Trang chủ > 075. Gia phả họ Trần (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

075. Gia phả họ Trần (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

21/08/2022 18:02:58

Gia phả họ Trần ở khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2013.  

LỜI MỞ ĐẦU

Ông bà thường nói: “Cây có cội, nước có nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”, là ý muốn nhắc nhở ta tìm về cội nguồn của dòng họ.

Muốn tìm về cội nguồn thì phải nhờ vào gia phả. Tổ tiên họ Trần ta là lưu dân từ Đàng Ngoài vào phương Nam lập nghiệp nên không mang theo gia phả. Trong quá trình sinh sống tại Đầm Dơi, các bậc lão thành trong họ cũng đã có ghi gia phả nhưng thời kháng chiến chống Pháp, nhà cửa ở xã Tân Duyệt, Đầm Dơi bị thực dân Pháp đốt sạch nên gia phả cũng chẳng còn. Sau 30/4/1975, hòa bình lập lại, bác Ba Việt (ông Trần Đắc Tưởng, đời V) cũng đã có ghi lại phả đồ của họ Trần ta nhưng không được đầy đủ. Vì vậy hiện nay họ ta chưa có bộ gia phả hoàn chỉnh thể hiện được lịch sử của họ tộc mình.

Ông tổ họ Trần ta từ miền Ngoài xa xôi vào lập nghiệp tại vùng Đầm Dơi, nước mặn đã gần 200 năm, khi vùng đất này còn hoang vu. Ông đã lao động cật lực, chịu đầy gian nan thử thách để chống chọi với thiên tai, dịch bệnh, thú dữ và bọn ác bá cường quyền để phát hoang từng lỏm đất tạo nên ruộng, vườn, cùng các họ tộc khác hình thành làng Tân Duyệt rộng lớn tạo nên tổ quán cho họ tộc ta. Con cháu các thế hệ nối tiếp noi gương ông lao động cần cù, cải thiện cuộc sống và làm cho quê hương ta ngày càng trù phú, cảnh quang ngày thêm xinh đẹp.

Rồi chiến tranh cũng bùng nổ trên vùng đất này, khốc liệt nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đông đảo con cháu họ Trần ta cũng tham gia vào hai cuộc kháng chiến này để bảo vệ mảnh đất mà tổ tiên ta đã cùng các họ tộc khác dày công gây dựng. Những truyền thống tốt đẹp này đáng được ghi vào gia phả để con cháu tự hào và phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước.

Cũng do chiến tranh mà họ hàng ta phải xa tổ quán, ít liên hệ nhau. Việc giỗ quảy của gia đình ai nấy lo, không có giỗ tổ, không qui tụ được họ hàng.

Tôi được sinh ra trên vùng đất tổ, cha tôi tham gia cách mạng rất sớm, từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông bị địch bắt trong 9 năm kháng chiến, bị tra tấn nên ra tù phải mang trọng bệnh. Tôi được cha mẹ gởi lên Sài Gòn ở nhà người cô để học từ khi mới học hết lớp hai. Ở với cô học hết trung học phổ thông, tôi lại tiếp tục đi làm cho đến nay vẫn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xa quê từ đó. Vì vậy nên họ hàng bên nội tôi biết rất ít nói chi biết đến cội nguồn. Cho nên việc lập gia phả cho họ ta và nhất là đối với tôi là rất cần thiết.

Nay tôi biết được có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh chuyên dựng gia phả cho các dòng họ, nên tôi nhờ tổ chức này dựng bộ gia phả cho họ ta để giúp con cháu biết được cội nguồn quan hệ họ hàng và biết được những truyền thống tốt đẹp của dòng họ để gìn giữ và phát huy, để thắt chặt tình thân tộc, để giúp nhau cùng xây dựng dòng họ mình tốt hơn.

Bộ gia phả này gồm có cấu trúc sau:

- Lời mở đầu: nêu lý do dựng phả.

- Phần chính phả gồm:

• Phả ký: ghi tóm tắt lịch sử dòng họ từ khởi thủy cho đến thế hệ hôm nay và những ưu điểm của dòng họ để con cháu có trách nhiệm gìn giữ.

• Phả hệ ghi đầy đủ họ, tên, năm sinh, năm mất, ngày giỗ, vị trí mồ mả (nếu đã qua đời) và hành trạng từng người cho từng thế hệ.

• Phần ngoại phả gồm các bài viết về tiểu sử, về việc thờ cúng tổ tiên và một số thống kê cần thiết cho bộ gia phả.

• Phần phụ khảo đưa tư liệu của gia đình dùng để nghiên cứu cho bộ gia phả.

Bộ gia phả này cơ bản đã hoàn thành. Tôi cám ơn bà con đã cung cấp những thông tin cho các chuyên viên dựng phả một cách chính xác và cũng vô cùng biết ơn bác Ba Việt, đã cung cấp nhiều thông tin quý báu về nguồn gốc dòng họ, cám ơn Huỳnh Dân đã không quản ngại khó khăn đưa các chuyên viên gia phả đến từng gia đình để lấy thông tin, chụp hình từng ngôi mộ. Riêng đối với Trung tâm Gia phả, tôi rất trân trọng và chân thành cám ơn sự nhiệt tình của các chuyên viên đã chịu khó ghi chép tỉ mĩ, nghiên cứu lịch sử địa phương để hoàn thành tốt việc dựng bộ gia phả này.

