Trang chủ > Tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu trên đất Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu trên đất Hà Tĩnh

05/09/2023 16:43:50

Tham luận của TS Đặng Như Thường (Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, việc đề cao vai trò của người mẹ, tôn trọng phụ nữ là nét đẹp văn hoá lâu đời và là cơ sở để hình thành tục thờ nữ thần, tục thờ Mẫu. Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một hình tượng, một sự kết tinh sống động trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và được UNESCO chính thức công nhận “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu ở Hà Tĩnh nhằm thể hiện sự ngưỡng mộ đối với những người phụ nữ đã được suy tôn làm Thánh Mẫu.

1. Vài nét về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Tĩnh

Nằm trong không gian tín ngưỡng của vùng Bắc Trung Bộ, cư dân Hà Tĩnh ngay từ rất sớm đã coi trọng tín ngưỡng thờ Mẫu. Do vậy, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, xét theo trục dọc của địa hình từ huyện Nghi Xuân tới huyện Kỳ Anh hay trục ngang của địa hình từ huyện Lộc Hà đến các huyện Hương Sơn, Vũ Quang… đều tồn tại các địa điểm thờ Mẫu. 

Cũng như nhiều địa phương khác ở Thanh Hóa, Nghệ An, trong tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Hà Tĩnh, hình ảnh vị thần chủ là Liễu Hạnh, nữ thần trong hệ thống “Tứ bất tử” của thần linh Việt Nam rất được coi trọng và được thờ phổ biến ở nhiều nơi. Thánh mẫu Liễu Hạnh tuy xuất hiện muộn vào khoảng thế kỷ XVI, nhưng hội tụ đủ phẩm hạnh của thần, tiên và Phật. Trong tín ngưỡng dân gian (Folklore), chúng ta có thể bắt gặp Thánh mẫu Liễu Hạnh khi là một cô gái, một người vợ, khi là nhà văn, nữ tướng… Điều đặc biệt là ở đâu, lúc nào, Thánh mẫu Liễu Hạnh cũng tỏ ra tha thiết với cuộc sống. Trên thực tế, đó là tâm thức, ước vọng của dân gian dồn tụ trong hình ảnh tối thượng và mỗi địa phương đều có huyền tích khác với sự tích chung của cả nước. Sự riêng biệt hóa, địa phương hóa các Mẫu đã nói lên rằng, tín ngưỡng dân gian đã trở thành thứ tài sản trong tâm thức của cư dân trọng Mẫu, tin vào Mẫu để thỏa nguyện những ước mong trần thế.

Điều đặc biệt là trên địa bàn Hà Tĩnh, nhân dân địa phương ngoài tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh làm thần chủ còn lập điện thờ các vị Thánh Mẫu chính gốc Hà Tĩnh hoặc liên quan mật thiết với lịch sử vùng đất này, cụ thể như: Thánh Mẫu Bích Châu được thờ ở huyện Kỳ Anh, Thánh Mẫu Ngọc Trần được thờ ở huyện Nghi Xuân, Thánh Mẫu Bạch Ngọc được thờ ở huyện Đức Thọ… Qua khảo sát các nguồn tài liệu địa phương, chúng tôi nhận thấy, các vị Thánh Mẫu được thờ trên đất Hà Tĩnh đều có những đặc điểm tiêu biểu như: lòng yêu nước, thương dân, chí căm thù giặc; sự phù trợ, che chở cho người lương thiện; tình cảm nồng hậu và nhân từ… nên đã được nhân gian coi là hành động xả thân, hy sinh vì lòng trung thành với nước, với vua. Ở trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin trình bày về tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu trên đất Hà Tĩnh.

