Trang chủ > Bà Trà - Từ một phụ nữ khai hoang trở thành tổ sư của một phái võ Việt Nam ở Nam Bộ

Bà Trà - Từ một phụ nữ khai hoang trở thành tổ sư của một phái võ Việt Nam ở Nam Bộ

06/09/2023 16:34:39

Tham luận của Nguyễn Thị Thanh Nga (Võ sư môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Tóm tắt

Giáo xứ Công giáo mang tên Bà Trà ở phường Bình Chuẩn (Thuận An, Bình Dương) trùng khớp với địa danh Bà Trà được truyền tụng xưa nay qua chuyện kể dân gian. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ hào sảng tên là Trà, sống ở địa phương vào khoàng giữa thế kỷ XIX, đã có công huy động sức người khai hoang, lập ấp tạo nên một vùng đất mang tên “Bà Trà”.

Bà Trà vốn là hậu duệ của quan tướng nhà Tây Sơn đã theo gia đình vào vùng đất Đông Nam Bộ từ đầu thế kỷ XIX do sự trả thù nhà Tây Sơn của vua Gia Long và nương theo chính sách “khai hoang chuộc tội” của nhà Nguyễn. Bà Trà còn truyền bá môn võ Tây Sơn cho dân cư trong vùng, bổ sung cho môn Võ Lâm Tân Khánh đã có trước đó tại địa phương từ thế kỷ XVII, trở thành Tổ Sư đời thứ hai môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà tiếng tăm còn mãi đến ngày nay:môn võ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 3/2/2021.

Từ khóa: Bà Trà, Bình Chuẩn, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà

1. Mở đầu

Việc khai phá vùng đất Nam Bộ trong lịch sử thường xuyên được các đời chúa Nguyễn và vua Nguyễn sau này khuyến khích, bằng những chính sách hữu hiệu như viện trợ cho Chân Lạp chống Xiêm để đổi lấy đất đai, phong quan chức cho những phú hộ chiêu mộ được lưu dân, tư nhân được tự do lập phường nghề, lập chợ, chuyển lính đồn trú thành lính đồn điền để bảo vệ dân chúng và thúc đẩy khai hoang v.v... 

Trước đây, người ta cho rằng những lớp lưu dân Việt đầu tiên đi vào Nam Bộ chỉ là những dân nghèo, tội đồ, binh lính, nhưng các kết quả nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra rằng có những thương nhân, nhà phú hộ đã xuất tài vật vào Nam buôn bán, chiêu tập lưu dân khẩn hoang lập ấp, cùng với người Hoa, Chăm, Khmer… từng bước biến Đông Nam Bộ rồi Tây Nam Bộ thành những vùng sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và hình thành nền kinh tế hàng hoá ngay từ buổi đầu. 

Bên cạnh đó, không ít người nghĩ rằng những người đi khai hoang, lập ấp ở Nam Bộ thời trước chắc chỉ toàn là giới đàn ông mạnh mẽ, có sức vóc thì mới đảm đương được những công việc phà rừng, diệt thú dữ, lập xóm làng… Tuy nhiên, lịch sử khai phá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết vào khoảng thế kỷ XVIII, bà Nguyễn Thị Rịa từ Phú Yên - Bình Định vào khai phá vùng đất này. Bà đã bỏ tiền thuê dân vào khai hoang, lập làng mạc, mở nhiều nông trại. Bà đối xử rất tốt với những người mới đến định cư và khai hoang nên được mọi người rất yêu mến. Năm 1803 Bà Rịa mất. Vì không có con nên tài sản của bà được để lại cho người dân vùng Tam Phước. Người dân nhớ ơn bà nên đã lập miếu thờ bà và đặt tên cho vùng đất này là Bà Rịa. Hiện nay, ngôi mộ của bà vẫn còn ở ngọn núi Tam Phước hay còn gọi là núi Cố (Trần Minh Thương, 2012). 

