh ra Trần Đức Bốn  -  Trần Đức Đinh

Trần Đức Trinh -  Trần Đức Tuyết -  Trần Đức Nguyên

Trần Thị Diệu -  Trần Thị Phương -  Trần Thị Cừu -  Trần Thị Mai.

Dịch nghĩa :

- Ông Cao Tổ Trần Đức Loan kỵ ngày mồng 4 tháng giêng.

Bà ( không ghi tên) kỵ ngày 30 tháng 8.

- Ông Hiển Khảo ( cha) Trần Đức Bốn kỵ ngày 22 tháng 4.

Bà  ( không ghi tên) kỵ ngày 14 tháng 2.

- Nội thúc ( ông Chú) Trần Đức Đinh kỵ ngày 7 tháng 5.

Bà kỵ mồng 6 không ghi tháng.

- Đường thúc (chú) Trần Đức Quý kỵ ngày 23 tháng 3

- Tổ Cô ( Bà Cô) Trần Thị Ký kỵ ngày 27 tháng 12.

- Trần Đức Thủ kỵ ngày 17 tháng 6.

Bà kỵ ngày 16 tháng 10.

- Trần Đức Khanh kỵ ngày 10 tháng 3.

- Trần Thị Quý kỵ ngày 19 tháng 3

(Người dịch: Võ Văn Sổ, chuyên viên Hán - Nôm Trung Tâm nghiên cứu và thực hành Gia Phả  TP.HCM, 2.2011)

Tới đời IV, Cao Tổ TRẦN ĐỨC LOAN (sanh năm Canh Tý 1720), lúc tuổi trưởng thành, khoảng năm 1760 vào Nam lập nghiệp. Con cháu tôn ông là Cao Tổ họ Trần ở trong Nam, không rõ cụ Cao Tổ đi bằng cách nào và cùng đi với ai, chỉ biết đến lập nghiệp tại thôn An Tập, xã Long Trì, tổng Thạnh Mục Hạ, huyện Tân Thạnh, Phủ Tân An, trấn Gia Định (nay xã Long Trì, huyện Châu Thành, Tỉnh Long An). Hiện phần mộ cụ Cao Tổ tại ấp Long Hưng, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, được con cháu nhiều lần tôn tạo khang trang. 

Trung Tâm nghiên cứu và Thực hành gia phả TP.HCM đã cử chuyên viên gia phả hai lần về Tổ quán xã Mỹ An (Bình Định). Nhưng do cách xa về thời gian và cách trở về không gian, lại chiến tranh kéo dài dòng họ hai nơi không liên lạc được, dù cố gắng tìm nhưng chưa đạt kết quả (có bài ghi nhận ở phần phụ khảo). Con cháu họ Trần nghĩ cụ bà Cao Tổ không vào Nam, bà ở lại Tổ quán cùng 8 người con còn lại vì trong Nam, chỉ dựa theo bảng Tông Chi, ông bà Cao tổ sanh hạ được 10 người con (5 nam, 5 nữ) như sau :

THỨ HAI :  TRẦN ĐỨC NGHỊ

THỨ BA :  TRẦN ĐỨC NHỊ

THỨ TƯ :  TRẦN ĐỨC CHẤN

THỨ NĂM :  TRẦN ĐỨC HÒE

THỨ SÁU :  TRẦN ĐỨC TÂM

THỨ BẢY : TRẦN THỊ KÝ

THỨ TÁM :  TRẦN THỊ YẾN

THỨ CHÍN :  TRẦN THỊ THANH

THỨ MƯỜI :  TRẦN THỊ LỰU

THỨ MƯỜI MỘT :  TRẦN THỊ YẾN

Trong năm người con trai của vị Cao Tổ, chỉ có ông Tổ Trần Đức Chấn (chi trực hệ) sanh con, cháu nối dòng đến nay là đời thứ XIV. Từ thực tế nầy, được sự đồng ý của đại diện họ tộc, chúng tôi xin phép được phân thành chi từ các người con trai của ông Tổ Trần Đức Chấn, tức đời thứ VI trở đi. 

Ông bà Tổ Trần Đức Chấn (không biết tên bà) sanh hạ 9 người con (5 nam, 4 nữ) : 

Thứ hai : Trần Đức Bốn

Thứ ba  : Trần Đức Đinh

Thứ tư   : Trần Đức Trinh

Thứ năm: Trần Đức Tuyết

Thứ sáu : Trần Đức Nguyên

Thứ bảy : Trần Thị Diệu     

Thứ tám : Trần Thị Phương

Thứ chín: Trần Thị Cừu 

Thứ mười: Trần Thị Mai (đời VI).