Dẫu có nhiều cố gắng song không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bà con tiếp tục bổ sung để gia phả họ ta được hoàn chỉnh.

Bộ gia phả này được sử dụng rộng rãi trong họ tộc. Riêng các nhà khoa học cũng có thể tham khảo.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 01 năm 2013

Hậu duệ đời VI

Trần Văn Bắc

 

PHẢ KÝ

Mỗi dòng họ đều có một lịch sử khác nhau nhưng cùng góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Việc ghi chép lịch sử dòng họ là việc dựng gia phả cho dòng họ, tức là việc xác định cội nguồn, tổ quán, việc tìm hiểu sự phát triển của dòng họ, khảo sát việc làm ăn sinh sống và việc chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước của các thế hệ. Điều quan trọng cho việc ghi chép lịch sử dòng họ là việc ghi lại những truyền thống tốt đẹp của dòng họ để con cháu trân trọng giữ gìn và phát huy.

I. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT ĐẦM DƠI – TỔ QUÁN CỦA HỌ TRẦN

Đầm Dơi là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phần cực Nam của tổ quốc ta, do phù sa mới bù đắp, có địa hình bằng phẳng, thoai thoải, theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. Địa hình Đầm Dơi bị chia cắt bởi kênh rạch chằng chịt, có các sông lớn như Gành Hào, Đầm Chim, kênh Đội Cường.

Đầm Dơi cách thành phố Cà Mau 30km về phía Đông Nam.

• Phía Tây giáp huyện Cái Nước

• Phía Nam giáp huyện Năm Căn

• Phía Bắc giáp thành phố Cà Mau

• Phía Đông giáp biển Đông

Diện tích tự nhiên là 81.400km2, Đầm Dơi xưa là một vùng đất hoang vu, thuộc đất Hà Tiên. Quá trình hình thành và phát triển của huyện Đầm Dơi theo quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Cà Mau.

Đầu thế kỷ XVI, người dân Việt đến khai phá vùng đất này. Họ là lưu dân miền Bắc, miền Trung do không chịu được cuộc nội chiến kéo dài của triều đình phong kiến Trịnh – Nguyễn nên đã rời bỏ quê hương vào vùng đất Nam Bộ. Một số đã vào vùng đất Đầm Dơi ra sức khai hoang và đã định cư lập ra quê hương mới, tạo cuộc sống mới. Bên cạnh đó còn có người Hoa không thần phục triều đình Mãn Thanh, một số người Khmer do không chịu được chiến tranh trên đất nước họ nên cũng sang đây để cùng người Việt, người Hoa sinh sống. Cũng có một số người bị bọn cường hào, ác bá, địa chủ áp bức, bóc lột; một số nghĩa sĩ chống thực dân Pháp ở các vùng khác đã qui tụ về đây lánh nạn và tìm phương lập nghiệp.

Quá trình mở đất của ông cha ta là quá trình đầy gian nan, thử thách, phải chống chọi với thiên nhiên khắt nghiệt và thú dữ, còn phải chống lại bọn cường hào ác bá cướp đất đai của lưu dân. Họ phải chiến đấu để giành lại thành quả lao động của mình để tạo nên ruộng vườn, hình thành hai làng Tân Duyệt và Tân Thuận rộng lớn (bao gồm cả huyện Đầm Dơi ngày nay) với những địa danh như: Xóm Ruộng, Xóm Trại, Xóm Giồng … và nhiều địa danh khác.

Cuộc khai hoang được tiến hành nhanh chóng. Từ năm 1888 đến năm 1930, lưu dân đã khẩn được 311.015ha đất hoang, nguyên sinh và ra sức cải tạo thành vùng đất mầu mở trong đó có vùng đất Đầm Dơi đã chiếm hàng chục ha. Quá trình mở đất không ngừng tăng lên. Năm 1975 có hơn 55.750 người trong đó có 2.000 người Hoa và Khmer.

Đầm Dơi xưa là làng Tân Duyệt thuộc tổng Quảng An, quận Cà Mau, tỉnh An Xuyên. Tên Đầm Dơi chính thức được hình thành từ ngày 20/10/1956 gồm 4 xã: Tân An, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Hòa. Quận lỵ đặt tại Tân Duyệt. Suốt 30 năm kháng chiến, Đầm Dơi là phần đất nằm trong địa giới hành chính của huyện Ngọc Hiển. Cuối tháng 12 năm 1984 Hội đồng Bộ Trưởng đổi huyện Ngọc Hiển thành huyện Đầm Dơi, thị trấn Ngọc Hiển thành thị trấn Đầm Dơi thuộc tỉnh Minh Hải. Cuối năm 1996 tỉnh Minh Hải được tách ra làm hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, huyện Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau. Từ ngày 2 tháng 9 năm 2005 cho đến nay (2013) huyện Đầm Dơi có 1 thị trấn và 15 xã, trong đó tổ quán họ Trần ở khóm 4 thị trấn Đầm Dơi (xưa là làng Tân Duyệt, tổng Quảng An, quận Cà Mau, tỉnh An Xuyên). 

Kinh tế huyện Đầm Dơi là Nông – Lâm – Ngư nghiệp: đánh bắt thủy hải sản, khẩn rừng và làm ruộng rẩy. Đầm Dơi có 22km biển, phát triển mạnh là kinh tế biển. Đầm Dơi có khả năng phát triển du lịch. Ngoài những nghề chủ yếu, người Đầm Dơi xưa còn có nghề săn thú rừng, gác kèo nuôi ong, câu sấu, đóng đáy, xây nò, đốt than lấy củi, dệt chiếu, chằm lá. Đa số người Đầm Dơi theo Phật giáo, một số theo đạo Tin Lành, Cao Đài và Thiên Chúa.