2. Bà Trà - người phụ nữ khai hoang Đông Nam Bộ

Hiện nay (2023), trên địa bàn của phường Bình Chuẩn (thuộc địa phận thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) có một thánh đường Công Giáo mang tên Nhà thờ giáo xứ Bà Trà, tọa lạc tại địa chỉ số 4/13, đường ĐT 743, ấp Bình Phú, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

Thông thường, tên gọi của một giáo xứ Công giáo thường đặt theo địa danh sẵn có của vùng đất có số lượng tín đồ Công giáo đủ yêu cầu thành lập giáo xứ, ví dụ: giáo xứ Phú Cường dựa vào địa danh của thôn Phú Cường, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long (sau thuộc tỉnh Biên Hòa, rồi tỉnh Thủ Dầu Một, nay là tỉnh Bình Dương). Do vậy, giáo xứ Bà Trà là xứ đạo Công giáo trên vùng đất có địa danh là Bà Trà. Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra được tài liệu bằng văn bản chính thức nào đề cập đến địa danh “Bà Trà”, mà chỉ có chuyện kể về một người phụ nữ tên là Trà đã có công khai hoang, lập ấp vùng đất này, cho nên mọi người mới gọi tên vùng đất này là Bà Trà. Do vậy, khi Công giáo truyền đến địa phương này mới lấy luôn địa danh để đặt tên cho giáo xứ Bà Trà còn mãi đến ngày nay.

Nhà thờ giáo xứ Bà Trà tại ấp Bình Phú, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

2.1. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XIX

Muốn biết rõ tông tích của Bà Trà - người có công khai hoang, lập ấp vùng đất Bà Trà, trước hết, chúng ta sẽ lược qua lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XIX.

Đầu năm 1802, Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn hạ được thành Quy Nhơn. Tướng Võ Tánh của chúa Nguyễn Phước Ánh tự vẫn để xin tha mạng cho lính tráng. Trần Quang Diệu đồng ý, nhưng sau đó đã phải bỏ thành Quy Nhơn, cùng Vũ Văn Dũng mang quân cứu viện ra Nghệ An đang bị quân nhà Nguyễn tấn công và sau đó cả hai đã bị quân nhà Nguyễn bắt sống. Bà Bùi Thị Xuân, vợ Trần Quang Diệu giải cứu không được, cũng bị bắt. Ngay trong năm này, Nguyễn Phước Ánh lên ngôi hoàng đế, chính thức khôi phục quyền lực dòng họ, thống nhất đất nước sau nhiều thập kỉ chia cắt. Ông lấy niên hiệu là Gia Long. Sau đó Gia Long tổ chức lễ Hiến phù, trả thù nhà Tây Sơn một cách man rợ, như một hành động “đáp lại” những gì mà nhà Tây Sơn đã gây ra cho gia tộc của ông, cũng như năm tháng chui lủi, lưu vong của vị thân vương (Lịch sử nước Việt Nam, 2016). 

Hai năm sau đó, năm 1804, Gia Long ra lệnh chỉ tịch thu những ruộng đất của quan lại triều Tây Sơn và trang trại riêng của nhà Tây Sơn làm quan điền. Tất cả mọi quan lại của nhà Nguyễn đều được chia ruộng công ở xã, từ các quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại nhất phẩm được 15 phần, tuần tự xuống dân nghèo được 3 phần (Nguyễn Khắc Thuần, 2005). 

Từ khi mới làm chủ Nam Bộ trong thời chiến tranh với Tây Sơn (1780), Nguyễn Phước Ánh đã bắt đầu cho thi hành việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp, không bỏ hoang hóa đất đai. Tới khi thành lập, triều đình nhà Nguyễn quan tâm nhiều tới việc khai hoang, phục hóa, tiến hành nhiều chính sách khai khẩn hoang khác nhau. Trong những năm chiến tranh, ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Khi mới lên ngôi, năm 1802-1803, vua Gia Long đã lệnh cho các quan lại khuyến khích nhân dân và quân sĩ phục hóa (Đào Duy Anh, 2002). 