2. Sự tích về Thánh mẫu Bạch Ngọc 

Thánh mẫu Bạch Ngọc có tên Trần Thị Hào, là vợ vua Duệ Tông (1372 - 1377) đời Trần. Trần Thị Hào là con gái của ông Trần Công Nhu, người huyện Chi La (thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay)(1) . Bà là người đã có công lao to lớn trong công cuộc khai phá vùng đất phía Tây Hà Tĩnh mà trung tâm là vùng thượng Đức Thọ. Vì thế, sau khi mất, nhân dân đã tôn bà làm Bạch Ngọc Thánh Mẫu và thờ ở nhiều nơi trên vùng đất Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Theo Bách thần lục: Xưa vua Trần Duệ Tông đi tuần du qua đây, đã ham thích và lấy bà Trần Thị Hào là con gái của trại chủ Trần Công Thiệu (hay Công Nhu)(2) . Còn Thần phả chùa Diên Quang (chùa Am ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ) lại cho biết thêm: Vào cuối đời Trần, triều đình lục đục, suy thoái, Trần Duệ Tông thì đã mất, bà hoàng hậu Bạch Ngọc (tức bà Trần Thị Hào) đã quyết định cùng 572 người tùy tùng chạy về quê cha để sinh sống. Sau nhiều ngày lưu lạc, bà về đến Chi La - vùng đất thuộc địa phận hai xã Đức Long và Đức Lạc (thuộc huyện Đức Thọ ngày nay), số người đi theo chỉ còn lại 172 người(3) . 

Lúc bấy giờ, Chi La là vùng đất mới bồi của sông Lam và sông Ngàn Sâu, còn hoang rậm, bà đã cùng các cung nhân, tùy tùng đứng ra chiêu mộ nhân dân trong vùng, tiến hành tổ chức khai hoang, phá núi, lập làng mới - con số tăng lên tất cả đến 3.000 người. Công cuộc khai hoang, lập làng được Bạch Ngọc hoàng hậu cùng hai vị quan trung thành là Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính tiến hành theo hai hướng: 

Hướng thứ nhất là khai phá các vùng đất bồi để lập nên làng mới. Nhờ đó, bốn làng mới đã ra đời là: Lai Sơn, Hằng Nga, Ngũ Khê, Tùng Chính (thuộc hai huyện Can Lộc và Đức Thọ, nay là bốn xã Đức Hòa, Đức Long, Đức Lập, Đức Ân đều thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Hướng thứ hai là khai phá tiếp những vùng đất hoang rải rác còn lại ở các làng cũ(4) .

Công cuộc khai hoang lập làng khá quy mô này được tiếp tục trong những năm khởi nghĩa Lam Sơn, đã tạo ra một khu làng mạc khá rộng lớn, trên từ Lâm Thao, Hòa Duyệt (thuộc Hương Khê), Thượng Bồng, Hạ Bồng (thuộc Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Bồng, Đồng Quang (thuộc Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc Can Lộc). Diện tích khai phá theo Diên Quang tự phả ghi chép lại lên đến 3.965 mẫu. Có thể nói, Bạch Ngọc hoàng hậu là người có nhiều công lao to lớn trong quá trình khai hoang, lập làng ở vùng đất phía Tây tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. 

Bên cạnh đó, trong khởi nghĩa Lam Sơn, toàn bộ trang trại và vùng đất khai phá của Bạch Ngọc hoàng hậu ở miền Tây Hà Tĩnh đã trở thành một cơ sở hậu cần quan trọng, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân. Cụ thể như sau: cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn từ Thanh Hóa theo “đường thượng đạo” tiến vào lập “đất đứng chân” tại phủ Nghệ An theo kế sách của tướng Nguyễn Chích. Sau khi hạ thành Trà Lân (hay Trà Long, huyện Con Cuông, Nghệ An), đánh bại quân Minh tại Khả Lưu, Bồ Ải (huyện Anh Sơn, Nghệ An), nghĩa quân mở đường tiến quân vào miền núi Hà Tĩnh.

Sau khi huyện Đỗ Gia được giải phóng, Bình Định Vương Lê Lợi đặt chỉ huy sở tại động Tiên Hoa (xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn). Bùi Bị đưa hoàng hậu Bạch Ngọc và công chúa Huy Chân đến yết kiến Bình Định Vương(5) . Khi gặp Lê Lợi, Bạch Ngọc hoàng hậu rất quý mến người anh hùng cứu nước, liền đem công chúa Huy Chân gả cho Lê Lợi và quyên góp rất nhiều lương thực, thực phẩm để hỗ trợ binh lính trong kháng chiến. Từ đó, uy tín của Lê Lợi càng cao, ông thu nạp được rất nhiều con cháu, bề tôi nhà Trần cũng như nhân dân các vùng vào tụ nghĩa.

