Trang chủ > Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã

Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã

10/04/2025 18:12:22

Vào lúc 8h30 sáng 30/3/2025 tại tư gia hậu duệ ông Võ Văn Nhâm (số 303/16A Nguyễn Thị Lắng, xã Phước Vĩnh An,  huyện Củ Chi, TP.HCM) đã diễn ra Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ". Tọa đàm do Viện Lịch sử Dòng họ, Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM và Chi họ Võ ở ấp Bà Giã cùng phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh Tọa đàm

Đến dự Tọa đàm, về phía Ban tổ chức, có sự hiện diện của:

- TS Hoàng Văn Lễ, Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ.

- Nhà Gia phả học Võ Ngọc An, Phó Viện trưởng thường trực Viện Lịch sử Dòng họ.

- PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, thành viên Hội đồng Viện Lịch sử Dòng họ.

- ThS Nguyễn Thanh Bền, Phó Giám đốc Trung tâm, Chi hội trưởng Chi hội KHLS Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả.

- Ông Võ Văn Nhanh, Chủ tịch Hội đồng họ Võ, tiểu chi họ Võ Bà Giã.

- Ông Lê Trường Xuân, tiểu chi họ Võ ở Tân Mỹ, Long An.

- Ông Nguyễn Văn Dương, tiểu chi họ Võ ở Long Tân, Dầu Tiếng, Bình Dương.

Toàn cảnh tọa đàm

Về phía khách mời có:

- Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM.

- PGS-TS Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một.

- ThS Đinh Thị Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Đông Nam bộ, Đại học Thủ Dầu Một.

- Bà Lê Thị Thanh Nhã, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý gia đình, Sở VH,TT&DL TP.HCM.

- Bà Khưu Ngọc Bích Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận 5.

- Nhà báo Phạm Hy Hưng, Tạp chí Kiến trúc và Đời sống.

- Ông Võ Ân Phước, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc TP.HCM.

- Ông Võ Mạnh Đức, Giám đốc Trung tâm thờ cúng Mạc tộc.

Cùng nhiều thành viên thuộc ViệnLịch sử Dòng họ và Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả.

Sau phần giới thiệu thành phần tham gia và Chủ tọa đoàn, ông Võ Ngọc An phát biểu khai mạc.

Trong phát biểu khai mạc, ông Võ Ngọc An cho biết, nội dung các tham luận đã đề cập đến: “Thân thế và sự nghiệp cụ Võ Văn Nhâm - Đánh giá hành động yêu nước, dũng khí của nghĩa sĩ Võ Văn Nhâm, sự vinh danh của dòng họ và xã hội, sự quan tâm của lịch sử địa phương đối với gia phả của chi họ này, nghĩa vụ của chi họ và của chúng ta ngày nay”.

Ông Võ Ngọc An phát biểu khai mạc

Sau đó một số đại biểu trình bày tóm tắt tham luận của mình (hoặc phát biểu ý kiến), tuần tự như sau:

Ông Võ Ngọc An báo cáo tham luận “Hành trạng của cụ Võ Văn Nhâm” đề cập đến các nội dung:

- Giới thiệu về hành trạng cụ Võ Văn Nhâm cùng quá trình cụ tham gia kháng chiến cùng Trương Quyền ở quê nhà trong giai đoạn đầu và ở Bưng Rê -Bến Cát giai đoạn sau đó. 

- Việc xây dựng vòng thành, việc chiến đấu, lao động sản xuất của nghĩa quân ở Bưng Rê - Bến Cát.

- Sự hy sinh của cụ Nhâm.

- Quá trình con cháu tìm hiểu về mối quan hệ họ tộc và việc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử đối với vòng thành đất của cụ Võ Văn Nhâm.

Tiếp theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng trình bày tham luận “Giá trị lịch sử - văn hóa địa danh Bà Giã với dấu ấn đất nước và con người Gia Định xưa”.

PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng và Nhà gia phả học Võ Ngọc An tại tọa đàm

Tham luận của PGS-TS Thắng nêu rõ: “Tọa đàm hôm nay cũng là một hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cho nên, việc chia sẻ nội dung trao đổi hôm nay được thực hiện bằng cả trái tim, bằng tấm lòng hướng về nguồn cội chứ không chỉ là khoa học, học thuật”.

Tham luận của nhà báo Phạm Hy Hưng: “Võ Văn Nhâm - Một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp xứng đáng được vinh danh”. Tham luận đề xuất:

+ Đặt tên đường ở Phước Vĩnh An, Củ Chi, nơi sẽ phát triển thành đô thị trong tương lai.

+ Đẩy mạnh việc tuyên truyền về cụ Võ Văn Nhâm. Đề nghị đưa nội dung về tiểu sử, hoạt động, tấm gương hy sinh anh dũng của cụ Võ Văn Nhâm và di tích vòng thành đất họ Võ vào bộ sử “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”.

Tham luận của “Đặt tuẫn tiết Võ Văn Nhâm vào lịch sử Đảng địa phương?” của TS Hoàng Văn Lễ nêu lên những trăn trở:

- Lịch sử Đảng ta ghi nhận từ 3/2/1030, những người chống thực dân, đế quốc hy sinh sau ngày này thì được công nhận, có giấy chứng nhận. Vậy còn những người hy sinh trước khi có Đảng thì sao? Vì sao nhà nước ta chưa ghi nhận những trường hợp này?

- Việc ghi nhận công trạng và vinh danh, công nhận liệt sĩ cho những người hy sinh trong giai đoạn trước khi Đảng ra đời (là những liệt sĩ đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp) là thể hiện sự trước sau của Đảng, đồng thời cũng tạo điều kiện cho dòng họ, con cháu giữ vững khí tiết của mình.

- Kiến nghị nhà nước tiếp tục suy tính đưa ra những tiêu chí để công nhận những danh nhân văn hoá, hoặc những liệt sĩ thời kỳ trước khi có Đảng.

Tiếp theo là phát biểu của ông Nguyễn Văn Minh, hậu duệ chi họ Võ, giới thiệu về tiểu chi ông Võ Văn Sót:

Ông Nguyễn Văn Minh

Qua quá trình tìm hiểu gia phả thì thấy hoạt động của ông Võ Văn Sót có nhiều điểm giống ông Võ Văn Nhâm. Tìm hiểu sâu hơn thì mới biết hai ông đều tham gia kháng chiến cùng nhau. Do thất trận ông Sót mới về Tân Mỹ và đồn trú ở nơi có địa hình giống ở Bưng Rê, đổi họ của con ông sang họ Lê. Ông và con cháu tiếp tục kháng Pháp. Trong con cháu của ông có nhiều nhân vật là anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như ông Cả Trĩ (tham gia Ủy ban Kháng Chiến Nam bộ, đóng ở căn cứ Đông Thành, Đức Huệ), Lê Văn Sìa (Lê Minh Xuân)…

Việc viết gia phả giúp con cháu biết được nguồn cội của mình mà từ lâu chỉ được truyền miệng, biết được nhiều sự kiện lịch sử được truyền khẩu từ ông bà. Từ những câu chuyện của ông bà, con cháu đi tìm và chứng minh bằng khoa học để tìm hiểu về ông bà, tổ tiên của mình.

Tiếp theo đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Dương (cháu trực hệ của ông Võ Văn Nhâm) về vòng thành của ông tổ, ông Dương đề cập các nội dung:

- Giới thiệu về gốc gác của gia đình: Hiện nay chúng tôi họ Nguyễn, nhưng trong họ, các ông sơ, ông nội khi chết vẫn ghi họ Võ. 

