Trang chủ > Sơ lược về lịch sử dòng họ Phạm Việt Nam

Sơ lược về lịch sử dòng họ Phạm Việt Nam

14/07/2023 17:38:50

Họ Phạm Việt Nam, một thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ những ngày đầu giữ nước và dựng nước. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, những biến động về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và sự pha trộn chủng tộc, họ Phạm cũng như các dòng họ khác ở Việt Nam đều có một lịch sử lâu đời gắn liền với từng giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến nay, đều đã đóng góp công sức vào sự duy trì và phát triển nòi giống, vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi, bảo vệ quê hương, khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Viết về lịch sử của một dòng họ hay biên soạn tộc phả của một dòng họ không thể tách rời sự nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử của dân tộc, bởi vì lịch sử của một dân tộc là sự tích hợp của lịch sử các dòng họ, lịch sử của các địa phương, của các nhân vật lịch sử trong các dòng họ đã có nhiều cống hiến cho đất nước.

Trong lịch sử Việt Nam, nhân vật lịch sử họ Phạm xuất hiện đầu tiên trong chính sử như trong các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên… là danh tướng Phạm Tu ở thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Ông là vị Khai quốc công thần nhà Tiền Lý, đã có công giúp Lý Nam Đế đánh quân Lương (năm 542) bình định Chiêm Thành (543), dựng nên Nhà nước Vạn Xuân (544). Vị lão tướng này có quê ở thôn Vực, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Đấy là xét về mặt cứ liệu lịch sử chính thống. Còn theo các bản thần phả, thần tích thì ta thấy có sự xuất hiện các vị họ Phạm sớm hơn như Phạm Hải (Nam Hải Đại vương) xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, người đã cùng với Tản Viên Sơn thánh giúp vua Hùng thứ 18 đánh Thục. Ông được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ như ở Thái Thụy (Thái Bình) và ở một số nơi khác thuộc các vùng duyên hải Bắc, Trung bộ.

Như vị tướng Phạm Gia vào năm 208 trước Công nguyên đã cùng với tướng Trịnh Huân là những vị tướng của An Dương Vương, sau khi bị Triệu Đà đánh thua đã lui quân về vùng Hoài Đức cùng nhân dân khai phá đất đai lập ra trang Cái Chuôm, nay còn di tích ở xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây.

Như Phạm Danh Hương, chồng chưa cưới của Võ Thị Thục, sau trở thành Bát Nạn tướng quân, nữ tướng của Hai Bà Trưng, Phạm Danh Hương đã bị Tô Định giết cùng với Vũ Công Chất, bố của Vũ Thị Thục. Vũ Thị Thục đã thoát chạy về vùng Chu Diên và dấy binh tại đây theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, nay còn thần tích ở đền thờ tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, Thái Bình (1).

Rất tiếc, sử liệu chính thống về 3 vị họ Phạm trước Phạm Tu không có, nên từ bao lâu nay, nhất là từ sau những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chỉ mới nói nhiều và chú ý khai thác nhiều về nhân vật Phạm Tu vì ông là nhân vật lịch sử họ Phạm đầu tiên xuất hiện trong chính sử (2).

Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (19/4/476) tại xã Quang Liệt, nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là vị tướng đứng đầu Ban Võ của triều đình Lý Nam Đế. Năm 544 Nhà nước Vạn Xuân ra đời thì năm 545 nhà Lương lại đem quân sang xâm chiếm nước ta. Trong trận chiến đấu không cân sức tại ngã Ba Sông (sông Hồng và Tô Lịch) để bảo vệ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), ông đã tử trận ở tuổi 70. Ông được phong là Đô Hồ Đại vương, được thờ làm thành hoàng tại đền thờ ở quê hương ông, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Tiếp nối chí cha ông, con Phạm Tu là Phạm Tĩnh đã giúp Lý Phật Tử xây dựng triều chính. Con Phạm Tĩnh là Phạm Hiển đã nổi lên khởi nghĩa chiêu mộ quân chống lại quân nhà Tùy những năm 603 - 605. 

 Với truyền thống vì dân vì nước, các triều đại tiếp theo trong lịch sử Việt Nam, họ Phạm nói chung đều có những danh thần, võ tướng cống hiến nhiều công lao cho đất nước.