Lê Lợi và Huy Chân sinh được một người con gái, đặt tên là Ngọc Châu, tước vị Trang Từ công chúa. Về sau, Ngọc Châu kết duyên cùng con trai cả của Bùi Bị tên là Ban… Đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1498), Ban bị trọng thương tại Chămpa và ít lâu sau mất tại Thổ Hoàng (huyện Hương Khê ngày nay)(6) . Ngọc Châu công chúa sợ vì không có con trai bèn rút về ở chùa Diên Quang với bà và mẹ để xây dựng xóm làng, quê hương. 

Như vậy, Bạch Ngọc hoàng hậu là người đã có công lao to lớn trong công cuộc khai hoang, lập làng, mở mang đồng ruộng ở vùng đất phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh và lập nên nhiều chùa ở vùng Đức Thọ, Hương Sơn để xuất gia tu tập (trong đó có chùa Am và chùa Lã). Do vậy, sau khi mất, nhân dân đã suy tôn bà là "Vương Mẫu, Thánh Mẫu, Đức Thánh Mẹ" và thờ ở nhiều đền, chùa, điện, miếu thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. 

3. Một số di tích thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu ở Hà Tĩnh

* Chùa Am

Chùa Am (còn gọi là Diên An tự) được xây dựng trên sườn núi Am Sơn thuộc xã Phụng Công, tổng Đổng Công, phủ Đức Thọ (nay thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Chùa Am được lập vào thời Hậu Lê, dưới đời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), sau này đến đời vua Duy Tân triều Nguyễn đã cho trùng tu lại.(7)  

  Chùa Am do Bạch Ngọc hoàng hậu lập ra đầu tiên để tu hành, sống ẩn dật và thuận cho việc thu thập nhân tâm ở khắp vùng sông Lam, nhất là các tăng ni Phật tử quanh vùng. Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, chùa Am trở nên hoang phế và xuống cấp. Năm 1993, nhân dân và chính quyền xã Đức Hòa (huyện Đức Thọ) đã phục chế tôn tạo lại một phần chùa Am. Chùa Am được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 13/2/1995 theo Quyết định số 188. 

Chùa Am - nơi mẹ con Bạch Ngọc Hoàng hậu lui về ở ẩn, đây cũng là nơi thờ Bạch Ngọc Hoàng hậu hiện nay

Như vậy, chùa Am là một trong những ngôi chùa cổ kính lớn nhất Hà Tĩnh hiện còn được bảo tồn. Chùa trở thành nơi hợp thờ theo cách "Tiền Phật, hậu Thần" - một hiện tượng phổ biến trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở cả Nghệ An, Hà Tĩnh nửa sau thế kỷ XX. Trong đó, Thánh Mẫu Bạch Ngọc được thờ ở gian bên trái của chùa Am. Tượng Thánh Mẫu Bạch Ngọc được làm bằng đồng đen, phủ vàng để trong một khảm sơn son thiếp vàng, trước có đôi hạc đồng chầu đứng xa trông thật sinh động như người thật.

Trước khảm nhìn lên có biển đề 3 chữ Hán “Lê Hậu Từ” (ý nói thời nhà Lê lập nơi thờ bà hoàng hậu). Tượng đồng thờ Thánh Mẫu Bạch Ngọc bị mất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 1995, căn cứ vào ảnh, các nhà hảo tâm cùng chính quyền địa phương đã phục chế lại và tượng bà vẫn thờ bên trái.(8)  Hàng năm, cứ đến ngày 22/6 (ngày giỗ của Thánh Mẫu Bạch Ngọc), chính quyền xã Đức Hòa lại tổ chức Lễ hội chùa Am, nhân dân tham gia rất đông. Chùa Am trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn của nhân dân trong vùng.

