Hiểu thêm về Trà Kiệu qua một bản gia phả cổ
18/09/2023 10:10:43Chuyện kể rằng, khi vua Lê Thánh Tông đem quân vào Chiêm Thành (năm 1471), có 13 vị thủy tổ của 12 tộc ở các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An cùng theo ngài vào Nam để “bình Chiêm”. Sau khi chiến cuộc thành công, họ quyết định ở lại để khai khẩn đất đai, dựng nên làng xóm và được liệt vào thờ là tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu, trong đó có ngài Lưu Văn Giám.
Các vị tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu đã có công biến nơi đây thành một làng quê trù phú, giàu có nhất tỉnh Quảng Nam, là “Quảng Nam tam đại xã” (dân gian có câu “nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng”).
Mộ ngài Lưu Văn Giám
Hiện gia tộc họ Lưu tại Ngũ xã Trà Kiệu còn giữ một gia phả cổ do tú tài Lưu Duy Hàn biên soạn vào năm Tự Đức thứ 26 (1873). Theo ông Ngô Đức Chí - chuyên gia nghiên cứu Hán - Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ: Bản gia phả này được chép bằng chữ Hán với lối viết Hành thư khá đẹp mắt, có nhịp điệu, thư phong đúng với niên đại ra đời của văn bản.
Đây là một trong số ít gia phả tại xứ Quảng có giá trị nghiên cứu học thuật, ghi chép kỹ lưỡng các đời và trình bày rất khoa học, góp phần quan trọng để nghiên cứu lịch sử địa phương, là một thư tịch quý của gia tộc, cần được bảo tồn cẩn thận cho con cháu đời sau.
Địa danh Eo Gió trên bản đồ Hồng Đức
Gia phả có đoạn: “Thủy tổ tộc ta Bành Thành quận Lưu Văn Giám từ phương Bắc mà tới đây đặt nền móng ở phía Nam, có công khai khẩn xã ta, sau này phần mộ táng tại xứ đất Cửa Eo, Hàm Rồng, đinh sơn quý hướng, thần vị đến nay vẫn còn được phụng thờ tại tự đường tiền hiền ngũ xã Trà Kiệu”.
Tài liệu cho biết mộ ngài Lưu Văn Giám táng Cửa Eo từ lúc khởi thủy, đến khoảng năm 1935 - 1937, khi chính quyền thực dân Pháp xây dựng tuyến đường xe lửa Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua đúng ngay vị trí ngôi mộ, nên gia tộc họ Lưu cùng chư phái tộc Ngũ xã Trà Kiệu đồng lòng cải táng mộ ngài về Gò Dỗi như hiện nay.
Con cháu trong tộc đều còn nhớ, khi cải táng mộ cụ thì chính giữa mộ là một hũ sành lớn có hoa văn rất đẹp, trong chứa tro cốt, 4 phía góc đều có các hũ nhỏ hơn (có thể là vật tùy táng?), con cháu đều để nguyên như cũ và khiêng về cải táng.
Tìm hiểu thêm thì được biết, vị trí nhà của ông Lưu Văn Trinh (tức Lề) và Lưu Văn Liên (tức Đào) thuộc phía Ba tộc Lưu hiện nay chính là vườn nhà của gia tộc có từ thời xa xưa, mà các văn bản cổ đều gọi chung là “Thành xứ” tức ám chỉ thành Trà Kiệu xưa.
Ngoài gia phả trên, hiện gia tộc còn lưu một bản văn trai đàn chẩn tế, được tổ chức vào ngày 17 tháng 6 năm Đinh Dậu. Nội dung văn bản là một lễ kỳ siêu cho những người đã quá cố trong gia tộc, nêu nhiều địa danh xứ đất táng mộ, giúp làm sáng tỏ nhiều địa danh quanh vùng Trà Kiệu.
Trang đầu gia phả Lưu tộc do tú tài Lưu Duy Hàn biên soạn
Trong hai bản cổ chỉ nêu trên, tú tài Lưu Duy Hàn đã chép lại những địa danh cổ nay vẫn còn hoặc đã thất truyền, đáng chú ý là những địa danh Eo Gió, Hàm Rồng, “Thành xứ”… Tìm hiểu thêm về địa danh “Eo Gió” chúng tôi thấy nó được ký chú trên “Giáp Ngọ bình đồ” từ hơn 500 năm trước, một trong rất ít các địa danh thuộc Quảng Nam được ký trên Hồng Đức bản đồ.