- Mô tả về thực trạng vòng thành đất của ông sơ Võ Văn Nhâm trước năm 1975. Sau 1975 vòng thành vẫn còn nguyên, sau đó, do nhà nước đưa dân đến khai phá rừng nên cây to bị đốn, vòng thành dần biến dạng đi.

Trước đây, khu vòng thành rộng hơn khu vực hiện tại, khoảng gần 20 mẫu, giáp sông, giáp suối, bên cạnh là rừng rậm, le, cây to. Hiện nay chỉ còn lại nền, xung quanh người dân khai phá trồng cao su.

- Kiến nghị: Tu bổ con đường vào khu di tích, đặt tên Võ Văn Nhâm cho con đường đó.

Sau phát biểu của ông Dương là phát biểu của bà Võ Ngọc Xương, đời 6, cháu của cụ Võ Văn Đó, em út cụ Võ Văn Nhâm:

- Luôn tự hào vì bản thân được sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất nối liền với mảnh đất đặt nhà thờ Họ Võ. Qua gia phả chi họ Võ, qua những bài nghiên cứu về cụ Võ Văn Nhâm, biết rõ hơn và tự hào về những gì dòng họ, tổ tiên của mình đã đóng góp cho lịch sử dân tộc.

- Tâm đắc với ý kiến là thế hệ trẻ, có nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn, phát triển dòng họ, phải làm sao để kiến biến gia sử thành chính sử, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, làm cho công ơn, sự hy sinh, cống hiến của cha ông ta được lưu truyền mãi mãi. 

Qua gia phả mà biết rõ hơn bà con mình, biết được gốc gác của mình, có cơ hội gắn kết lại với nhau, cùng giữ gìn, phát huy, phát triển dòng họ ngày càng vững mạnh hơn.

Tiếp theo ông Nguyễn Thanh Bền trình bày tham luận “Khí phách Võ Văn Nhâm”. Ông Nguyễn Thanh Bền lưu ý điều chỉnh, thống nhất trong con cháu một số vấn đề:

- Điều chỉnh lại ở mộ bia của cụ Võ Văn Nhâm, dùng từ “thi hài” chứ không phải “hài cốt”.

- Cần có nghiên cứu lại, mời các nhà nghiên cứu đo đạc lại, thống nhất số liệu về diện tích của vòng thành. Cần tiếp tục nghiên cứu, phục hồi lại, ghi chép mô phỏng lại vòng thành. 

Và đề xuất:

- Thống nhất với ý kiến đặt tên đường, vì điều đó là xứng đáng.

- Phối hợp với tỉnh Bình Dương, cung cấp tư liệu để thực hiện việc viết lại lịch sử (liên quan cụ Võ Văn Nhâm) cho chính thống hơn.

Tiếp theo ông Đặng Văn Khoa phát biểu, nêu những cảm xúc của mình và cho rằng: “Cụ Võ Văn Nhâm và vòng thành như viên ngọc quý của dân tộc, bản thân tự tỏa sáng, nhưng trong thực tế, độ sáng của viên ngọc đó chưa đủ tỏa sáng đầy đủ, trọn vẹn. Xin được đồng hành cùng con cháu họ Võ: Đóng góp 2.000 - 5.000 cây quế để tôn tạo khuôn viên vòng thành. 

Ông Đặng Văn Khoa

Trong phát biểu của bà Lê Thị Thanh Nhã có đoạn: “Rất cảm động với câu viết trong gia phả họ Võ “Người chết thì đã chết rồi, cái còn vĩnh viễn cho con cháu chúng ta và cho quê hương ngày nay là ân đức, là dũng khí, là tinh thần yêu nước của tiền nhân. Chính sơ tổ Võ Văn Nhâm đã để lại cho con cháu và quê hương Phước Vĩnh An tiếng thơm muôn thuở. Từng thế hệ con cháu họ Võ chúng ta rất lấy làm tự hào, quyết sống xứng đáng và quyết không làm một điều gì tủi hổ vong linh tiền nhân”. Câu viết này trong gia phả họ Võ chính là lời thề, lời tuyên thệ của gia đình họ Võ. Nếu gia đình nào cũng có những tuyên thệ như vậy mở đầu cho việc giáo dục trong gia đình thì chắc rằng việc giáo dục con cháu trong gia đình sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Ông Võ Ngọc Bé, hậu duệ đời 6 họ Võ. Ông Bé có các đề xuất đáng lưu ý:

