Trang chủ > Nguồn sử liệu gia phả

Nguồn sử liệu gia phả

15/09/2023 16:31:29

Gia phả được nhìn nhận là một bản "Sử ký" của một gia đình, một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Với những dòng dõi Tông thất (vua - chúa) gia phả còn được gọi bằng từ ngữ trân quý như Ngọc phả, Thế phả. Được truyền từ đời này qua đời khác, bởi vậy, gia phả luôn được gìn giữ, bảo quản đặc biệt trong gia đình, dòng họ.

(Hình mang tính minh họa)

1. Tóm tắt hành trình "Gia phả" ở nước ta

Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc về quá khứ của gia đình, dòng họ mình để cho muôn đời con cháu noi theo... tạo nên những truyền thống giáo dục tốt đẹp.

Gia phả dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho việc nghiên cứu xã hội học, sử học, thậm chí nó còn hữu dụng cho nhiều nghiên cứu khoa học khác về tâm lý học, di truyền học, huyết học và y học nữa.

Theo những công bố sử học, ở nước ta gia phả có từ rất sớm nhưng phải đến thời Lý-Trần- Lê thế kỷ XIII, XIV, XV mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả ghi thế thứ, tông tích toàn họ, hay phả ký ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên. Ví dụ nhà Lý có Hoàng Triều Ngọc Điệp; nhà Trần có Hoàng Tông Ngọc Điệp; nhà Lê có Hoàng Lê Ngọc Phả. Dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), nhiều cuốn phả về họ Nguyễn Phúc được soạn dâng lên như: Hoàng triều đại tông đồ, Hoàng gia phả hệ, Hoàng triều ngọc phả...

Cùng với sự xuất hiện các gia phả của hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và lan rộng trong dân gian.

Gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán-chữ Nôm. Trong gia phả, người đứng đầu ngành trưởng (trưởng họ, trưởng tộc) có bổn phận ghi tóm tắt về thân thích và dòng dõi trong gia tộc mình, đặc biệt những người đàn ông được ghi chi tiết ngày sinh, ngày mất, học hành, công trạng, sự nghiệp, con cái và nơi chôn cất sau khi chết. Với con gái, gia phả chỉ ghi vắn tắt, trừ trường hợp có công danh, địa vị, làm thê thiếp trong triều vua, phủ chúa mới được ghi chép chi tiết. Cuốn gia phả gốc được những người con khác sao lại từ bản gia phả chính đó để lưu giữ.

Gia phả thường được cất giữ ở nhà từ đường của dòng họ, dịp giỗ kỵ trưởng tộc đem ra đọc cho dòng họ cùng nghe, để con cháu các chi các ngành biết về tổ tiên. Việc biên chép gia phả là việc làm tự phát tự nguyện và cũng là trách nhiệm của những thành viên có học thức trong họ tộc. Thông qua gia phả, người đời trước gửi gắm tâm nguyện, khích lệ ý chí phấn đấu cho đời sau. 

Ví dụ như lời tựa gia phả dòng họ Nguyễn Xuân ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định có chép: "phàm những thế gia đại tộc không nhà nào là không có gia phả, huống hồ đời nối đời dài lâu như họ Nguyễn Xuân cũng là sự hiếm".

Thật vậy, dòng họ là sự tập hợp lại của nhiều gia đình có quan hệ huyết thống và nguồn gốc tổ tiên. Đây là một hiện tượng lịch sử – xã hội đặc biệt mang tính phổ quát không riêng gì ở Việt Nam mà của chung nhân loại. Ở Anh Quốc, Pháp,  Đức... từ lâu đã công bố những cuốn gia phả của những dòng họ quý tộc làm cơ sở để xác định danh tính, nguồn gốc, vị trí xã hội của một dòng họ cao quý trong xã hội. 

