Trang chủ > Hậu duệ mẹ Âu Cơ trong giáo dục gia đình và bảo tồn văn hóa dân tộc

Hậu duệ mẹ Âu Cơ trong giáo dục gia đình và bảo tồn văn hóa dân tộc

17/08/2023 20:41:15

Tham luận của luật gia Hoàng Long Vân - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ - viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.    

 

Luật gia Hoàng Long Vân - tác giả tham luận

1. Đặt vấn đề

Trong truyền thuyết về Tổ Hùng Vương của dân tộc Việt, có bà Âu Cơ là Tổ mẫu của người Việt, sống trong giai đoạn từ năm 2825 đến năm 2520 trước Công nguyên và được ghi trong sách Lĩnh Nam Chích Quái. Truyền thuyết này được ghi lại như một bản kỷ trong Đại Việt Sử ký Toàn thư thời Hậu Lê. Trong các truyền thuyết phổ cập của Văn hóa Việt Nam hiện đại, Tổ mẫu Âu Cơ được ghi là một nàng “Tiên” xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Và việc bà kết hôn với Lạc Long Quân là giống “Rồng” , sinh ra 100 trứng nở 100 người con đã biến dân tộc Việt thành “con Rồng cháu Tiên”.

Khoa học xã hội hiện đại không tìm cách phủ nhận hoặc chứng minh truyền thuyết trong lịch sử của con người hoặc của một dân tộc; mà chỉ ghi nhận lại như một nền tảng văn hóa lịch sử. Nhưng thực tế xã hội sẽ là điều minh chứng cụ thể cho truyền thuyết qua một quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước song song với truyền thống giáo dục gia đình và bảo tồn văn hóa của dân tộc đó.

2.Truyền thống giáo dục trong gia đình

Xã hội người Việt luôn coi trọng giáo dục gia đình, vì đã xác định gia đình là tế bào của xã hội. Theo định nghĩa chung từ xưa đến nay, gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau với các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và quan hệ giáo dục. 

Sự tồn tại của gia đình nhờ vào những chức năng cơ bản như chức năng kinh tế, chức năng tái sinh sản - duy trì nòi giống, chức năng giáo dục, chức năng nối tiếp truyền thống và bảo tồn văn hóa dân tộc; trong đó nổi bật là chức năng giáo dục của gia đình và chức năng bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Như chúng ta đã biết, lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hơn 4.000 năm Văn hiến. Con số 4.000 năm Văn hiến đã được nhắc tới khá phổ biến từ nửa đầu Thế kỷ 20 khi các nhà sử học lấy khoảng 2.000 sau Công nguyên để cộng với khoảng 2.600 năm trước Công nguyên (thuộc Thời đại Hùng Vương) để làm tròn thành con số 4.000 năm. Vậy 4.000 năm Văn hiến của dân tộc Việt chính là 4.000 năm truyển thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời.

Truyền thống văn hóa tốt đẹp và lâu đời ấy được xem là đã xuất phát từ thời đại Hùng Vương, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, gắn với Tổ mẫu của người Việt là bà Âu Cơ khi giáo dục và nuôi dạy con cái dựng nước, giữ nước và duy trì dòng giống của người Việt.

Lại nói về giáo dục, giáo dục có nghĩa đơn giản là sự học tập kiến thức, kỹ năng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu.

Trong thời cổ đại của dân tộc ta khi nền kinh tế còn sơ khai và xã hội chưa phát triển, việc giáo dục kiến thức và đạo đức cho con cái đa phần thuộc về người mẹ trong gia đình; trong lúc người cha trong gia đình phải lao động trồng trọt, săn bắt, hoặc chiến đấu chống thiên nhiên, chống giặc xâm phạm lãnh thổ. Từ Tổ mẫu Âu Cơ cho đến nay vẫn duy trì được truyền thống đó, do sự gắn bó hữu cơ giữa người mẹ và những đứa con sau khi sinh ra.

Trong thời đại ngày nay, dù cho có các phương tiện giáo dục về khoa học kỹ thuật và nghe nhìn hiện đại, có các cơ sở vật chất và hình thức dạy học tiên tiến, đứa trẻ khi sinh ra vẫn không thoát ly khỏi dòng sữa mẹ đầu đời, sự nâng niu âu yếm và lời ru trong giai đoạn nhũ nhi, và sự chăm sóc chu đáo khi bắt đầu đến tuổi đi học từ nhà trẻ đến lớp mẫu giáo và bước vào bậc tiểu học. Trẻ em luôn luôn nhận được sự giáo dục đầu tiên từ người mẹ, về ngôn ngữ phát âm, cách gọi các người thân trong gia đình, cách mô tả những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống khi bắt đầu phát triển nhận thức.