• Năm người nam hình thành 5 chi:

Chi thứ nhứt :  Trần Đức Bốn

Chi thứ nhì   :  Trần Đức Đinh

Chi thứ ba    :  Trần Đức Trinh

Chi thứ tư     :  Trần Đức Tuyết

Chi thứ năm :  Trần Đức Nguyên

Chi ông Trần Đức Bốn là chi trưởng, có đông đảo con cháu, có danh nhân Trần Văn Giàu.

Ông Trần Đức Bốn (đời VI) sanh hạ 5 người con (3 nam, 2 nữ -đời VII): 2. Trần Đức Thủ, 3. Trần Đức Dư, 4. Trần Đức Thạnh, 5. Trần Thị Đẹp, 6. Trần Thị Thường.

Ông Trần Đức Đinh (đời VI) có 2 người con : Trần Thị Nhượng và Trần Đức Quý (đời VII). Ông Trần Đức Trinh (đời VI) có 3 người con trai : Trần Đức Dõng, Trần Đức Luân, Trần Đức Bàn (đời VII). Ông Trần Đức Nguyên (đời VI) có 2 người con trai : Trần Đức Khá và Trần Đức Lưu (đời VII).

Ông Trần Đức Bốn (đời VI) sanh trưởng nam là Trần Đức Thủ (đời VII), ông Trần Đức Thủ sanh trưởng nam là Trần Đức Khanh (đời VIII) - cũng là cháu đích tôn của ông Trần Đức Bốn.

Ông Trần Đức Thủ (đời VII) sanh ông Trần Đức Dụng (đời VIII), ông Trần Đức Dụng sanh ông Trần Văn Chơi (đời IX), ông Trần Văn Chơi sanh ông Trần Văn Giàu (đời X). Ông Trần Văn Giàu là cháu nội ông Trần Đức Dụng, cháu cố ông Trần Đức Thủ, cháu sơ ông Trần Đức Bốn.

Từ đời IX trở về sau, con cháu họ “Trần Đức” đều đổi thành “Trần Văn” vì lý do chánh trị. Có hai sự kiện chứng minh việc này như sau :

- Ông Trần Đức Dụng là nghĩa quân chống Pháp thời kỳ Thủ Khoa Huân, khi qua đời, thay vì  an táng tại đất nhà ấp Hồi Xuân (Dương Xuân Hội) nằm cạnh vợ là bà Trương Thị Điển, mà phải đưa về an táng tại ấp Long Thành, xã Long Trì, sợ địch san phá mộ.

- Bản khai tử của ông Trần Văn Chơi, thay vì ghi tên cha mẹ của ông là Trần Đức Dụng và bà Trương Thị Điển, người nhà lại khai:

• Cha:  Trần Văn An, là anh thứ sáu của ông Trần Văn Giàu, cũng đã cùng anh ruột là Trần Văn Nuôi tham gia phá Khám Lớn Sài Gòn, thất bại lui về, bệnh chết, chưa vợ con.

• Mẹ: bà Nguyễn Thị Khá là kế mẫu của ông Trần Văn Chơi (và trong thời điểm đó, ông Trần Văn Giàu đang bị lãnh án tù 5 năm, đày đi Côn Đảo).

Ông Trần Văn Chơi (đời IX) là người con trai thứ haicủa ông Trần Đức Dụng (đời VIII) có tới 10 người con (5 nam, 5 nữ), trong đó có người con trai út là danh nhân Trần Văn Giàu (đời X).

Đến nay, con cháu họ Trần đã nối truyền đến đời XIV, phần lớn ở trên đất ông bà tại các xã Long Trì, An Lục Long, Dương Xuân Hội (Châu Thành, Long An), một số ít ở Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai do điều kiện làm ăn, công tác và các bà theo chồng.

Tổ quán:

Từ việc ngôi mộ cụ Cao Tổ Trần Đức Loan tại ấp Long Hưng, xã long Trì, huyện Châu thành, tỉnh Tân an (nay là Long An), con cháu họ Trần coi rằng đây là nơi phát xuất đầu tiên lập nghiệp là Tổ quán của họ Trần phương Nam. Nơi đây còn có các mộ ông bà Trần Đức Chấn (đời V), mộ người em gái của ông là Trần Thị Ký (đời V). Khi cuộc sống ổn định, con cái lớn lên có sức lao động lại tích lũy được số vốn ông bà mở rộng khai hoang xuống ấp Long Trường (xã Long Trì). Sở ruộng nầy gọi là Sở Miễu Điền vì trong phần ruộng có lập đền thờ Thần và miễu thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Về sau vì thiếu nước ngọt  rất khó khăn trong lệ cúng tháng 4 Âm lịch hàng năm, vì ngọn rạch dần bị cạn lấp, nên bổn tộc và bà con trong ấp nhứt trí tổ chức cúng bái xin keo được dời đình Thần về ấp Long Thành cho thuận tiện trong lệ cúng. 

