Trang chủ > Giải oan chuyện 'tư thông' giữa Công chúa Huyền Trân & Trần Khắc Chung

Giải oan chuyện 'tư thông' giữa Công chúa Huyền Trân & Trần Khắc Chung

06/09/2023 11:55:09

Tham luận của Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ (Tiến sĩ Sử học, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Việt Nam - chùa Xá Lợi, TP.HCM; Viện trưởng Viện Lịch sử dòng họ) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ - tác giả bài tham luận

Đặt vấn đề

1. Có nhiều câu chuyện có thể không đúng bản chất vụ việc về các triều đại phong kiến vào thời thoái trào, được các “sử gia” triều đại sau ly trích ra và phê phán rất nặng, tính phủ định rất hiển nhiên như “chân lý” không thể chối cãi. Sử gia các đời sau liền kề bảo vệ sự thật phải rất dũng cảm trước quan điểm của nhà sử đương thời; hoặc có cách làm ẩn dụ, bí mật mở đường cho giới sử và con cháu người bị hại làm sáng tỏ. Trong hàng trăm thậm chí hàng ngàn câu chuyện lớn nhỏ, có câu chuyện còn ẩn khuất về việc Công chúa Huyền Trân đã tư thông với vị tướng đa tài Trần Khắc Chung, làm cho tấm gương vàng ngọc của Công chúa bị bôi đen đến nhiều thế kỷ của dân tộc.

2. Phối hợp tư liệu lịch sử, bổ sung sử liệu từ gia phả các chi họ, dòng họ và trú quán liên quan, đồng thời suy luận thực nghiệm; chúng ta có thể khẳng định và giải oan với nhiều tình tiết thuyết phục.

Bài tham luận này kết hợp với tác giả quá cố Hồ Đắc Duy góp phần minh chứng, giải oan cho Công chúa Huyền Trân, tiếp tục nêu gương một phụ nữ trẻ, tài năng trong một sứ mệnh quá đặc biệt không hề có trong trong lịch sử dân tộc đến nay.

Nội dung

1. Câu chuyện lịch sử

Tác giả Hồ Đắc Duy(1), người rất nặng tình quê hương xứ Huế, nơi đến của cha ông ngày trước, di tản vào làng An Truyền sau ngày châu Ô, châu Lý sáp nhập lãnh thổ Đại Viêt. Hai châu này là quà dâng tặng của vua Chăm là Chế Mân hỏi cưới nàng Công chúa Huyền Trân của nước Việt. 

Câu chuyện lịch sử nói rõ Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông khi vân du vào đất Chiêm Thành theo lời mời của nhà vua Chế Mân, bấy giờ hai nước là đồng minh chống quân Nguyên (1282-1285); Trần Nhân Tông huy động sức mạnh toàn dân, tiêu biểu là Hội nghị Diên Hồng đã đánh tan đại quân Nguyên Mông giữ yên bờ cõi; Chế Mân(2), vị Thái tử trẻ (sau này là vua Chiêm) dũng mãnh tài năng kháng cự cuộc vây hãm của quân Nguyên thắng lợi. Hai người đứng đầu hai dân tộc có công rất lớn bảo vệ bờ cõi, hai vua thán phục nhau, thăm viếng hữu nghị; thời gian lưu trú trên đất Chăm 9 tháng, có mục đích tìm nguồn đạo Phật hệ phái Thevarada mà về sau ngài lập nên Thiền phái Trúc Lâm thuần Việt. 

Tượng Trần Nhân Tông trong nếp áo Tiểu thừa 

Bấy giờ Thái thượng hoàng hứa gả con gái mình (Công chúa Huyền Trân) để thắt chặt thông gia giữa hai vương triều láng giềng. Đây là bối cảnh chân thật, có lẽ không mưu đồ chính trị nào cả.