 Thế kỷ thứ X, họ Phạm có Đồng Giáp tướng quân Phạm Chiêm, hậu duệ đời thứ 15 của Phạm Tu đã có công lớn trong việc giúp Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán. Có sứ quân Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ, người đất Đằng Châu (thuộc Hưng Yên ngày nay) đã đem quân về với Đinh Bộ Lĩnh, giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Thời Đinh - Lê có hai anh em là Tả tướng Phạm Hạp và Đại tướng Thái úy Phạm Cự Lượng. Người sáng lập ra Vương triều Lý là Lý Công Uẩn có mẹ là người họ Phạm. Bà là Phạm Thị Ngà quê ở Dương Lôi, Bắc Ninh sau này được phong là Lý triều Quốc mẫu. Dưới triều Lý, họ Phạm lại phát nhiều về ban văn, một trong những vị trạng nguyên đầu tiên người họ Phạm là Phạm Công Bình, người Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ông đỗ trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1208) cùng với Phạm Tử Hư.

Vào cuối triều Lý, có 3 vị đại thần họ Phạm đã đóng góp nhiều công sức vào việc thành lập triều đại mới của nhà Trần. Đó là Phạm Kính Ân sau được phong Thái úy (1236), Phạm Ứng Thần và Phạm Ứng Mộng làm tới Tể tướng (1254). Đời Trần còn có nhiều văn quan như Phạm Tông Mai và Phạm Tông Ngộ và con của Phạm Tông Ngộ là Phạm Sư Mạnh người quê gốc Kính Chủ, Kính Môn, Hải Dương. Phạm Tông Ngộ còn là võ tướng triều thần cùng với Phạm Cự Trích. Nổi bật nhất là Điện soái Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão quê gốc Phù Ủng, huyện Đường Hào, lộ Khoái Châu nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên. Con trai Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Dực nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành ở phía Nam, được phong Bình Chiêm Thượng tướng quân tước Dực Nghĩa hầu. Ông cũng là thủy tổ của dòng họ Phạm ở Thanh Hóa mà gốc từ Hưng Yên vào lập nghiệp, cũng là thượng thủy tổ của các dòng họ Phạm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Dưới thời Lê, họ Phạm đã có 2 vị tham gia từ những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Đó là Phạm Văn Xảo được xếp vào hàng Khai quốc công thần, được phong Thái Bảo rồi Thái Phó và Phạm Vấn được phong là Đại tướng quân Bình chương quân quốc trọng sự. Nhân vật võ tướng nổi danh dưới thời Lê Thánh Tông là Phạm Nhữ Tăng, cháu là Phạm Nhữ Dực, cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão. Ông là người cùng với Lê Niệm, dưới cờ của Lê Thánh Tông, đánh bại quân Chiêm Thành, hạ thành Đồ Bàn, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn, tạo điều kiện mở rộng đất đai Đại Việt, thành lập thừa tuyên Quảng Nam, được phong là Bình Chiêm Hưng quốc Quảng Dương hầu. Về văn quan dưới triều Lê, họ Phạm có 4 vị có chân trong Thi xã “Tao Đàn nhị thập bát cú” của Lê Thánh Tông. Đó là Phạm Cổng Trực, Phạm Trí Khiêm, Phạm Đạo Phú và Phạm Nhu Huệ. Trong 1758 có vị đỗ đại khoa dưới triều Lê, có 122 vị họ Phạm, chiếm 7%. Và danh nhân họ phạm thời Lê rất nhiều: đó là trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, các danh thần Thượng thư Phạm Khắc Thận, Phạm Du, Phạm Bá Ký, Phạm Công Nghị, Phạm Bá, Phạm Phúc Chiêu, Phạm Hạo, Phạm Gia Mô, Phạm Khiêm Bính…

Dưới vương triều Mạc họ Phạm cũng phát nhiều đường khoa cử: có tới 2 vị trạng nguyên họ Phạm là Phạm Đăng Quyết và Phạm Chất cùng nhiều vị đại khoa khác.

Thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), họ Phạm cũng sản sinh ra nhiều danh nhân mà tiêu biểu là nhà sử học Phạm Công Trứ làm tới Thượng thư, Đông các Đại học sĩ , Tể tướng, tước Yên Quận công.

