Trang chủ > Gia phả học Việt Nam (kỳ 1) - Gia phả học là một môn khoa học

Gia phả học Việt Nam (kỳ 1) - Gia phả học là một môn khoa học

12/08/2022 17:14:43

Gia phả học là một môn khoa học, chuyên nghiên cứu, trên phương diện lý luận và thực tiển, về giống nòi. Một môn, một khoa, một học thuyết, phải đúc kết cho được từ những nguyên lý, qui luật cơ bản, vốn có của riêng nó, đúc kết cho được, những khái niệm, bài học thuộc về nó, không lẫn với môn khoa học nào khác.

Gia phả học phải được đem ra diễn giảng, dạy cho mọi người, cho học sinh, sinh viên và người học hiểu (để hành động); và phải được cộng đồng xã hội chấp nhận, đồng ý. Giống nói: giống là giống người, là tộc, là tông, là họ; nòi là cái đặc sắc của từng giống người đó.

Đây là môn nghiên cứu về sự truyền giống nòi, là môn chuyên nghiên cứu lý luận lẫn thực tiễn.

Giống nòi là giống nòi Việt Nam, lẫn của cả thế giới. Nên, định nghĩa nêu trên là cho cả Việt Nam và cả thế giới. Giống: giống người, là loài người, trong muôn ngàn giống loài vật khác nhau. Trong giống người có nhiều chủng người. Đồng bào Việt Nam, dân tộc Việt Nam có 54 dân tộc… Hiện nay, về số liệu các dòng họ VN, Nhà nước chưa công bố chính thức. Chỉ ở TP Hồ Chí Minh, Chi cục Thống kê TP cho biết: TP có 356 dòng họ.

Nòi là cái giá trị đặc sắc, cái tốt đẹp, cái ưu việt, nổi trội nhứt riêng biệt của từng dòng họ. Ta thường nói “thương nước thương nòi”, “nòi giống, nòi tình”. Cái giá trị đặc sắc này đã kết tinh xuyên suốt, từ khi hình thành và phát triển dòng họ đến nay. Nó phân biệt: nòi VN khác với nòi của kẻ xâm lược, là nguyên nhân để cho ta chiến thắng. Giá trị tinh thần Việt Nam của ta, nhà giáo cách mạng Trần Văn Giàu đã nêu: Yêu nước, cần cù, lạc quan, anh hùng, sáng tạo, thương người và vì nghĩa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 9, đúc kết, xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người VN thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Ngày nay, gia phả học đã là một môn tổng hợpp đa ngành. Muốn hiểu nó, phải vận dụng sử học, dân tộc học, xã hội học, văn hóa học, nhân học… Thực tế, để hiểu sự vật là phải có cái nhìn khoa học, tổng hợp, toàn diện, kết hợp với cái nhìn từng mặt.

Để có thể nêu được khái niệm nêu trên, phải có cơ sở của nó. Chọn cái để làm cơ sở cho khái niệm khoa học cũng có những thử thách. Sách “Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước” của Ph. Ăng-ghen, ghi: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sự sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, ra thức ăn, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống”.

Sự sản xuất ra bản thân con người, tức sự sinh sản nòi giống, sự truyền nòi giống, là mấu chốt, là điểm thiết yếu của khái niệm, đồng thời cũng là mấu chốt, thiết yếu của con người, của nền văn hóa con người, Chọn sự truyền giống nòi, là môn nghiên cứu cơ bản của chúng ta, là sự chọn lựa hợp lý, đúng đắn, và cũng không có sự do dự. Đây, chính là thành quả lao động to lớn nhứt, vĩ đại nhứt của loài người, là sự tái sản xuất, sự sinh sản ra chính con người chúng ta!

Trên đất nước ta, môn khoa học đúng đắn này đã từng bị xem thường vì nhiều lý do khác nhau. Hai mươi mấy năm về trước, nói đến gia phả - chứ khoan nói tới gia phả học, nhiều người đã xem thường, cho là “thứ không cần thiết”. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, có người  cũng có tâm lý xem thường đó. Song, ngày nay tình hình có khác.