Nhiều gia đình thuộc dòng dỏi của quan lại dưới triều Tây Sơn đều bị xem là tội phạm, đã lợi dụng chính sách khai hoang, phục hóa của nhà Nguyễn: “những tù tội chính quán, ngụ quán ở 6 tỉnh, không kể quan hay dân bị pham tội, nếu có người nào ra sức tình nguyện chiêu mộ dân, lập làm 1 đội, hoặc 1 thôn, đều đủ 50 người, thì cho phép làng, họ bảo nhận cam kết, sẽ được tạm tha, cho đi chiêu mộ đủ số thì tha tội” (Trương Hữu Quýnh - Đỗ Bang, 1997: tr. 264), mà dắt dìu nhau, dấn thân bỏ xứ, vào Nam tham gia công cuộc mở đất vừa để làm sinh lộ, vừa để thoát khỏi danh nghĩa là những kẻ tội đồ! Triều đình nhà Nguyễn rất nỗ lực tổ chức khai hoang, lập đồn điền để phát triển nghề nông (Nhiều tác giả, 2007).

Chính sách này chủ yếu dựa vào việc mộ dân nghèo, đi cùng với tội phạm để thực hiện việc khai khẩn đất hoang. Trong thời gian khẩn hoang số dân này sẽ được quản lý theo cung cách đồn điền, không giống như thôn ấp bình thường; sau một khoảng thời gian từ sáu đến mười năm để cuộc sống ổn định thì sẽ chuyển sang hình thức bình thường (Nguyễn Thế Anh, 2008). 

2.2. Lưu dân gốc Tây Sơn – Bình Định vào Đông Nam Bộ khai phá

Địa bàn tụ cư ban đầu của những lưu dân gốc từ Tây Sơn – Bình Định mới đến chính là khu vực rừng rậm thuộc huyện Bình An của phủ Trấn Biên (sau thuộc tinh Biên Hòa), cách sông Đồng Nai không xa. Qua bàn tay khai phá của dân Tây Sơn – Bình Định, vùng đất này không mấy chốc đã trở thành một vùng đất tốt, đảm bảo cho dân khai phá có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống ban đầu và hứa hẹn một cuộc sống sung túc hơn nhiều so với nơi quê hương bản quán, đó là những vùng đất cao ráo, có nhiều con suối, để định cư và canh tác lý tưởng của họ, bởi nó vừa tránh được ngập lụt, vừa thuận lợi cho việc tưới tiêu và thuận tiện trong việc đi lại liên lạc với xóm giềng để “tối lửa tắt đèn có nhau” và mua bán sản phẩm. 

Có thể nói rằng, tuy công việc tái định cư ban đầu của lưu dân mới đến nhiều phần vất vả bởi đất hoang, nhiều thú dữ và dịch bệnh, nhưng bù lại, họ được thoải mái trong việc lựa chọn những vùng đất tốt dễ canh tác mà nhà nước không hề can thiệp, hạn chế hoặc ràng buộc gì (Nhiều tác giả, 2007). Đó chính là những đồn điền của dòng dõi quan tướng họ Võ của nhà Tây Sơn, với quê gốc Tây Sơn, đã hợp lực với nhiều gia đình cùng bản quán, đều là dòng dỏi của quan lại nhà Tây Sơn đang bị xem là những tội đồ của tân triều, ra sức khai phá, gầy dựng nên, một mặt mang lại cơm no áo ấm và một mặt nữa được xóa tội danh để mưu cầu một cuộc sống bình yên.

