Trang chủ > “Nhà viết sử tài năng” - Cây me tuổi thơ

“Nhà viết sử tài năng” - Cây me tuổi thơ

29/07/2023 19:26:22

Có một năm, buổi sáng tháng 6 miền Nam không khí vẫn còn oi nồng. Đất khô, con người cũng khô héo theo cây cối. Có một ngày, ông Năm Lương Chương đến thăm nhà thờ tổ...

Qua điện thoại, ông hỏi “Nghe nói con bịnh sao đó?’’… Ông từ bên kia sông, đi qua một chuyến phà và phải thêm khoảng 30km nữa mói đến chợ Châu Đốc. Ông đã 90 tuổi mà lại đi thăm cháu nhỏ. Thật tội nghiệp ông, mặc dù ông đã biết tôi hết bịnh lâu rồi. Ông vẫn đến.

Chưa kip ngồi xuống ghế, ông bỗng nhìn thấy, qua ô cửa sổ:

- Cây me đâu rồi con? 

Tôi chưa biết trả lời sao, ông Năm chép miệng thở dài.

Cùng với nỗi nuối tiếc như ông, tôi nói, như tự an ủi chính mình:

- Dạ, lúc con đi dạy xa. Chừng về nhà, thấy mất tiêu cây me. Người ta nói nó già quá rồi…

- Còn vài cây ở cuối đường, phía sau đình. Ông thấy nó, như thấy lại tuổi thơ của mình! 

Tôi lại như nghe có tiếng thở dài...

Ông Năm Chương gọi bà cố tôi bằng dì ruột. Ông đã ở nhà dì đi học, đã yêu thương dì như mẹ của mình. 

Đình thần thì ở bên kia đầu chợ, cách nhà khoảng hai ngả tư đường. Nơi này thì ông quen lắm. Ngôi đình đã có lâu đời rồi. Ngôi đình thờ người anh hùng mở cõi Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Thoại. Nay ông Năm đã 90. Đình chắc cũng gần 300 tuổi. 

Từ phía sau đình, ngó về phía chợ, có một góc phố đẹp là nơi ông ngoài giờ đi học, đến làm việc. Đó là một nhà thuốc tây hoành tráng, tọa lạc ngay góc đường bên hông nhà lồng chợ. Nó đẹp về kiến trúc lẫn vị trí. Rộng trên 200m2, nó có kho chứa thuốc phân phối cho cả khu vực, các quận huyện lân cận tỉnh Châu Đốc của những năm Pháp thuộc. 

Sáng nay ông đi ngang qua đó rồi. Căn phố xinh đẹp ấy dường như biến mất, bởi nó không còn hình dáng cũ. Như các kiểu thời trang, nó cũng được biến đổi theo luật tự nhiên! Tôi cũng hy vọng người ta cũng sẽ có lúc trở về hoài niệm, để xây dựng lại ngôi nhà mà một thời yêu thích?

Nhưng hiện giờ, cái nhà thuốc thân thương của ông không còn nữa, thay vào đó là mấy căn phố cao ngất ngưỡng, với nhiều tầng lầu. Còn nhà của dì hai ông, ông mới chỉ thấy mất một cây me. Dù sao ông vẫn thấy bồi hồi, nhìn quanh rồi nhìn lên trần nhà: 

- Con cho tráng lại mấy chỗ trần đổ vôi, ở bên giường thờ. Coi lại gỗ trần nhà còn tốt không? 

Rồi ông mở hết các cửa sổ ra: 

- Nhà mình sáng đẹp nhất chợ đó con - ông ngừng một chút rồi nói vui - Chắc lâu rồi con chưa quét sơn lại nè? 

Ông Năm già nua, lụm cụm, lâu lắm rồi mới đi chợ Châu Đốc. Ông là con người em thứ năm của dì hai (bà cố tôi). Mẹ ông mất lâu rồi. Dì hai cũng mất lâu rồi, ông biết. Hôm nay dường như ông chỉ muốn đến thăm ngôi nhà mà ông đã từng ở nhờ, trong ba năm đi học.

Xin thời gian quay ngược, khoảng chừng hơn nửa thế kỷ! 