Họ cũng học chữ Hán nhưng để đọc sách thánh hiền, không khoa cử, học chữ quốc ngữ để đọc báo nên nhạy bén với cái mới. Họ đã hưởng ứng phong trào Cần Vương, Duy Tân chống Pháp… có những nhận thức mới như cắt tóc ngắn, mặc âu phục… từ những phong trào đó đã nung nấu lòng yêu nước, hướng tới cái chân thiện, mỹ, giàu lòng nhân ái, vị tha.

Khi Tây Sơn đuổi quân Xiêm, truy lùng Nguyễn Ánh, người dân Đầm Dơi đã biết chọn chính nghĩa, ủng hộ Tây Sơn chống quân Xiêm xâm lược. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Đầm Dơi ủng hộ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự. Đến thế kỷ XIX thì theo Thiên Địa Hội chống Pháp với khẩu hiệu “phản Pháp, phục Nam”.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Đầm Dơi một lòng theo Đảng, quyết tâm sống chết với kẻ thù, thủy chung son sắt với quê hương, đất nước. Họ đã xây dựng và củng cố địa bàn Đầm Dơi trở thành căn cứ địa vững chắc chẳng những của tỉnh mà còn cả Nam Bộ.

Kết hợp với thế đất lòng người, người dân Đầm Dơi đã vượt qua muôn vàn gian khổ, chịu hy sinh mất mát đã đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng cả nước viết lên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp giữ nước. Sau hai cuộc kháng chiến Đầm Dơi trở thành một “đơn vị anh hùng, lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương có sự đóng góp của tổ tiên và con cháu các thế hệ họ Trần ta.

II. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ

1. Truy tìm ông Tổ họ Trần

Tổ tiên họ Trần là lưu dân từ Đàng Ngoài vào nên không có gia phả. Trong quá trình sinh sống tại Đầm Dơi, các bậc lão thành cũng có ghi chép một cách có hệ thống họ tộc mình nhưng do khói lửa chiến tranh, gia phả cũng bị thiêu hủy cùng với nhà cửa. Hiện nay tổ tiên cũng không để lại di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất nên việc tìm nguồn gốc họ tộc phải lần theo ký ức của các bậc lão thành trong họ.

Để tìm ông Tổ và quy mô họ Trần, ngày 9 tháng 5 năm 2011, tổ công tác đại diện cho Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã đến gặp ông Trần Văn Bắc – người đứng ra đại diện dòng họ lập bộ gia phả này. Ông Bắc cho biết họ nội, họ ngoại ông đều ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, nhưng ông sống xa tổ quán từ nhỏ nên không biết nhiều về tổ tiên họ Trần, về quê hương, tổ quán nhưng ông đã hướng dẫn chúng tôi xuống Đầm Dơi gặp cô ruột ông là bà Trần Thị Nga ở khóm 2 thị trấn Đầm Dơi, là một trong những người cao tuổi nhất của họ tộc, hiểu biết nhiều về tổ tiên và mồ mả họ Trần.

Được sự hướng dẫn của ông Huỳnh Huỳnh Dân con trai bà Nga, ngày 12 tháng 2 năm 2012, ông Trần Văn Thuận đại diện tổ công tác đi Đầm Dơi gặp bà Trần Thị Nga để tìm hiểu dòng họ.

Qua sự cung cấp thông tin của bà Nga thì người cao tuổi nhất của họ Trần là ông Trần Văn Châu. Bà còn cho biết con cháu họ Trần các thế hệ hầu hết ở Đầm Dơi, Cần Giờ và thành phố Hồ Chí Minh.

Qua buổi tiếp xúc với bà Trần Thị Nga, chúng tôi vẽ sơ lược được phả đồ và nắm được quy mô dòng họ. Nhưng thật sự không đơn giản như vậy. Khi chúng tôi đi Đầm Dơi lần thứ II vào ngày 15 tháng 3 năm 2012, chuyến đi này chúng tôi gặp ông Trần Văn Quang (đời V) ở khóm 3, thị trấn Đầm Dơi. Ông Quang cho biết ông Trần Văn Châu là ông nội của ông. Trên ông Châu còn có ông Cố, ông Sơ nhưng ông không biết tên, phải gặp ông Trần Đắc Tưởng, bí danh Ba Việt là anh họ ông thì biết rõ hơn vì ông Ba Việt có lập gia phả cho chi họ Trần.

Nghe có người biết nhiều về dòng họ Trần và đã có lập gia phả. Chúng tôi mừng quá và nhờ ông Quang dẫn chúng tôi đến nhà ông Trần Đắc Tưởng (ông Ba Việt). Ông Quang đưa chúng tôi đến ấp Tân Khánh A, xã Tạ An Khương cũng thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông Trần Đắc Tưởng (ông Ba Việt) là một cán bộ lão thành cách mạng đã về hưu, năm nay ông đã ngoài 80 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh.

