Trang chủ > Hậu duệ Nguyễn Trung Trực kể chuyện đánh đồn Nhựt Tảo

Hậu duệ Nguyễn Trung Trực kể chuyện đánh đồn Nhựt Tảo

12/08/2022 23:13:58

Ông Nguyễn An Thọ sinh ngày 24/1/1940, là cháu 4 đời của Nguyễn Trung Trực, hiện đang cư trú tại xóm Nghề, ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An kể về trận đánh vàm Nhựt Tảo của Nguyễn Trung Trực…

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, dân gian tôn kính gọi là cụ Nguyễn, quê ở làng Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Chiến công hiển hách nhất của ông và nghĩa quân là sự kiện đốt cháy tàu của Pháp tại Vàm Nhựt Tảo (Long An) vào ngày 10/12/1861. 

Danh tướng Nguyễn Trung Trực

Ông được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Định, rồi Thành thủ úy Hà Tiên. Ngày 24/6/1867, Pháp chiếm Hà Tiên, ông rút quân về vùng Hòn Chông. Đêm ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá, Pháp phải điều động quân đội và vũ khí từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Do chênh lệch lực lượng cùng vũ khí còn thô sơ nên nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc. Thực dân Pháp tiến đánh Phú Quốc gặp phải sự kháng cự quyết liệt của nghĩa quân, Pháp đành bắt mẹ của ông làm con tin. Theo lời kể của bác Mười Thọ thì thực dân Pháp bắt con nít ra giã cối để uy hiếp gây áp lực để ông ra hàng. 

Ngày 19/9/1868, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt, do không làm lay chuyển được khí tiết của người anh hùng dân tộc, Pháp đưa ông xử tử hình tại Rạch Giá lúc 10 giờ 30 phút, ngày 27/10/1868 tức ngày 12/9/1868 Âm lịch.

Sau khi mất, nghĩa quân cũng kể lại những câu chuyện của ông cho con cháu nghe. Đền thờ của ông cũng được xây dựng ở nhiều nơi. Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trung Trực là một người anh hùng dân tộc được nhân dân xây dựng nhiều đền thờ nhất, thể hiện sự trân trọng tổ tiên của con cháu đời sau.

Thuở nhỏ, ông đi tưới cây, làm ruộng, làm mắm, tối thì đi học võ, hay tập hợp các thanh niên bàn võ nghệ. 

Ông được cho đi học võ lúc hơn 10 tuổi. Những người xung quanh cũng sớm gọi ông là "Đại ca" bởi ông thường tập hợp các anh em trong xóm cầm nạn ná (hay gọi là nạn thung) mai phục trên cây phục kích giặc cướp thường gọi là bọn "Bối" quấy phá dân làng, Sau này có một số người theo ông đánh đồn Vàm Nhựt Tảo. Bên đạo Hòa Hảo hay gọi ông là "Quan thuợng đẳng đại thần" Nguyễn Trung Trực.

Ông kết giao với những lãnh tụ địa phương có tinh thần trọng nghĩa khinh tài như Trần Văn Thành đại đệ tử của Phật thầy Tây An của đạo Bửu Sơn Kỳ hương, Lâm Quang Ky con trai của một cai tổng tại An Giang... họ đều một lần tỉ võ với Nguyễn Trung Trực nên rất nể phục ông. 

Hơn hết, ông còn là người yêu nước thương dân khi thay tên Nguyễn Trung Trực (tên thật khi triều đình phong chức cho ông là Nguyễn Văn Lịch) để tránh cái danh nghĩa quân triều đình quấy phá quân viễn chinh Pháp nhằm mục đích khiến cho Pháp không có cớ đòi chiến phí triều đình nhà Nguyễn về sau. Trong quá trình đấu tranh chống Pháp, quân Pháp nhiều lần dùng vũ lực giết hại dân lành để ép Nguyễn Trung Trực quy hàng giao nộp thành. 

Ngày 15/01/2022, Vời sự giới thiệu của bác Nguyễn Tấn Sĩ, anh Nguyễn Dương Anh Quí thành viên CLB Gia Phả trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp, tiếp xúc và ghi clip phỏng vấn diễn biến trận hỏa công đánh đồn Nhựt Tảo và chiến thuyền Espérance (Hy vọng) của quân Viễn Chinh Pháp qua lời kể của bác Nguyễn An Thọ hậu duệ đời thứ 4 gọi anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là "ông cố chú" thuật lại diễn biến trận đánh lịch sử. 

Ông Nguyễn An Thọ (trái) và ông Nguyễn Tấn Sĩ

Ông Nguyễn An Thọ sinh ngày 24/1/1940, là cháu 4 đời của Nguyễn Trung Trực, hiện đang cư trú tại xóm Nghề, ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Cha là Nguyễn Văn Cón (Chỉnh), chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Bình Nhựt, Tân An (làng Bình Nhựt), nay là ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã có những câu chuyện kể về giai thoại “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” làm nức lòng nhân dân Nam kỳ lục tỉnh thuở xưa.

