Kinh nghiệm dịch thuật gia phả từ Hán Nôm sang quốc ngữ
10/07/2023 15:45:53Trong những năm gần đây, nhu cầu dịch thuật và phục dựng lại gia phả không ngừng tăng lên. Đối với mỗi dòng họ nói chung và các thành viên trong dòng họ nói riêng, khi tuổi trẻ thì hoàn thành các mục tiêu của bản thân hay những nhiệm vụ được xã hội giao phó hoặc mải lo kinh tế nuôi sống bản thân, về già khi có điều kiện kinh tế tốt hơn thì hướng về nguồn cội.
Chính vì thế mà việc khôi phục lại Gia phả là việc làm cần thiết của mỗi dòng họ trong bất kì bối cảnh hay giai đoạn nào. Chúng tôi có một đội ngũ với các chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm khi dịch thuật Gia Phả và dịch thuật tài liệu Hán Nôm để phục vụ quý khách hàng. Trong bài viết này chúng tôi xin chia sẽ ý kiến về dịch thuật Gia Phả Hán Nôm như sau:
Hán Nôm và gia phả: tài sản quý giá nhất của mỗi dòng họ
Gia Phả là gì?
Gia phả (hay gia phổ) là sách ghi chép lại lai lịch, thân thế và sự nghiệp của từng người trong gia tộc, theo thứ tự các đời. Mỗi dòng họ, nhất là các dòng họ lớn, dòng họ có lịch sử lâu đời, đều có gia phả để ghi lại những người cùng huyết thống, các thế hệ tiếp nối nhau, giúp cho các thành viên trong dòng tộc nhớ một cách chính xác về ngày giỗ của những người trong dòng họ cũng như các phần mộ để tiện cho việc hương hỏa.
Do điều kiện đặc biệt, nhiều dòng họ đã phân thành nhiều chi, nhánh khác nhau, cư trú ở những địa bàn xa nhau, nên việc đối chiếu với gia phả để xác nhận mối quan hệ họ hàng là vô cùng quan trọng. Đôi khi, do cách trở địa lí, các nhánh của một dòng họ phải dựa vào gia phả mới xác định được họ xuất phát từ một ông Tổ.
Những khó khăn khi tìm hiểu nội dung gia phả
Gia phả thường được trưởng họ ghi chép hoặc việc ghi chép gia phả được giao cho người “văn hay chữ tốt” trong dòng họ đảm nhận. Từ đầu thế kỉ 20 trở về trước, ở Việt Nam, gia phả được viết chủ yếu bằng chữ Hán có xen kẽ chữ Nôm, trong đó, chữ Nôm chủ yếu dùng để ghi lại tên một số nhân vật trong dòng họ. Việc ghi và chép gia phả Hán Nôm đã đặt các thành viên trong gia tộc trước một số khó khăn sau:
Xác định tên thành viên dòng họ
Một số chữ trong gia phả ghi tên của một số thành viên có thể đọc bằng nhiều âm đọc, dẫn tới việc khó xác định tên chính xác. Hoặc, do một số gia phả được ghi chép không phải theo lối chân phương mà bằng kiểu chữ hoa mĩ khiến cho việc đọc gia phả gặp nhiều khó khăn, nhất là tên các thành viên, do đặc trưng chữ Hán là chỉ cần khác một nét là đã có thể cho âm đọc khác nhau.
Tình trạng sai sót trong quá trình sao chép
Gia phả thường được sao chép lại qua các đời, tùy trình độ chữ Hán của người chép, rất dễ đọc sai hoặc sót thông tin dẫn tới việc sao chép thiếu chính xác.
Tình trạng hư hại của gia phả
Gia phả thường được ghi trên giấy bản, giấy gió, qua quá trình nhiều năm, nhiều đời lưu trữ, một số gia phả bị rách, nát, bị mối mọt dẫn tới mất chữ, khó đọc hoặc không đọc được, khi đưa ra các trung tâm dịch thuật thường bị từ chối.
Khi bản dịch gia phả không tường minh, chi tiết
Do phải phụ thuộc vào bản dịch ra chữ quốc ngữ, các dòng họ thường bị động trong việc nắm bắt các thông tin về tổ tiên, về các thành viên trong gia tộc. Ngoài ra, do tính hàm súc, khó hiểu của từ Hán Việt, do những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử giữa thời hiện tại với thời điểm viết gia phả, nhiều từ ngữ trong gia phả, dù đã được dịch nhưng vẫn rất khó hiểu nếu không được giải thích thêm. Chẳng hạn, tên hiệu của người đã khuất thường đệm thêm hai chữ “Phủ Quân”, “Nhụ Nhân”, hoặc tên húy, tên hiệu, tên thụy của một người trong gia phả, thường được để nguyên không dịch, nhưng cần chú thích để người đọc gia phả hiểu thêm.
Dòng họ Nguyễn Duy (Hạ Trạch, Bố Trạch) vẫn giữ gìn cẩn thận các cuốn gia phả quý giá
Dịch thuật gia phả từ tiếng Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ và những điều cần lưu ý
Với tinh thần trân trọng các di sản Hán Nôm và mong muốn hỗ trợ tối đa nhu cầu dịch để hiểu và sử dụng gia phả chữ Hán của các dòng họ ở Việt Nam, chúng tôi, với tư cách là những người dịch thuật Hán Nôm chuyên nghiệp, đã định hướng giải pháp tốt nhất cho các bản dịch gia phả.
Đối với chữ Hán, chữ Nôm ghi tên:
+ Ghi rõ các âm đọc có thể có của chữ Hán, chữ Nôm và đề nghị dòng họ liên hệ với thực tế để lựa chọn tên đúng nhất.
+ Giải thích nghĩa các chữ thường gặp trong tên hiệu như “Phủ Quân” (tiếng gọi tôn kính người cha đã mất), “Nhụ Nhân” (tiếng gọi tôn kính người phụ nữ), phân biệt các từ Hán Việt dễ nhầm lẫn như tên húy (tên cúng cơm), tên tự (tên chữ), tên hiệu (tên đặt lúc trưởng thành), tên thụy (tên đặt sau khi mất),…
Đối vối gia phả không còn nguyên vẹn
Tùy tình hình thực tế, đối với những gia phả trong khả năng phục hồi được, chúng tôi cố gắng vận dụng hết các kĩ năng, kiến thức về văn bản học, văn hóa, văn tự để khôi phục những chữ bị mờ, bị mất do giấy rách, mối mọt,… nhằm đưa lại bản dịch khả dĩ nhất đáp ứng nhu cầu dịch gia phả của các dòng họ.
Cung cấp phần giải thích trong các trường hợp cần thiết
Để bản gia phả rõ ràng, dễ hiểu với gia tộc. Những trường hợp cần giải thích: từ Hán Việt gắn liền với chức quan trong chế độ cũ (như chức bách hộ, lão nhiêu, thủ khoán,…); từ ngữ chỉ hướng chôn cất theo quan niệm phong thủy (hướng Cấn, hướng Tốn,…); từ ngữ thể hiện cách đặt tên ở các thời trước (như Nguyễn thị, Phan lang, Trần công, Hoàng quý); chữ viết biến đổi do kiêng húy...
Theo dichthuatchuyennghiep.com.vn
Các tin cũ
- » Gia phả học và việc nghiên cứu gia phả ở Việt Nam 10/07/2023 15:22:27
- » Bài thơ tưởng nhớ nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ 08/07/2023 19:13:15
- » Quan hệ về tranh, tượng, vật dụng trấn, yểm Phong thủy trong các lăng mộ, tháp mộ xưa nay 01/07/2023 18:08:44
- » Lễ trao gia phả cho họ Nguyễn ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc 30/06/2023 11:40:15
- » Vai trò phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam 29/06/2023 16:13:58
- » DỊCH VỤ LÀM GIA PHẢ - DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 29/06/2023 16:09:15
- » Nam Huỳnh Đạo với tâm thức mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ 16/05/2023 15:56:38
- » Phong trào nữ quyền trong xã hội Việt Nam thời cổ đại 16/05/2023 11:47:53
- » Nghề và ngành, môn và khoa đối với gia phả hiện nay là gì? 15/05/2023 17:58:50