Có nguồn nước ngọt, con cháu quy tụ về thêm nhiều xây dựng nhà cửa xóm ấp tại ấp Long Thành đông vui như ngày hôm nay. Tại đây có mộ ông Trần Đức Bốn (đời VI) và mộ các ông bà qua đời về sau. 

Về nguồn gốc khu nhà thờ họ Trần hiện nay có mộ song thân của ông Trần Văn Giàu và mộ ông bà giáo sư Trần Văn Giàu cùng người anh trai Trần Văn Nuôi - đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa tỉnh Long An lập hồ sơ Di tích lịch sử “Khu lưu niệm Trần Văn Giàu”, tiến tới xây dựng phương án tôn tạo, dự án quy hoạch khu lưu niệm với quần thể khu mộ của giáo sư và gia tộc, nhà thờ, nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư cùng những hạng mục khác… Đây là đất của ông Trương Đình Tòng và bà Trần Thị Tồn cho con gái là bà Trương Thị Điển và con rể là Trần Đức Dụng (đời VIII của họ Trần, là ông nội của giáo sư Trần Văn Giàu . (có bản văn tự chữ Nho ở phần Phụ khảo).

Ông Võ Hoàng Xương, Kế hiền trong Ban Lễ bái cúng thần đình Long Trì nghe và kể lại như sau:

“Nguồn gốc thờ thần ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, trước kia đền thờ thần được lập và thờ cúng giữa hai xã Bình Dương và Thạnh Xuân. Hai xã này được sáp nhập thành xã Thanh Bình hiện nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (giáp ranh về phía Tây của xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Theo truyền khẩu, Thần đạp đồng bảo dời về phần đất Miễu Điền, nay thuộc ấp Long Hưng, xã Long Trì, vì nơi đó là “rốn rồng”.

Về sau vì thiếu nguồn nước nên nhân dân lễ bái xin dời về nơi mới thuộc ấp Long Thành, xã Long Trì. Người dân quen miệng nói khi đến lệ cúng phải thỉnh Bà Thầu về đình cúng, nhưng không phải vậy. Vì nơi thờ của Miễu Điền vẫn thờ Linh Thần, còn nơi đình lớn tuy có thờ sắc phong nhưng là nơi thờ phụ, thuận tiện nguồn nước cho việc cúng bái, nên khi cúng phải khiêng kiệu về Miễu Điền thỉnh “Linh Thần”, không phải thỉnh Bà Thần.

Trong sắc phong, vua Tự Đức không ghi danh tánh của vị Thần, sắc phong giờ vẫn còn thờ tại đình ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Nơi đền thờ Miễu Đình, bàn thờ chính thờ “Lịnh Thần” và Tả, Hữu ban; hai bên bàn thờ: thờ Tiền hiền và Hậu hiền.

Phía trước sân, đối diện: thờ Thần Nông; bên phải: thờ Ngũ hành; bên trái: thờ Bạch mã (Thái Huân, xưa  Thần cải đi đánh giặc).

II.  ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

1. Truyền thống yêu nước, bất khuất

Truyền thống yêu nước bất khuất của họ Trần trước mọi kẻ thù  được nối truyền liên tục nhiều đời, ít thấy dòng họ nào có được. Từ đời thứ VI có cụ Trần Đức Trinh vì chống lại sự bất công của cường quyền bị giặc bắt thà hy sinh trong tù chớ không chịu khuất phục. Con trai ông là ông Trần Đức Bàn (đời VII) là em ruột ông Trần Đức Bốn (ông sơ giáo sư Trần Văn Giàu) theo Thủ Khoa Huân khởi nghĩa bị Pháp bắn tập thể chôn ở Mã Bảy (bảy người chung một mộ, có bài viết riêng ở phần ngoại phả). Đời VIII có ông Trần Đức Dụng là nghĩa quân chống Pháp. Nên khi ông qua đời, thay vì an táng ở đất nhà ấp Hồi Xuân xã Dương Xuân Hội mà phải đưa về ấp Long Thành xã Long Trì an táng để tránh tai mắt địch. Giặc Pháp rất thâm thù họ Trần và tuyên bố : “Bắt được dòng dõi Trần Đức là bắn bỏ, không cần tra xét”. Có thể vì lẽ đó, từ đời IX trở về sau, dòng họ Trần Đức đổi sang Trần Văn. Đời X có người anh ruột của giáo sư là ông Trần Văn Nuôi, Trần Văn An tham gia Thiên Địa Hội đánh phá khám lớn Sài Gòn. Ông Trần Văn Nuôi có 3 người con (đời XI) là Trần Thị Biểu (Hay), Trần Văn Quản, Trần Văn Nam đều là liệt sĩ. Bà Trần Thị Nên (đời VIII) có 6 người cháu cố (đời X1) là An, Bang, Vĩnh, Thới, Lài và Kiên đều là liệt sĩ… Đặc biệt là giáo sư Trần Văn Giàu, người tiêu biểu cho ý chí kiên cường - thừa hưởng dòng máu  bất khuất của Tổ tiên xứ võ Bình Định - trung nghĩa tiết tháo tận trung với nước, tận hiếu với dân tự nguyện cống hiến suốt cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng, làm rạng danh cho dòng họ và quê hương (có bài viết riêng ở phần Ngoại phả).