Gia đình, dòng họ, đồng bào là một thể thống nhứt

Lịch sử cổ đại, qua các công trình AND và các thành tựu khoa học khác nhau đã minh chứng: Gốc gác của nhân loại xuất phát từ châu Phi, với các bà mẹ ban đầu, một nhánh sang Nam Á, Đông Nam Á, tới Bắc Kinh… Tới VN, từ các hang động, như ở hang động Người Xưa, rừng Cúc Phương (Hòa Bình) và từ các hang lỗ khác nhau (ăn lông ở lỗ) là nơi trú ngụ của người Việt ban sơ. Thời chế độ tạp hôn, quần hôn, chỉ biết có mẹ, chưa biết có cha. (Ta có tục thờ mẫu là xuất phát từ đây).

Từ khi có việc nghiên cứu “Lịch sử gia đình” (bắt đầu từ năm 1861), Bachofen (1) với cuốn “Mẫu quyền” nêu:

1. Loài người thoạt tiên sống trong quan hệ tính giao hỗn tạp;

2. Những quan hệ như thế không làm sao biết được chắc chắn ai là cha đẻ, nên dòng máu chỉ có thể tính theo nữ hệ - theo mẫu quyền.

3. Và vì vậy, những người đàn bà, với tư cách là người mẹ đã được tôn kính và kính trọng đến cao độ, thái độ đó, đạt đến mức trở thành sự thống trị hoàn toàn của nữ giới;

4. Bước chuyển qua chế độ hôn nhân cá thể - tức là chế độ trong đó người đàn bà chỉ thuộc về một người đàn ông - đã vi phạm một điều răn tôn giáo thời cổ, mà sự vi phạm đó phải bị trừng phạt, hoặc nếu muốn được tha thứ thì người đàn bà đó phải chuộc tội bằng cách hiến thân cho người khác trong thời gian nhất định.

Lịch sử cổ đại VN, rất tiếc đến nay ta chưa tìm được một dẫn chứng nào để chứng minh cho một số điều trên, như một chuyện cổ tích chẳng hạn.

Nghiên cứu lịch sử thời cổ đại, ta nhận thấy, thị tộc nguyên thủy tổ chức theo chế độ mẫu quyền là giai đoạn đi trước thị tộc theo chế độ phụ quyền. Thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vai trò của phụ nữ vẫn chiếm quyền nổi bật, thống lĩnh đất nước, điều khiển ba quân đánh giặc. Từ sự kiện, hình ảnh này, trở về trước, nói lên một cách quán xuyến: Tất cả là do, từ vai trò của nữ giới. Đây là sự phát hiện lịch sử, phổ biến và đúng đắn, để mô tả lịch sử gia đình thời xưa của VN.

Từ thời kỳ nguyên thủy, con người xứ ta, sống trong chỗ đầu tiên là rừng nhiệt đới. Họ sống ở hang động, hoặc một bộ phận ở trên cây để sống còn với muôn thú. Lúc đó, tiếng nói đã có âm tiết, là thành tựu chủ yếu. Kế tiếp, bắt đầu với việc bắt cá, tôm, nghêu, sò làm thức ăn và bắt đầu với việc dùng lửa để nướng cá tôm. Nhờ vậy, con người mới khỏi phải phụ thuộc vào khí hậu và địa vực và tỏa dần xuống đồng bằng.

Chuyện trăm trứng nở trăm con, có 50 người con xuống đồng bằng, miền xuôi, 50 người con vẫn ở trên rừng núi, một phần nói lên sự chuyển hóa từ mẫu quyền sang phụ quyền. Ngành khảo cổ VN, nhặt được những khí cụ bằng đá ở các nơi trên miền Bắc nước ta. Việc chiếm lĩnh các vùng mới, việc không ngừng phát minh, phát hiện, việc cọ xát để lấy lửa để có thức ăn chín; việc chế tác ra giáo mác, nướng thức ăn, giết thú rừng bắt được, là bước tiến của giai đoạn này.

Ở giai đoạn cao của thời đại mông muội đang nói, người ta biết chế tạo cung tên. Ở ta, sau này Cao Lỗ biết dùng cung tên đặc biệt, “nỏ thần”, để đánh địch; dùng cung tên để săn thú rừng thành phổ biến. Cung, dây cung và tên là một phát minh, là mầm mống cuộc sống định cư thành làng mạc. Đã có, ở giai đọan này, những tư liệu sinh hoạt, những chậu và những thúng đan bằng vỏ cây hoặc cói, những công cụ bằng đá mài (thời kỳ đồ đá mới). Nhờ có lửa và búa bằng đá mài, cho phép tạo ra ghe thuyền độc mộc bằng thân cây, nhiều nơi cho cột gỗ và ván để làm nhà. Ở vùng Thanh Hóa, người cổ còn biết sử dụng bè, mảng, biết làm nhà sàn.