Hình như càng lớn tuổi, thời gian chạy như bay, đuổi cũng không kịp. Nghĩ lại, ông Năm vắng mặt có lâu đâu, cây me trước cửa nhà cũng biến mất? Chỉ nhìn xuyên qua hai cánh cửa sổ tróc hết màu sơn, ông đã thấy mất một chút gì đó rồi. Một cây me ở lề đường, năm ông 18 tuổi, chắc gì “cậu bé Năm” đã chú ý đến nó, ngoại trừ mỗi sáng trước khi đi học, đi làm, cậu có nhiệm vụ quét sạch lá me ở vỉa hè nhà dì hai? Ngày ấy không xa lắm phải không ông? 

Thấy ông Năm dợm bước, tôi đưa tay đỡ, nhưng ông gạt đi. Quàng quanh lưng ông là một cái đai, để giữ cho cột sống. Ông mặc một áo bà ba trắng phủ bên ngoài, cái đai bị đùn lên phía sau. Ông Năm cố gắng leo lên cầu thang hơi tối. Hai tay ông bám chặc thanh sắt cầu thang, khó nhọc bước từng bước lên lầu. Ông nói: 

- Cầu thang gỗ cũ hơi dốc, mà ông quen đi hơn. 

- Dạ, nó đã bị mối đục hư rồi nên mẹ con cho thay cầu gạch. Hơi khó đi hả ông? 

- Ừ!! Ừ! 

Ông Năm không giống mẹ ông về khuôn mặt, nhưng ông hiền từ như mẹ ông vậy. Những người dân quê miền Nam luôn chất phát, thật thà.

Mẹ ông giống dì hai lắm, đẹp và phúc hậu. Dì hai ông rất tốt với các em và họ hàng. Ông thường nhắc tới bà với lòng thương yêu quí trọng. Nhà dì hai khá giả hơn. Dì hai gần như bảo bọc cả nhà ông vào những năm đói kém. Các chị, anh ông, em gái và cả con cháu ông đều quí bà như mẹ vậy. Trên bàn thờ nhà ông có một bức hình, ông thờ dì hai của mình. Ông nhắc con cháu làm lễ giỗ bà hằng năm.

Ông chậm chạp bước qua gian thờ gia tiên. Ông vui khi thấy mọi vật trang trí gần như nguyên vẹn. Ông cho sắp dĩa trái cây rồi thắp hương và tự tay ông cắm từng chân hương lên mỗi bát. Mắt ông còn tỏ lắm. Ông thoáng nhìn thấy có một chân dung mới, đặt bên cạnh chân dung cha tôi: 

- Hình bé Hải hả con? Ông nhớ tên cháu rồi Hồ Việt Hải. Năm đó Hải bao nhiêu? 

- Dạ, em Hải con 26 tuổi! 

- Tội nghiệp! Một tuổi đẹp nhất đời người. Ông có biết nó. Nó ốm nhom mà hiền lắm. 

Ông ngồi ở ghế, không vội uống tách nước đã nguội. Ông cố tình xoay mặt hướng về phía cửa sổ mở toang: không gian bên ngoài trống không, cây me chẳng còn ở đó! Ông thở dài. Chắc ông nhớ nhiều lắm: ông nhớ dì hai, ông nhớ mẹ ông, ông nhớ Hải, ông nhớ cây me, là những nét chấm phá nhẹ nhàng trong ký ức! 

- Ông ơi, ông có kỷ niệm nào về cây me của mình không?

- Đúng là nó già lắm rồi con à. Khi ông còn trẻ, ngọn nó đã vượt khỏi mái nhà. Những tán lá xanh um, làm mát rượi mặt tiền nhà. Những cành cao có tổ chim. Những cành gần mái nhà có tổ ong.

- Bà của con hay nhờ người lên hái tổ ong non, cho các con ăn.

- Ông biết. Con nít ăn ong non và sáp non, tốt lắm. Hồi đó, ông thường quét lá me hằng ngày. Nhưng hôm nào mưa giông, lá rơi nhiều, mưa xuống nhanh, lá trôi theo cống mà không hề làm tắt nghẽn. Bây giờ, lề đường lót gạch hết rồi, các cống nước làm không tốt, để rác trôi tum lum. Ước gì còn cây me…

- Không sao đâu ông! Họ hứa sẽ trồng lại cây xanh khác. 

- Bao lâu rồi?

- Dạ… cũng đã lâu …

Ông đứng cạnh cửa sổ nhìn sang hai bên đường:

- Xưa kia, nhiều bóng mát lắm con à. Nay khu này chẳng còn cây xanh nào cả. Không khéo mùa nắng nóng hắt vào nhà.

