Trang chủ > Nhà gia phả học lớn nhất Việt Nam - Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ

Nhà gia phả học lớn nhất Việt Nam - Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ

13/08/2023 16:23:05

Nguyễn Đức Dụ tên thật là Nguyễn Đức Thu, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1919 tại quê ngoại Vĩnh Dụ (có lẽ để nhớ quê mẹ nên cụ đổi tên là Nguyễn Đức Dụ). Quê nội ở làng Thượng Cốc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (ảnh: Tư liệu)

Thân phụ là cụ Nguyễn Đức Ôn - công chức ngành bưu điện thời Pháp thuộc. Thân mẫu là cụ Bùi Thị Cư một người mẹ hiền hậu, tần tảo nuôi con. Ông đã viết khá nhiều bài thơ nói về mẹ - Bài Mưa đêm làm ở xóm Nhà Đèn Tân Định năm 1959 có đoạn:

... Chị ơi ! biết bao giờ

Được trở lại quê xưa chị nhỉ?

Cháy nén hương trên mộ mẹ già

Mặc lệ chảy

Mặc tim non thổn thức

Khao khát

Dù mẹ đã khuất rồi

Mẹ già ơi !

Lũ con dại đã về đây

Còm cõi vì năm tháng

Xơ xác mái đầu xanh

... giờ đây mẹ già hiu quạnh

Nằm trong nấm mồ hoang lạnh...

Mưa rơi ... chị ơi!

Cỏ mọc cỏ xanh

Mồ mẹ vắng tanh

Nào ai biết?

Và nỗi ước ao cháy bỏng trong lòng:

Mồ mẹ xanh xanh

Hương khói sớm chiều

Không vắng nữa

Vì đàn con trở lại quê nhà

Xóm làng rộn rã...(1)

Cụ Dã Lan - Nguyễn Đức Dụ (người ngồi cuối cùng bên phải) và các văn hữu, thi hữu (ảnh: Tư liệu)

Dã Lan - Nguyễn Đức Dụ nguyên là Thủ thư trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn.

Ông viết nhiều bài khảo cứu đã đăng trên các tạp chí trước và sau giải phóng. Đồng thời ông còn viết cả truyện ngắn, tùy bút, phê bình... đăng rải rác trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội(2). Cố Dã Lan đã sáng tác cả thơ. Thơ Cố đã được nhạc sĩ Hùng Lân phổ nhạc như bài Mưa đêm (1975), Biết quê (1978), Nỗi lòng sương phụ (1983)... và được các nghệ sĩ như Huyền Trân, Hồ Điệp, Đoàn Yến Linh... ngâm và thâu băng. Nhạc sĩ Lê Cao Phan còn dịch Pháp ngữ bài Mưa đêm...

Ông là một người đa tài, song thành công lớn nhất của ông là nghiên cứu về Gia phả học.

Cuốn Gia phả khảo luận và thực hành của Cố in lần thứ nhất 1970, giáo sư lịch sử văn học Việt Nam và chữ Nôm Lê Hữu Mục đã viết lời giới thiệu có đoạn: “... Nó đã được sự chú ý của một số phả học gia có uy tín trên thế giới và thực sự đã chinh phục được thiện cảm của một số tri thức Việt Nam đang miệt mài khảo sát về văn học, ngôn ngữ triết lý của dân tộc. Nếu văn hóa là kết quả của mọi nỗ lực suy tư về con người và môi trường sống của nó, nếu sự tiến bộ đòi hỏi công trình đóng góp của mọi người về tất cả mọi lĩnh vực, nếu tri thức là nhập cuộc với mọi thiện chí sưu tầm và phát minh thì nhất định những ý kiến của ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ về gia phả học phải được giới nghiên cứu và chính quyền quan tâm hơn. Những lời phê bình về gia phả học hay cụ thể hơn, sự thiết lập một Viện Phả học quốc gia, một tín chỉ phả học tại các trường đại học, tất cả đều cần thiết cho sự phát triển của ngành phả học là một ngành không thể không có trong số các bộ môn văn hóa...”.

2 cuốn sách viết về gia phả của cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ

Ông Johnw. OrTon chuyên gia nghiên cứu của Hội Gia phả học thuộc giáo hội Jésus Christ của các Thánh ghi thư cho Cố: “TS Hihllam nói rằng ông đã rất thành công vì truy tầm tổ tiên được từ thế thế kỷ XV. Chắc chắn rằng chúng tôi vô cùng thích thú được tìm hiểu xem ở Việt Nam bằng cách nào mà một người lại có thể thành công trong việc truy cứu gia phả của mình” 30-11-1973.