Chính Trịnh Hoài Đức, một quan lại của nhà Nguyễn, đã viết trong sách Gia Định Thành Thông Chí rằng: “Dân ở tỉnh này có thể tự do đến khẩn đất ruộng ở tỉnh khác, ai muốn đến ở đâu, khai khẩn ruộng gò, ruộng thấp ở nơi nào, lập làng, lập ấp ở đâu tùy ý. Khi đã lựa chọn đất đai rồi thì chỉ cần khai báo với chính quyền là được trở thành nghiệp chủ của đất ấy, mà chính quyền cũng không đo đạc, không cần biết đất ấy tốt xấu thế nào; người nghiệp chủ tùy theo đất mình chiếm rộng hẹp mà nộp thuế nhiều hay ít, và nộp thuế bằng thóc, dùng hộc già hay non cũng được.

Vì đất đai nhiều và màu mỡ nên chỉ sau thời gian đầu khai khẩn, đời sống kinh tế đã trở nên dư dả, đến mức khi buôn bán trao đổi không cần tính toán chi ly. Vùng đất mới đã thực sự lôi cuốn, níu chân những lớp lưu dân mới đến định cư lâu dài và có sức thu hút lớn đối với bà con, quyến thuộc của họ còn ở nơi bản quán. Nhiều trường hợp, sau một thời gian tái định cư lại quay về quê nhà đưa họ hàng thân thích cùng vào, và để dứt khoát ở lại phương Nam, có không ít trường hợp về quê bốc mộ cha mẹ đem theo cải táng ở vùng đất mới” (Trịnh Hoài Đức, 1972: 17). 

Đồn điền của dòng họ Võ quê gốc Tây Sơn như trường hợp Trịnh Hoài Đức đã đề cập, ngày càng lớn mạnh từ vùng rừng rậm của tỉnh Biên Hòa, thu hút đông đảo cư dân từ quê hương Tây Sơn bỏ xứ vào Nam, trải qua mấy đời, đến đầu triều Tự Đức chuyển thành làng Bà Trà – tên của một hậu duệ dòng dõi quan tướng triều Tây Sơn họ Võ đang sống và nổi tiếng thời bấy giờ đúng theo quy định lập làng của triều đình nhà Nguyễn: “Phàm ai có thể chiêu mộ được dân bỏ sót lậu ngoài sổ dồn về lập thành làng, ấp, ra sức khai phá ruộng đất bỏ hoang; mỗi khi thành một làng hiện có 5 suất đinh và 50 mẫu ruộng trở lên thì được thưởng 20 quan tiền, hiện có 10 suất đinh và 100 mẫu ruộng trở lên thì được thưởng trên 40 quan tiền; còn thì cứ theo lệ này suy ra đều do quan địa phương mỗi khi đến cuối năm đem tên các người thành lập làng ấp làm sớ tâu lên để chờ chỉ khen thưởng" (Nội các triều Nguyễn, 1993). 

2.3. Bà Trà - khai hoang và trao truyền võ Tây Sơn ở Đông Nam Bộ

Từ bao đời nay, truyền thuyết dân gian ở Đông Nam Bộ thường kể về Bà Trà, một người phụ nữ nhân đức và hào sảng, luôn sẵn sàng chấp nhận sự gia nhập đội ngũ những con người đi “phá sơn lâm, đâm hà bá” dưới trướng Bà của nhiều lớp cư dân đến từ quê gốc của nhà Tây Sơn hay nhiều gia đình thuộc dòng dõi quan tướng nhà Tây Sơn. Bên cạnh việc dốc toàn lực để khai hoang lập ấp mưu cầu cuộc sống mới no đủ, Bà Trà cũng không quên chỉ dẫn cho tất cả bà con dưới trướng của mình võ thuật gia truyền của quan tướng nhà Tây Sơn mà bà đã được thừa hưởng, để vừa rèn luyện sức khỏe sống tốt nơi sơn lam, chướng khí, vừa để bảo vệ thật tốt thành quả lao động của chính bản thân mình trước sự tấn công của thú dữ, cướp bóc…(Hồ Tường, 1995). 

