Trang chủ > Vai trò nữ giới trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ xưa nay

Vai trò nữ giới trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ xưa nay

17/08/2023 19:44:34

Tham luận của Tiến sĩ Hồ Bá Thâm - Phó chủ tịch, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Phát triển nguồn nhân lực và nhân  tài VN – TPHCM - viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh. 

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm - tác giả tham luận

Tóm tắt

Bài viết có 5 nội dung sau dây: 1-Hai nhân vật của loài người. Vai trò nữ giới trong dòng họ; 2-Trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ; 3- Tăng cường sự bình đẳng giới, kiểm soát từ khi sinh. Một thực trạng mất cân bằng giới tính báo động ảnh hưởng xấu đến nòi giống, dòng tộc; 4- Phong trao các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài có ảnh hưởng hạn chế gì đến dòng họ dòng tộc hay không; 5- Tạo điều kiện để nâng cao vai trò nữ giới với dòng tộc như thế nào? Tương lai từ hiện tại…

Từ khóa: Vai trò, nữ giới, dòng họ, văn hóa

Phạm vi trong một bài tham luận khoa học nhân kỷ niệm Ngày giỗ Tồ Hùng Vương, năm 2023 với chủ đề của hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc ”, tôi xin trình bày mấy ý sau đây:

Văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, dòng tộc là một bộ phận quan trọng có tính cội nguồn của văn hóa dân tộc. Không chỉ nam giới mà nữ giới cũng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa gia dình, văn hóa dòng họ, dòng tộc. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến vai trò nữ giới văn hóa gia dình, văn hóa dòng họ, dòng tộc (ở đây chủ yếu nói nhiều về phương diện dòng họ dòng tộc) trong quá khứ cũng như hiện nay và sắp tới. Bài viết đã nêu lên mấy ý kiến văn tắt:

1. Hai nhân vật của loài người. Vai trò nữ giới trong dòng họ

Trong các truyền thuyết của loài người và trong một số tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian đều lý giải là loài người đều bắt đầu từ một nam giới và phụ nữ, như một cặp đôi hoàn hảo cho sự sinh sản, sinh tồn nòi giống, như Ađam - Evơ hay Lạc Long Quân và Âu Cơ… Và chính cặp đôi này tạo ra gia đình rồi dòng họ, dòng tộc rồi cộng đồng xã hội(1) , loài người và quốc gia dân tộc từ khởi thủy. Rồi phát triển theo cấp số nhân mà có cộng đồng sự phát triển lịch sử xã hội loài người trong lịch sử cho đến ngày nay và mai sau.

Học thuyết Mác cũng nghiên cứu và có luận văn bàn về Tình yêu - hôn nhân- gia đình- chế độ tư hữu và nhà nước mà gia đình như là khởi thủy của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình cùng với tinh yêu, hôn nhân là một cội nguồn sáng tạo sự sống và văn hóa, sáng tạo kinh tế và xã hội, sáng tạo ra tất cả… thì tế bào xã hội này đã được nhìn nhận tòan diện hơn chứ không chỉ là khía cạnh tình yêu - hôn nhân - và huyết thống (vợ chồng con cái ông bà cha mẹ, dòng họ).

Từ trong khía cạnh sinh học, nam và nữ mỗi bên mà tạo hóa hầu như đã “lập trình” gen mang thông tin di truyền XY và XX từ cha và mẹ.

Giới tính một đứa trẻ được quy định từ cặp nhiễm sắc thể giới tính qua thụ tinh ngẫu nhiên giữa tinh trùng và noãn: XX - con gái, XY - con trai. Noãn chỉ cho X, trong khi tinh trùng cho cả hai loại X hoặc Y. Như vậy, có thể nói quyền xác định giới tính hầu như do "cổ đông" Y cầm cân nảy mực(2)  (chưa tính đến môi trường khi kết hợp XX và XY). Nhưng nhìn chung nam hay nữa là bình đẳng sinh học là 50/ 50. Tuy vật như cặp âm dương trong sử thăng giáng, thăng trầm của sự tiến hóa vẫn có sự chênh lệch nào đó, âm thịnh thì dương suy và ngược lại. 