Giai đoạn thấp của thời đại dã man, người ta đã biết nghề làm gốm, biết dùng đất sét để trét bên ngoài những thúng rổ đan bằng nan, để tránh lửa; sau đó thì thấy không cần đến cốt nan ở bên trong nữa, cũng dùng được.

Đây là quá trình thích ứng chung cho tất cả các dân tộc trong một thời kỳ nhất định. Yếu tố đặc trưng của thời đại dã man này là việc thuần dưỡng và chăn nuôi súc vật và kiêm cả trồng trọt. Trồng trọt cây gì, củ gì, chăn nuôi con gì, sự khác nhau đó, trong điều kiện thiên nhiên, dẫn đến kết quả, dân cư của mỗi nơi sẽ phát triển theo con đường riêng của mình, như VN chọn cây lúa nước, nên đã hình thành, sáng tạo ra nền nông nghiệp lúa nước đầu tiên (thuộc nền Văn hóa Hòa Bình).

Giai đoạn giữa của thời đại này, bắt đầu việc thuần dưỡng gia súc, người dân biết tưới nước cho cây trồng trên cạn và biết lấy gạch đá vào xây dựng. Trồng lúa nước ở VN là sự chọn lựa thích ứng tù thiên nhiên, cộng với việc trồng trọt trên đồng cạn, chăn nuôi heo gà, trâu bò quanh nhà; họ biết chế biến kim loại, như sắt chẳng hạn. VN không thể có chăn nuôi theo cuộc sống du mục được. Chăn nuôi, trước hết để nuôi súc vật và nuôi sống mình. Nhờ có thịt và sữa, bộ óc người sẽ phát triển to hơn, sự thông minh cũng có cơ hội phát triển hơn. Ở ta, không có tình trạng người ăn thịt người.

Giai đoạn cao: Dân ta biết dùng sắt và có khả năng dùng chữ, loại chữ cổ để ghi gửi những thông tin chủ yếu hoặc sáng tác văn học. Chiếc cày lưỡi sắt do trâu bò kéo ở ta xuất hiện với qui mô lớn và nền nông nghiệp định hình; dự trữ thức ăn trở thành việc bình thường; có thể cho phép khai phá rừng hoang thành đất thuộc, đồng cỏ chăn nuôi.

Dân số, từ đây bắt đầu tăng nhanh, tập hợp nhau lại và chịu một sự chỉ đạo tập trung mà trước đây chưa từng có, như nhà nước Văn Lang. Các công cụ bằng sắt, lò rèn, cối xay bột, xay lúa, chiếc bàn quay làm gốm, chế biến dầu ăn, nấu rượu đế, chế biến đồ kim khí với kỹ thuật cao, xe chở và dùng xe, dùng thuyền trong chiến đấu, bước đầu có nghệ thuật kiến trúc, xây các loại thành quách như thành Cổ Loa, thành phố Sinhapura (Chăm), Trà Kiệu, Quảng Nam nay.

Bức tranh về bước phát triển của con người khắp nơi, ta kể luôn cả VN, là đựa vào Morgan và Ph. Ăng-ghen, vì hai ông đã trực tiếp dựa vào sự phát triển sản xuất nói chung mà rút ra các nhận định trên. Bức tranh đó, nếu ta kéo tới thời đại văn minh tiếp đó, thì nó sẽ hiện lên một cách rõ ràng hơn.

Tới đây, chúng ta có thể khái quát: Thời đại mông muội là thời đại trong đó sự chiếm hữu những sản vật tự nhiên, sẵn có là ưu thế. Thời đại dã man là thời đại người ta học được cách chăn nuôi súc vật và làm nông; họ học được phương pháp thông qua con người để tăng năng suất lao động. Thời đại văn minh là thời đại của công nghiệp chính thống và của văn hóa nghệ thuật (theo Ph. Ăng-ghen).