Ngay cả hiện nay, mặc dù một bộ phận người Việt đã đi định cư ở nước ngoài và sinh con, nhưng trẻ em sinh ra vẫn được hấp thụ sự giáo dục từ lúc vỡ lòng của người mẹ và duy trì được đạo đức ứng xử trong gia đình như người Việt trong nước mặc dù ngôn ngữ tiếng Việt có thể chưa thông thạo.

Như vậy rõ ràng sự giáo dục của người mẹ đầu tiên đã giúp hình thành và phát triển nhận thức, đạo đức cá nhân, phong cách ứng xử phù hợp của những đứa con đối với từng thành viên trong gia đình và với những người chung quanh trong phạm vi sinh sống; trước khi bước vào một xã hội rộng hơn là nhà trường.

Sự thông thạo ngôn ngữ Việt, nhớ mình là người Việt, biết về nguồn gốc dân tộc Việt từ thời đại nào v.v… đã bắt đầu từ sự giáo dục của người mẹ; và đó cũng chính là di sản của Mẹ Âu Cơ lưu truyền từ hàng ngàn năm nay.

Như đã nói trên, khoa học xã hội hiện đại không hề tìm cách phủ nhận hoặc chứng minh về các truyền thuyết của từng dân tộc; mà chính trong thực tế của dân tộc đó mới nói lên mình là ai, truyền thống văn hóa như thế nào?

Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc phương Bắc trong lịch sử. Các triều đại phong kiến luôn phải cầu hòa, triều cống và thường xuyên tổ chức chiến đấu chống lại các cuộc tấn công bất ngờ của phương Bắc vì mục đích chính trị hoặc vì lý do xâm phạm lãnh thổ. Các cuộc chiến đấu ây đã làm rạch ròi thân phận của dân tộc Việt là dựng nước thì phải giữ nước; phải giữ vững được nền độc lập cai trị của mình thay vì trở thành một tỉnh hay một địa phương của chính quyền phương Bắc. 

Phương Bắc cũng luôn luôn muốn tìm cách xóa bỏ nguồn gốc của dân tộc ta, coi dân tộc Việt như một nhánh dân cư từ phương bắc tràn xuống phía nam để khai khẩn kinh tế và mở mang bờ cõi. Thậm chí còn muốn đồng hóa dân tộc Việt từ chữ viết, cách ăn mặc cho tới phong tục tập quán lưu truyền bằng đủ mọi hình thức thông qua giao lưu kinh tế, văn hóa hoặc ngoại giao.

Tuy nhiên bằng sự giáo dục sơ khai từ trong gia đình của vai trò người mẹ, cộng với nền giáo dục của xã hội khi lớn lên nhưng có nguồn gốc căn bản từ sự giáo dục của những bà mẹ Việt - hậu duệ của Tổ mẫu Âu Cơ, người Việt vẫn không mai một nguồn gốc và đặc tính của mình : Việt Nam là Việt Nam, Trung Hoa là Trung Hoa, tuy có thể liền núi liền sông nhưng không thể chung một quốc gia và người Việt không thể là một dân tộc nhỏ nằm trong nhà nước lớn Trung Hoa đã luôn tự cho mình là vĩ đại. Biết bao thế hệ người Việt đã tham gia và trải qua các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nhờ sự giáo dục lòng yêu nước ngay từ trong gia đình và điển hình là những người mẹ.

Sau đó trong thời kỳ cận đại, các cuộc chiến tranh chống lại thực dân và đế quốc càng làm nổi bật tính cách và truyền thống người Việt qua sự giáo dục của gia đình, mà đặc biệt là từ người mẹ khi mới được sinh ra : người Việt có tính cách mạnh mẽ là ưa tự do độc lập, không thích làm nô lệ và người Việt có truyền thống cơ bản là muốn giữ vững đất nước của Tổ tiên đã dựng nên!

Không chỉ giáo dục con cái trong gia đình, nhiều thế hệ người Việt còn có những tấm gương nữ tướng lừng danh từ thời Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị), bà Lê Chân, bà Triệu (Triệu Thị Trinh), bà Phạm Thị Uyển (vợ Mai Hắc Đế), bà Bùi Thị Xuân … cho đến thời hiện đại là bà Nguyễn Thị Minh Khai, bà Võ Thị Sáu, bà Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình v.v… để làm tấm gương soi cho không chỉ trong gia đình mà còn cho cả thời đại mà các thế hệ con cháu đang sống.

Hai Bà Trưng (40 - 43 sau Công nguyên) - Hình ảnh của Zing News

Bà Lê Chân (20 - 43 sau Công nguyên) - Hình ảnh của Zing News

 

Bà Triệu Thị Trinh (225 - 248) - Hình ảnh của Zing News

 

Bà Nguyễn Thị Định (1920 - 1992) - Hình ảnh của Zing News

Và không riêng gì dân tộc Việt, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có sự giáo dục đầu tiên từ người mẹ khi được sinh ra. Nhưng có dân tộc đã mai một và cũng có những dân tộc đến nay vẫn trường tồn. Thực tế đó chứng minh sự giáo dục của người mẹ đối với con cái trong gia đình là rất quan trọng. Và riêng ở Việt Nam, sự giáo dục của người mẹ trong gia đình chính là sự thừa kế truyền thống giáo dục của Mẹ Âu Cơ từ trong truyền thuyết ra tới hiện thực ngày nay.