Trong đó, bác Mười Thọ kể lại quá trình tổ chức trận đánh với kế dùng hỏa công bằng dầu chai (dầu trét ghe dùng cho việc đóng xuồng ghe Nam Bộ xưa) và để tiếp cận với đồn cùng chiến thuyền đang neo đậu tại Vàm Nhựt Tảo lúc bấy giờ nghĩa quân đã dựng nên một "đám cưới giả" để có cớ tập trung số lượng đông đảo lực lượng nghĩa quân đánh úp khu vực quân sự của địch.

Ông Nguyễn An Thọ (trái) và Nguyễn Dương Anh Quí

Quá trình Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân hóa trang tập kích tàu Pháp như sau: 

Buổi sáng nước ròng thì thả theo con nước, khoảng 8 - 9 giờ đi theo con tàu. Trong khi đi theo con tàu thì không có vũ khí, không có đồ dẫn hỏa, khi đi ngang bị lính Pháp gọi lại để xét thì báo cáo với lính Pháp là đang đi rước dâu, khoảng vài cây số. Sau khi Pháp cho qua, cô dâu từ phía Trà Vinh đem quân qua, dự kiến cô dâu có khoảng 30 người, tức là trong trận chiến này có tới 80 người. Sau khi họp mặt thảo luận, Nguyễn Trung Trực thuyết phục cô dâu mặc áo cưới, ông nói rằng nếu không bảo vệ được cho cô dâu, ông sẽ đội khăn tang (tức làm chồng của cô).

Vào giờ Ngọ, nước lớn lên thì tiếp tục tấp vào chỗ quân Pháp đậu để trình báo như lúc đầu. Theo lời thuật lại, quân Pháp lên tàu, làm lễ kết hôn đầu tiên có cha xứ. Khi lên xong, quân ta phối hợp tấn công.

Giải thích nguyên nhân quân ta đốt được chiếc tàu đó là nhờ mang dầu giấu dưới ghe, đựng trong các hủ nhỏ, dán giấy đỏ giả làm rượu cưới. Ở dưới cứ việc cầm hủ rượu, ném lên cho nó vỡ ra và châm lửa đốt. Hầu như giết gần như toàn bộ quân Pháp, một số tướng địch thì nhảy xuống sông và bơi vào bờ. Sau đó, quân ta rút về Tân Hiệp, từ vụ đó, ông nên vợ thành chồng với cô dâu (bà ba là con ông võ sư phái võ ở Trà Vinh từng tỉ võ với ông, nên có quen biết). Thật không phải dễ dàng tìm một người giả dạng cô dâu để tấn công vào căn cứ địch!? Bởi ông Nguyễn lựa chọn người phụ nữ có võ nghệ cao cường và có tinh thần dám mạo hiểm. Xong trận này, hai phái võ kết hợp với nhau nên hai ông bà cũng trở thành vợ chồng.

Trong khi đó, trên đất liền, quân ta chiếm được đồn Nhật Tảo, chiến thắng cả trên sông và đất liền. Quân Pháp chết 37 người, một số bỏ trốn, núp ở ven sông chờ viện binh. Quân Pháp chỉ có 1 chiếc đậu tại vàm Nhựt Tảo và 1 cái đồn ở gần đất liền để hỗ trợ kiểm soát. 

Trận Vàm Nhựt Tảo là trận nổi tiếng nhất của ông Nguyễn Trung Trực bởi vì cả thế giới, những nước đi xâm chiếm thuộc địa chỉ đếm trên đầu ngón tay như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Không một ai có thể đụng được chiếc tàu đồng súng sắt của đám thực dân mà Nguyễn Trung Trực là người đầu tiên làm được việc đó. 

Với số lượng quân lính và vũ khí tối tân của địch, việc đốt tàu không phải một chuyện dễ dàng. Khi ông thông báo rằng ông sẽ tiêu diệt chiếc tàu đó, ông kể rằng ông nằm mơ có người kêu ông đốt lửa sẽ diệt được tàu, ông nhớ ra trận Xích Bích xưa kia cũng xuất hiện phương thức đốt thuyền, trong đó có 8 chữ Nho gần giống như kế hỏa công. Nghĩa quân chỉ nghe nói vậy, không ai biết được chi tiết kế hoạch. 

Triều đình nhà Nguyễn không ai đánh quân Pháp lập được chiến công vang dội, Nguyễn Trung Trực không những là người đầu tiên làm được mà còn là đánh trực diện với chúng. Sự kiện này làm tăng thêm sĩ khí cho quân ta cũng như khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. So với các thời điểm sau này, đây không phải chiến thắng to lớn nhưng ở chính thời điểm đó, không có chiến công nào so sánh được. Kế hoạch chỉ được chuẩn bị trong thời gian 1 - 2 tháng, đảm bảo kế hoạch ổn định và đảm bảo phần thắng. Cô dâu phải giỏi võ và có tinh thần yêu nước, hai bên thương thuyết thành công để đảm bảo sự phối hợp ăn ý.

Thực hiện: 
NGUYỄN DƯƠNG ANH QUÍ
VÕ VĂN KHỞI
CAO THỊ ÁNH NGUYỆT