Gia đình: Hệ thống họ hàng, thứ thế trong họ là những danh xưng có nghĩa, là những quan niệm được thể hiện nói lên dòng máu gần hay xa, nội (thân) hay ngoại (thích), ngang hay bậc trên, dưới. Ta nêu: Có khoảng 200 mối quan hệ khác nhau của một cá nhân trong họ. Người mang danh hiệu đều có vị trí, nghĩa vụ và quyền hạn cụ thể, rõ ràng, được hậu duệ tôn trọng. Những danh xưng như cha, con, anh em và chị em, không chỉ là những danh xưng tôn kính mà còn bao hàm cả nghĩa vụ nghiêm túc, rõ rệt và là một bộ phận chủ yếu trong tổ chức xã hôi dòng họ, cho đến ngày nay.

Morgan nói: “Gia đình là một yếu tố năng động; nó không bao giờ đứng yên một chỗ, mà chuyển từ một hình thức thấp lên một hình thức cao, khi xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp lên một giai đoạn cao. Trái lại, những hệ thống họ hàng thì thụ động; chỉ có trải qua những thời kỳ lâu dài, những hệ thống đó mới phản ánh được những tiến bộ do gia đình đã dạt được trong những thời kỳ đó, và chỉ khi nào gia đình đã hoàn toàn thay đổi thì những hệ thống ấy mới hoàn toàn thay đổi”.

Hệ thống dòng họ và hình thức gia đình, là có mối quan hệ với nhau. Hôn nhân cũng có mối quan hệ với cặp quan hệ trước. Mà tài liệu nghiên cứu hiện nay chưa tập hợp đầy đủ, nên vấn đề này, xin hẹn lại. Chỉ nêu một vài việc: Tính ghen tuông của thú vật có xương sống thuộc loại cao đã xác định có hai hình thức vợ chồng: Hình thức nhiều vợ và hình thức từng đôi; khác với “tính ghen tuông” giống người: Ở người có sự dung thứ lẫn nhau giữa người nam (con đực), hoặc hoàn toàn không ghen tuông, là điều kiện đầu tiên cần thiết cho sự hình thành những tập đoàn lớn và bền vững, mà chỉ có trong những tập đoàn như vậy, bước chuyển từ thú vật thành người mới có thể thực hiện được.

Hình thức quần hôn, là hình thức do trọn một nhóm đàn ông và trọn một nhóm đàn bà quan hệ tính giao hỗn tạp lẫn nhau, trong đó tính ghen tuông không có chỗ đứng. Tính giao hỗn tạp, có nghĩa không có những sự cấm đoán, hạn chế. (Nếu có sự ghen tuông, hoặc khái niệm loạn luân, là một trạng thái tình cảm và một đạo đức phát triển chậm về sau).

Gia đình, dòng họ, đồng bào, dân tộc, là một thể thống nhứt; là một thiết chế, cơ cấu xã hội thống nhứt, bền vững. “Con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống là do hai loại sản xuất đó (1) quyết định: Một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” - Ph. Ăng-ghen.

Lao động ít phát triển, của cải xã hội càng bị hạn chế, thì gia đình, quan hệ dòng họ càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trong tự nhiên, trong quan hệ gia đình, dòng họ ấy, năng suất lao động ngày càng phát triển; cùng với năng suất đó thì chế độ tư hữu và sự trao đổi của cải, những chênh lệch về của cải, khả năng sử dụng lao động của người khác, và do đó, cơ sở của mâu thuẩn giai cấp, cũng phát triển lên: Các yếu tố xã hội mới đó, qua nhiều thế hệ, ra sức làm cho tổ chức xã hội cũ thích ứng với điều kiện mới, cho đến khi không thể dung nạp nhau được nữa, thì dẫn tới “một bước ngoặc” -(theo Ph. Ăng-ghen).

Xã hội cũ dựa trên gia đình, dòng họ bị “nổ tung”; một xã hội mới thay thế nó, quốc gia, nhà nước ra đời! Nhà nước này không dựa trên gia đình, dòng họ nữa, mà chỉ dựa trên địa vực; một vùng đất đai được các cộng đồng người chiếm hữu; chế độ gia đình, dòng họ hoàn toàn bị chế độ tư hữu chi phối và trong đó, từ nay trở đi, những mâu thuẩn giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp, cấu thành toàn bộ nội dung của toàn bộ lịch sử thành văn từ trước đến nay.