Lịch sử tiến hóa của gia đình lại bắt đầu từ mẫu hệ đến phụ hệ, từ gia đình một nữ nhiều nam (một bà nhiều ông) rồi đến gia đình một nam một nữ (một ông một bà) tất nhiên có gia đình trung gian đa thê (một chồng nhiều vợ, chính thức hay không chính thức).

Mẫu hệ và phụ hệ. Gia đình mẫu hệ là gia đình đề cao vị trí của phụ nữ là chủ thể, có quyền lực nhất. Ngược lại gia đình phụ hệ thì người chồng là chủ thể có quyền lực nhất(3) .

Chúng ta nhận thấy người ta đã mô tả rằng: Gia đình truyền thống dần dần được chia ra làm hai loại hình theo qui mô tổ chức, là tiểu gia đình và đại gia đình. Tiểu gia đình thường gồm hai thế hệ trực tiếp là cha mẹ và con cái. Thế hệ liền trên là ông bà cùng sống là Tam đại đồng đường, hay cả thế hệ liền dưới (cháu), gọi là Tứ đại đồng đường (bốn đời cùng sống trong nhà). Từ tiểu gia đình, mở rộng ra mối quan hệ trong thân tộc thành đại gia đình (bên nam/nội) cùng chung một hai đời trên. Dù không cùng chung một nhà, không mật thiết như trong tiểu gia đình, nhưng cũng có sức mạnh đủ để chi phối mọi hoạt động các thành viên về tình cảm làm phát sinh tinh thần gia tộc Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Gia đình nhỏ phát triển đi lên, càng qua thời gian càng đông đúc, tạo nên một gia đình lớn hơn, người ta gọi là họ tộc. Nhà thờ họ chi, phái, đại tôn là nơi liên lạc, tập trung những thành viên cùng huyết thống, chung một tổ tông. Ngày giỗ chạp – giỗ Tổ là để biểu hiện ý thức Uống nước nhớ nguồn. Ngày trước, mỗi đại gia đình (cùng họ nội tộc) thường quần tụ với nhà trên một địa bàn, lập thành một làng, xã (rõ nét ở các làng Miền Bắc). Các tên địa danh có gắn với dòng họ theo công thức: Tộc danh + Xá (chữ Nôm là Nhà + Họ), như Ngô Xá (nhà Ngô), Đào Xá (nhà Đào), Phùng Xá (nhà Phùng), Hồ Xá (nhà Hồ), v.v… Các họ tộc quần cư với nhau mới hình thành nên xã hội và quốc gia. 

Mỗi một người khi sinh ra đều có họ và tên khai sinh, hoặc tên thường gọi, họ và tên khai sinh được chỉ định cụ thể của một con người từ khi sinh ra cho đến khi qua đời. Thời phong kiến, mỗi người còn có tên tự, tên hiệu, tên thụy để chỉ sự trưởng thành, sự nghiệp thành đạt và để cúng cơm. Họ của mỗi người gắn liền với dòng tộc của người đó, mang tính huyết thống, tính di truyền, nên có sự kiêu hãnh, tự hào của một cộng đồng dòng tộc, là đặc trưng tiêu biểu của xã hội. Mệnh đề Họ – Hàng, từ xưa như một sự định vị: Đã là họ phải có hàng. Nó mang ý nghĩa là tính trật tự xã hội và sự kế tiếp có trước, có sau, có trên, có dưới, cũng là tôn tri trật tự để hình thành và tạo ra nề nếp gia phong của gia đình, dòng họ(4) .

Và trong xã hội văn minh ngày nay đang hình thành dần về sự cân bằng hơn về quan hệ giới tính nam nữ, bình đẳng nam nữ, vợ chồng về mọi mặt trên góc nhìn xã hội, quyền  con con người dù đôi bên vẫn có những ưu thế đặc thù về mặt sinh học. Nghĩa là tập quán trọng nam kinh nữ không còn nặng nề như xưa trong đời sống xã hội cũng như trong gia đình, dòng tộc! Tuy nhiên tập quán đó vẫn còn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước Á Đông nói chung vẫn còn nặng nề tâm lý “Con gái là con người ta” và tất nhiên gia phả chỉ ghi tên con trai.