2. Tình nghĩa thủy chung

Ông Trần Văn Nam (cháu ruột giáo sư Trần Văn Giàu), cán bộ cách mạng kết hôn với bà Nguyễn Thị Dung, lễ rước dâu lúc trưa, 4 giờ chiều ông nhận lịnh đi công tác rồi bị địch bắt, đày Côn Đảo vô thời hạn, vượt ngục về chiến đấu hy sinh. Bà Dung vẫn một lòng chờ đợi, thường xuyên tới lui chăm sóc mẹ chồng. Mãi về sau bà Dung mới tái giá và thường hay dẫn con về thăm bà nội . Khi bốc hài cốt ông Trần Văn Nam về nghĩa trang liệt sĩ, mẹ con bà cũng đến cúng bái thật nghĩa tình. Ông Trần Văn Thành (em ruột ông Trần Văn Nam) và gia đình đề nghị để bà Nguyễn Thị Dung được hưởng chế độ quả phụ liệt sĩ (Trần Văn Nam) đến hết đời.

Giáo sư Trần Văn Giàu, khi già yếu - dù đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, khoa học và dân tộc - vẫn cảm thấy chưa thỏa lòng. Giáo sư đã tự nguyện trao tặng một ngàn lượng vàng, gần hết số tiền bán nhà của mình cho Hội Đồng khoa học xã hội Tp. Hồ Chí Minh thành lập “Giải thưởng Trần Văn Giàu” như giáo sư bày tỏ: “Tôi có một tâm nguyện từ vài chục năm nay là lập một giải thưởng khoa học ở Tp. Hồ Chí Minh về hai lĩnh vực mà tôi gắn bó nửa thế kỷ nay: Sử học và Lịch sử  tư tưởng. Đương nhiên, sử học và lịch sử tư tưởng nói ở đây là bản sắc của Việt Nam, với giải thưởng, còn cụ thể hóa hơ : Khu vực Nam bộ, Cực nam Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh”. (Trần Văn Giàu, thư gởi các đồng chí: Tô Bửu Giám, Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Văn Lịch, ngày 4 tháng 9 năm 2001). Đến nay Ủy Ban Giải Thưởng Khoa học Trần Văn Giàu đã phát được 5 giải, có ảnh hưởng rất tốt đối với các nhà sử học, triết học, nhà nghiên cứu, sinh viên khoa Sử nói chung là ngành sử học Tp. Hồ Chí Minh và Nam Bộ.

Giáo sư có mất đi vẫn còn trách nhiệm với đời, còn ươm mầm cho cuộc sống.

Nghĩa tình nầy thật sâu đậm và cao đẹp biết nhường nào!

3. Hiếu học, cầu tiến

Từ đời XIII trở đi, được sống trong cảnh đất nước thanh bình, cuộc sống có khá lên, con cháu họ Trần cả nam lẫn nữ đã khơi dậy lòng hiếu học của dòng họ. Hàng chục sinh viên đang học và tốt nghiệp ở các ngành mũi nhọn của đất nước. Như Trần Thái Học, sinh viên trường Cao Đẳng Dầu khí, Vũng Tàu, Trần Thị Yến Nhi , sinh viên Đại học kinh tế Long An, Trần Minh Nhân, Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, và anh ruột là Trần Minh Sang, kiến trúc sư làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh v.v…

Điều đáng quý và tự hào nữa, trong các đợt nghĩa vụ mấy năm qua, hàng loạt nam nữ thanh niên họ Trần tình nguyện đăng ký phục vụ lâu trong quân đội trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Như Trần Văn Khuyên, nay là thiếu úy thuộc tiểu đoàn 180 quân khu 7, Trần Văn Tiễn, nay là Thiếu úy thuộc huyện đội Châu Thành (Long An), Trần Thị Mừng, nay là Trung úy thuộc tỉnh đội Long an - chồng là Phan Anh Kiệt, Đại úy giáo viên huấn luyện quận sự tại tiểu đoàn 1 Long An v.v… Riêng trường hợp giáo sư Trần Văn Giàu với tinh thần hiếu học, bộ óc khái quát cao, tư duy mẫn tiệp… đã trở thành người thầy của nhiều người thầy chân chính nướv ta.

Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, không ít thanh niên đua nhau theo học những ngành “nhạy cảm”, hoặc ham thích làm thuê cho các công ty nước ngoài để được nhiều tiền, thì con cháu họ Trần ta vẫn miệt mài học giỏi để góp phần xây dựng đất nước, nhứt là tình nguyện tham gia quân đội chấp nhận gian khổ hy sinh, chẳng đáng quý lắm hay sao?

4. Đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống

Họ Trần có truyền thống đùm bọc, giúp đỡ, nhường nhịn nhau trong cuộc sống. Xin nêu vài ví dụ tiêu biểu:

- Bà Trần Thị Đặng giữ chúc ngôn, ăn hương hỏa của bà Trần Thị Ký, nhưng bà giao lại cho người em cùng chi là ông Trần Văn Nuôi và bà về sống bên quê chồng. Đến bây giờ ông Nguyễn Thành Tâm (Ba Trừ) cháu nội bà Đặng vẫn rất mát bụng khi nghe ông Trần Văn Phương (cháu nội ông Trần Văn Nuôi) nói: “Bà nội anh thiệt tốt, nhờ có bà nội anh mà đến nay anh em tôi mới giữ được đất của ông bà, mới có đất ruộng làm ăn”.

- Các con ông Trần Văn Dân, lúc đầu có một người con là công nhân nhà máy dệt Phong Phú,  lần lần anh tìm cách đào tạo và xin việc cho năm sáu anh chị em vào làm công nhân dệt, ổn định cuộc sống. Một cụm gia đình giúp nhau phát triển nghề may thú nhồi bông. Một cụm gia đình khác, tận dụng điều kiện đất đai thích hợp, giúp rèn luyện tay nghề cho các anh chị em đều giỏi nghề ươm bán cây giống nên mọi nhà khấm khá.

Đây là những nghề “xóa đói giảm nghèo” ít vốn, bỏ công ra làm được lời nhiều. Như vậy dòng họ đã góp phần nâng cao đời sống xã hội.

Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Trần chỉ kéo dài 175 năm (1225-1400) nhưng là một triều đại có vị trí đặc biệt với chiến công hiển hách : ba lần đánh tan quân Nguyên Mông giữ gìn bờ cõi Đại Việt. Với 14 đời vua, trong đó 5 đời minh quân – vua sáng tôi hiền – nhân dân hoan lạc âu ca, đất nước thái bình thạnh trị, đã đưa nước Đại Việt thành quốc gia hùng cường nhất vùng Đông Nam Á.

Thời Trần văn giỏi, võ nhiều,

Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiển vinh.

(Hồ Chí Minh, Lịch sử diễn ca, 1942)

Tự hào và phát huy hào khí Đông A, những người con đất Việt mang huyết thống họ Trần dù ở chân trời góc biển, dù ở thời đại nào với lòng yêu nước nồng nàn luôn nuôi chí cả, muốn làm việc lớn vì nước vì dân.

Trần Văn Giàu cũng là một trường hợp như vậy.

III.  LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Theo sách Đại Nam Nhất thống chí, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn đi kinh lược đất Gia Định, dựng dinh Phiên Trấn, gồm cả phần đất sau gọi là miền Đông Nam Kỳ. Năm 1779, Năm Gia Long nguyên niên (1802) đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định, bao gồm cả Nam kỳ và đặt trấn quan để thống trị, năm 1808, lại đổi làm Gia Định thành (tương tự Bắc thành) và đặt một tổng trấn để thống cả 5 trấn : Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên, lại kiêm lãnh trấn Bình Thuận ở phía Bắc nữa.

Năm 1832, đổi trấn ra tỉnh. Trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An thống trị hai phủ: Phủ Tân Bình gồm 2 huyện: Thuận An và Phước Lộc. Năm 1836, lại cải tỉnh Phiên An làm tỉnh Gia Định, gồm 3 phủ: Tây Ninh, Tân Bình và Tân An.

Phủ Tân An, lỵ sở : Tân An, gồm 3 huyện: Cửu An, lỵ sở : Cửu An (Thủ Thừa, trước 1837 là Thuận An) có 4 tổng, Tân Hòa, lỵ sở: Gò Công, có 4 tổng và Tân Thạnh, lỵ sở: Vũng Gù (Tân An, xưa còn gọi là Bưng Cổ) có 4 tổng: Thạnh Hội Thượng (7 làng) và Thạnh Mục Hạ (7 làng). Năm 1867, sau khi quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ đổi lại ranh giới hành chánh và cả địa danh, lập 7 khu tham biện (Inspection), thường được gọi là hạt, gồm : Hạt Sài Gòn, Hạt Chợ Lớn, Hạt Phước Lộc, Hạt Tân Hòa, hạt Tân An, Hạt Tây Ninh và Hạt Quang Hóa.