Cùng thời với Bà Trà, dựa vào chính sách khai hoang lập ấp dưới triều vua Tự Đức: “Người đứng lập ấp mà mộ đủ 30 người, thì tha thuế thân và sai dịch suốt đời; được 50 người, thưởng chánh cửu phẩm bách hộ; được 100 người, thưởng thụ chánh bát phẩm bách hộ” (Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang, 1997: tr. 263 – 264), một nhóm người quê gốc Văn Giang của xứ Hưng Yên tận Bắc Kỳ đã đến khai khẩn vùng đất mới láng giềng của làng Bà Trà. Đứng đầu của nhóm người này là một người đã từng là đầu trộm, đuôi cướp ở xứ Bắc Kỳ, nhưng nhờ chiêu mộ được đông người vào khai hoang lập ấp, chiếu theo luật lịnh của triều đình đã lĩnh chức Cai Tổng, phụ trách an ninh toàn khu vực vùng đất mới là tổng Bình Điền, kiêm luôn việc thu thuế hàng năm để nộp lên trên cho quan Tri Huyện của huyện Bình An, cho nên thường ngày dân vẫn gọi y là Cai Tổng Văn Giang. Tên Cai Tổng Văn Giang vốn rất tham lam, mặc dù đã được cấp cho số ruộng công khá bề thế, nhưng đúng như tình trạng chung của cả đất nước thời bấy giờ: “chỗ nào màu mỡ thì cường hào và hương lý chiếm, nhân dân không có được bao nhiêu. Sang thời Tự Đức vẫn diễn ra tình trạng này, triều đình tỏ ra bất lực” (Tạ Chí Đại Trường, 2006). 

Riêng tên Cai Tổng Văn Giang luôn luôn dòm ngó đất đai của làng Bà Trà quá rộng lớn nhưng y lại thắc mắc rằng sao nộp sưu thuế lại quá ít, không tương xứng. Y nhiều lần nêu thắc mắc này với thuộc hạ của Bà Trà khi mang thóc đến nộp thuế, nhưng đều nhận được những câu trả lời xa gần rằng “dân cư trong làng Bà Trà quá đông nên phải giữ lúa thóc lại để đảm bảo cho cuộc sống của cả làng” và Cai Tổng Văn Giang cho rằng không thỏa đáng…

Người ta kể rằng vào khoảng năm Tự Đức thứ mười, tức khoảng năm 1857, có lần Cai Tổng Văn Giang mời Bà Trà đến diện kiến quan Tri Huyện Bình An đi việc quan, có ghé qua đình làng mới lập trên đất của y để biện bạch về chuyện nộp sưu thuế không tương xứng. Linh cảm cho biết đây là chuyện chẳng lành, nên Bà Trà đã quyết định đến gặp Tri Huyện để một mặt giải bày về số lượng nhân sự của làng quá đông do thường xuyên phải tiếp nhận dân nhập cư từ quê hương bản quán, một mặt khác cũng muốn vạch trần bộ mặt hống hách, tham quan của Cai Tổng Văn Giang cho quan Tri Huyện biết mà trừng trị. 

Thế nhưng khi đến nơi, Bà Trà chỉ gặp tên Cai Tổng Văn Giang đáng ghét, không thấy quan Tri Huyện ở đâu cả. Hỏi ra mới biết tên Cai Tổng Văn Giang đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” mời Bà Trà ra khỏi làng để cho người đến đo đạc lại toàn bộ ruộng đất trong làng của Bà Trà, nhằm định lại sưu thuế cho tương xứng. Thế là một trận đại chiến đã diễn ra giữa Bà Trà cùng các thị nữ theo hầu với tên Cai Tổng Văn Giang tham lam, mưu mô, xảo quyệt và tay chân bộ hạ của y.