Dưới triều Nguyễn, họ Phạm có Phạm Đăng Hưng (1765 - 1825), Thượng thư bộ Lễ kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Ông còn có con gái là Phạm Thị Hằng, thứ phi của thiệu Trị, mẹ đẻ của Tự Đức, nổi tiếng với danh phong Từ Dũ Hoàng Thái hậu. Dưới triều Nguyễn họ Phạm còn có nhiều đại thần như Phạm Thế Hiển (1803 - 1861), Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Đăng Nghị (1805 - 1881), Thượng thư Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), Phạm Hữu Nghi ( 1797 - 1862), Phạm Quý Thích (1760 - 1825), Phạm Đình Hổ (1768 -1839), tác giả của Vũ Trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Toái (1817 - 1901), tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca v.v… Và dòng họ Phạm Yên Mô đã đóng góp một nhân vật lịch sử cuối thế kỷXIX, đó là Phạm Thận Duật (1825 - 1885), Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Hộ, Cơ Mật viện đại thần, Hiệp Biện đại học sĩ, người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương chống quân xâm lược. Trong phong trào nổi dậy hưởng ứng chiếu Cần Vương, ở Thanh Hóa có án sát Phạm Bành (3) lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình cùng với Đinh Công Tráng.

Về mặt khoa bảng, trong suốt lịch sử khoa cử thời Hán học ở Việt Nam, cả nước có 2.896 vị đỗ đại khoa thì họ Phạm có 218 vị, chiếm 7,5%. Trong 144 vị đỗ tam khôi, họ Phạm cũng chiếm 13 vị (4 trạng nguyên, 5 bảng nhãn, 4 thám hoa) đứng hàng thứ 3 sau các họ Nguyễn (53 vị), họ Trần (16 vị), và ngang hàng với họ Vũ (13 vị). Trong số 48 trạng nguyên của suốt lịch sử khoa cử thời Nho học, họ Phạm chiếm 4 vị (8,3%) và cũng đứng vào hàng thứ 4 sau các họ Nguyễn (14 vị), họ Trần (5 vị) và họ Vũ (5 vị). Trong tổng số 5.232 cử nhân dưới triều Nguyễn, họ Phạm có 369 vị, chiếm 7,05%.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ thứ XX và trong công cuộc xây dựng CNXH, họ Phạm cũng tự hào vì đã có nhiều người con hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Có thể kể đến các liệt sĩ Phạm Hồng Thái (tên thật là Phạm Thành Tích), Phạm Văn Tráng, Phạm Hữu Lầu, các nhà cách mạng lão thành như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Phạm Như Cương (tức Nguyễn Cơ Thạch), nhà khoa học, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), Giáo sư Viện sĩ Phạm Huy Thông, Giáo sư Bác sĩ Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch.

Có thể thấy rằng xuyên suốt lịch sử họ Phạm Việt Nam, tuyệt đại đa số những người con họ Phạm nổi tiếng đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ đã đem hết tài năng sức lực phụng sự cho Tổ quốc, cho dân tộc. Và dòng họ Phạm Yên Mô cũng vậy, cũng đã có nhân vật nổi tiếng: ông là Phạm Thận Duật, nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần Vương chống thực dân xâm lược cuối thế kỷ thứ XIX và ngày nay, con cháu cũng như đồng bào cả nước noi theo.

Trên đây là nói về lịch sử truyền thống của dòng họ Phạm Việt Nam nói chung. Còn lịch sử về sự phát triển các thế hệ dòng họ Phạm Việt Nam cũng như các chi phái họ Phạm trong cả nước như thế nào? Sự chuyển cư của các dòng họ Phạm ra sao và họ Phạm có phải là một dòng họ có cùng huyết thống, nghĩa là họ Phạm có một vị thủy tổ duy nhất như một số họ khác hay không?

Trong các dòng họ Việt Nam hiện nay, có một vài họ công nhận một vị tổ duy nhất của dòng họ mình. Đó là họ Hồ mà nguyên tổ là Hồ Hưng Dật đỗ trạng nguyên vào năm thứ 2 đời vua Hán Ẩn đế (Hậu Hán 947 - 950), vốn người Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sang làm Thái thú ở Diễn Châu (Nghệ An), sau sự kiện 12 sứ quân, ông ở lại Việt Nam và đến hương Bào Đột (4).

NXBKHXH.H.1971, Trang 224. Tập 2.1) (nay thuộc xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm trại chủ, sinh cơ lập nghiệp và trở thành vị tổ khai cơ họ Hồ ở đó. Họ Vũ (Võ) cũng công nhận vị thủy tổ duy nhất của dòng họ Vũ là Vũ Hồn (804 - 853), ông là con của Vũ Huy, người Phúc Kiến và mẹ là Nguyễn Thị Đức người Việt. Vũ Hồn được vua Đường Kính Tông cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu năm 825, sau đó được thăng Kinh lược sứ vào năm 841, rồi phải bỏ chạy thoát thân về Trung Quốc trước sự nổi dậy của dân ta. Năm 843 về hưu, ông tìm về Mộ Trạch, Hải Dương lấy vợ, lập nghiệp sinh sống và trở thành vị tổ họ Vũ ở Mộ Trạch.