Đặc biệt, tại nhiều nơi, gia đình nào không sinh được con trai bị mọi người coi như tuyệt tự, vì con gái lớn lên, lấy chồng, làm dâu lo cơ nghiệp nhà chồng sẽ không còn thuộc họ tộc nữa, mà thuộc về gia phả nhà chồng. Tuy nhiên, có một dòng họ ở vùng quê Thái Bình đã rất tiến bộ khi đưa tên con gái vào gia phả, trình Tổ cho các bé gái trong các nghi lễ gia tiên. Thậm chí, con gái còn được phép chống gậy, đáp lễ trong đám hiếu cha mẹ. Bước tiến này không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các thành viên họ tộc, mà còn được các dòng họ khác hưởng ứng làm theo(5) .

Ngày nay nam hay nữ vợ hay chồng đều có vai trò to lớn trong quá trình phát triển của gia đình, dòng tộc và xã hội. 

2. Trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ

Trong truyền thống gia đình và dòng tộc chúng ta thấy yếu tố nam giới trội hơn rất nhiều. Khi khai sinh con cái đều ghi theo họ cha, họ mẹ không xuất hiện. Tại sao? Tại chế độ phụ hệ hay còn do yếu tố khác? Trai ấy vợ gái theo chồng như một sự phụ thuộc. Và về mặt duy trì dòng họ huyết thống dù là 50/50 yếu tố nam nữ vì con cái là sản phẩm chung của cả hai XY và XX nhưng huyêt thống nam giới như một mặc định, họ Nguyễn hay họ Hồ là vẫn thế còn vợ có thể bất cứ họ nào quay quanh họ của chồng như là duy nhất? (Nhà ba anh em con trai lấy vợ có họ rất khác nhau nhưng các con của họ chỉ lấy họ bố, như sự đa dạng trong nhất thể). Vợ là con người ta.

Gái lớn lấy chồng phục vụ họ khác, tạo tác với họ khác. Từ đó có một thực tế là trong gia phả dòng tộc, dòng họ thì chỉ ghi phả hệ nam giới, không ghi nữ giới (cũng có cái lý của nó). Ngay gia phả gia đình có thể ghi cả chồng và vợ những dần dần dần cũng bị lược bỏ chỉ còn tên chống, nam giới thôi. Từ đó khi tìm lại gia phả dựng phả thường các bà bị khuyết danh!

Nhưng thực tế là tạo nên dòng họ, duy trì phát triển dòng tộc là cả nam và nữ, cha và mẹ, ông và bà là ngang nhau 50/50. Ngày nay xu hướng cân bằng hơn nên đã có hiện tượng khai sinh tên họ con là ghi cả họ bố và họ mẹ dù họ bố ghi trước sau tiếp là họ mẹ.

Còn trong công việc họ thì thường theo lệ ngày xưa là khi đóng góp thì chỉ có suất nam (suất đinh), nữ không phải đóng góp. Còn ngày nay có linh hoạt hơn là tùy tâm nếu con dâu đóng góp thì càng hoan nghênh. Tất nhiên suất đóng góp của nam giới thì công lao trong đó cũng có góp sức của nữ giới - của chồng công vợ, dù công vợ bị ẩn đi.

Khi đi họ, xưa thì theo tục lệ cũng chỉ có các ông tham gia. Lễ vật cúng họ thường do các bà lo liệu vất vả thức khuya dậy sớm lo toan cho các ông mang đến dâng lên tiên tổ. Vậy nhưng các bà cũng rất tự hào vui vẻ đóng góp việc họ cho chồng con nở mặt nở mày. Không thể phủ nhận mà ngược lại cần đề cao hơn công sức của nữ giới lo cho gia tộc và dòng họ mà trong xã hội ngày nay còn phát huy và trực tiếp hơn … Không ít những chị em có điều kiện và tấm lòng vàng đã góp sức, tiền của to lớn cho dòng tộc trong xây dựng tôn tạo cơ sở vật chất của dòng tộc, dòng họ của chồng và đôi bên nội ngoại.

Một thực tế nữa là không chỉ thờ phụng bên họ nội mà còn có trách nhiệm với họ ngoại bên vợ, bên ông bà ngoại đã là một tập quán lâu đời và ngày nay cũng đang được phát huy tốt hơn.