Hạt Tân An, lỵ sở : Bình Lập gồm 2 huyện Tân Thạnh và Cửu An cũ, với 9 tổng, 100 làng, dân số : 18.371 người Việt (2.695 người có đăng tịch, 15.676 người không đăng tịch) 154 người Hoa và 1 người Au. Tổng Thạnh Mục Hạ (huyện Tân Thạnh) gồm 7 xã : Bình Lục, Gia Hội, Bình Phước, Long Trì, Đồng Hưng, Tân Nho, Dương Xuân.

Huyện Châu Thành là 1 trong 14 thị xã, huyện của tỉnh Long An, nằm về phía cực Nam - Đông Nam của tỉnh, có diện tích: 150,5 km2 , dân số: 98.200 người. Bắc giáp TP Tân An và huyện Tân Trụ, Đông giáp huyện Cần Đước, Tây và Nam giáp huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Thị trấn Châu Thành (Long An) cách thị xã Tân An (nay là Tp. Tân An) ở phía Đông Bắc, cách thị trấn Chợ Gạo (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) ở phía Nam khoảng 20km. Địa thế địa lý thuận lợi nầy, người họ Trần kết nghĩa sui gia qua nhiều đời với các họ khác ở huyện Chợ Gạo; từ chỗ thâm tình đó ông Trần Văn Giàu đã chọn Chợ Gạo là bàn đạp, là hậu cứ an toàn cho hoạt động cách mạng.

Xã Long Trì là Tổ quán của họ Trần ở huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là Long An) là xã có từ lâu đời khi xuất hiện địa danh phủ Tân An (1836). Đến năm 1956, chế độ Việt Nam Cộng Hòa (Ngô Đình Diệm) với sắc lệnh số 143 - NV ngày 22/2/1956 sáp nhập tỉnh Tân An với tỉnh Chợ Lớn thành tỉnh Long An như ngày nay. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Châu Thành với thị trấn Tầm Vu và 12 xã, trong đó có 3 xã giáp ranh nhau là Long Trì, An Lục Long và Dương Xuân Hội đều có con cháu họ Trần ta làm ăn, sanh sống.

Xã Long Trì ở vị trí phía Tây Nam của huyện Châu Thành, Bắc giáp xã Dương Xuân Hội, Đông giáp xã An Lục Long, Tây và Nam giáp hai xã Thanh Bình và Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Xã có 8 ấp : Long Thành, Long Trường, Long Hưng, Long Thạnh, Long Thuận, Long Hòa, Long Bình và Long An. Diện tích 962 ha, trong đó có 215 ha trồng thanh long, năng suất từ 15 đến 20 tấn/ vụ. Cây thanh long được trồng từ năm mươi năm nay, phát triển mạnh từ hai mươi năm, đã trở thành cây làm giàu, xã có 80% nhà ngói, không còn hộ nghèo.

Diện tích Dưa hấu nay còn khoảng 20 ha. dân số : 1.989 hộ, 8.003 khẩu, có 189 liệt sĩ, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn 2 mẹ sanh tiền được phụng dưỡng, các gia đình dạng chánh sách có cuộc sống ổn định. Cùng với họ Trần, xã có trên 20 dòng họ cố cựu: Nguyễn, Đinh, Lê, Lý, Võ, Đặng, Phạm, Phan, Trương, Thái, Trịnh, Đỗ. Nhiều họ kết nghĩa sui gia với họ Trần chung lo xây dựng gia đình cháu con hạnh phúc, học hành thành đạt. Người dân cần cù, chịu khó trồng trọt, chăn nuôi, bán tạp hóa, các nghề dịch vụ tăng thu nhập gia đình.

Xã Long Trì bên cạnh nghề truyền thống cấy lúa và hoa màu, từ lâu nông dân ở đây trồng chuyên canh hai loại cây : dưa hấu và thanh long nổi tiếng. Dưa hấu Long Trì có mặt ở nhiều tỉnh bạn, tập trung nhứt là ở Tp. Hồ Chí Minh, vào dịp tết Nguyên Đán. Cây thanh long có thể trồng quanh năm, đem lại nguồn lợi kinh tế gấp mấy lần cây lúa. Những năm gần đây có thêm giống thanh long ruột đỏ, giá đắt hơn loại thanh long thường (ruột trắng).