Ở nước ta, gia phả của những dòng họ lâu đời như họ Vũ ở Mộ Trạch (1), dòng họ Phạm Tu ở Thanh Trì Hà Nội (2), dòng họ Nguyễn Bặc ở Hoa Lư, Ninh Bình (3), dòng họ Mạc Cửu ở Hà Tiên (4) và rất nhiều dòng họ khác đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử và địa dư, khi đó lịch sử dòng họ hòa với lịch sử quốc gia, tiểu sử các nhân vật có liên quan đến lịch sử đất nước được biên chép cẩn thận và tường tận trong các tộc thư, tộc phả sẽ làm cho lịch sử nước nhà thêm sinh động và hấp dẫn hơn...

Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến ghi chép gia phả trong nhân dân. Giai đoạn phát triển mạnh qua các đời vua chúa Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn...

Khi đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, gia phả của các dòng họ bị thất lạc, bị tiêu huỷ, thậm chí trở thành "tam sao, thất bản" không còn chính xác nữa. Người ta chép gia phả theo trí nhớ của các bô lão trong họ tộc nên độ tin cậy không cao. Có dòng họ do phải phiêu bạt, trốn tránh sự truy nã của kẻ thù nên phải đổi sang họ khác. Trong đó, điển hình là việc con cháu nhà Mạc sau khi triều đại này sụp đổ phải đổi họ. Từ sự kiện này, theo thống kê sau này, con cháu họ Mạc ly tán khắp nơi, họ Mạc khi được tập hợp lại đã biến đổi thành 40 họ khác(5).

Cho đến gần cuối triều Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thì môn gia phả cũng suy sụp theo, gia phả dần bị lãng quên, và hầu như ít được nhắc đến. Gần đây, tư duy sử học thay đổi, ngành Gia Phả Học được nhìn nhận lại và đang phục hồi... Gia phả học sẽ góp phần làm sáng tỏ sự phát triển của dòng họ trong các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh đời sống tâm tư, tâm hồn và ý chí của cả một dân tộc. Gia phả học sẽ bổ sung nhận thức, hành động, ứng xử đúng đắn, trọn vẹn nhiều mặt thuộc lịch sử, văn hóa, đời sống con người.

2. Sự cố "Gia phả" hy hữu trong lịch sử

Tháng 8 năm 1961 ở Sài Sòn, thủ đô của chính quyền chế độ cũ Việt Nam Cộng hoà, đã xảy ra một câu chuyện làm “rúng động” giới nghiên cứu sử học, xã hội học và dư luận xã hội đương thời.

Nghi án công chúa Ngọc Hân đầu độc vua Quang Trung được công bố như một phát hiện mới về Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Ông Nguyễn Thượng Khánh tự giới thiệu là hậu duệ của phái Lê Duy Mật (6) nhưng phải đổi họ dưới thời chúa Trịnh vì sự truy sát của chính quyền sau khi phong trào khởi nghĩa thất bại, họ phiêu bạt vào phía Nam, sống rải rác ở các tỉnh từ miền Trung trở vào Nam. Bài viết được đăng tải trên tạp chí Phổ thông, xuất bản ở Sài Gòn từ số 62 đến số 65, tháng 8, 9 năm 1961 với đầu đề: Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa! 

Cơ sở để tác giả Nguyễn Thượng Khánh dựa vào chính là cuốn gia phả của dòng họ Lê, hậu duệ của Lê Duy Mật để lại và ông khẳng định đây là "nguồn sử liệu thầm kín" của dòng họ mình! (7).

Mở đầu trang sử liệu đặc biệt, ông Khánh viết: “Đêm nay, dưới ngọn đèn 60 nến trên căn gác trọ tồi tàn, lọt vào giữa đô thành đầy ánh sáng của miền Nam, tôi mê say viết lên đấy một trang sử liệu mà từ xưa đến nay không ai biết, để các sử gia đương thời tham khảo về cái chết của vua Quang Trung trong một phút hờn ghen mà gây nên...".

Theo ông Khánh lý giải, công chúa Ngọc Hân đã đầu độc vua Quang Trung sau khi nghe tin vua có lời cầu hôn với công chúa nhà Thanh, con vua Càn Long. Động cơ cho việc đầu độc này được ông Khánh diễn tả bằng hai lý do: vì ghen tuông và vì vận mệnh đất nước!

