Trang chủ > Đình Hiệp Mỹ (tỉnh Trà Vinh)

Đình Hiệp Mỹ (tỉnh Trà Vinh)

10/08/2022 15:21:47

Ở ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có ngôi đình được người dân ở đây từ thời xa xưa lấy tên làng đặt tên cho nó: đình Hiệp Mỹ. Ở ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có ngôi đình được người dân ở đây từ thời xa xưa lấy tên làng đặt tên cho nó: đình Hiệp Mỹ.

 

Đình Hiệp Mỹ

Thưở trước, xã Hiệp Mỹ thuộc địa phận làng Thành Đức, nên đình còn có tên là đình Thành Đức. Các cụ xưa còn gọi nó là Thành Đức đình.

Chúng ta chưa có sử liệu hoàn toàn chính xác để khẳng định đình Hiệp Mỹ được xây cất từ năm, tháng nào. Nhưng có một điều chắc chắn là ngôi đình được dựng lên từ buổi ban sơ  cùng với sự định cư, hay chậm hơn sau khi các tổ phụ của chúng ta định cư xong tại mảnh đất mới mẻ này. Theo nhiều lời truyền lại, đình Hiệp Mỹ đã được cất lên cách nay hơn một trăm năm mươi năm. Qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử tỉnh nhà, trải qua những lần tách ra rồi lại nhập vào của làng, ấp, đình Hiệp Mỹ tức Thành Đức đình vẫn cứ toạ lạc trên mảnh đất này như chứng nhân của bao dòng tộc, dòng đời.

Trước kia, vùng này là đất hoang vu, bạt ngàn rừng xú, đầm lầy, nhiều thú dữ nhưng lại là “đất lành chim đậu”. Cư dân quần tụ nơi đây là người từ các miền xa, gần nhất cũng là từ Tân An, Gò Công, Bến Tre, bằng ghe thuyền thô sơ vượt sông biển đến khai khẩn, lập nghiệp. Ngôi đình được dựng lên từ buổi ấy để làm nơi tôn kính thờ tự, cầu an cho cả làng, và cũng là nơi để những người cùng cảnh ngộ gặp gỡ, thăm viếng, an ủi nhau. Vì vậy, ngay từ đầu mới xây cất rồi trải qua bao cuộc bể dâu, ngôi đình trở thành một biểu tượng của phần tâm linh không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của những người tha phương lập nghiệp này.

Ngôi đình, ban đầu, được dựng lên bằng những cột gỗ có chạm hoa văn, vách gỗ, lợp ngói âm dương. Việc hương khói, cúng bái do các bậc cao niên có đức độ chủ trì.

Ngôi đình toạ lạc trong một vùng hoang vắng. Quanh đình có nhiều cây cao, thấp lô nhô. Độc đáo nhất vùng là cạnh đình có hai cây dầu thân rất to, vươn cao sừng sững ba bốn mươi mét. Ai đứng cách xa mấy cũng nhận ra bóng dáng uy nghi của hai cây dầu, và biết ngay dưới gốc nó là ngôi đình thâm nghiêm của làng Hiệp Mỹ này.

 

Chánh điện đình thần Hiệp Mỹ

Ngôi đình ấy cùng hai cây dầu ấy chẳng hiểu vì sao và tự lúc nào đã mặc nhiên trở thành nơi tôn kính mà lại vô cùng gần gũi trong tâm thức của những thế hệ  người tứ xứ đoàn tụ chốn này. Thế mà, khi cuộc chiến chống Pháp bùng nổ, toàn thể dân làng đã đồng lòng hiến hai cây dầu ấy cho Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Trà Vinh lấy gỗ đóng thuyền chở vũ khí từ miền Trung vào cho Nam Bộ. Không nén được nổi ngậm ngùi, xót xa trong ngày từ biệt vĩnh viễn với hai cây dầu “tham gia kháng chiến” ấy, nhiều người đã bật khóc.