* Đền Tứ Phi

Đền Tứ Phi ở Thượng thôn, xã Thịnh Quả (nay là thôn Diên Phúc, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Trước kia, đền này có tên “Ngũ Long điện” ở địa phận làng Kim Thịnh bây giờ, bị nước sông Lam xói lở, về sau mới dựng lại trên bãi bồi Ba Liệt (bãi Sét, bãi Soi) - đất phong của công thần khai quốc Trần Duy.

Đền Tứ Phi thờ bốn vị nữ thần là: 1. Hoàng hậu Bạch Ngọc đời Trần, Trần Thị Ngọc Tranh (nham cảo chùa Am chép là Ngọc Hào), em gái Trần Duy; 2. Công chúa Huy Chân Trần Thị Ngọc Dung (nham cảo chùa Am chép là Ngọc Hiên) con gái bà Bạch Ngọc, cháu gọi Trần Duy bằng cậu (bác), cung phi của Bình Định Vương Lê Lợi; 3. Trần Thị Ngọc Dương, con gái Trần Xước, cháu nội Trần Duy, cung phi của Lê Thánh Tông; 4. Sung viên Phùng Thị Thục Giang, con gái Phùng Văn Đạt và Trần Thị Ngọc Hoa, cháu ngoại Trần Xước, chắt ngoại Trần Duy, cung phi của Lê Thánh Tông, mẹ Kiến Vương Tân, bà nội Tương Dực Đế, nên sau được truy tôn là Tích Quang Hoàng thái hậu(9) .

Đền Tứ Phi được lập từ đời Lê Sơ. Trải qua nhiều lần trùng tu, phục dựng, kiến trúc hiện nay của đền mang đậm dấu ấn kiến trúc cuối thời Nguyễn. Đây là một công trình kiến trúc to đẹp, xây dựng trong một khu vườn rộng. Năm 1956, đền Tứ Phi được Ngành Văn hóa ghi vào danh mục xếp hạng, nhưng sau đó ngôi hạ đường và cổng lầu phía trước đều bị dỡ phá. Những năm gần đây, nhân dân xã Đức Châu cùng sự giúp đỡ của con cháu họ Trần đã dựng lại ngôi hạ đường mới ba gian, thờ công thần Trần Duy và Tứ Phi. Đền Tứ Phi đã được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia vào năm 1999.

* Một số di tích thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu khác ở huyện Đức Thọ

Qua khảo sát các nguồn tài liệu địa phương cho biết: ở tổng Đồng Công, phủ Đức Thọ ngày trước (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), rất nhiều làng có đền thờ ba vị Thánh Mẫu (Bạch Ngọc Hoàng hậu, Huy Chân công chúa và Trang Từ công chúa). 

Theo Nham cảo chùa Am: Sau khi nhà Trần mất ngôi, Bạch Ngọc hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào (vợ vua Trần Duệ Tông) cùng con gái Huy Chân công chúa Trần Thị Ngọc Hiên, đưa gia nhân về quê, khai phá vùng đất phía Tây Hà Tĩnh, lập nên nhiều làng xóm, xây dựng trang trại, tích trữ lương thực giúp nghĩa quân Lam Sơn. Huy Chân công chúa được tuyển làm cung phi của Bình Định Vương Lê Lợi, sinh Trang Từ công chúa Lê Thị Ngọc Châu. Năm Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Bạch Ngọc hoàng hậu dựng chùa Diên Quang ở Am Sơn, cùng Huy Chân công chúa về tu hành.

Trang Từ công chúa lấy Minh quận công Bùi Ban, rồi tái giá với quận công Trần Hồng sau khi chồng mất, nhưng cuối cùng cũng về quê tu hành với bà và mẹ. Bạch Ngọc hoàng hậu mất ngày 22 tháng 6; Huy Chân công chúa mất ngày 22 tháng 3, khoảng năm Hồng Đức (1470 - 1497); còn Trang Từ công chúa mất ngày mồng 5 tháng 12, khoảng năm Cảnh Thống (1498 - 1503). Mộ Bạch Ngọc hoàng hậu táng ở Bản Bi, mộ Huy Chân và Trang Từ công chúa táng ở Phúc Sơn, nên núi này được gọi “rú Vua” (Bua) và vùng đặt mộ gọi là “xứ Mộ vua”(10) .