Những nhận xét sau đây cũng rất có lý:

Ngày nay, khi vấn đề quyền con người ngày càng được quan tâm và nhận thức đúng mực, vai trò trách nhiệm của người người phụ nữ ngày càng được đánh giá và nhìn nhận tiến bộ hơn. Khi phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện một cách công bằng để thể hiện vai của mình thì cũng là lúc những đóng góp của họ cho dòng họ được công nhận một cách cụ thể và rõ rệt hơn. Giờ đây người phụ nữ không chỉ còn phải làm những công việc trong các dịp lễ của dòng họ như một sự ngẫu nhiên và bắt buộc. Bất kể nam giới hay nữ giới, đều đóng góp theo những cách khác nhau và hết mình cho sự gắn kết của từng dòng họ. Khi đã có nhiều điều kiện hơn để cống hiến, người phụ nữ không chỉ làm tốt hơn trách nhiệm của mình mà còn cùng nam giới hoàn thành những công việc chung của gia đình dòng tộc….

Bối cảnh của xã hội hiện đại cũng đặt ra vô vàn thách thức cho mối liên kết của từng dòng họ. Không chỉ dừng lại ở việc lễ nghi cúng bái, Văn hoá dòng họ còn bao gồm sự kết nối - điều bị thách thức bởi sự xa cách của các thành viên. Việc giữ lửa dòng họ không chỉ bao gồm việc truyền ngọn lửa ấy từ thế hệ này qua thế hệ khác mà còn bao gồm giữ cho ngọn lửa được lan toả theo chiều ngang, không bị vụt tắt. Đây là khía cạnh mà phụ nữ ngày càng chứng minh được vai trò của mình tại đó bằng những hành động cụ thể. Họ giáo dục lớp trẻ về tình yêu, sự gắn bó cần thiết của những thành viên trong gia đình, dòng họ. Họ chủ động ân cần hỏi thăm sẻ chia hay xông xáo giúp đỡ những gia đình khác trong dòng họ khi cần thiết. Họ là chỗ dựa, hậu phương vững chắc cho lớp trẻ phấn đấu, học hỏi, hoàn thiện bản thân, đỗ đạt thành công để rạng danh và đóng góp cho dòng họ(6) . “Phụ nữ Việt - người giữ lửa của những dòng họ Việt”. 

Nhóm Nghiên cứu lịch sử họ Hồ VN (có một nữ) và Hội đồng họ Hồ huyện Yên Thành tại Hậu cung đình Sừng (xã Lăng Thành huyện Yên Thành), di tích quốc gia mới trùng tu lại, trong dịp thay long ngai thờ ngài Hồ Hưng Dật, Trung Đẳng thần, Nhị đẳng thấn - Trạng nguyên - Thái thú quan châu Diễn- Trấn thủ quan châu Hoan (thế kỷ X), ngày 24/2/2023 âm lịch…

Nữ giới tham gia chuẩn bị công việc họ thờ cúng tổ tiên, việc làng thờ nhân thần (tại Hậu cung đình Sừng)

3. Tăng cường sự bình đẳng giới, kiểm soát từ khi sinh. Một thực trạng mất cân bằng giới tính báo động ảnh hưởng xấu đến nòi giống, dòng tộc

Hiện nay việc chọn giới tính nam giới hơn là nữ giới, dù không nên khuyến khích hay không ủng hộ, thậm chí bị cấm, nhưng nó cũng có một nhu cầu truyền thống duy trì dòng họ dòng nam, hoặc có cả lý do kế thừa gia sản.

Nhưng về mặt sinh học thì phải biết lý do là không thể tùy tiện chọn giới tính(7) . Và nên nhớ, pháp luật cấm chọn giới tính trẻ! Đúng vậy. nên cần có cái nhìn thoáng và bình đẳng công bằng về giới tính từ nguồn gốc tự nhiên.

Việc can thiệp để chọn con trai khi sinh hay qui định không hợp lý về tỉ lệ sinh một cặp vợ chồng sinh một con như ở Trung Quốc và cùng với tình trạng giới trẻ ở đô thị giờ ít thích sinh con…đã tạo ra sự chênh lệch giới tính mà hậu quả là bé trai nhiều hơn gái đã sinh ra mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

Thông tin quốc gia cho biết: Mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung quan trọng được Tổng cục Thống kê thực hiện trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra) nhằm cung cấp số liệu cụ thể về thực trạng dân số Việt Nam. Vấn đề này có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới, đòi hỏi cần sớm có các biện pháp can thiệp.