3. Bảo tồn văn hóa dân tộc 

Chúng ta đều biết rằng văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời đại Hùng Vương cho đến bây giờ; đó là một chỉnh thể đồ sộ, phong phú bao gồm tri thức, tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục tập quán và truyền thống của gia đình - dòng họ - địa phương.

Việc bảo tồn văn hóa dân tộc không thể ngẫu nhiên mà có ! Trái lại, nó phải bắt nguồn từ trong tế bào nhỏ nhất là gia đình, và người mẹ trong gia đình là hạt nhân tiêu biểu để giáo dục về nhận thức văn hóa của dân tộc.

Câu cách ngôn “Dạy con từ thuở còn thơ” được ám chỉ và gắn với vai trò, thiên chức của những người mẹ. Người mẹ đối xử với con như thế nào, giải thích hướng dẫn con cái ra sao ngay từ nhỏ là tiền đề cho hệ thống nhận thức của con cái sau này về tri thức sống, tư tưởng yêu nước yêu dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng ông bà, ứng xử đạo đức với những người trong nhà và ngoài xã hội, yêu thích nghệ thuật của quê hương v.v….

Đó là nền tảng để các thế hệ con cái tiếp tục tiếp thu và tuân thủ pháp luật của nhà nước, phát huy phong tục tập quán của địa phương và dân tộc cũng như kế thừa và bảo vệ truyền thống của gia đình, dòng họ, địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên.

4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam tạm tính từ thời Hùng Vương cho tới ngày nay vẫn còn đậm đà bản sắc người Việt : đó là thờ cúng Tổ tiên song song với việc tham gia sinh hoạt với các tôn giáo ngoại nhập theo dòng lịch sử; đó là kính trên nhường dưới trong gia đình và thôn xóm; tôn sư trọng đạo nơi nhà trường; tuân thủ pháp luật xã hội; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi có ngoại xâm…

Và theo đà phát triển kinh tế, các phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt được khơi dậy mạnh mẽ hơn trước và có chiều sâu hơn thay vì chỉ là lễ hội hình thức. Chiều sâu của phong tục tập quán tốt đẹp đó là bảo vệ văn hóa dân tộc của cộng đồng hướng vào sự phát triển nâng cao con người để xứng đáng làm chủ xã hội, làm chủ tri thức và khoa học công nghệ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra ngoài thế giới và thu hút sự công nhận của thế giới đối với nền văn hóa dân tộc Việt.

 

Dàn nhạc truyền thống Hà Nội (hình ảnh của Jean Pierre Dalbera)

Trên thế giới không thể không kể đến những nền văn hóa bị mai một, mất dầu hoặc bị biến dạng do bị xâm thực văn hóa, đô hộ văn hóa hoặc lai tạp văn hóa; diễn ra ở khắp nơi từ các dân tộc thiểu số ở các châu lục cho đến cả những dân tộc có bề dày lịch sử lâu đời. 

Tuy nhiên chúng ta tự hào rằng có nền văn hóa trường tồn, và là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới, cụ thể qua các di chỉ khảo cổ và cổ vật phản ánh đời sống và văn hóa lúc bấy giờ nhưng vẫn còn tồn tại bền vững đến ngày nay. Thí dụ điển hình là về đám cưới, đám rước, nghệ thuật hát tuồng, các lễ hội sản xuất, các vật phẩm cúng tế như bánh dày bánh chưng, bánh trôi, bánh chay v.v…

Kết luận

Theo thống kê của Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia), hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.239 lễ hội văn hóa dân gian (chiếm 88,36%) và 332 lễ hội lịch sử của dân tộc (chiếm 4,16%). Các thế hệ con cháu người Việt không thể tự ý nghĩ ra lễ hội, mà tất cả đều bắt người từ sự giáo dục của các bà mẹ để bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc.

Câu chuyện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sẽ còn lưu truyền đến muôn đời, trong đó có vai trò đặc biệt của Tổ mẫu Âu Cơ gắn liền với việc giáo dục trong gia đình để nối truyền và bảo vệ văn hóa dân tộc. Những nội dung văn hóa du nhập đôi khi chỉ sống được một giai đoạn nào đó, thí dụ như phong trào phản chiến, hiện sinh, nhạc trẻ v.v… nhưng văn hóa dân tộc thì vẫn trường tồn, khi dân tộc Việt vẫn luôn đề cao các bà mẹ Việt Nam, những hậu duệ xứng đáng của Tổ mẫu Âu Cơ, là những nhân tố quan trọng trong việc giáo dục gia đình và nối truyền bảo tồn văn hóa dân tộc.

Luật gia HOÀNG LONG VÂN