Ông vẫn lo việc ruộng nương, đồng áng hàng ngày rất tốt. Biết được chúng tôi đến lập gia phả, ông Ba Việt từ ngoài đồng ruộng về nhà sớm. Tắm xong, ông Ba Việt vui vẻ tiếp chúng tôi. Ông lục tìm quyển gia phả do ông viết tay mà ông đã ghi chép khi mới nghỉ hưu. Qua tập tư liệu của ông và những thông tin ông cung cấp thêm, chúng tôi biết được người cao tuổi nhất của chi họ Trần là ông Trần Văn Luông. Ông có ba người con: 2 con trai và 1 con gái là đời thứ II.

Ông Ba Việt cho biết ông Tổ ông từ miền Trung vào lập nghiệp tại Đầm Dơi. Ngoài ông Trần Văn Luông không có người nào cao tuổi hơn nữa nên chúng tôi gọi ông là ông Tổ đời I của họ Trần ở Đầm Dơi.

Về tuổi tác cũng như nguyên nhân ông Tổ rời bỏ quê hương vào Nam lập nghiệp thì trong họ không có tư liệu nào nói rõ.

Ông đến lập nghiệp tại Xóm Giồng, làng Tân Duyệt, tổng Quảng An, quận Cà Mau, tỉnh An Xuyên (nay là khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Mộ ông là mộ đất, không có bia, trong quá trình giải tỏa, một phần đất của làng Tân Duyệt để làm chợ Tân Duyệt mộ ông bị mất, đất cũng bị mất. Không có tư liệu nào để biết tuổi thật của ông và thời điểm ông đến Đầm Dơi.

Theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì cứ mỗi thế hệ cách nhau 25 năm và mỗi con cách nhau 2 năm. Căn cứ vào năm sinh của ông Trần Kim Ngọc là năm 1901 (con thứ 7, đời thứ IV) thì bà Trần Thị Cảnh là chị thứ Hai của ông Ngọc có năm sinh khoảng 1901 -10 = 1891. Như vậy năm sinh của ông Trần Văn Nghé (cha ông Trần Kim Ngọc) khoảng năm 1891 – 25 = 1866 và năm sinh của ông Trần Văn Thình (đời II, thứ hai) là năm 1841. Năm sinh của ông Tổ Trần Văn Luông khoảng 1841 – 25 = 1816 (Gia Long thứ 14). 

Để làm cuộc hành trình từ miền Ngoài vào Nam khẩn hoang, người thanh niên phải có sức khỏe, phải biết lao động và tổ chức cuộc sống thì ít nhất phải 20 tuổi. Nếu ông Tổ vào Nam ở tuổi 20 thì năm ông vào Nam là năm 1816 + 20 = 1836 (Minh Mạng thứ 17) thời điểm này nước ta còn chủ quyền. Vua muốn mở mang bờ cỏi nên đã có chỉ dụ cho dân vào Nam khẩn hoang.

Không rõ ông Tổ đi vào Nam theo chính sách khẩn hoang của triều đình hay đi tự do? Đi bằng phương tiện gì? Con cháu ông không rõ được. Năm 1836 là năm vua Minh Mạng cho lập xong địa bạ. Những đơn vị hành chánh đã xuất hiện ở Nam Bộ được ghi chép rõ ràng trong địa bạ có vị trí, giới hạn diện tích rõ ràng. Bà Tổ là Đinh Thị Quyên, không rõ ông gặp bà ở Nam Bộ hay ông kết hôn với bà ở miền Ngoài rồi cùng bà vào Nam.

Đầm Dơi được thiên nhiên ưu đãi có nhiều cá tôm, cây dừa nước bạt ngàn, ... Để có cái ăn ban đầu trong buổi đầu khai hoang ở Đầm Dơi, ông bà Tổ ra sức chặt lá dừa nước bán, bắt cá tôm, một phần để ăn, số còn lại làm khô mắm cũng để bán làm chi phí buổi đầu cho việc khai hoang, cải tạo đất lập nên ruộng vườn, cất nhà cửa tạo cơ sở cho việc định cư lâu dài.

Lao động ban đầu cũng rất gian nan. Để có đất, ông bà phải ra sức chặt cây, moi từng lõm đất, còn phải cải tạo đất để có độ phì nhiêu. Ông bà sống bằng nghề nông, còn chằm lá, dệt chiếu, bắt cá làm khô mắm làm kinh tế phụ.

Hiện nay không có tài liệu nào cho biết ông khẩn được bao nhiêu đất và đã chia cho con cháu ra sao! Hậu duệ ông chỉ biết đất ông khẩn ở cạnh chợ Tân Duyệt, khi chợ Tân Duyệt được mở rộng, nhà đất ông bị giải tỏa để chợ được rộng ra (chợ Tân Duyệt nay là chợ Đầm Dơi). Ông Trần Đắc Tưởng (đời V) đã được thừa kế một phần đất này để lại cho con trai thứ Sáu của ông là ông Trần Việt Thắng. Ông Thắng đã cất nhà trên đất tổ ở đường Dương Thị Cẩm Vân, thuộc khóm 4, thị trấn Đầm Dơi. Ông bà Tổ qua đời vì bệnh già, mộ đã mất.

Ông bà hạ sanh được ba người con:

- Thứ hai : Trần Văn Thình

- Thứ ba : Trần Thị Chọn

- Thứ tư : Trần Văn Huẩn

Bà Trần Thị Chọn được cha mẹ gả chồng, các con chuyển sang họ khác, nối dòng cho họ bên chồng.

Hai người con trai của ông bà lập gia đình tạo ra hai chi nối dòng cho họ Trần.

• Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông Trần Văn Thình. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Thể, có được 2 gái, 3 trai – truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ VIII

• Chi thứ hai: Trưởng chi là ông Trần Văn Huẩn, không rõ ông lập gia đình với họ nào, có được ba người con: 1 gái, 2 trai. Hiện nay con cháu họ Trần không liên lạc được hậu duệ của ông. 

Do đó gia phả này chỉ lập chi thứ nhất. Sau này có điều kiện sẽ lập chi II để có được một bộ gia phả hoàn chỉnh.

2. Hôn nhân và sự phát triển của chi I – hậu duệ ông Trần Văn Thình

a. Vấn đề hôn nhân

Hôn nhân là vấn đề hệ trọng cả đời người, cả dòng họ. Chính qua hôn nhân tạo ra gia đình sinh con đẻ cháu và tiếp tục kết hôn với các họ khác để phát triển thành dòng họ. Hôn nhân có tốt thì dòng họ mới phát triển bền vững.

Qua hơn 170 năm từ khi ông Tổ đời thứ nhất đến vùng đất Đầm Dơi lập nghiệp đến nay hầu hết con trai họ Trần khi đến tuổi trưởng thành đã quan hệ hôn nhân nhiều nhất với họ Nguyễn, kế đến là họ Lê, rồi họ Phạm, họ Huỳnh, tiếp theo với các họ Đinh, Hồng, Lữ, Phan, Hà, Ngô, Biện, Lý, Vương, Hồ, Tạ, Trương. Cũng có trường hợp kết hôn với họ Trần. Hầu hết các họ trên đây có gốc nông dân, nhân dân lao động, lao động tốt, theo cách mạng.

Đời I, II, III, IV quan hệ hôn nhân do cha mẹ quyết định, vì thời kỳ này giáo dục gia đình trật tự xã hội đều theo lễ giáo phong kiến, lấy nho giáo làm gốc. Họ Trần gốc nông dân và nhân dân lao động nên không khắt khe trong việc chọn dâu, không đòi hỏi phải môn đăng hộ đối, chỉ dựa trên sự giỏi giang lao động và nết na của cô gái.

Sau Cánh mạng Tháng Tám 1945 thành công, phụ nữ hiểu biết về bình đẳng giới, nam nữ lại có dịp gặp nhau, chiến đấu chống giặc ngoại xâm hay trong những buổi sinh hoạt đoàn thể hoặc làm chung cơ quan, xí nghiệp, học chung trường lớp nên hôn nhân đời V được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, tự nguyện, cha mẹ chỉ có vai trò quan trọng trong việc tổ chức hỏi, cưới.

Đời VI, VII – trưởng thành thì hòa bình được lập lại sau 30/4/1975, con cháu có điều kiện học hành, trình độ học vấn được nâng cao nên ý thức việc chọn bạn đời có cùng chí hướng, đồng tài, đồng sức để hôn nhân được bền vững. Nam, nữ biết xây dựng gia đình hạnh phúc vừa phù hợp với sự tiến bộ của xã hội vừa giữ được truyền thống văn hóa của dân tộc.

b. Sự phát triển của dòng họ về số lượng

Khảo sát phả đồ chi I, thống kê số lượng các thế hệ chi này, chúng ta thấy được sự phát triển từng thế hệ như sau:

Đời I số lượng : 1 (ông Tổ)

Đời II số lượng : tăng lên 3 người, trong đó có 2 trai, 1 gái

Đời III số lượng : tăng dần 5 người, có 3 trai, 2 gái

Đời IV số lượng : tăng vọt: 14 người, 1 chết nhỏ còn 5 trai, 8 gái

Đời V số lượng : tăng mạnh 24 người, 1 chết nhỏ còn 11 trai 12 gái

Đời VI số lượng : vẫn tăng lên đến 39 người, 1 chết nhỏ, còn 22 trai, 16 gái

Đời VII số lượng : lên đến 43 người, 1 chết nhỏ, còn 19 trai, 23 gái

Đời VIII số lượng : mới chỉ 5 người 3 trai, 2 gái

Toàn chi I có 134 người, chết nhỏ 4, còn 130 người trong đó có 66 trai và 64 gái. Đã qua đời 29 (18 trai và 11 gái)

Hiện còn sinh tiền là 101 người gồm 48 trai và 53 gái.

Số lượng tăng dần từng thế hệ, cao nhất là đời VII dù có hạn chế sinh đẻ. Đời thứ VIII mới chỉ có 3 gia đình có con. 

Nguyên nhân số lượng tăng là do: khéo nuôi, chết nhỏ ít, là những gia đình nông dân (ít chịu theo kế hoạch sinh đẻ).

Có nhiều gia đình đông con như gia đình ông Trần Kim Ngọc (đời V) có đến 12 người con trong đó có đến 7 con trai. Gia đình ông Trần Văn Sương có đến 6 con.

Đời thứ VII tăng vọt, do đời thứ VI có nhiều con trai. Qui mô chi này tương đối lớn, con cháu sống tập trung ở thị trấn Đầm Dơi, các xã trong huyện Đầm Dơi – cũng có một số ở huyện Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Cũng có người định cư tại Úc.

Hiện nay những người cao tuổi sống với con cháu được con cháu phụng dưỡng tử tế. Số người trong độ tuổi lao động, tuổi học hành là một cộng đồng khỏe mạnh, lao động trong mọi lĩnh vực và học tập tốt.