Phe Bà Trà mặc dầu võ giỏi nhưng lực lượng quá ít so với bọn tay chân bộ hạ của Cai Tổng Văn Giang vốn từng là bọn đầu trộm đuôi cướp quá đông đã phải lâm vào tình cảnh “mãnh hổ nan địch quần hồ”… Kết quả là sau đó, Bà Trà vừa phải nộp lượng thóc còn thiếu cho tương xứng với diện tích ruộng đất của làng mình, vừa phải nộp tiền đền bù cho những tổn thất xảy ra ở đình làng sau trận đại chiến, đó là chưa kể đến số thóc phải nộp thay cho cái “tội dám xúc phạm quan chức của triều đình là Cai Tổng Văn Giang” thay cho sự bắt bớ, giam cầm…! (Hoài Phong, 1970). 

Thua mưu, trúng kế của tên Cai Tổng Văn Giang, sau đó, Bà Trà đã giao lại cho những lớp hậu duệ quản lý làng mà âm thầm bỏ đi, tìm một cuộc sống ẩn dật, tu hành cho đến khi qua đời. Các bậc cao niên nói rằng mộ phần của Bà Trà được an táng tại nơi tu hành của Bà, sau này là khu vực “lò chén chòm sao” của phường An Thạnh ngày nay, thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhưng thực tế không còn một dấu tích nào cả (Từ Thiện, 1989). 

Từ sau trận “đại chiến” giữa các thị nữ theo hầu và của chính Bà Trà với Cai Tổng Văn Giang và bọn thuộc hạ, trình độ và tài nghệ giỏi võ của Bà Trà cùng các thị nữ của Bà vang danh khắp nơi. Dân võ làng Tân Khánh từng nổi tiếng với những thế võ mạnh mẽ trong khai hoang lập ấp, biết chuyện, đã kéo nhau qua làng Bà Trà để xin thọ giáo, học hỏi những đòn thế uyển chuyển, biến hóa của dòng võ Tây Sơn. Từ đó, tên gọi của làng võ Tân Khánh đã được nối thêm thành “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” cho tới ngày nay; trong đó “Võ Lâm” là tên gọi của môn võ đi khai hoang mở đất, còn “Tân Khánh” và “Bà Trà” là tên của hai làng võ (Hồ Tường, 2011). 

2.4. Sự thay đổi địa danh từ Bà Trà qua Bình Chuẩn

Những năm sau đó, toàn cõi Nam Kỳ gặp mất mùa liên tiếp. Triều đình đã ban lệnh giảm thuế, miễn thuế và phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp để cứu đói, gọi là chẩn cấp bằng cách thiết lập các kho lương trữ lúa cho việc cứu tế được gọi là Bình Chuẩn Thương (Đào Duy Anh, 2002). Riêng tại huyện Bình An của tỉnh Biên Hòa, nơi có nhiều vùng đất mới khai phá, theo lời tâu của Cai Tổng Văn Giang, Tri Huyện Bình An đã cho đặt một cơ quan mang tên Bình Chuẩn Thương ngay tại làng Bà Trà, để người nghèo túng có thể mua gạo giá rẻ hơn bình thường và không giới hạn. Từ đó, quan lại địa phương đề nghị đổi tên làng Bà Trà thành làng Bình Chuẩn, nhưng mãi đến năm 1923 tên gọi Bình Chuẩn mới chính thức ra đời sau cuộc cải cách hành chính của nhà cầm quyền Pháp. Ngày nay, Bình Chuẩn đã trở thành một phường của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

2.5. Môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà

Có thể nói rằng, cho đến tận ngày nay (2023), trên toàn cõi Việt Nam chỉ có hai môn võ mang tên địa danh, đó là “Võ Bình Định” vốn là tên của một tỉnh, và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”, vốn là tên của hai làng mói lập từ thuở người Việt từ miền Trung vào Nam khai hoang lập ấp. Đặc biệt hơn, hai môn phái “Võ cổ truyền Bình Định” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà (viết tắt là Takhado) đều đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2012 và năm 2021.

