Trang chủ > Chữ 'lễ' trong việc họ

Chữ 'lễ' trong việc họ

30/04/2025 11:21:51

Tham luận của anh Lâm Hoài Phương (chuyên viên Hán Nôm) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).

Dẫn nhập

Trước tiên ta tìm hiều “việc họ”  là việc gì ? Theo định nghĩa chung, việc họ bao gồm các việc sau đây: thờ tự ở từ đường, quản lý bổ sung gia phả, tu bổ bảo vệ mộ phần tổ tiên, duy trì mối quan hệ đoàn kết trong anh em.

Trong đó việc thờ cúng tổ tiên là nghi thức mang hiệu quả đặc biệt trong giáo dục chữ Hiếu, chữ Nhân, chữ Lễ, chữ Tâm là những phẩm chất cần thiết nhất của con người có thể được xem là hoàn thiện trong nhân cách.

Hôm nay chúng ta hãy xem qua chữ Lễ trong phạm vi giáo dục gia đình, tức là “gia lễ”.

- gia : ở đây hiểu là nhà , trong từ gia đình. 

- lễ : là nghi thức, phép tắc trong đời sống xã hội, là thái độ và động tác biểu thị tôn kính, và cũng có nghĩa là tế, cúng như nghi lễ.

Hiểu như thế ta mới thấy đa số người Việt khi nghe từ “lễ” thì nghĩ ngay đến sách “ Thọ Mai gia lễ “ của của Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) viết . Nhưng trong quyển “Thọ Mai gia lễ” chỉ chủ yếu trình bày những lễ nghĩa trong gia đình liên quan đến tang sự ,  hôn sự cùng những bài khấn thích hợp với người Việt dựa theo “ Chu Công gia lễ “ hay Chu lễ, tức gia lễ thời xưa của Trung Quốc nhưng không rập khuôn . 

Thật ra nội dung của Chu lễ rất phong phú, đồ sộ, nó bao gồm các chế độ luật lệ, quy phạm hành vi và nghi thức lễ tiết của các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, pháp luật, hôn nhân gia đình, đạo đức luân lý và phong tục tập quán của Trung Quốc thời xưa. Chu lễ cùng với Nghi lễ và Lễ ký là tam lễ được liệt vào hàng kinh điển của nho giáo. Nhưng Lễ ký hay Kinh lễ lại được xếp vào một trong bộ ngũ kinh của Khổng Tử. Chính Ông và học trò hiệu đính lại Kinh Lễ với hy vọng dùng nó làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” [bất học lễ, vô dĩ lập] (Luận ngữ - chương Quý thị). 

Nói như thế để dễ hình dung khi chúng ta đề cập đến những vấn đề khác của chữ “Lễ” ngoài hôn sự và tang sự. Đó là điều mà chúng ta đề cập sau đây.

Gia lễ trong Lễ Ký 

Hầu hết các trường học ở Việt Nam đều đặt rất trang trọng dòng chữ: “Tiên học Lễ, hậu học văn”. Đó là lời giáo huấn của đức Khổng Tử trong Luận ngữ - Học nhi: “Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ Tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn” [Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn]. 

Bám sát ý tưởng trên, trước đây có 2 tác phẩm dạy trẻ em và giáo dục gia đình được mọi người biết đến là “ Đệ tử quy” và “Chu tử trị gia cách ngôn” mà các  vị lớn tuổi chắc hẳn còn nhớ .

- Đệ tử quy (Phép tắc người con) là tên tựa do Giả Tồn Nhân đời Ung Chính - Càn Long  đặt cho  sách “Huấn mông văn” ( bài văn dạy trẻ nhỏ) của Lý Dục Tú (1647-1729) biên soạn. Sách này cải biên từ sách  “Đồng mông tu tri” (Trẻ nít nên biết)  của Chu Hy đời Tống. Vỏn vẹn trong 1.080 chữ, nội dung dễ hiểu, vần điệu lưu loát. Đệ tử quy dạy bảo hướng dẫn trẻ em đạo đức luân lý và lễ tiết cơ bản, quy phạm hành vi chính xác của trẻ em. 