Trong lao động sản xuất, trong sở hữu tư nhân, sự chiếm hữu, cần Nhà nước và nó đặt định ra Nhà nước để phục vụ cho nó. Nhà nước ra đời. Gia đình, dòng họ, đồng bào, dân tộc là một thiết chế và Nhà nước là thiết chế thứ hai, song hành, quan hệ, tác động lẫn nhau. Cái trước quyết định cái sau, tôn vinh hay phủ định cái sau. Bác Hồ Chí Minh nêu: “Nhà nước là đầy tớ trung thành của nhân dân”, là theo nghĩa ấy.

Ngày nay, nhiệm vụ điều chỉnh, cải tạo xã hội là nhiệm vụ của cả hai thể chế trên, phải họp tác và tác động xã hội, tức vào chính bản thân mình, cùng lúc, đồng bộ, nhịp nhàng. Không thể chỉ có một cơ chế đơn lẻ; không thể chỉ đổ dồn cho nhà nước.

Gia đình: Mẹ - con là mối quan hệ của một gia đình sơ khởi. Mẹ - con và cha, là mối quan hệ gia đình hoàn chỉnh. Trong quan hệ nam nữ thời tạp hôn, quần hôn, người ta chỉ biết có me, không biết có cha, chỉ có nữ hệ được nhìn nhận, như nêu. Gia đình hoàn chỉnh, có trước. Những người con trong gia đình hoàn chỉnh, sinh con cái, tạo nên thế hệ kế tiếp. Gia đình với nhiều đời, nhiều thế hệ, tạo thành một tộc, một tông hay dòng họ.

Ngày nay, ta định nghĩa: Dòng họ là một tập thể người cùng một ông/bà tổ và cùng một tổ quán. Ông/bà tổ VN, đầu tiên là Lạc Long Quân/bà Âu Cơ. Tổ quán là nước Văn Lang, sinh ra 18 thời đại vua Hùng. Mỗi thời đại gồm có nhiều đời vua, truyền nối nhiều ngàn năm (2628 năm, từ năm 2879 - 258 tr TL).

Lịch sử ta ghi: 54 dân tộc VN đều chọn Lạc Long Quân và Âu Cơ, với các vua Hùng, là Tổ duy nhứt của mình; bằng phương pháp khoa học, trước tiên nó giải thích: Nhân dân ta xuất phát từ một bào thai, một bọc, sinh ra trăm con - một mẹ trăm con; cùng chung máu mủ, chung huyết thống; là khối đoàn kết thống nhứt, gắn bó từ xưa. Ta có tình máu mủ, nghĩa đồng bào, do một bọc sinh ra; từ “đồng bào” vừa thiêng liêng, vừa giải thích khoa học nguồn gốc dòng họ VN.

Quốc tổ VN là Lạc Long Quân và bà Âu Cơ và các vua Hùng. Đó là tổ tiên của dân tộc ta, mà ta phải tôn thờ, nó thiêng liêng, cao đẹp và tồn tại, truyền nối các đời hậu duệ về sau liên tục, không dứt, vĩnh hằng.

Theo định nghĩa của các từ điển VN cũng như Luật về hôn nhân và gia đình VN hiện nay, hiểu gia đình chính là gia đình hạt nhân; là gia đình của mặt bằng xã hội ngày nay, gồm cha mẹ và con cái, từ nền công nghiệp mà có; khác với cái hiểu của gia phả học: Gia đình là gia đình huyết thống, mở rộng, nhiều đời, có tổ tiên, ông bà, có người sống lẫn người chết, có tổ quán. Việc hiểu đó có chiều sâu về bản chất dòng họ, vè văn hóa, lịch sử, xã hội dòng họ hơn; hàm chứa các yếu tố tín ngưỡng, một cái đạo thờ cúng ông bà, với quan (lễ trưởng thành) - hôn - tang - tế, gia phả, từ đường, mồ mả…; hiểu như thế, liên hệ được với các vấn đề Quốc tổ, đồng bào, nguồn gốc gia đình, lẫn các vấn đề đã và đang diễn ra trong thời đại hiện nay như đạo đức xã hội, hôn nhân và gia đình, sự kế thừa tài sản không chia, âm mưu đồng hóa cưỡng bức, nghĩa trang trên mạng, vấn đề dòng họ trong tương lai…

(Còn tiếp Kỳ 2)

Võ Ngọc An
(Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ, Giám đốc TT NC&THGP TP.HCM)

(GP: 20-9-2020)