Về động cơ thứ nhất: Vì ghen tuông, ông viết: “Trong phút uất ức và cuồng trí, Ngọc Hân nhất quyết giết chết Nguyễn Huệ, nàng đã bỏ độc dược vào rượu cho Quang Trung uống”. 

“Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên mặt của Ngọc Hân. Vương hân hoan nâng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dở bữa cơm, tiến lại ngả lưng trên long sàng và giãy dụa một lúc rồi tắt thở luôn”.

Về động cơ thứ hai: động cơ vì nước, ông Khánh viết:

“Ngọc Hân công chúa thấy cái viễn cảnh đe dọa đến Tổ quốc, khi hành động của vua Quang Trung cầu hôn với con gái của vua Càn Long được chấp thuận". 

Theo ông Khánh diễn giải, Ngọc Hân có suy nghĩ, nếu công chúa con vua Càn Long trở thành hoàng hậu nước Đại Nam, nàng sẽ phải sinh con cho vua Quang Trung. Nếu sinh con trai, hoàng tử ấy phải là người kế nghiệp vua Quang Trung sau này, mà khi được kế nghiệp biết đâu kẻ đó lại không dâng nước Đại Nam cho quê mẹ Trung Hoa?".

Khi bài viết của Nguyễn Thượng Khánh xuất hiện, đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các học giả, đặc biệt của con cháu dòng dõi Lê Duy Mật. 

Hậu duệ của Lê Duy Mật cũng cho rằng ông Khánh nói vô căn cứ. Ông Võ Thành Sơn ở Đà Nẵng là rể của dòng dõi của Lê Duy Mật (gọi Lê Duy Mật là viễn tổ) cho biết nhà thờ họ của ông vẫn còn nhiều tộc phả nhưng không hề có điều nào viết như ông Khánh.

Khi bị dư luận chất vấn về tính xác thực trong những tuyên bố trên tạp chí Phổ thông, ông Khánh phải bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tìm đến thân tộc của mình để lấy tộc phả. Thời đó họ còn lập một hội đồng để thẩm định tính chính xác của gia phả mà ông Khánh đưa ra.

Cuối cùng, ông Khánh không đưa ra được chứng cứ xác thực cho những điều mà ông tuyên bố. 

Người ta ngờ rằng ông Khánh nêu chuyện này lên chỉ để tạo sự giật gân trên mặt báo Sài Gòn thập niên 1960 với mục đích cá nhân. 

Về sử liệu đương thời cho đến sau này, các học giả đều khẳng định vua Quang Trung chết vì bệnh:

Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia Văn phái, một tác phẩm thuộc dạng tiểu thuyết lịch sử được sáng tác ngay trong và sau những sự kiện vừa xảy ra còn nóng hổi đã viết: "Vua Quang Trung bị bệnh rồi mất. Hôm đó nhằm ngay mùa thu, tháng Tám năm Nhâm Tý, sau khi lên ngôi hoàng đế được năm năm" (8)

Trong cuốn sách Nguyễn Thị Tây Sơn ký (khuyết danh) là cuốn sử triều Nguyễn viết về các vua triều Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc (Thái Đức), Nguyễn Văn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Quang Toản (Cảnh Thịnh/ Bảo Hưng) có đoạn miêu tả khá chi tiết về cái chết của vua Quang Trung như sau: Huệ mê man ngã xuống hồi lâu mới tỉnh. Bệnh nặng mới gọi trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Quang Diệu về căn dặn rằng:

"Trẫm khai cương mở đất, có được cõi Nam, nay bệnh ắt không thể sống được... Sau khi trẫm chết rồi, mọi việc chôn cất chỉ qua loa một tháng cho xong. Các ngươi phải hợp lực giúp thái tử..." Bọn Diệu cùng khóc mà nhận mệnh, giết ngựa trắng để thề. (9)

Trong cuốn Quang Trung - Anh hùng dân tộc 1788-1792 xuất bản năm 1944 của tác giả Hoa Bằng viết: "Một buổi chiều đầu thu, vua Quang Trung đang ngồi, bỗng hoa mắt, sầm tối mắt mũi, mê man, bất tỉnh. Chứng bệnh ấy, sử chữ nho chép là "huyễn vận", là một thứ bệnh do thiếu máu, bộ tiểu não bị tổn thương và thần kinh suy yếu mà sinh ra. Khi phát thì, trong một lúc, mắt hoa, tri giác mờ tối, không biết gì cả. Rồi bệnh ngày một tăng thêm, khó có hy vọng qua khỏi!