Để tưởng nhớ công ơn mẹ con Bạch Ngọc hoàng hậu, nhân dân các làng xã (trong đó có nhiều dòng họ là di duệ các gia thần, gia nhân của hoàng hậu Bạch Ngọc) đã lập đền thờ và tôn các bà làm Thành hoàng làng. Hiện nay, ở huyện Đức Thọ vẫn còn ba ngôi đền thờ mẹ con hoàng hậu Bạch Ngọc là: Đền Phượng Hoàng ở làng Kính Kỵ, tổng Yên Việt (nay thuộc xã Đức Long); Đền Ngũ Long ở trên núi Phúc Sơn (rú Vua), thuộc địa phận làng Hòa Yên (nay thuộc xã Đức Lạc); Đền Mỹ Xuyên (thường gọi là đền Cả), ở làng Mỹ Xuyên, xưa là Kẻ Bào (Bàu) Trung Phạm, (nay thuộc xã Đức Lập).

3. Kết luận

Qua nghiên cứu các nguồn tài liệu và khảo sát thực tế, chúng tôi mạnh dạn rút ra một số kết luận sau:

1. Trong số các nhân vật được nhân dân Hà Tĩnh xưa nay tôn thờ là “Đức Thánh Mẫu” và lập đền thờ, Bạch Ngọc Thánh Mẫu cũng là một trong những biểu hiện của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với công lao khai hoang, mở đất, lập làng trên đất Hà Tĩnh. 

2. Tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu hiện diện ở hầu khắp các làng xã thuộc vùng đất phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, mà trung tâm là vùng Thượng Đức Thọ - địa bàn trước đây Bạch Ngọc hoàng hậu đã có công khai phá đất đai, mở mang đồng ruộng, lập xóm làng, phát triển kinh tế, văn hóa. 

3. Bạch Ngọc Thánh Mẫu được thờ phụng trong các đền, chùa: Đền Tứ Phi (xã Đức Châu), đền Phượng Hoàng (xã Đức Long), đền Ngũ Long (xã Đức Lạc), đền Mỹ Xuyên (xã Đức Lập), Chùa Am (Diên Quang Tự, xã Đức Hòa)… Tuy thời gian xây dựng, quy mô thờ tự Bạch Ngọc Thánh Mẫu ở các đền, chùa có những nét riêng, song từ trước đến nay, tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu luôn là chỗ dựa về mặt tinh thần của cư dân một số làng xã trên địa bàn huyện Đức Thọ và là một phần  không thể tách rời trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, suốt từ nhiều thế kỷ qua. 

CHÚ THÍCH:

(1): Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.289.

(2): Dẫn lại theo Đặng Duy Báu (Chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.130.

(3): Dẫn lại theo Đặng Duy Báu (Chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.130.

(4): Theo Diên Quang tự phả được dẫn trong “An Tĩnh cổ lục” của Le Breton, sđd, tr.289 - 291 và Sự tích chùa Diên Quang của Trần Cao Trực được tác giả cuốn Địa dư Hà Tĩnh là Trần Kim ghi lại.

(5): Hoàng Hậu Bạch Ngọc - người có công khai hoang và cứu nước trên đất Hà Tĩnh

(6): Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.291.

(7) và (8): Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, Hồ sơ di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Chùa Am (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh), 1994, tr.6.

(9): Tài liệu khảo sát thực tế tại đền Tứ Phi, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; và Nham cảo chùa Am, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, Hồ sơ di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Chùa Am (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh), 1994, tr.6.

(10): Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, Hồ sơ di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Chùa Am (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh), 1994, tr.5.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Duy Báu (Chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000.

2. Le Breton, An Tĩnh cổ lục, Nxb Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

3. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, Hồ sơ di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Chùa Am (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh), 1994.

4. Hoàng Hậu Bạch Ngọc - người có công khai hoang và cứu nước trên đất Hà Tĩnh

TS ĐẶNG NHƯ THƯỜNG
(Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh)