Trang chủ > Tổng kết lớp tập huấn về phương pháp dựng phả

Tổng kết lớp tập huấn về phương pháp dựng phả

29/08/2022 22:10:40

Nhằm mục đích mở rộng lực lượng chuyên môn, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã mở lớp tập huấn ngắn ngày để phổ biến kiến thức về dòng họ, về gia phả và phương pháp dựng gia phả cho sinh viên, các thành viên mới của trung tâm và một số cán bộ hưu trí.

Lớp học khai giảng ngày 22/10/2011 đến 12/11/2011 kết thúc. Số lượng đăng ký là 107 người, phần lớn là sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM năm thứ 3 - 4, Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ ngành Hán - Nôm, Khoa Lịch sử (Lịch sử VN, Lịch sử Đảng). Tuy vậy, số đi học đầy đủ chỉ khoảng 30 người, cùng 10 thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM và 3 cán bộ hưu trí ở Hóc Môn. Số còn lại hơn phân nữa không tham dự lớp tập huấn, một số đi dự 1 hoặc 2 buổi nhưng không làm bài thu hoạch cuối khóa.

Nội dung bài giảng gồm có 1 buổi lý thuyết về dòng họ và gia phả và 3 buổi về phương pháp dựng 1 bộ gia phả.

Cán bộ giảng dạy gồm có 4 thành viên trong BGĐ trung tâm, là nhà báo, nhà giáo và chuyên viên Hán - Nôm.

Bài làm cuối khóa gồm có bài thu hoạch về nội dung đã tiếp thu được  và bài thực hành dựng 1 bộ gia phả của họ tộc mình từ ông nội trở xuống thế hệ hiện tại trong 2 tuần kể từ ngày mãn khóa.

Kết quả có 15 học viên nộp đầy đủ bài. Có 5 học viên nộp bài thu hoạch nhưng không nộp gia phả.

Qua các bài thu hoạch, các học viên đã nhận thức được trọn vẹn phần lý thuyết và thực hành, bài thu hoạch được viết khá tốt. Một số  bài rất đặc sắc.

Bằng giọng văn truyền cảm, các em đã diễn đạt được tình cảm chân thật khi nhận thức vấn đề. Với lời lẽ trong sáng, các em phân tích cấu trúc, phương pháp một cách minh bạch, công bằng, văn chương lưu loát, cú pháp nghiêm túc, không sáo rỗng để diễn đạt tốt sự tiếp thu của mình.

Qua lớp học, các em có chuyển biến trong nhận thức một cách sâu sắc, chẳng những về khái niệm mà còn về lợi ích, ý nghĩa của gia phả và thấy được trách nhiệm của con cháu trong việc thờ phụng tổ tiên, thấy được tác dụng của gia phả đối với dòng họ và cần thiết phải lập gia phả, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Em Nguyễn Thị Thúy Phúc đã tâm sự: “Sau bốn buổi học bổ ích trôi qua tại trung tâm Gia phả TPHCM, những bài giảng của thầy cô đã để lại ấn tượng trong tôi rất lớn. Trước khi chưa học về gia phả, thực sự tôi ít quan tâm tới nó vì tôi nghĩ mình là nữ nhi, lo chi chuyện đó, đó là chuyện của nam nhi. Nhưng qua 1 tháng học tại trung tâm, tôi mới hiểu cặn kẽ mọi thứ: Chuyện thờ cúng tổ tiên, lo mồ mả ông bà và chuyện lập gia phả là chuyện con cháu phải làm. Đó là công việc thiêng liêng nhất trong đời người để báo hiếu ông bà, cha mẹ, dù là nữ nhi hay nam nhi cũng phải làm” .

Còn em Đặng Thị Hoàng Mai thì nghĩ rằng: “Con cháu mà không biết tổ tiên, ông cha mình thì tất nhiên sẽ bị làng xóm chê cười và không biết đến tông tích của mình thì sẽ không lớn nổi thành người” .

Qua 4 buổi học, nỗi lo lắng của Trúc My chỉ được giải quyết bằng cách lập gia phả. Trúc My viết: “Dòng họ là vấn đề không được giới trẻ quan tâm tìm hiểu. Họ chỉ chú trọng vào kinh tế thị trường và chạy theo xu hướng thay đổi của thế giới mà không quan tâm đến cội nguồn.... Chính vì vậy, việc tạo một bộ gia phả cho dòng tộc là việc làm hết sức cần thiết” .

Về cấu trúc của bộ gia phả theo trung tâm, các em nhận xét là hợp lý, logic. Theo em Bùi Văn Thắng thì: “tiện cho người viết, người đọc và người tìm hiểu nó” .

Riêng phương pháp dựng phả của trung tâm, các em đều đánh giá là rất khoa học, sử dụng nhiều phương pháp xã hội học, phương pháp luận sử học... lại còn phải biết cách phỏng vấn và thu thập thông tin, cách hành văn. Nói chung, các em cho rằng việc dựng phả theo cách của trung tâm không phải là điều dễ dàng. Vấn đề này được em Đặng Thị Bình cho biết suy nghĩ của mình như sau: “Mới đầu đăng ký, mục đích của tôi là muốn đi điền dã vì đơn giản: Tôi nghĩ thời gian sinh viên của tôi không còn bao nhiêu. Đây là cơ hội đi được nhiều nơi, tiếp cận môi trường mới, cọ xát nhiều quan hệ mới và có cơ hội vận dụng kiến thức chuyên ngành. Nghĩ đến đó tôi thấy thích thú, muốn trở thành cộng tác viên của trung tâm. Nhưng sau khi học tôi lại nghĩ khác, muốn làm cộng tác viên của trung tâm, cần trang bị kiến thức về lịch sử, địa lý, xã hội... và phải áp dụng chuyên ngành Hán – Nôm”. Dù biết khó như vậy nhưng em không nản lòng, vì theo em: “đó là ngọn lửa đầu tiên tôi cần phải tận lực, hết lòng, kiên trì thì họa may mới có thể là

m tốt những gì mình mong muốn lúc ban đầu” .

Em Lê Thị Điểm cũng biết lập gia phả thì khó nhưng em quyết tâm: “Hy vọng tôi có thể vận dụng kiến thức mà thầy cô đã dạy, vận dụng thực tế để góp một phần nhỏ vào công việc thiêng liêng này” .

Các em đã thể hiện quyết tâm của mình và đã cố gắng trong vòng 2 tuần dựng xong 1 bộ gia phả cho dòng họ mình. Thật đáng hoan nghênh.

Còn đối với các thầy cô dạy các em thì các em bất ngờ vì tuổi cao, kính phục và tri ân vì sự nhiệt tình của họ. Em Điểm xúc động thật sự: “Được tận mắt nhìn thấy các thầy cô, những người mái tóc đã không còn xanh nhưng họ vẫn mang trong người một nhiệt huyết, một niềm say mê với công việc mà họ đang đảm nhiệm”. Cùng ý kiến với Điểm, Đặng Thị Bình nhận xét: “Những người dạy tôi là những người ở tuổi về hưu, nghĩ ngơi vui cùng con cháu, nhưng họ đứng lớp bằng cả tâm huyết, không mệt mỏi của mình, tận tình dạy chúng tôi.... Thật sự tôi rất cảm động và kính phục những ông bà ấy”. Riêng Thúy Phúc thì “xin chân thành cám ơn thầy cô thật nhiều, đã tạo cơ hội thật tuyệt vời này để em có thể tham gia học và bồi dưỡng kiến thức về cách viết gia phả..., khởi cho em nhiều dự định trong tương lai”.

Thay mặt Ban giảng huấn, tôi xin cám ơn các em.

Vậy là qua khóa học, các em đã lĩnh hội bài tốt, đã hiểu được tấm lòng của trung tâm. Điều mà trước kia chúng tôi chưa nghĩ đến, cứ nghĩ giới trẻ không quan tâm tới gia phả, nay thì chúng tôi tin các em. Chúng tôi cám ơn thầy Đoàn Lê Giang đã giới thiệu các em đến lớp học để nay trung tâm được các em tiếp sức.

Riêng 15 em có làm bài đầy đủ sẽ được Ban Giám đốc nhận làm cộng tác viên, hãy cùng chung tay với trung tâm mở rộng việc dựng phả trong các chi họ của cả nước để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

PHAN KIM DUNG

(02-02-2012)