Các nghiên cứu chuyên sâu về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từ kết quả của cuộc Tổng điều tra đã chỉ ra rằng với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019) so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

Các số liệu cũng cho thấy sự khác biệt về tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ số thấp hơn nông thôn với mức tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ bé trai sinh ra so với bé gái cao nhất cả nước với 114,2 bé trai/100 bé gái, trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất là 106,9 bé trai/100 bé gái…

 Dựa trên các phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê và UNFPA đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20-39 tuổi trong giai đoạn 2019- 2059. Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam. Với kịch bản Việt Nam nỗ lực thực hiện các biện pháp thay đổi nhanh khiến tỷ số giới tính khi sinh giảm đều và trở lại mức 106,9% vào năm 2059, dù tình trạng nam dư thừa vẫn cao nhưng con số này đã có sự giảm đáng kể còn 926,5 nghìn người nam dư thừa, tương ứng 6,5% tổng số nam giới của cả nước(8)  và sẽ không có cơ hội lấy vợ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai. Hình như ở nhiều nước phương Tây không nặng nề chọn giới tính như một số nước phương Đông!

4. Phong trào các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài có ảnh hưởng hạn chế gì đến dòng họ dòng tộc hay không?

Ngày nay do mở mang và giao lưu kinh tế văn hóa rộng mở, thông tin liên lạc công khai nhanh chóng, hay còn do sức ép từ hoàn cảnh sống khó khăn sao đó,  nên tình trạng các cô gái lấy chồng người nước ngoài, ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn (nam giới lấy vợ nước ngoài ít hơn nhiều). 

Vấn đề này xét ở gốc độ gia đình, dòng họ dòng tộc thì như thế nào? Ngoài nhu cầu có thể cải thiện về đời sống kinh tế, hay tạo ra cá thể khác nhiều về huyết thống nên có lợi thế về thể hình hay đời sống đa văn hóa, thì ta thấy về mặt kết nối dòng họ, dòng tộc có thể thấy giảm đi phần nào xét cả mặt nhân chủng học và văn hóa học. Sự gắn kết của các cô gái này cũng sẽ giảm vì không có điều kiện tiếp xúc sinh hoạt trong văn hóa dòng họ, dòng tộc như khi ở trong nước mà theo tập quán văn hóa Việt nhất là ngày giỗ chạp và ngày tết đầu tết đầu xuân hàng năm, tuy  họ có thể có phần nào kinh phí góp xây dựng dòng học ở quê nhà gốc gác tồ tiên với những người vốn có điều kiện và có tâm với  dòng họ dòng tộc! 

Nhìn chung thì những cô gái lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều hơn sẽ có tác dụng hạn chế như nói ở trên nhưng xét về tổng thể số cô gái lấy chồng nước ngoài so với đa số lấy chồng trong nước cũng là chiếm tỉ lệ nhỏ, nên không ảnh hưởng nhiều đến hạn chế về văn hóa dòng họ, dòng tộc. Tuy nhiên khi nghiên cứu các nhân tố liên quan đến văn hóa dòng họ dòng tộc chúng ta xem đây cũng là một nhân tồ cần xem xét đến và lý giải(9) .

5. Tạo điều kiện để nâng cao vai trò nữ giới với dòng tộc như thế nào? Tương lai từ hiện tại…

Về mặt xã hội chúng ta thấy vai trò phụ nữ/nữ giới nói chung ngày càng tăng. Trình độ học vấn và nghề nghiệp cũng có nhiều thay dổi theo hướng tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Khá nhiều phụ nữ thành đạt trên nhiều lĩnh vực nhất là về kinh tế, văn hóa và chính trị xã hội. Điều đó không chỉ lợi về mặt xã hội mà cũng lợi về mặt gia đình và dòng tộc, góp phần thúc đẩy dòng tộc tiến lên, tiến bộ.