Từ chỗ, Bà Trà là tên của một người phụ nữ hậu duệ của quan tướng nhà Tây Sơn, đến nay đã trở thành tên của một môn võ, tên một vùng đất. Môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã từng đào tạo nhiều nam nữ võ sĩ đạt những thành tích cao trong các giải thi đấu quốc nội, cũng như chiến thắng vẻ vang trong nhiều giải đấu quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, châu Âu và liên lục địa mà giới hâm mộ đều biết tới (Hồ Tường, 2005).

Hơn thế, từ vùng đất Tân Khánh – Bà Trà của tỉnh Bình Dương, ngày nay (2023), môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã phát triển đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước, như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh…, với gần 70 câu lạc bộ võ thuật và khoảng 5000 môn sinh đang tập luyện. Đó chính là niềm tự hào của những ai vốn là cư dân của vùng đất Bình Dương! 

Kết luận

Một người phụ nữ Việt Nam hào sảng và giỏi võ, vốn là hậu duệ của quan tướng nhà Tây Sơn, tên là Trà đã sống mãi trong lòng người dân của hai thôn Tân Khánh và Bà Trà (nay là phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An của tỉnh Bình Dương) với công đức rộng lớn vô bờ: vừa khai hoang lập ấp tạo nên thôn Bà Trà mà nay là phường Bình Chuẩn (thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), vừa là tổ sư đời thứ hai của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, môn võ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó, có thể thấy Bà Trà chính là hình mẫu người phụ nữ Việt Nam: vừa giỏi võ để “giặc đến nhà” thì đàn bà cũng phải đánh, vừa góp phần mở cõi trên vùng đất phía Nam của tổ quốc !

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến Thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin, Hà Nội. 

2. Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, tr 101 

3. Trịnh Hoài Đức, bản dịch của Nguyễn Tạo (1972), Gia Định Thành Thông Chí, Nha Văn Hóa (Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa) xuất bản, Sài Gòn, trang 17. 

4. Lịch sử nước Việt Nam (2016), Triều đại nhà Nguyễn 

5. Huỳnh Lứa (1978), Vài nét về cuộc di chuyển dân cư và khai thác những vùng đất mới ở Đồng Nai - Gia Định trong các thế kỷ XVII, XVIII, đăng trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3, tháng 5&6/1978, tr 41. 

6. Nhiều tác giả (2007), Những vấn đề Lịch sử triều Nguyễn, Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh. 

7. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, q40, tr 151. 

8. Hoài Phong (1970), Tự học Võ Tân Khánh, Nhà xuất bản Bình Hòa, Gia Định. 

9. Trương Hữu Quýnh - Đỗ Bang (1997), Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế. 

10. Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. 

11. Trần Minh Thương (2012), Giai thoại về Bà Rịa trong dòng chảy những giai thoại giải thích địa danh ở Nam Bộ 

12. Từ Thiện, Hồ Tường (1989), Võ thuật phái Tân Khánh, Nhà xuất bản Sông Bé, Thủ Dầu Một (Sông Bé), trang 11, 76, 77, 78. 

13. Tạ Chí Đại Trường (2006), Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771-1802, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội. 

14. Hồ Tường (1995), Bà Trà - người phụ nữ nổi tiếng giỏi võ ở Bình Dương xưa, Sổ Tay Võ Thuật, Thành phố Hồ Chí Minh. 

15. Hồ Tường (2005), Tìm hiểu võ thuật Việt Nam, Nhà xuât bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 

16. Hồ Tường, Hồ Sơn Diệp (2011), Võ thuật Tân Khánh Bà Trà - Bình Dương, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội.

17. Hồ Tường (2020), Bà Trà, tên người thành tên môn võ, tên vùng đất

NGUYỄN THỊ THANH NGA