Khi nhà xuất bản Văn hóa - Hà Nội lần in thứ 3 vào năm 1992, Giáo sư sử học Huỳnh Lứa đã viết: “... Gia phả ta đã có từ lâu, ý nghĩa và lợi ích của gia phả nhiều người đã thấy, nhưng cái gì là đặc điểm của gia phả Việt Nam, nó có gì khác biệt với gia phả của các nước khác, nhất là các nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản v.v... Và xây dựng một bản gia phả như thế nào cho khoa học và thiết thực, thì chưa hẳn đã có nhiều người hiểu rõ. Sở dĩ có tình trạng đó là vì lâu nay ở ta chưa có một ai nghiên cứu chuyên môn về đề tài này. May mắn thay, trong giới nghiên cứu nước ta, đã có một người dám chấp nhận mọi khó khăn và hoàn cảnh đứng ra làm các công việc nặng nhọc. Đó chính là Dã Lan Nguyễn Đức Dụ mà nhiều người đã từng biết đến”.

Cuốn sách trên đã được 29 cơ sở văn hóa nước ngoài có lưu trữ. Một nữ học giả Trung Quốc Ly Ta Na ở Úc lặn lội qua Việt Nam tìm đến Cố hỏi về gia phả, để viết luận án Tiến sĩ về Việt Nam.

Cố Nguyễn Hiến Lê đã viết về Cố như sau: “Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã lựa một ngành từ trước tới nay chưa ai bước vào, ngành khảo cứu về gia phả. Ông đã kiên nhẫn đeo đuổi mấy chục năm nay say mê coi ngành đó là niềm vui độc nhất của ông... Hàng trăm gia đình sẽ mang ơn ông vì nhờ ông mà con cháu mới nhớ tới tổ tiên. Không những vậy, những nhà viết sử Việt Nam sẽ nhờ ông mà có được nhiều tài liệu về các bậc danh nhân trong nước. Công việc trở về nguồn đó thật độc đáo và đáng quý”.

Đào Nghi Tư ở Đa Kao vào dịp Trung thu năm Nhâm Tuất (1.10.1982) đã có thơ về Dã Lan và gia phả.

Người ta đeo đẳng cái giầu sang

Anh mải mê theo những họ hàng

Họ Nguyễn, họ Đàm, họ Văn Trạch,

Tay mềm toan chống luật tang thương !

Anh mãi săn tìm chuyện đã quên

Quản chi vất vả ngại chi phiền

Mong đàn con cháu ngày mai hậu

Trang trọng từng trang đọc tổ tiên.

Ôi, gió nào đưa hương thảo Dã

Ngỡ là tiên giáng hóa ra Lan

Từ nơi sơn dã mà vương giả

Lạc chốn lầm than chẳng thở than.

Rồi một ngày kia cảnh thái hòa.

Hàng hàng họ họ thưởng mùa hoa.

Hải đường, hồng, cúc, mai, đào, lý.

Riêng một cành Lan đẹp nhất nhà.

Ông Trần Nhật Thu đã phỏng vấn cố để viết cho Nguyệt san Văn hóa “Cụ bước vào ngành gia phả học từ năm nào...?” và Cố đã kể: “Đầu tiên tôi làm gia phả cho dòng họ của tôi từ năm 1961 đến 1963 thời xong. Tôi nhớ ngày 27/10/1963 tôi là Trưởng tộc nên mời các ngành trong họ đến để làm lễ trao gia phả. Việc làm gia phả có những kỷ niệm vui buồn vinh nhục. Vì trách nhiệm trưởng tộc nên tôi đã cố gắng chịu đựng vượt qua những khó khăn đó. Năm 1963 thời gian này chính quyền Ngô Đình Diệm đầy quyền uy với hàng ngàn mật vụ, cảnh sát, súng ống đi lùng sục khắp mọi nhà, mọi ngõ ngách ở Sài Gòn.

Những đêm dài lo sợ chập chờn, giấc ngủ không an khi nghe tiếng bước chân xầm xập trong đêm của cảnh sát, hễ họ nghi ai chống lại chính phủ là bắt bớ liền. Tôi quên làm sao được giây phút hồi hộp lúc ngồi trên xích lô với cả đống gia phả in Ronéo bọc kín khi tôi vượt qua trước hàng rào cảnh sát dày đặc để đi cất dấu. Tôi tưởng chừng như nghẹt thở. Đêm đêm nghe tiếng khám xét các nhà lân cận, tôi và vợ con choàng dậy ôm từng bó gia phả dấu xuống bếp, xuống gầm giường hoặc đem ra dấu sau hẻm. Trước sự khủng bố gắt gao đó, nhiều đêm tôi không chợp mắt được. Điều tôi sợ nhất là chẳng may những cuốn gia phả và tài liệu sưu tầm mấy năm qua lọt vào tay họ thì uổng công tôi lắm, có khi còn vạ lây đến vợ con”.

Đó mới là một khía cạnh cất giữ gia phả đã sưu tầm, chứ còn việc sưu tầm việc khảo cứu cũng biết bao nhiêu là cực nhọc. Sách biên khảo xong lại không có ai tài trợ in. Muốn in Ronéo cũng phải bán một số bộ sách quý mới có tiền in. Là một công chức nghèo, con cái đông, với chiếc xe đạp cũ kỹ không thắng, không đèn Cố đi suốt đêm ngày, nơi này nơi khác hết nội thành đến ngoại thành hơn 500 nhà, có nhà phải đến 3, 4 lần mới ghi chép xong. Cụ bà Nguyễn Thị Mai thương chồng cũng có lúc phàn nàn với các con: “Kìa! các con coi bố. Tối ngày chỉ phả phổ cho thế mới sướng!”.