Nông dân xã Long Trì và hai xã lân cận là An Lục Long và Dương Xuân Hội thi nhau lên liếp ruộng lúa trồng thanh long. Hai bên đường lộ xe những dây ruộng trồng thanh long thẳng hàng tít tắp, rực rỡ màu trắng của bông, màu đỏ tươi của trái thật vui mắt, báo hiệu vụ mùa bội thu. Nhà cửa san sát mái ngói tường vôi, sân gạch, hầu như không còn nhà lá. Phần lớn con cháu họ Trần thuộc diện khá giả này, những gia đình bà con trong họ thường ở gần nhau, ở cạnh mồ mả cha mẹ ông bà, nên trải qua nhiều đời vẫn liên hệ gắn bó gia tộc với nhau.

• Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của quê hương:

Phát huy tinh thần bất khuất của Thủ Khoa Huân, Phan Công Tòng, cả gia đình họ Đỗ : cụ Đỗ Tường Kiên ở ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân, Tổng Thanh Mục Hạ, phủ Tân An và các con là Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Soạn tham gia nghĩa quân, dù lúc đó cụ Đỗ Tường Kiên làm tri huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, ông Đỗ Tường Phong làm quan ở triều đình Huế (bạn thân của chí sỹ Nguyễn Thông). Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (1868), cụ không phụng mệnh triều đình giải giáp mà kiên quyết cùng hai con trai tham gia khởi nghĩa chống Pháp.

Sau khi thủ lãnh Thủ Khoa Huân bị giặc Pháp bắt (1875), do có tên phản bội chỉ điểm, ông Đỗ Tường Tự đứng ra lãnh đạo nghĩa quân tiếp tục công cuộc chống Pháp. Ông đã bán hai dây ruộng của vợ chồng ông để có tiền mua sắm vũ khí, đạn dược, lương thực nuôi nghĩa quân. Sau trận đánh đồn Bình Cách thất bại, mấy hôm sau ông bị địch bắt đem về giam ở đình Dương Xuân (ấp Trường Xuân, chợ Tầm vu).

Dụ hàng không được, địch xử bắn ông tại đất Nhị Tỳ, cách xã Dương Xuân khoảng 300 mét. Trước lúc hy sinh ông bình tĩnh bịt hai chiếc tang và lạy để tạ tội bất hiếu với mẹ ruột và mẹ vợ, rồi dõng dạc dạy các con : “Cha sống chống giặc Tây tới cùng, sau nầy cấm các con cháu cộng tác với kẻ thù xâm lược!...”. Ông không cho giặt bịt mắt để ông “nhìn họng súng của giặc trước khi chết”. Ông Đỗ Tường Tự hy sinh ngày 26 tháng 4 năm Mậu Dần 1878, lúc mới 33 tuổi. Người cận vệ của ông là một người dân tộc thiểu số rất trung thành, hết lòng thương yêu kính trọng ông, xin được chết theo thủ lĩnh, và giặc Pháp đem ra xử bắn luôn.

Nỗi đau thương em chết, nỗi căm thù giặc, ông Đỗ Tường Phong thu hết số tàn quân tiếp tục mưu việc lớn. Không bao lâu, giặc Pháp bắt được ông đem về giam ở nhà việc Bình Lập, chợ Tân An. Địch cũng dở trò khuyến dụ, hứa nếu ông hợp tác sẽ được làm tổng trấn (tương đương chức vụ tỉnh trưởng). Ông cương quyết phản đối “thà chịu chết chớ không đầu hàng giặc”.

Bất lực, địch đem ông đi xử trảm tại Nhị Tỳ, ấp Bình Nam, về hướng Đông cách chợ Tân An khoảng hai ngàn mét. Trước khi bị hành quyết, ông còn dặn tên đao phủ: “Đội Rựa mầy cho tao một đao thật sắc, tao tặng cho một cây quạt ngà!”. Tên Đội Rựa quỳ lạy ông và ông có ngâm một bài thơ tỏ rõ khí tiết của người yêu nước. Đầu ông định đem bêu ở nhà việc Bình Lập. Ông Đỗ Tường Phong hy sinh ngày 29 tháng 4 năm Mậu Dần 1878 (tức bốn ngày sau khi ông Tự hy sinh) lúc mới 38 tuổi.

Đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Tân An là điểm nổ ra đầu tiên của cả Nam kỳ, giành được thắng lợi, nhân dân Tân An cùng nhân dân các tỉnh lân cận kéo lên ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn (25/8/1945) thành công (Nguồn: sách Họ Đỗ Việt Nam, tập II, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004 - Nguyễn Hữu Hiếu và Ngô Be, cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và theo lời kể của ông Mười Hầu, cháu ngoại của ông Đỗ Tường Phong).

IV. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Từ việc dựng bộ gia phả, quá trình qua lại đến nhiều nơi tìm hiểu hỏi han gốc gác ông bà, thăm viếng mộ Tổ tiên… những người con cháu họ Trần coi đây là dịp tốt nhứt để gắn kết dòng họ, những người cùng huyết thống, hâm nóng dòng máu ông cha, các lớp con cháu phải đoàn kết, giúp đỡ nhau, chung tay góp sức xây dựng họ Trần ta trở thành dòng họ văn hóa tiếp nối truyền thống cha ông cùng các họ khác đi lên.