Cuộc hôn nhân tiến hành khá ly kỳ từ trước năm 1306(3), trong đó vua Chiêm hiến tặng quà cưới là hai châu: châu Ô, châu Lý (từ Quảng Bình đến Huế ngày nay). Công chúa Huyền Trân trở thành Hoàng hậu Chiêm Thành (Paramecvari Hoàng hậu). Ý nghĩa cuộc hôn nhân rất nhân văn, trình độ văn hóa xã hội giữa hai nước không chênh lệch nhau, xứng đôi vừa lứa về chức phận, cặp đôi chỉ lệch gần 20 tuổi(4). Rồi một năm sau, vua Chế Mân băng hà, cô Công chúa Việt mới độ 20 tuổi, đã có một con thơ Chế Đa Da 4 tháng tuổi (về sau Thế tử Chế Đa Da làm vua nối ngôi đất chùa Tháp Chiêm Thành), trước một tập quán rất vinh dự nhưng cay nghiệt là phải hỏa thiêu để theo vua Chăm về trời(5).

Tướng đa tài Trần Khắc Chung cùng An phủ sứ Đặng Vân và quần thần, theo lệnh vua Trần Anh Tông (anh ruột Huyền Trân) nhanh chóng vào kinh đô Chiêm Thành để mưu tìm cách cứu nàng Huyền Trân trẻ thoát nạn hỏa thiêu. Câu chuyện chiêu hồn ngoài biển khơi được lập ra theo tập tục người Việt(6) (có lẽ được hoàng tộc Chiêm thỏa thuận), trên thuyền nhẹ đã giong buồm về xứ Bắc nước Việt. Các tình tiết trong chuyện giải cứu khá ly kỳ, thêu dệt và đặt ra nhiều tồn nghi, trong đó chuyến du hành cả năm trời trên biển cả bao la, cô Công chúa trẻ đã “tư thông” với vị tướng đa tài tuổi cha chú mình(7). Đó là điều sử thần triều Lê về sau buộc tội nàng Công chúa triều Trần, phê phán nặng lời tướng Trần Khắc Chung.

Tác giả tham luận này đồng thuận với Hồ Đắc Duy minh chứng giải oan cho nàng Công chúa Huyền Trân; một nữ hoàng tài sắc, nghiệp chướng duyên tình trắc trở, sứ mệnh vâng lệnh vua cha thành công, song cuộc đời lắm dèm pha, cuối đời là sư cô Phật giáo, được dân chúng lập miếu thờ nghiêm cẩn đến ngày nay. Đây là gương nữ lưu đáng được vinh danh.

2. Các chứng cứ từ suy nghiệm của người thời nay

Một là, Khắc Chung có thể dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa được hay không? Chắc chắn không phải là lọai du thuyền hiện đại có gắn động cơ như ngày nay, mà chỉ có thể hình dung như một lọai thuyền đánh bắt hải sản gần bờ, có buồm, dài khoảng 10-15m, ngang khoảng 2,5-3,5m, không phải được thiết kế thân to như loại ghe bầu chạy trên sông, mà phải có mũi cao, đáy nhọn để cỡi lên sóng nước. Những lâu thuyền (như thuyền chiến 1-2 tầng) thời bấy giờ kích thước không lớn lắm không phải được đóng như loại thuyền của Marco Polo(8) hay loại thuyền cướp biển của Âu châu, nó chỉ chạy cách bờ vài chục cây số. Loại thuyền như vậy hoàn toàn không khiêu khích dục tình của khá đông người đang lưu trú, lại trong bối cảnh biển cả luôn sóng gió hiểm nguy.

Chuyện dùng thuyền bấy giờ trước thách thức sóng biển dập dìu là một ý tưởng mạo hiểm, người trên thuyền phải có ý chí và phải quen với sóng nhồi, gió giật. Trong bối cảnh này, sự sống còn của Huyền Trân là trên hết, là nhiệm vụ cao cả của đoàn người đi giải cứu do Trần Khắc Chung đảm nhiệm. Từ kinh thành Đồ Bàn ra cửa biển, từ vịnh Qui Nhơn ra Bắc đi qua Sa Huỳnh, Đà Nẳng, Thuận An, Cửa Việt… không lường hết được hiểm nguy không chỉ về thiên thời, mà còn phải đối phó với hải quân người Chăm, vượt biển như thế hơn 9 phần chết, chỉ gần 1 phần sống. Về được quê Bắc dẫu môt năm (hay hơn nữa) đã là vinh hiển lắm thay! Bối cảnh đó mà chuyện “tư thông” của cô Công chúa còn ở cử là không thể xảy ra, sự gán ghép rất phi lý.