- Có thể phong cho cụ Võ Văn Nhâm danh hiệu “nghĩa sĩ”? Nghĩa sĩ Phước Vĩnh An, nghĩa sĩ Củ Chi, nghĩa sĩ Bà Giã… có vẻ sẽ thích hợp hơn?

- Nhất trí việc đặt tên đường, tất nhiên phải theo trình tự, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học.

- Về mồ mả của cụ Nhâm, không nên di dời mộ của cụ về Bưng Rê mà nên để ở quê hương Bà Giã, nên quy tập về bên cạnh mộ cụ Võ Văn Hay.

Ông Võ Ngọc Bé

Tiếp theo là phát biểu của ông Lê Tuấn Anh, cháu đời 6 của cụ Võ Văn Sót ở Tân Mỹ, Long An:

- Từ tham luận của PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, nảy sinh ý tưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ kết hợp tổ chức hội thảo về vùng đất, con người Bà Giã, trong đó làm rõ hơn về công lao của các bậc tiền bối. Từ hội thảo đó, xuất bản sách về lịch sử vùng đất, con người Bà Giã.

- Tiếp tục bổ sung gia phả, bổ sung thông tin còn thiếu của các thành viên trong họ.

Cuối cùng là phát biểu Tổng kết của TS Hoàng Văn Lễ:

TS Hoàng Văn Lễ

1. Tọa đàm do Viện Lịch sử Dòng họ khởi xướng, kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả. Có 12 tham luận, ý kiến phát biểu tại tọa đàm. Trong đó có những bài viết khá sâu, rộng, uyên bác của các nhà khoa học; Có các bài viết thực tế, cụ thể của từng vụ việc, phần lớn viết về vùng đất Bà Giã; Có các bài viết của con cháu họ Võ với những đề xuất cụ thể; Ngoài ra còn có các bài phối kết hợp các nội dung liên quan chủ đề tọa đàm.

Dù là tọa đàm nhưng cũng ghi nhận được nhiều bài viết có giá trị.

2. Viện sẽ đúc kết, xuất bản tập sách nghiên cứu LSDH số 13, trong đó, trình bày những khía cạnh của tọa đàm.

3. Về các kiến nghị: 

- Việc phong tặng danh hiệu cho ông Võ Văn Nhâm, chúng ta sẽ có kiến nghị tới cấp có thẩm quyền là Quốc hội.

- Nhiều ý kiến đề xuất việc đặt tên đường. Vấn đề này có lẽ sẽ thuận lợi hơn vì nằm trong phạm vi trách nhiệm của chính quyền địa phương.

- Việc khôi phục vòng thành: Ngoài giáo dục truyền thống, đề cao, vinh danh dòng họ…, còn có thể làm du lịch. Việc khôi phục vòng thành cần thực hiện tương xứng với công trạng của cụ Võ Văn Nhâm. Đồng thời, cần lưu ý, khu di tích này cần kết hợp những nội dung giáo dục về truyền thống đấu tranh của nhân dân Bà Giã – Củ Chi, Long Nguyên – Bến Cát….

- Cần sớm bổ sung những nội dung còn thiếu trong gia phả họ Võ, truy tìm cho được nguyên quán của họ Võ; Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đồng mả.

Tọa đàm kết thúc lúc 11 giờ 50 phút cùng ngày, sau đó mọi người cùng dự cơm trưa thân mật.

Phạm Hoàng Nam Huân
(Trích Biên bản Tọa đàm)