Ông Năm là chứng nhân cuối của thế kỷ, thời cha mẹ tôi, vậy mà vẫn còn trẻ tuổi hơn cây me của chúng tôi. 

Tôi nhớ khi mùa gió lạnh về, những trái me bắt đầu khô, vỏ nó căng tròn sáng lên màu gỗ. Lũ chúng tôi là những đứa bé khám phá những trái chín đầu tiên. Bà tôi sắm những cây sào dài, nhờ các chú trong nhà hái. Chúng tôi thích vô cùng, nó rất ngon và ngọt lịm nữa. Trái me ngọt, bông me chua, lá me cũng chua, nhưng những chú ong mật khéo tay đã tạo nên sản phẩm cực kỳ quí giá trên cành, giữa trời và đất, mặc cho mưa giông hay nắng cháy. 

Cho đến ngày tôi lớn, cây me vẫn còn đứng đó. Cành lá vươn ra che mát khu nhà và một ngã tư đường. Nó phủ lên một phần mái nhà mà đâu đó bên dưới có con tắc kè thân quen nương náu. Mỗi khi tắc kè cất tiếng là đêm đến, lá me tự thân xếp lại, tiết kiệm năng lượng để kịp chờ hôm sau đón bình minh lên. 

Rồi một vài dòng điện kéo ngang. Tiếp đến vài chục dòng điện, rối tung, cành lá tơi tả. Nó cố chịu đựng được mà! 

Cho đến khi sự chịu đựng đó vượt quá giới hạn, cành me rủ xuống, mệt mỏi. Họ nói rằng cây me cản lối làm mới đô thị. Họ là ai vậy? Có người còn nói, không khéo me làm đổ cột điện, me gãy cành khi bão giông…

Họ đâu biết thân gỗ me mịn và chắc bền. 

Ngày tôi về thăm nó, tôi mang theo bản thảo: Ký ức quê nhà. Trong đó có đoạn: Nắng buổi sáng lướt về từ sông Hậu, mang hương vị phù sa ngọt ngào. Nắng len qua cáccành me, các lá me, nhảy múa chào đón bình minh, đánh thức và làm ấm các tổ chim, làm xôn xao bầy ong mật. Từ đó, nắng chiếu qua ô cửa sổ và trải nhẹ thềm nhà…

Giờ thì, ký ức tôi bị lỗi nhịp bất ngờ! Phải chăng, tôi có nên viết lại?... Buổi sáng, bóng nắng chiếu nghiêng vào khoảng không trống rỗng, rồi duỗi dài trên thềm gạch tàu mệt mỏi! Nắng mất đi động tác dịu dàng khởi động điệu vũ chào đón bình minh cùng với những cành lá me xanh. Không còn cả tiếng chim nên cũng không còn những tổ ong mật bé xíu ngày xưa nữa! 

Tôi nhìn ra bên ngoài, cây me không còn đứng đó. Mái nhà bỗng dưng trần trụi đến tội nghiệp! 

Lần về này, tôi định giao cho cây me nhiệm vụ hết sức trọng đại. Nó đã ghi chép lịch sử con đường, ngôi nhà tôi và thân tộc tôi. Trên từng mảnh vỏ thân cây xù xì, nó ghi rất kỹ. Nó là nhà viết sử. Nó biết rõ tổ tiên tôi và hơn thế nữa, nó biết cả những ân nhân đầu tiên đến mở đất khai hoang nơi này. “Nhà viết sử tài năng” ấy giờ ở đâu? Quyển phả đẹp và đầy đủ nhất ai vô tình hủy hoại? Tôi nhớ, từng mảnh vỏ trên thân cây là cả pho sử liệu quí giá. Hơn 100 tuổi, "ông me" của tôi! Tôi phải tìm nhà chép sử ấy ở đâu bây giờ? Người còn lại lâu nhất trong ngôi nhà này là mẹ tôi. Mẹ an ủi tôi nhẹ nhàng: 

- Nó là tài sản của thành phố, không phải của nhà mình. Mẹ sao cản họ được? Người ta nói nó già quá rồi… 

Mẹ tôi, giờ đã là người thiên cổ. 

Ông Năm cũng vậy. Mộ ông ở giữa một miền quê, đồng lúa xanh ngát, khí hậu mưa nắng hiền hòa Mỹ Hội Đông, An Giang…

HỒ VIỆT KIM CHI