Hai là, chuyện rước Công chúa Huyền Trân trở về Đại Việt là kết quả của việc thương lượng giữa sứ giả Trần Khắc Chung với triều đình mới của Champa? Đây có thể là sự thỏa thuận ngầm: Xét về mối tương giao bấy giờ rất hữu nghị, thuận duyên theo Phật giáo; tự cho Huyền Trân về lại triều Trần khó thuyết phục dân chúng Chăm. Nên ngầm cho đoàn thuyền nhẹ trốn chạy trong sóng dập gió vùi ở biển cả, phần lớn sẽ phải chết dưới lòng biển mênh mong, cũng khắc nghiệt không kém gì chết trên giàn hỏa thiêu. Việc “bí mật” trốn thoát trên biển cả, về được đất Bắc là cơ duyên, phúc báu của triều Trần và nhất là của Huyền Trân và đoàn người đi giải cứu. Sử liệu triều Trần không nói gì về việc giải cứu thành công và cuộc đời Công chúa khi về đến quê nhà, có thể là chữ tín đối với triều đình vua Chăm sau này. 

Ba là, từ thực nghiệm ta thấy: Công chúa ở trên thuyền ước chừng 25 - 52,5 mét vuông là tối đa, có vài thị nữ, hầu gái, nhiều thủy thủ, tay chèo, đầu bếp..., đặc biệt  An phủ sứ Đặng Vân theo trong chiến dịch giải cứu, luôn luôn theo dõi và bảo vệ Công chúa… liệu một chiếc thuyền nhẹ như thế lại có chuyện du dương trên biển loanh quanh chậm chạp lâu ngày mới về tới kinh đô không?

Có thể còn có nhiều suy đoán của người không thuận tình với Công chúa Huyền Trân và nhất là với vị tướng đa tài Trần Khắc Chung; do đó việc minh chứng cần được suy nghiệm một cách khoa học để giải oan cho người trong cuộc, đây lại là Công chúa Huyền Trân với sứ mệnh của vua cha thắt chặt tình thân hai nước láng giềng.

3. Về di tích thờ Công chúa Huyền Trân

Theo dã sử và thần tích tại đền thờ của bà (Huyền Trân), sau khi bà trở về Thăng Long thì theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, Công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh). Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng (香幢). Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Hổ Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm tự.

Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)

Bà mất ngày mồng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Hổ Sơn. Ngày Công chúa mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Các triều đại sau đều sắc phong Công chúa Huyền Trân là thần hộ quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận công lao của Công chúa Huyền Trân "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".

Sự tôn thờ và ghi nhận công lao của vị công nương triều Trần đã khẳng định vai trò và vị trí lịch sử của Huyền Trân Công chúa. Huế có đền thờ hoành tráng và nghi thức thờ cúng nghiêm cẩn, việc đặt tên đường gần như có ở khắp các đô thị nước ta. Văn học nghệ thuật đã khắc sâu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ hưng thịnh gần cuối triều Trần… Câu nói rất ấn tượng của Phó Chủ tịch nước ta, bà Trương Mỹ Hoa: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ quốc gia, có những vấn đề của quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”, khi bà lưu bút tại điện thờ Huyền Trân Công chúa (Huế). Câu chuyện Huyền Trân Công chúa được xem là “vấn đề quốc gia giải quyết từ người phụ nữ” chăng?

Tại quần thể Ngũ Hành Sơn, Đà Nẳng tựa lưng vào núi Kim Sơn, tổ tiên ta đã truyền lại miếu thờ Bà (Huyền Trân Công chúa), xây dựng bằng gạch Chăm cổ, có văn bia khắc bằng chữ Chăm và nơi thờ tự nghiêm chỉnh. Đây là di chỉ văn hóa - lịch sử quý báu của quốc gia về Công chúa Huyền Trân, vị tiền hiền có đại công hy sinh mở cõi bằng con đường hòa hiếu hữu nghị, trên dải quê hương gấm vóc thiêng liêng mà chúng ta đang tri ân và thụ hưởng.

Kết luận

Sự chân thật lịch sử, nhất là nhân vật có công lớn với quốc gia, càng có độ lùi về thời gian và được quần chúng suy ngưỡng, càng cần suy nghiệm dưới góc độ khoa học. Giới sử học nước ta thường có xu hướng thời cuộc, khi khen hoặc chê thì lời lẽ “chẳng đặng đừng” nên dễ đi vào cách nhìn nhận phiến diện, cách biệt với sự chân thật của lịch sử. Do đó, các câu chuyện thêu dệt về Huyền Trân Công chúa nay đã rõ, nhưng khẳng định là điều cần thiết để trả lại tấm gương liệt nữ của bà.

Câu chuyện lịch sử về Huyền Trân Công chúa và duyên tình với vua Chăm thật đẹp, thắt chặt giữa hai nước láng giềng. Quà cưới là châu Ô, châu Lý không nên coi là thành quả, hay “chiến công” của Công chúa hay triều Trần, nhưng nó có ý nghĩa mở cõi của dân tộc Việt về phương Nam, một lẽ sinh tồn của nước Việt, luôn bị người phuong Bắc uy hiếp. Ngày nay nước Việt có 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có nền nếp văn hóa cộng đồng được tôn trọng, đất nước chung sống hòa bình, các dân tộc đoàn kết, kết nối hài hòa văn hóa dân tộc vùng miền là yêu cầu thiết thực nhất để xây dựng nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau được phồn vinh, trường tồn.

CHÚ THÍCH:

(1): Hồ Đắc Duy (1944-2018), con cụ Hồ Đắc Thứ, cháu nội ngài Hồ Đắc Trung (một đại thần Triểu Nguyễn); là một bác sĩ Tây y song khá am tường lịch sử nước nhà, địa chí và gia phả dòng tộc, đặc biệt có tài thơ văn (thể thơ lục bát và song thất lục bát) dùng thơ lục bát viết lịch sử và địa chí nhiều tỉnh thành và cả nước. Nhiều bài viết, tác phẩm được lưu truyền trong dòng tộc và xuất bản.

(2): Marco Polo trong “Đến Chiêm Thành năm 1285" có viết về Chế Mân: “... một người thanh niên anh hùng đó đã không chịu lùi bước trước kẻ thù”

(3): Dẫn theo Hồ Đắc Duy: Năm 1306 gả Công chúa Huyền Trân thì Thượng hoàng Nhân Tông (1258-1308) khoảng 47 tuổi, vua Anh Tông (1276-1320) ở tuổi xấp xỉ 30 và Công chúa độ 18, vua Chế Mân vào khoảng 35 đến 40 và Trần Khắc Chung 40-50 tuổi.

(4): Song có câu chuyện của một hướng dẫn viên du lịch giễu cợt rằng: vua Chăm mất đất Ô, Lý vì một cô gái Việt, ý nói vua Chăm quá si mê, nhờ công của cô gái Việt (Huyền Trân) nước ta lấy được Ô, Lý; thật là phi lịch sử, phi chính trị trong bối cảnh hiện tại.

(5): Có tài liệu chỉ rõ Huyền Trân là người thứ hai sau vị Hoàng hậu là Công chúa Tapasi của Java, và không có chuyện Huyền Trân bị buộc phải hỏa thiêu.

(6): Trần Khắc Chung thuyết phục người Chăm rằng: “Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”

(7): Ngô sĩ Liên viết: "Thói gian tà của Trần Khắc Chung thật là quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn hùa vào với Văn Hiến vu hãm quốc phụ thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú quý. Khổng Tử nói: “Kẻ gian tà được sống sót là may mà được thoát tội chăng?”(Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, trang 92)

(8): Marco Polo (1254 - 8.1.1324) là một thương gia và nhà thám hiểm gốc Venezia (Ý). Tác phẩm “Marco Polo du ký” (The Travels of Marco Polo), là một quyển du ký thế kỷ 13 do Rustichello da Pisa viết lại từ những câu chuyện kể của Marco Polo, mô tả hành trình của Polo đi qua châu Á, Ba Tư, Trung Quốc và Indonesia từ năm 1276 đến 1291…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đại Việt Sử Ký toàn thư (bản Chính Hòa năm 1697)                              

2. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục

3. Đại Việt Sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ

4. Hồ Đắc Duy, Có hay không chuyện tư thông giữa Công Chúa Huyền Trân & Trần Khắc Chung

5. Về Ngũ Hành Sơn nhớ công chúa Huyền Trân

TS HOÀNG VĂN LỄ