 

Con cháu dòng họ Lê (Trương) về thăm và cúng đình thần Hiệp Mỹ nhân lễ Kỳ Yên năm 2000

Đình Hiệp Mỹ là một trong số ít đình ở huyện Cầu Ngang được sắc phong từ thời vua Tự Đức. Trải qua biết bao tháng năm dài dằng dặc, lại chịu sự gậm mòn của khí hậu ẩm ướt và mối mọt, sắc thần dù được nâng niu, giữ gìn cẩn trọng đến đâu cũng bị mục nát hơn một nửa. Bây giờ chỉ còn nhìn rõ một số hoạ tiết hoa văn và hình linh vật con rồng, dấu ấn đỏ và một số chữ nho. Theo lời kể của các cụ lão nhất làng, trong những năm sắc thần còn nguyên vẹn, các bậc lão nho còn đọc thấy trên sắc thần có ghi tên linh thần là Tả Quân Lê Tấn Sĩ. Tương truyền rằng, trong thời kháng Pháp, ông bị giặc vây riết trong một khu rừng lá nhỏ, giặc gọi ông ra hàng, nhưng ông kiên quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Vị tướng lĩnh anh hùng bị trọng thương và hy sinh trong tư thế đứng thẳng. Về sau, dân làng gọi nơi ngài Tả quân hy sinh là Đục Ông Thần, để tưởng niệm tấm gương oanh liệt này. (Theo tiếng địa phương, “đục” có nghĩa là ngọn của xẻo nước, dòng nước). Với công trạng và khí tiết như thế, ông thật xứng đáng được kính trọng, được thờ trong đình và được sắc phong linh thần.    

Được dân làng tin cẩn giao phó, ông Trần Bá Du hiện ở ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ, là đời thứ ba lưu giữ sắc thần này. Có chuyện kể rằng, những kẻ bất kính, coi thường thần thánh đều không được phép mở sắc thần ra xem. Kẻ nào cãi lại sẽ bị thần bẻ gãy tay. Một số lính Pháp kiêng sợ sự linh thiêng đó nên không dám chạm đến sắc thần.

Trong chiến tranh, nhất là sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, lễ cúng đình như lễ Kỳ Yên, ngày 16 tháng 2 âm lịch, luôn được tổ chức như  một ngày hội lớn của làng với đầy đủ mọi nghi thức được lưu truyền từ xa xưa. Đúng hôm ấy, sân đình rộn ràng cờ phướn, người lớn khăn áo chỉnh tề, lũ trẻ hớn hở chờ xem, khu đình tràn ngập trong một không khí vừa trang nghiêm vừa gần gũi. Có lễ sinh tiền dâng trà rượu, có đêm túc yết, có lễ rước sắc thần, có múa lân, có các đoàn đại biểu các đình trong ngoài tỉnh đến thăm viếng, giao lưu.

Ban Hội đình gồm hai mươi người, đứng đầu là Hội trưởng, rồi đến các Chánh bái và các vị chức sắc khác. Tất cả các vị này đều do dân làng bầu ra, nhiệm kỳ không giới hạn mấy năm. Hiện nay, ông Phạm Văn Nghiêm là Hội trưởng, ông Lê Văn Huy là Chánh bái. Trước đây, ông Phạm Văn Thăng (cha của ông Nghiêm) từng giữ chức Chánh bái suốt ba mươi năm.

Ngoài chánh lễ Kỳ Yên ra, đình còn cúng một lễ nữa là lễ Hạ Điền - cúng Thần Nông vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, tức vào đầu mùa mưa, để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng, cày cấy, xuống giống được thuận lợi, đời sống dân làng được tốt lành hơn.

Ngoài việc tổ chức cúng bái thờ tự, đình còn kết hợp với Hội Chữ Thập Đỏ địa phương làm việc từ thiện, cùng tổ chức một xe nhà vàng phục vụ tang lễ, khuyến khích việc làm tốt đạo đẹp đời…

Trong thập kỷ đầu thế kỷ trước, khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi nào cũng có phong trào Thiên Địa Hội với tôn chỉ mục đích chính trị là “Diệt Tây giành độc lập”. Đình Hiệp Mỹ thành nơi lui tới của các thành viên Thiên Địa Hội trong ngoài làng. Hội tổ chức những hoạt động chống Pháp thông qua các hình thức khác nhau, như chống sưu cao thuế nặng. Đến năm 1930, Nông Hội Đỏ, về sau là tổ chức Cộng sản đầu tiên của xã, cũng được thành lập tại ngôi đình này. Những người cách mạng đã tận dụng những cơ hội tốt như lễ cúng đình, những đêm có hát bội, những dịp có diễn ra các hoạt động văn hoá khác để đến đây truyền đạt, trao đổi những thông tin bí mật. Suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các cuộc họp của Việt Minh, các lớp huấn luyện đoàn thể, các lớp học bình dân học vụ, xoá mù chữ cho dân làng… cũng được tổ chức tại ngôi đình này.