Về mặt gia đình, dòng họ, dòng tộc, ta cũng thấy phụ nữ ngay nay cũng có điềui kiện chăm sóc, đóng góp cho gia đình và dòng họ hơn, nhất là mặt kinh tế. Họ không chỉ đóng vai trò “hậu phương”, phía sau mà cả phái trước, “tiền tuyến”. Họ tham gia nhiều hơn vào việc họ, sinh hoạt văn hóa dòng họ dòng tộc(10) . Hiện nay xu hướng củng cố xây dựng cơ sở vật chất cho thờ cúng tổ tiên ông bà cũng ngày càng khang trang hơn. Không chỉ đòng họ con trai mà dâu rể đều có đóng góp quan trọng về kinh phí, tâm lực và các sinh hoạt dòng họ khác, gắn chặt gia đình - dòng tộc ngày càng tốt hơn. Sự tiến bộ và bình đẳng giới như một chỉ số tiến bộ cơ bản của sự phát triển bền vững, nhân văn từ cả góc độ quốc gia, dân tộc mà còn cả phía dòng tộc dòng họ.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Một số nhân tố tiêu cực cũng ảnh hưởng nhiều đến đến nữ giới trong việc phát triển xây dựng gia đình và dòng tộc. Chẳng hạn, nổi bật nhất là: i) như việc ly hôn ngày càng nhiều hơn; ii) chênh lệch giới tính mà trẻ em nam hụt hơn trẻ em nữ; iii) nạn bạo hành học đường và bạo hành gia đình dưới nhiều hình thức mà phía nữ giới bị ảnh hưởng xấu nhiều nhất; iv) hành vi xâm hại tình dục, v.v và v.v

Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta cũng như hiến pháp và pháp luật (gọi chung là chính sách) nhìn chung là nhằm tạo điều kiện, nâng cao phẩm chất, năng lực, chất lượng nghề nghiệp, cuộc sống, vị thế xã hội, sự tiến bộ của phụ nữ và cũng nhằm phát huy cao nhất vai trò của họ trong xã hội và trong gia đình dòng dòng tộc, gắn chặt nghĩa vụ và quyền lợi. Chính sách này là tổng tích hợp trên nhiều mặt nhằm phát huy ứu thế, và hạn chế tiêu cực trong quá trình xây dựng con người và trong đó nhất là với giới nữ.

Các chính sách ấy đã phát huy hiệu quả những vẫn còn không ít hạn chế nhất là về tổ chức thực hiện và xử lý các tình huống nảy sinh.

Riêng về mặt gia đình, dòng họ, dòng tộc thì các Hội dồng dòng họ luôn chủ động và có cái nhìn thoáng hơn trong việc phát huy đóng góp và tôn vinh vai trò thực sự của các cô dâu, các bà mẹ trong việc họ hàng!

Các hội đồng dòng họ dòng tộc là tổ chức xã hội huyết thống là chính nên là tổ chức xã hội phi chính thức nhưng lại có sức gắn kết gắn bó dòng tộc tự nguyện rất cao, rất thiêng liêng! Từ đó việc gắn kết và nâng cao vai trò của các thành viên dù nổi bật là nam giới nhưng thực tế nữ giới luôn đúng phía sau, làm hậu phương đóng vai trò không nhỏ vào sự gắn kết, phát triển dòng họ dòng tộc cả mặt nhân chủng học và văn hóa học. Mô hình câu lạc bộ con dâu dòng họ là rất hay và thiết thực, nhất cử lương tiện, nhiều lợi ích(11).

Vai trò Phụ nữ trong nối truyền dòng họ, chủ đề này được nhiều họ tộc tổ chức thành câu lạc bộ  (CLB) “con gái, con dâu” và nhiều sinh hoạt rất có ý nghĩa (họ Phạm, họ Bùi…)(12) ."CLB con dâu dòng họ đã xây dựng được khối đoàn kết trong dòng họ. Tại huyện Nghi Xuân Hà Tĩnh, các chị em thường xuyên gặp gỡ trao đổi, giúp nhau phát triển kinh tế, giúp các con học tập. Từ đó, đưa phong trào hoạt động phụ nữ của Xuân Liên đạt được nhiều kết quả nổi bật”(13).  

Có dòng họ "vinh danh nàng dâu" độc đáo nhất xứ Huế. Nói về việc "vinh danh nàng dâu" của dòng họ Lương, cụ Lương Sáu còn cho hay: "Việc vinh danh nàng dâu của dòng họ là một việc làm tốt đẹp, ghi nhận công lao đóng góp xây dựng gia đình và quê hương của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Vì thế mà dòng họ quyết định cứ 5 năm sẽ tổ chức lễ "vinh danh nàng dâu" một lần..."(14) . Thật sinh động và sáng tạo!

Câu lạc bộ con dâu ở Nghị Xuân Hà Tĩnh trao đổi Về công việc

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Vũ Việt Bằng, Nho Giáo Và Văn Hóa Dòng Họ - Văn Bản Hồ Thượng Thư Gia Lễ, Nxb. KHXH

2- Vạn Hạnh Văn hóa dòng họ, Nxb. Thời đại

3-Nguyễn Quang Lê, chủ biên, Những biến đổi văn hóa dòng họ người Việt thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế (nghiên cứu trường hợp dòng họ Bùi ở Thịnh Liệt, Hà Nội), Nxb. KHXH

4-https://vnexpress.net/xy-hay-xx-2262721.html

5-http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/vai-net-ve-lich-su-gia-dinh-dong-ho/

6-https://viettoc.vn/bai-viet/phu-nu-viet-nguoi-giu-lua-cua-nhung-dong-ho-viet-634fd66f726a58d28275b44c

7-Thế Giới Văn Hóa)/ https://vnexpress.net/xy-hay-xx-2262721.html

8-https://consosukien.vn/mat-can-bang-gioi-ti-nh-khi-sinh-ta-i-viet-nam-thu-c-trang-va-giai-phap.htm

9- https://vtv.vn/xa-hoi/dong-ho-dua-ten-con-gai-vao-gia-pha-20150308092029442.htm

10- https://kinhtedothi.vn/gia-dinh-va-dong-ho-o-lang-viet-xua.html

11-http://nghixuan.hatinh.gov.vn/vi/cau-lac-bo-con-dau-dong-ho-mai-nha-chung-gan-ket-chi-em-giup-nhau-phat-trien-kinh-te

12- Xem thêm: Tình trạng phụ nữ lấy chống nước ngoài /https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/binh-thuan-bao-%C4%91ong-tinh-trang-phu-nu-lay-chong-nuoc-ngoai-13744-8.html

13-https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ha-tinh-%C4%91oc-%C4%91ao-thiet-thuc-clb-con-dau-dong-ho--31648-1104.html

14-https://cand.com.vn/Xa-hoi/Dong-ho-vinh-danh-nang-dau-doc-dao-nhat-xu-Hue-i254303/

15- https://viettoc.vn/bai-viet/phu-nu-viet-nguoi-giu-lua-cua-nhung-dong-ho-viet-634fd66f726a58d28275b44c

16- Hồ Bá Thâm, Gia đình đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay- một số luận điểm lý luận (Tham luận hội thảo quốc tế, 2022 về Thực trạng gia đình đa văn hóa Việt Nam – nước ngoài cơ sở lý luận và so sánh xuyên quốc gia do Trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực ASEAN Trường ĐHKHXHNV, ĐHQG TPHCM, tổ chức)

CHÚ THÍCH:

(1): Mà thời phong kiến nói chung như TQ hay VN là các dòng họ thay nhau cầm quyền tạo nên các thể chế chính trị và thời đại

(2): https://vnexpress.net/xy-hay-xx-2262721.html

(3): Theo các nghiên cứu đa/liên ngành thì gia đình của người Việt hình thành từ rất sớm. Ở các di chỉ thuộc thời kỳ đá mới cách nay khoảng 6.000 năm, họ đã bắt đầu thấy dấu tích của trạng thái gia đình khi phát hiện ra các công cụ lao động bằng đá như cuốc đá có cán, rìu đá có cán và các loại khoan, cưa, mài bằng đá với cơ cấu đủ dùng cho một gia đình từ 3 - 5 người. Lúc ấy là gia đình mẫu hệ. Tiếp đó là gia đình phụ hệ. Cách nay khoảng 4.000 năm, công xã thị tộc tan rã và bắt đầu quá trình hình thành làng/https://kinhtedothi.vn/gia-dinh-va-dong-ho-o-lang-viet-xua.html.

(4): http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/vai-net-ve-lich-su-gia-dinh-dong-ho/

(5): https://vtv.vn/xa-hoi/dong-ho-dua-ten-con-gai-vao-gia-pha-20150308092029442.htm

(6): https://viettoc.vn/bai-viet/phu-nu-viet-nguoi-giu-lua-cua-nhung-dong-ho-viet-634fd66f726a58d28275b44c