"Tiếc rằng trời không cho sống lâu, ở ngôi mới được năm năm đã bị bịnh mất, khiến người bằng điếu bùi ngùi mất một anh hùng..." (10)

Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà".

Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà". 

3. Kết luận

Sử học hiện đại đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm về đối tượng nghiên cứu. Xu hướng nghiên cứu sử học phổ biến ở các nước Âu - Mỹ hiện nay được gọi bằng một danh từ mới "Tân sử học" (new history) hay "Sử học xã hội" (social history).

Tân sử học quan tâm đến toàn bộ hoạt động xã hội chứ không chỉ có các triều đại, mối quan tâm đó còn mở rộng cả vào những con người bình thường trong xã hội, vào đám đông quần chúng lao động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Về nguồn sử liệu, ngoài nguồn tài liệu được bảo quản trong các Trung tâm Lưu trữ, các sử sách, bi ký đã xuất bản... các nhà sử học còn phải chú ý đến tài liệu văn hóa dân gian, các huyền thoại, hồi ký, các nguồn tài liệu từ ký ức, qua lời kể, được gọi là sử học truyền khẩu (oral history), trong đó đặc biệt quan tâm đến gia phả.

Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn sử liệu từ gia phả gia đình, dòng họ nên hết sức thận trọng vì tính khách quan của nguồn sử liệu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không kiểm chứng được.

CHÚ THÍCH:

(1): Làng Mộ Trạch là một ngôi làng cổ, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng Mộ Trạch nổi danh trong lịch sử Việt Nam là ngôi làng khoa bảng "độc nhất vô nhị", ghi nhận được 36 người đỗ tiến sĩ Nho học, trong đó có 1 Trạng nguyên (Lê Nại) và 11 Hoàng giáp. Trong danh sách đại khoa, họ Vũ chiếm đa số tuyệt đối với 29 vị. Trong khi đó những vị đại khoa còn lại đều có mẹ là họ Vũ. Làng được vua Tự Đức ban tặng lời vàng: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ" (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ).

(2): Phạm Tu (476-545) là võ tướng, công thần khai quốc nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công giúp Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, thành lập nước Vạn Xuân độc lập. Phạm Tu người xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, được xem là ông tổ họ Phạm Việt Nam.

(3): Nguyễn Bặc (924 - 979), hiệu Định Quốc Công, là khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10. Do lập công lớn, ông được vua Đinh phong là Định Quốc Công. 

(4): Mạc Cửu (1655 – 1735) là một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ XVIII ở Việt Nam.

(5): Phạm Xuân Dũng. Tuổi trẻ online ngày 14-7-2015.

(6): Lê Duy Mật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống lại chúa Trịnh vào giữa thế kỷ 18. Ông là hoàng thân nhà Hậu Lê, con thứ vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729).

(7): Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng Đế Quang Trung, NXB Thuận Hoá, Huế 1994, Tr.41.

(8): Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí, NXB Văn Học, HN. 2014, tr.435. Bản dịch của Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch, in lần thứ tư.

(9): Khuyết danh, Nguyễn Thị Tây Sơn ký, Nguyễn Duy Chính dịch và giới thiệu, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020, tr.89 (Tài liệu mới được phát hiện và công bố)

(10): Hoa Bằng, Quang Trung anh hùng dân tộc 1788-1792, NXB Hoa Tiên, SG.1944, tái bản 1974, tr.303. 

NGUYỄN XUÂN VƯỢNG

(Theo archives.org.vn)