Các cô dâu họ Trần là dâu hiền, rể thảo. Đặc biệt các chú rể người Hoa (đời IV) biết lo làm ăn, xây dựng gia đình theo văn hóa người Việt.

Các cô dâu họ Trần biết cùng chồng lo làm ăn nuôi dạy con tốt, biết đối xử tốt và phụng thờ tổ tiên nhà chồng. Khi chồng qua đời các bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Khi chồng làm cách mạng các bà hỗ trợ chồng, tự lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con để chồng yên tâm công tác.

Chịu gian khổ trong buổi đầu khai hoang lập nghiệp là bà Tổ Đinh Thị Quyên, bà phải cùng ông chặt lá dừa, bắt cá, tôm, lo phụ chồng lao động cật lực dưới sông nước trên đồng ruộng và cùng chồng từng bước ổn định cuộc sống, nuôi dạy con tốt. Các cô dâu đời II, III cũng là những người lao động cần mẩn, siêng năng với nghề nông, nghề dệt chiếu, lặn lội bắt cá tôm, âm thầm lo việc nội trợ trong gia đình.

Khi chồng tham gia cách mạng thì các bà dâu luôn sát cánh cùng chồng, giúp chồng yên tâm công tác tiêu biểu là bà Châu Thúy Nhủ - vợ ông Trần Đắc Tưởng (đời V). Ông làm cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến, bà vừa tham gia cách mạng tại địa phương vừa lo việc ruộng nương, việc dệt chiếu, chằm lá, chăm lo mồ mả, giỗ quảy tổ tiên nhà chồng, nuôi dạy 8 người con, để chồng yên tâm công tác. Hiện nay tuổi bà đã cao, bà vẫn lo việc phụng thờ tổ tiên nhà chồng và cùng ông gắn bó với địa phương.

Bà Vương Thị Bông vợ ông Trần Thanh Đồ (đời V) một lòng chung thủy cùng chồng. Ông tham gia cách mạng từ tuổi thanh niên, kinh tế gia đình một mình bà lo liệu. Ông bị địch bắt cầm tù, bà lo thăm nuôi. Khi ông ra tù, bị bệnh được điều lắng về Cần Giờ, bà về Cần giờ chăm sóc ông và tổ chức cuộc sống ở đó. Năm 1978 ông qua đời, bà vẫn ở vậy thờ chồng hơn 30 năm. Đến năm 2009 thì bà qua đời.

Bà Lý Thị Phấn vợ ông Trần Văn Trinh (đời V) gắn bó cùng chồng trong cuộc đời làm cách mạng của ông. Ông tham gia cách mạng bà cũng tham gia, theo ông vào chiến khu. Khi ông bị tù bà vừa lo thăm nuôi, vừa lo kinh tế gia đình. Khi ông ra tù, bà đưa con về nhà bà chị chồng tá túc, hằng ngày chằm lá lợp nhà kiếm sống nuôi 7 con. Năm 1985, ông qua đời, bà vẫn ở vậy nuôi con đến năm 2012 thì qua đời.

Các cô dâu trẻ họ Trần có văn hóa, biết lo làm ăn, nhưng việc xây dựng gia đình vẫn theo nền nếp gia phong bản sắc văn hóa của dân tộc.

Con gái họ Trần lấy chồng cũng là dâu hiền của họ tộc nhà chồng, lo làm ăn, cư xử tốt với bên chồng, làm tốt bổn phận dâu con. Đặc biệt đời III, IV con gái họ Trần lấy chồng người Hoa như bà Trần Thị Đắc (đời IV) vợ ông Huỳnh Thủy, bà Trần Thị Cảnh (đời IV) vợ ông Trịnh Kim Xuyến, bà Trần Thị Lăng (đời IV) vợ ông Trương Văn Bính, bà Trần Thị Làng vợ ông Lưu Kim Chen. Các bà cùng chồng buôn bán tạp hóa, đốt củi làm than, tổ chức cuộc sống theo phong tục tập quán người Việt. Chồng con và cháu ngoại theo cách mạng, một số theo cách mạng triệt để.

Nhờ họ Trần biết giáo dục tốt con cái, biết chọn dâu kén rể nên có được dâu hiền rể thảo. Đó là nét đẹp của văn hóa dân tộc, cần được gìn giữ.

III. NHỮNG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA TỐT ĐẸP CỦA TỘC TRẦN Ở ĐẦM DƠI

Hơn 170 năm (từ 1836 – 2012) định cư lập nghiệp ở Xóm Giồng, làng Tân Duyệt, tổng Quảng An, quận Cà Mau, tỉnh An Xuyên nay là khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, ông Tổ họ Trần là Trần Văn Luông và bà Tổ Đinh Thị Quyên đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ VIII, tạo ra qui mô chi họ khá lớn. Qua lao động và chiến đấu chống giặc ngoại xâm, con cháu họ Trần đã hình thành nếp sống văn hóa tốt đẹp của họ tộc mình đáng được con cháu gìn giữ và phát huy như sau:

1. Tính cần cù trong lao động và nếp sống bình dân, giản dị

Ông Tổ đời I từ miền Trung vào đến vùng đất Đầm Dơi vào nửa đầu thế kỷ XIX (1836) khi ấy vùng này còn hoang vu. Ông và vợ phải hằng ngày bì bỏm dưới nước bắt cá, chặt lá dừa nước bán để có cái ăn ban đầu rồi phát hoang để tạo nên ruộng, vườn làm cơ sở kinh tế lâu dài cho con cháu.