(7): HBT: Có thể tham khảo thêm tâm sự vui vui sau đây: Dù tân hay cổ, cho đến nay, chúng cũng chỉ là cuộc "đầu tư mạo hiểm". Không ai dám chắc kết quả 100% (nếu không nói đa phần đều thất bại) hoặc chỉ ăn may với xác suất 50-50, không gái thì trai. Có vài cách hơi duy tâm như treo đầy ảnh con trai trong phòng để "ám thị" bà mẹ tương lai. Có người còn cho rằng phụ nữ càng "đụng trần" khoái cảm khi chăn gối càng dễ sinh con trai. Dựa vào vài đặc điểm khác nhau giữa Y và X, người ta xoáy vào hai hướng: Muốn sinh con trai thì phải tạo mọi điều kiện cho Y "công thành danh toại". Ngược lại, cho chúng "ngồi chơi xơi nước" nếu muốn sinh con gái. Tinh trùng Y khỏe nhưng lại vắn số hơn X (chúng chỉ thọ khoảng 24 giờ trong cơ thể phụ nữ). Dựa vào đây, người ta đưa ra kế sách là "yêu" càng gần ngày rụng trứng thì xác suất sinh con trai càng cao (tạo thuận lợi cho Y tốc chiến tốc thắng, đến đích nhanh và kết hợp ngay với noãn). Tuy khỏe, nhưng Y lại kém chịu đựng với pH axít của âm đạo. Sách lược khác được đề nghị là nếu kiềm hóa môi trường âm đạo thì Y có nhiều cơ hội sống sót tiếp tục cuộc "viễn chinh" lên tận vòi trứng để thụ tinh. Có thể đầu tư qua thức ăn nhiều chất kiềm hoặc bơm dung dịch kiềm vào "vùng cấm địa" trước khi "gần gũi". Người ta còn nghĩ ra cách hà hơi tiếp sức cho tinh trùng Y qua... tư thế "yêu". Do tinh trùng X yếu nên nếu quàng thêm cho chúng gánh nặng thì càng lợi cho "gà nhà". Theo đề xuất này, nếu phụ nữ quan hệ ở tư thế càng "dốc" thì X càng dễ bỏ cuộc vì... bơi ngược dòng không xuể. Cần khẳng định một lần nữa, tất cả các biện pháp trên đều không có gì chắc chắn (chưa nói đến tai biến). Và nên nhớ, pháp luật cấm chọn giới tính trẻ. Do vậy, các bà mẹ tương lai có lẽ không nên mất quá nhiều thời gian vào việc này. Thay vào đó, nên dốc toàn lực dành cho việc sinh nở để mẹ tròn con vuông sắp tới thì hơn. Hơn nữa, quá chăm chút "đón đầu" đến khi thất bại lại mất vui. Chẳng hay chút nào cho sự ra đời của đứa trẻ không được chọn chỗ sinh ra/.(Theo Thế Giới Văn Hóa)/ https://vnexpress.net/xy-hay-xx-2262721.html

(8): https://consosukien.vn/mat-can-bang-gioi-ti-nh-khi-sinh-ta-i-viet-nam-thu-c-trang-va-giai-phap.htm

(9): Xem thêm: Tình trạng phụ nữ lấy chống nước ngoài /https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/binh-thuan-bao-%C4%91ong-tinh-trang-phu-nu-lay-chong-nuoc-ngoai-13744-8.html

(10): Họ thường là nhân vật chính các tiết mục văn nghệ, múa hát trong hình thức lễ nghi ngày lễ hội cúng tế của dòng họ chung cho cả nước hay cả vùng miền

(11): http://nghixuan.hatinh.gov.vn/vi/cau-lac-bo-con-dau-dong-ho-mai-nha-chung-gan-ket-chi-em-giup-nhau-phat-trien-kinh-te; / https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ha-tinh-%C4%91oc-%C4%91ao-thiet-thuc-clb-con-dau-dong-ho--31648-1104.html

(12): Phụ nữ nối truyền dòng tộc trong gia phả Việt Nam xưa và nay. Ứng dụng “Giáo dục gia đình qua gia phả” đề tài khoa học của Viện Lịch sử Dòng họ được đánh giá tích cực...

(13): http://nghixuan.hatinh.gov.vn/vi/cau-lac-bo-con-dau-dong-ho-mai-nha-chung-gan-ket-chi-em-giup-nhau-phat-trien-kinh-te

(14): https://cand.com.vn/Xa-hoi/Dong-ho-vinh-danh-nang-dau-doc-dao-nhat-xu-Hue-i254303/

TS HỒ BÁ THÂM