Một dòng họ văn hóa gồm có các tiêu chí:

- Đoàn kết họ tộc gắn với đoàn kết dân tộc.

- Có gia phong, gia đạo, gia lễ, gia quy gắn với xây dựng gia phả, từ đường, mồ mả.

- Thực hiện quan, hôn, tang, tế chu đáo.

- Khuyến học tốt.

- Lo việc nghĩa và thượng tôn pháp luật.

Mồ mả là nơi thiêng liêng giữ gìn hài cốt ông bà Tổ tiên, nhìn kiểu dáng mồ mả, người ta có thể hiểu được gia thế của gia đình, dòng họ. Bộ gia phả là bộ sử của gia đình dòng họ. Gia phả là bộ sách tập hợp lưu giữ toàn bộ họ tên, năm sanh, ngày mất (giỗ), mất trong hoàn cảnh nào, an táng tại đâu, do ai giỗ… Bộ gia phả còn ghi rõ công lao sự nghiệp (hành trạng) của từng vị, thế thứ rạch ròi (trên/ dưới, lớn/ nhỏ, trưởng/ thứ), truyền thống đặc điểm, và hướng tới tương lai của dòng họ.

Gia phả là thể loại văn hóa phi vật thể, là linh hồn có tác dụng nối kết, lý giải làm sâu sắc thêm giá trị của mồ mã và nhà Từ đường (hay Phủ thờ) của dòng họ. Nhà Từ đường nơi thờ phượng trang nghiêm Tổ tiên ông bà. Nơi tập hợp đông đảo con cháu khắp nơi về thành kính cúng bái Tổ tiên hàng năm của mỗi dòng họ. Đây là dịp nhắc lại công đức của Tổ tiên ông bà (qua bộ gia phả) để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho con cháu đời đời nối tiếp giữ gìn và phát huy. Do vậy, nhà Từ đường phải được xây dựng khang trang, rộng rãi, thoáng mát ngay trên đất của ông bà, tạo cảnh quang đẹp, xứng tầm với một dòng họ lớn danh giá như họ Trần ta.

Công trình tình nghĩa và thiêng liêng nầy là kết tinh tất cả công lao sức lực, trí tuệ, tiền của, đất đai của những người con cháu họ Trần tự nguyện đóng góp vì Tổ tiên và vì hậu thế con cháu muôn đời.

Muốn thực hiện được những việc làm kể trên, phải có Ban Liên Lạc họ Trần gồm những người trưởng thượng, có tấm lòng  từ các chi giới thiệu (hoặc chỉ định). Ban liên lạc sẽ thành lập các Ban giúp việc hoạt động, có chỉ đạo, có kiểm tra. Trước mắt, Ban Liên Lạc thành lập Quỹ khuyến học để hỗ trợ những học sinh nghèo vượt khó học giỏi trong dòng họ; thực hiện khuyến tài giúp đỡ những cháu học giỏi xuất sắc sẽ trở thành nhân tài cuả dòng họ; thực hiện khuyến nghiệp giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các cháu đã nghỉ học để tạo cuộc sống ổn định.

Nhân ngày giỗ Đức Cao Tổ hàng năm, Ban Liên Lạc cần có quà tặng những người đóng góp nhiều nhứt cho dòng họ, vinh danh những bà dâu họ Trần từ 60, 70 năm trở lên đã có công lao rất lớn sanh con nối dòng họ Trần và dạy dỗ cho con cháu thành đạt, nên người; đồng thời biểu dương, khen thưởng những học sinh, sinh viên họ Trần đạt thành tích học tập xuất sắc trong năm…

Làm được như vậy, con cháu họ Trần khắp nơi, kể cả ở nước ngoài, cũng lần lượt quay về tìm lại cội nguồn Tổ tiên, gặp lại những người thân yêu, sống trong không khí đầm ấm vô cùng thân thiết của đại gia đình tộc Trần. Đó là nguyện vọng chánh đáng và tha thiết của những người con cháu họ Trần đang ở xa Tổ quán.

Họ Trần là họ lớn cùng nhiều họ khác có công xây dựng mảnh đất này từ 300 năm, từ ông Cao Tổ nối truyền được 14 đời. Đây là dòng họ danh giá, có truyền thống tốt đẹp, có danh nhân Trần Văn Giàu làm rạng danh dòng họ. Tự hào về Tổ tiên ông bà, con cháu họ Trần sẽ quyết tâm giữ gìn và phát huy để xây dựng dòng họ Trần văn hóa, thịnh vượng, đời đời hạnh phúc.