Noi gương ông, con cháu các thế hệ tiếp tục lao động làm ruộng, dệt chiếu, chằm lá, bắt cá, làm khô mắm. Con gái lấy chồng Hoa thì buôn bán tạp hóa, lập lò than. Con cháu ngày càng đông, đất đai không đủ cho con cháu canh tác, phải làm thuê, làm mướm thêm mới đủ sống. Đời IV, V trưởng thành thì chiến tranh bùng nổ ác liệt trên quê hương. Con cháu họ Trần phải lao động cật lực hơn mới tồn tại được.

Có người theo cách mạng thì vừa làm công tác cách mạng  vừa làm nhiều nghề khác nhau trong quá trình công tác cách mạng như ông Huỳnh Văn Xứng – chồng bà Trần Thị Nga. Trước năm 1945, ông làm Bí thư chi đoàn ở Đầm Dơi. Năm 1954, bị truy nả ông lên Sài Gòn làm kiểm hóa viên khu 5 Cát Lái, công tác bí mật ở Rừng Sát, công tác binh vận. Cũng có người làm Trưởng Công an, làm Y sĩ, làm bộ đội trinh sát.

Đời VI, VII trưởng thành thì hòa bình được lập lại trên toàn lãnh thổ nước ta, trình độ học vấn của con cháu được nâng cao. Trong quá trình đô thị hóa, con cháu họ Trần ngày càng đông, đất đai không đủ để canh tác, nên có người làm thợ may, thợ hồ, thợ cưa, thợ hớt tóc, thợ in lụa.

Người có học cao thì làm kiến trúc sư, làm cán bộ ở cơ quan, làm biên tập viên đài phát thanh, làm ở Công ty Vật tư, Giám đốc ngân hàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn hay làm ở Viện trao đổi văn hóa Pháp. Tất cả đều lao động tốt trên đồng ruộng, trong cơ quan, xí nghiệp – có người tuổi trên 80 mà vẫn say mê lao động như ông Ba Việt, ông Quang. Tất cả ai cũng có công ăn việc làm, không ai làm nghề gì có hại đến danh dự dòng họ.

Dù ở địa vị nào, con cháu họ Trần vẫn sống rất bình dân giản dị, chân thật. Đó là đặc điểm của người nông dân Nam Bộ.

2. Truyền thống cách mạng

Sự có mặt của ông Tổ đời I Trần Văn Luông và sự trưởng thành của các ông đời II, III (1836 đến khoảng năm 1890) là thời kỳ thực dân Pháp đã hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam qua hòa ước Patenôtre năm 1884. Theo hòa ước này thì nước ta hoàn toàn mất chủ quyền; Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Pháp trực tiếp cai trị Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ, triều đình Huế chỉ là bù nhìn, mọi quyết định đều do thực dân Pháp. 

Sau Cánh mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, rồi chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hiệp định Genèvơ được ký kết, hòa bình được lập lại nhưng Mỹ lại can thiệp vào Hiệp định này biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng.

Thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ ra sức áp bức bóc lột, người dân phải chịu mất mát đau thương. Kế thừa truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhân dân huyện Đầm Dơi trong đó có con cháu họ Trần cùng cả nước tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng để giành lại quê hương mà họ đã dày công xây dựng.

Mở đầu là ông Trần Kim Ngọc (đời IV) tham gia cách mạng tại Tân Duyệt với bí danh là Bảy Huy. Con cháu ông hiện nay không biết rõ ông làm công tác gì? Thế hệ sau (đời V) con trai, con gái đều tham gia cách mạng. Đời IV còn có ông Huỳnh Văn Phú, chồng bà Trần Thị Hoài tham gia cách mạng với công tác kinh tài trong đầu thời kỳ chống Mỹ. Ông là đảng viên.

Ông Phạm Học Xá chồng bà Trần Thị Canh (đời IV) theo cách mạng từ năm 1945, vào đảng năm 1948, hoạt động hợp pháp trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Do công tác bị lộ, năm 1959 ông bị địch bắt cầm tù 3 năm (từ 1959 – 1962) ở khám lớn Cà Mau. Ông bị tra tấn nhiều nên ra tù, ông bị bệnh và qua đời năm 1966. Con trai, con gái của ông bà đều tham gia cách mạng. Bà Phạm Thị Tơ là cán bộ binh vận, hy sinh được công nhận liệt sĩ.

Ông Phạm Học Oanh là liệt sĩ, hy sinh năm 1958, ông Phạm Học Đường hy sinh năm 1968, cũng là liệt sĩ. Bà Trần Thị Canh là Mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng ông Phạm Học Lâm tham gia cách mạng rất sớm từ năm 1945 vào đảng năm 1950. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của đảng và chính quyền. Năm 1984 ông là Thứ trưởng Bộ Tài chánh. Năm 1986, ông được chỉ định là Phó Chủ tịch Ngân hàng đầu tư Quốc tế Mat-cơ-va. Ông có huy hiệu 60 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương trong hai thời kỳ kháng chiến.

Đời V, con bà Trần Thị Canh và ông Trịnh Kim Xuyến (người Hoa) là ông Trịnh Thanh Xuân là liệt sĩ, hy sinh năm 1969. Con bà Trần Thị Đắc và ông Huỳnh Thủy (người Hoa) là ông Huỳnh Kim bí danh Tư Hoàng có 60 tuổi đảng. ông Huỳnh Tuất bí danh Mười Út là liệt sĩ chống Mỹ. Ông Trần Đắc Tưởng có bí danh là Ba Việt (đời V) đã tham gia cách mạng từ trước Cánh mạng Tháng Tám năm 1945 từ tổ chức Thanh niên Tiền phong, vào đảng năm 1949.