Khảo sát thực tế tại Eo Gió và căn cứ Hồng Đức bản đồ thì Eo Gió là một vị trí chiến lược về quân sự cổ. Tại Quảng Nam có 2 địa danh gồm “Eo Bắc” bên trong đèo Hải Vân và “Eo Gió” tại Trà Kiệu, nét vẽ trên bản đồ cho thấy chúng đều nằm trên con đường thượng đạo xưa.
Người biên soạn gia phả này chính là một “tú tài khai khoa” của họ Lưu tại huyện Duy Xuyên, ông tên là Lưu Duy Hàn (cũng gọi là Lưu Văn Ưng hay Ký), là một nhà nho vừa dạy học, vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Ông chính là bạn học đồng môn với Thượng thư Phạm Phú Thứ, cùng là học trò của Danh sư Nguyễn Huy người gốc Trà Kiệu. Năm 1871, ông là người đứng ra trực tiếp kêu gọi các bạn đồng môn là học trò Giáo Huy quyên góp tiền, để trùng tu đền thờ và xây mộ cho thầy.
Trong “Bài ký trùng tu đền thờ quan Thái thường tự Thiếu khanh Nguyễn tiên sinh”, Thượng thư Phạm Phú Thứ có viết: “Lần xây cất này nhân ông Bát phẩm Trọng Ân được nghỉ phép về thăm mẹ, liền cùng người làng là quan huyện Kiến Đăng Nguyễn Trực, Đổng Chi; tú tài là Phạm Hanh, Lưu Duy Hàn” và “Tính các vật liệu cùng ruộng tế hết hơn 2.000 quan tiền, học trò tùy theo sức đóng góp, không nên hoa mỹ tốn kém, trách người không đóng, làm tổn thương đức tốt của tiên sinh”. Trên tấm bia ghi công đức các học trò (gần 100 người) hiện còn trên mộ cụ Nguyễn Huy, có ghi rõ tên của tú tài Lưu Duy Hàn.
Đến năm 1886, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam diễn ra, Trà Kiệu là một trọng điểm hoạt động của nghĩa quân, tú tài Lưu Duy Hàn vì là thầy thuốc nên cả hai bên Nghĩa hội và Công giáo đều muốn ông phục vụ. Vì bị đặt vào tình cảnh khó xử, ông đã lên làng Giao Thủy (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) để định cư, rồi hình thành một Chi phái Lưu tộc tại đây.
Đến năm Đinh Dậu (1897), ông quay về Trà Kiệu và tổ chức trai đàn chẩn tế 3 ngày 3 đêm, nên có bản trai đàn chẩn tế này (được viết tay, lối chữ khải, trên giấy dó như đã nêu trên). Từ những ghi chép của ông, các địa danh cổ tại Trà Kiệu gồm: Cửa Eo, Eo Gió, Hàm Rồng, Gò Chiêu, “xứ Thành”, Miễu Ông, Trung Đông… góp phần dựng một bức tranh toàn cảnh, khá sinh động về Ngũ xã Trà Kiệu xưa - một vùng đất thiêng trên nền kinh thành Champa cổ.
LƯU ANH RÔ
Các tin cũ
- » Cuốn gia phả 'Nghiêm tính gia kê' - Nguồn tư liệu quý 18/09/2023 09:50:00
- » Gia phả họ Trương ở làng Mỹ Khê - Một bản gia phả đặc biệt giá trị 15/09/2023 16:59:23
- » Lập sơ đồ gồm nhiều điểm định vị trên Google Maps 13/09/2023 21:43:21
- » Vì sao gần 40 triệu người Việt cùng mang họ Nguyễn? 07/09/2023 15:11:50
- » Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử 07/09/2023 14:47:07
- » Gia phả và tư liệu gia phả ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm 07/09/2023 14:28:50
- » Ông Lý Xương Căn: Thật xấu hổ nếu không nói được tổ tiên mình là ai 07/09/2023 12:34:16
- » Ngôi đền thờ Thủy Tổ Quốc Mẫu 07/09/2023 11:49:45
- » Bàn thêm về truyền thuyết cội nguồn dân tộc 07/09/2023 11:04:00