Tuy nhiên không phải tất cả các chi phái dòng họ Vũ ở các nơi đều công nhận Vũ Hồn là thủy tổ họ Vũ vì như trên đã nói, vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, ở trang Phượng Lâu, nay là xã Phù Ninh, Phong Châu, Phú Thọ đã có họ Vũ với ông Vũ Công Chất là bố đẻ ra Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Còn họ Phạm Việt Nam thì sao? Họ Phạm có ông tổ duy nhất của dòng họ mình không? Như trên đã nói, nhân vật họ Phạm đầu tiên xuất hiện trong chính sử là Phạm Tu, quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Một vài đời sau hậu duệ của ông cũng có người có tên tuổi được ghi trong sử sách, nhưng sau đó phả hệ của dòng họ Phạm Tu bị đứt đoạn khoảng trên 10 đời và tại quê hương của ông cũng không còn phả, hay nói đúng ra chỉ có phả của những đời gần đây.

Theo nhà gia phả học Dã lan Nguyễn Đức Dụ, tác giả của công trình Gia phả - Khảo luận và thực hành thì Phạm Ngũ Lão là hậu duệ đời thứ 24 của Phạm Tu, nhưng cứ liệu không biết từ đâu. Trong khi đó từ thế kỷ thứ X và những thế kỷ tiếp theo đã xuất hiện những nhân vật lịch sử họ Phạm khác như Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ (910 - 962) là sứ quân Đằng Châu, Hưng Yên đã về quy phục Đinh Bộ Lĩnh và đã từng phục vụ cho các triều Ngô, Đinh.

Hiện nay vẫn còn đền thờ ông là Đền Mây ở xã Lam Sơn gần thị xã Hưng Yên. Nhiều gia phả của các họ Phạm ở Dị Chế, Thiện Phiến, (Tiên Lữ, Hưng Yên), Hội Phụ (Đông Anh, Hà Nội), Mã Thành (Hà Tĩnh) đều ghi là hậu duệ của Phạm Bạch Hổ. Cũng ở Hưng Yên, làng Phù Ủng, Ân Thi là nơi quê gốc của Phạm Ngũ Lão, nhưng hiện nay ở đó hậu duệ Phạm Ngũ Lão không còn ai. Phạm Ngũ Lão có 2 vợ, ông có một người con út, con của bà thiếp họ Nhữ, người Thanh Hóa tên là Phạm Nhữ Dực. Khi cha mất, Phạm Nhữ Dực theo về quê mẹ ở Thanh Hóa, sinh cơ lập nghiệp ở đó và trở thành vị tổ họ Phạm ở Thanh Hóa và sau này dòng họ Phạm này lại có sự chuyển cư ra phía Bắc và vào miền Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ở Hưng Yên ngày nay còn có dòng họ Phạm của Phạm Kính Ân là quan Thái Úy của hai triều Lý Trần, mà hậu duệ còn có đến ngày nay, cũng có thể là thuộc dòng Phạm Bạch Hổ.

Trong quá trình hoạt động trong Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam (5) tôi đã được đọc và tiếp xúc với một số gia phả của các dòng họ Phạm từ các nơi gửi về thì thấy nhiều dòng họ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguồn gốc từ Thanh Hóa chuyển ra. Trong Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghĩ (6) Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đưa ra nhận xét: Dưới triều Lê có một trào lưu di dân từ xứ Thanh ra châu thổ Bắc Bộ và vào Thuận Quảng, và tất cả các dòng họ Phạm từ Thanh Hóa ra Bắc đều có lịch sử sau năm 1350.

Trong lịch sử còn xuất hiện nhiều nhân vật, nhiều nhà khoa bảng xuất thân từ dòng họ Phạm ở Kính Chủ (nay là thôn Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương). Dòng họ Phạm này còn viễn tổ là Chúc Đức Công, người Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam định cư ở thôn Dương Nham (Kính Chủ) từ đầu thế kỷ XIII. Chúc Đức Công sinh ra 3 người con đều là danh nhân và sau này được đổi sang họ Phạm là Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ (bố Phạm Sư Mạnh) và Phạm Tông Quá. Đây là một dòng họ lớn, có hậu duệ ở nhiều nơi, số lượng gia phả còn lưu lại khá nhiều và dòng họ Phạm này cũng sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều danh nhân cho đất nước. Ngay cả dòng họ Phạm lớn có trên 20 đời là dòng họ Phạm Phạm Xá, Ý Yên, Nam Định (thủy tổ là Phạm Đạo Soạn) có Phạm Văn Nghị thuộc đời thứ 15 cũng là hậu duệ của Phạm Tông Ngộ, con cháu của dòng họ Phạm Kính Chủ này.

Ngoài ra, có một thực tế lịch sử ghi nhận là sau khi nhà Mạc thất thế, con cháu họ Mạc phải chạy đi lánh nạn khắp nơi, một số chi ngành đổi thành họ Phạm như các chi họ Phạm Văn, Phạm Viết ở các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu (Nghệ An), như chi họ Phạm ở Bồng Hải, nay là xã Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình có danh nhân Phạm Đăng Quế cũng xuất thân từ họ Mạc v.v…

Còn rất nhiều chi dòng họ Phạm ở khắp nơi như Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình v.v… hiện nay trong trào lưu “Vấn tổ tầm tông” đang có những nỗ lực để nối kết dòng họ, tìm ra ông Tổ xa xưa nhất của mình.

Về tổng quát, ta có thể thấy:

1. Họ Phạm ở Việt Nam có thể có nhiều nguồn gốc, nhưng tựu chung có 2 nguồn gốc chính: Một là từ cộng đồng tộc Việt trong Bách Việt của nước Văn Lang, Âu Lạc xưa và là từ nguồn gốc ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc di cư sang và được Việt hóa.

2. Dòng họ Phạm ở Việt Nam không thể là một dòng họ có chung một ông thượng thủy tổ. Chính vì vậy mà Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam chỉ đề nghị suy tôn Phạm Tu làm thủy tổ (chứ không phải là công nhận thực tế như họ Hồ, họ Vũ).

3. Họ Phạm Việt Nam có sự chuyển cư rất mạnh, từ vùng châu thổ Bắc Bộ lan tỏa khắp vùng, rồi vào Ái Châu (Thanh Hóa). Từ Thanh Hóa lại có sự chuyển cư trở lại vùng Sơn Nam Hạ (ngày nay là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình) và vào miền Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…), mạnh nhất là vào thời kỳ dưới triều Lê.

4. Họ Phạm Yên Mô, thủy tổ Nhàn Ngu không biết từ nơi đâu chuyển tới, nhưng theo truyền ngôn thì từ Thanh Hóa chuyển ra vào đầu hoặc giữa thế kỷ thứ XV trước khi có con đê Hồng Đức năm 1475 chạy qua làng Yên Mô. Khi đó Yên Mô còn là bãi đất bồi bên cửa biển Thần Phù dữ dội và có ngọn núi Dắng (núi Bảng, tên chữ là Vọng Sơn) là ngọn núi mà dân chài đi biển thường lấy làm mục tiêu đưa thuyền về đất liền. Có thể cụ Thủy tổ họ Phạm Yên Mô cũng làm nghề chài lưới từ Thanh Hóa ra định cư tại chân núi Bảng vào những năm sau khi Trần Ngỗi lên ngôi khởi binh chống quân Minh ở vùng này (năm 1407) và trước khi có con đê Hồng Đức (1475) (7).

Trên đây là một số nét cơ bản về lịch sử dòng họ Phạm Việt Nam, về nguồn gốc các dòng họ Phạm, về sự chuyển cư của cư dân họ Phạm và những đóng góp của họ Phạm nói chung vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử nước nhà.

Chú thích:

(1): Danh nhân Thái Bình, tập 1. Sở VHTT Thái Bình, 1986. Trang 9, 10

(2) Trong Tư liệu dòng ho Phạm (tập I) in năm 1998, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam có nêu ý kiến “Trong khi chưa phát hiện được điều gì mới thì nên chăng các dòng họ Phạm chúng ta cùng trân trọng suy tôn Cụ Phạm Tu là Thủy tổ họ Phạm”.

(3): Con gái cụ Phạm Bành là Phạm Thị Muội lấy cháu đích tôn của Phạm Thận Duật là Phạm Thận Đạm.

(4): Theo Đại Việt sử ký toàn thư. NXBKHXH.H.1971, Trang 224. Tập 2.

(5): Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam từ 1998 đến 2002, Phó trưởng Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam từ 2002 đến nay.

(6): Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghĩ. H 2000, trang 846.

(7): Vấn đề này sẽ nói rõ ở Chương sau: Sự hình thành và phát triển của dòng họ Phạm Yên Mô.