Ông giữ nhiều chức vụ trong công tác đảng và chính quyền. Từ năm 1961 đến năm 1966 ông là Bí thư xã Tân Duyệt rồi được chuyển sang làm Phó Ban an ninh huyện Phan Ngọc Hiển (1968). Đến năm 1968, ông là Huyện Ủy viên kiêm Phó Chủ tịch huyện Phan Ngọc Hiển. Năm 1973 ông là Phó Ban An ninh, Bí thư Đảng ủy phụ trách lực lượng Công an vũ trang, chính trị viên. Từ năm 1975 – 1978 ông là Phó Chủ tịch, huyện Ủy viên huyện Phan Ngọc Hiển. Ông có 60 tuổi đảng, được thưởng nhiều huân chương, huy chương. 

Ông Trần Đắc Nghĩa, em ông Tưởng, làm công tác kinh tài huyện Đầm Dơi. Sau 30/4/1975 ông là Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi. Bà Trần Thị Thùa (đời V) là mẹ liệt sĩ Bùi Thanh Vân, ông Lê Văn Hồng chồng bà Trần Thị Tiện (đời V) là liệt sĩ. Bà Trần Thị Tặng còn có tên là Trần Tuyết Hồng cùng chồng là Nguyễn Hữu Dũng đều tham gia cách mạng.

Bà Hồng là bộ đội công tác ở Campuchia, là đảng viên. Bà được tổ chức cho đi học Dược được chuyển sang công tác Dược tại Phước Long, Cục R đóng ở Campuchia. Sau giải phóng bà về nước công tác tại bệnh viện An Giang. Năm 1989 bà chuyển về tỉnh Minh Hải làm Phó Giám đốc công ty Dịch vụ ăn uống. Chồng bà công tác tại Thái Lan, năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông vào chiến trường Miền Nam công tác tại T66 Cục R. Sau đó ông được đưa sang Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông có 60 năm tuổi đảng, bà có 40 tuổi đảng.

Nhìn chung qua hai thời kỳ kháng chiến, đông đảo con cháu họ Trần, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại, người Hoa, người Việt đều một lòng theo đảng để giải phóng quê hương bằng nhiều công tác khác nhau, không ai theo giặc giết hại nhân dân. Có được như vậy là do được sự giáo dục của gia đình về lòng yêu nước lại sống trong vùng có truyền thống cách mạng lâu đời. Đầm Dơi là căn cứ cách mạng của cả nước. Sự chuyển hóa người Hoa thành người Việt trong tộc Trần để họ xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước là một quá trình chuyển hóa tốt đẹp.

3. Lòng hiếu thảo và việc phụng thờ tổ tiên

Khảo sát sự hình thành và phát triển của con cháu họ Trần chi I cho thấy họ Trần không sùng bái một tôn giáo nào mà chỉ theo đạo thờ cúng ông bà. Các bậc cha mẹ biết dạy con hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận, vợ chồng chung thủy và coi trọng việc phụng thờ tổ tiên. Trong họ tộc không có ruộng đất hương hỏa nhưng việc giỗ quảy ông bà, cha mẹ đã qua đời, con cháu chăm lo chu đáo, mồ mả ông bà luôn được chăm sóc tôn tạo. Khi chợ Tân Duyệt được mở rộng nhà cửa, mồ mả họ tộc phải di dời, ông Trần Đắc Tưởng (Ba Việt) dời mộ ông đời II là ông Trần Văn Thình, đời III mộ ông Trần Văn Nghé về sau đất nhà ông để tiện việc chăm sóc. Mộ ông Tổ đời I con cháu không biết nơi đâu, giỗ ông con cháu không biết ngày nhưng ông Ba Việt vẫn giỗ ông bà chung vào ngày giỗ của con cháu ông. Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp của họ tộc, cần phát huy thêm.

IV. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Con cháu họ Trần trong quá trình sinh sống đã xây dựng được những truyền thống tốt đẹp cho dòng họ. Tuy nhiên để xây dựng dòng họ văn hóa, bà con cần sự chung tay của dòng họ để thực hiện tiếp những vấn đề sau:

• Nên xây dựng nhà thờ họ và tổ chức giỗ tổ để quy tụ họ hàng cùng nhau nhắc nhở công đức của tổ tiên và những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nhắc nhở nhau việc xây dựng nền nếp gia phong.

• Trong họ tộc còn có những người cuộc sống còn khó khăn dù rất siêng năng lao động, một số cháu việc học hành còn hạn chế; trong họ nên tổ chức khuyến học, khuyến tài để giúp các cháu hiếu học có cơ hội tiến lên.

• Trong chi họ cũng cần tổ chức thăm hỏi nhau, có mặt kịp thời khi có quan, hôn, tang tế để thắt chặt tình thân tộc, cùng nhau lo việc nghĩa và nhắc nhau tôn trọng pháp luật.

Gia phả này chỉ được lập có chi I, bà con nên truy tìm chi II để lập thêm gia phả chi II thì dòng họ sẽ có được một bộ gia phả toàn chi họ.

Xin tổ tiên phù hộ con cháu họ Trần thực hiện được những điều con cháu chưa làm được.