Nói thế thôi, Cố và các con thảy đều tôn trọng sự say mê tần tảo lo chu toàn việc nội trợ và con cái, sống hết lòng với chồng con. Con Cố có người là bác sĩ PGS Bệnh viện C tỉnh Long An Nguyễn Đức Hồng cũng đã dành thời gian dịch tài liệu cho bố tham khảo. Suốt 4 năm ròng dịch nguyên bản cuốn Studies in Asian Genealogy do Viện Đại học Brigham Young - bang UTATH (Hoa Kỳ) dày 300 trang gồm các bài tham luận về ngành gia phả học một số châu Á như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Hàn... được GS. Palmer tập hợp từ một hội nghị quy tụ 7.000 học giả, giáo sư nổi tiếng về ngành này của 46 quốc gia được tổ chức vào tháng 8/1969.

Gần nửa thế kỷ sống ở Sài Gòn hoa lệ mà Cố vẫn sống giản dị đạm bạc. Không rượu, không trà, không bài bạc. Sáng sáng vẫn đi bộ, tập duỗi tay, ăn ngủ điều độ, mỗi khi làm việc căng thẳng thấy mệt Cố thường dạo vài khúc nhạc guitare hay làm mồi thuốc lào là hết mệt ngay. Năm Cố tròn 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, người nhỏ nhắn gầy gò, sức khỏe có giảm sút nhất là từ khi bị đụng xe gãy chân (năm 1997) song Cố vẫn mê say nghiên cứu gia phả. Trước và sau bàn làm việc của cố là các cuốn phả của nhiều dòng họ, là bản thảo do chính tay Cố đánh máy.

Cố rất mực khiêm tốn, ít nói về mình. Song chúng tôi cũng biết ngoài cuốn Gia phả khảo luận và thực hành đã nói trên, cố đã được NXB. Mũi Cà Mau in cuốn Một lối chép gia phả thật đơn giản (1993). Cố đã và đang biên khảo, Lược khảo phổ trạng những nhà vănDõi tìm tông tích người xưa với 60 dòng họ danh tiếng mà Cố bắt tay làm từ năm 1972 đến nay. Là những công trình đồ sộ về gia phả, nói đúng hơn là một công trình phản ánh hành trình lịch sử của một đất nước, ở đó không chỉ thấy tính lịch sử khoa học chính xác mà còn như “vang dội tiếng gọi về nguồn” của tác giả.

Trong lần đến thăm cố vào một chiều cuối năm Đinh Sửu đầu năm 1998. Cố cho xem Giấy trích ngang kế hoạch XB số 25/CXB Văn hóa - Thông tin gửi vào. Được ghi rõ Dõi tìm tông tích người xưa (2 tập) 600 trang - Số bản in 2.000. Tôi ngạc nhiên vì Cục XB đưa vào kế hoạch từ tháng 4 năm 1995 mà đến nay đã hơn 2 năm rồi vẫn chưa in, mà nghe đâu có in còn rút bớt số bản. Về Hà Nội, tôi có nói chuyện với Giám đốc NXB. VH-TT về việc đó. Nghe đâu vào tháng 5 năm 1998 tập 1 đã ra mắt bạn đọc, còn tập 2 chưa biết thế nào? Âu cũng là niềm động viên an ủi kịp thời với Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong lúc tai nạn phải bó bột, vẫn sửa mo rát và đau đáu chờ mong được thấy sách mình ra mắt bạn đọc thì lòng mới thanh thản.

Ở tuổi “cổ lai hy” xưa nay hiếm mà tâm hồn vẫn đầy nhiệt huyết, làm việc vẫn mải mê, nhất là đối với một lĩnh vực nghiên cứu khoa học “hiếm người muốn đeo đuổi và chắc cũng ít ai có khả năng đeo đuổi”. Thật là một tấm gương sáng cho chúng ta - những người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Nay Cố đã về với tổ tiên. Để tưởng nhớ nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, chúng tôi ghi lại một số điều hiểu biết về Cố, thay cho nén tâm nhang thắp trước bàn thờ Cố.

Chú thích:

1. Bài thơ dài đã được nhạc sĩ Lê Cao Phan dịch sang Pháp ngữ 12 - 1984 II pleut dans la nuit. Ngoài ra còn các bài Nỗi lòng người sương phụ (1982) Hùng Lân phổ nhạc (1983). Hướng về dòng sữa mẹ (1976).

2. Tạp chí Sử địa. Văn hóa nguyệt san, Phương Đông, TC Bách Khoa; Tổ Quốc; TC Sông Hương.

HOÀNG LÊ - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

(Thông báo Hán Nôm học 2006, tr.461-467)