Năm 1952, bọn Pháp và tề làng lấy đình làm bót và trụ sở. Dùng chiến thuật binh vận, ta lấy được bót này và thu được vài chục khẩu súng. Trong thời kỳ chống Mỹ, đình tiếp tục là trạm liên lạc của cán bộ ta, là nơi đặt các ám hiệu báo động và cất giấu tài liệu… Suốt thời kỳ này, việc cúng đình vẫn được tiếp tục duy trì nhưng với quy mô nhỏ, không đông vui như thuở trước.

Sau năm 1975, nhờ có chủ trương tự do tín ngưỡng của nhà nước ta, các hoạt động cúng đình được khôi phục lại, văn hoá cổ truyền trong làng được dịp khởi sắc. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, với giúp đỡ của các Hội tương tế, với sự quyên góp tiền của của Hội đồng hương tỉnh Trà Vinh tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự trợ giúp của Việt kiều quê Hiệp Mỹ, dân làng tiến hành trùng tu ngôi đình này. Năm 1999, trên nền cũ, ngôi đình được xây mới với đầy đủ vỏ ca, chánh điện, bàn thờ hương án, có cả câu đối, câu liễn. Vỏ ca được xây rộng rãi với mái vòm hình bát giác, lợp ngói, nền gạch hoa, hai hàng cột tròn trơn tru. Phía trên bàn thờ giữa chánh điện có một đại từ “Thần” bằng chữ Hán, bên trên có hàng chữ nhỏ hơn “Thành Đức Đình”. Hai bên là Tả Ban, Hữu Ban. Phía sau đình có ngôi miếu nhỏ thờ bà Chúa Sứ. Trong thời chiến tranh, bên hông đình có dựng miếu cô hồn, với dụng ý che mắt địch, để thờ các chiến sĩ trận vong của ta. Nay, Hội đình làng đường hoàng lập bàn thờ Liệt sĩ với danh sách những người con kiên trung của làng Hiệp Mỹ vị quốc vong thân. Bàn thờ này được đặt trong chánh điện, bên cạnh các chư thần khác.

Đình hiện nay do bà Nguyễn Thị Bạc làm thủ từ, hàng ngày lo việc quét dọn, nhang khói. Lễ cúng đình hằng năm được tổ chức chu đáo, nghiêm túc, đúng bài bản.Trước năm 1945, ông Hai Tri, một chức sắc tâm huyết của đình, hướng dẫn một cách tỉ mĩ cho học trò lễ từ cách đi đến bưng và dâng lễ vật cho thần. Sau lễ cúng trang trọng, bao giờ cũng là đêm hát bội, được dân làng hết lòng cổ vũ, hoan nghênh.

 

Miếu Bà Chúa Xứ sau đình Hiệp Mỹ

Một thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ ngày đình Hiệp Mỹ được dựng lên cho đến giờ. Bằng hồn thiêng và tấm lòng độ lượng, ngôi đình đã chứng kiến bao cảnh nhọc nhằn và sự hy sinh vô bờ bến của lớp lớp dân làng trong quá trình lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Hiệp Mỹ. Ngôi đình cũng đã trơ gan và quặn thắc trước sự dã man, tàn bạo của giặc Pháp rồi Mỹ suốt ba mươi năm dằng dặc. Suốt trường kỳ lịch sử ấy, ngôi đình lúc thì nguyên vẹn, lúc thì hư hại, rồi lại được tu sửa, xây lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như hôm nay, để trường tồn mãi mãi trên một vùng đất rất đổi hiền hoà, hào phóng và trầm mặc của miền Tây Nam bộ - Hiệp Mỹ, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Không biết ngày trước, ông bà ta đến đình thần này khấn vái những điều tốt lành gì cho hiện tại và cho con cháu mai sau trên đất Hiệp Mỹ. Nhưng có một điều chắc chắn mà chúng ta tin, là hương hồn các cụ giờ đây thanh thản, bởi biết rằng hậu duệ của mình đã chịu đựng nhọc nhằn, cần cù lao đọng hết mình và chiến đấu dũng cảm, kiên trung hết mình để làm nên một xã Hiệp Mỹ anh hùng trong huyện Cầu Ngang anh hùng, với một danh dự cao quý phải đánh đổi bằng biết bao nhiêu xương máu là một xã được giải phóng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, ngày 10- 12- 1974.

Đình làng Hiệp Mỹ , huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh của chúng ta là một đình như thế đó!

Lê Đông - Nguyễn Thị Thu Ngân

(GP:14-6-2016)