- Chu tử trị gia cách ngôn do Chu Dụng Thuần (1617 – 1688)   biên soạn. Ông viết thành từng câu dưới dạng đối theo thể phú, lập thành một thiên về gia huấn cách ngôn. Toàn văn có 506 chữ, nội dung chủ yếu là những lời dạy về lập thân xử thế, khuyến khích cần kiệm trị gia, an phận thủ thân và chú trọng luân thường.

Nội dung của cả 2 sách này đều đã được thể hiện trong sách Lễ Ký, quyển kinh này do trong quá trình chiến tranh hủy hoại, mất mát, rồi được bổ sung, thay đổi nhiều. Ở đây chúng tôi đế cập đến bản thông dụng nhất là Tiểu Đới Lễ Ký. Bản này có 49 chương, toàn bộ viết bằng tản văn trong đó một số thiên có giá trị văn học rất lớn. Có thiên sử dụng các mẩu chuyện nhỏ sinh động để làm sáng tỏ đạo lý, câu đầu tiên trong Lễ ký là “ không bất kính thì dung mạo sẽ nghiêm trang cẩn trọng, lời nói sẽ an định, như vậy đủ trị an dân” [vô bất kính, nghiễm nhược tư, an định từ, an dân tai]. Đây là điều mà cuốn Lễ ký muốn truyền đạt.

Theo  Lễ ký,  người giữ lễ có thể xác định được thân hay sơ, giải quyết được hiềm nghi, phân biệt được sự việc giống hay khác nhau , nhận biết rõ ràng  điều đúng sai. Lễ không cầu làm vui lòng người, không cần phí lời. Lễ không vượt qua những hạn chế , không khinh thường, cợt nhã người khác. Bản chất của lễ là sửa mình, để cho hành động và lời nói hợp với đạo. Lễ dùng để giữ người vào quy củ , chứ không trói buộc ai. Người có đạo đức nhân nghĩa mà không có lễ cũng không thành người. Giống như chim két có thể biết nói , nhưng vẫn là loài chim, đười ươi, cá voi, cá heo  có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài cầm thú  Người mà không biết lễ thì tuy biết nói nhưng có khác gì loài cầm thú. Chỉ có loài cầm thú là không có lễ, nên sống bầy đàn ăn ở lẫn lộn với nhau, vì vậy người ta cần biết lễ để tự phân biệt mình với cầm thú .

Chúng ta đều biết dạy lễ phải dạy từ nhỏ, để tạo thành thói quen từ những điều bình thường nhất . Dưới đây chúng tôi chỉ nêu ra môt số điều nên và không nên làm hằng ngày trong gia đình, dù là nhỏ nhặt mà trong Lễ ký đã đề cập, nhưng đến nay vẫn còn giá trị.

Trong nhà 

- Lễ của người làm con ttheo xưa là giúp cha mẹ : mùa đông làm cho ấm , mùa hạ làm cho mát, ngày nay có lắp máy điều hòa nên thường xuyên kiểm tra nhiệt độ thích hợp , tối thăm sớm viếng. Không làm việc xấu, không vào chổ hiểm nguy, lên cao, xuống sâu. để cha mẹ phải buồn lo. 

- Đi phải báo, về phải thưa, đi đâu nên báo cho cha mẹ biết, làm gì cũng phải lo cho sự nghiệp, trong nhà phải giữ trật tự trên dưới. 

- Thân an mà không quan tâm đến tổ phụ, sẽ mang tiếng xấu với làng quê, với thân thích, bạn bè. 

- Gặp bạn của cha mẹ, không gọi không được đến , chưa bảo không được đi, chưa hỏi không được nói. 

- Nhường chỗ tốt nhất trong nhà cho cha mẹ ở, ngồi không chiếm chỗ giữa , đi không chiếm giữa đường, đứng không đứng giữa cửa, ăn uống nhường trước cho cha mẹ.

- Ăn không được ợ ra, không thưa to tiếng,  đứng hai chân phải chỉnh tề , ngồi không dạng chân . 

- Không nói năng bừa bãi, cười đùa nhảm nhí, không vì làm giàu mà quên phụng dưỡng cha mẹ. Cha, thầy gọi phải dạ không được ừ...

Khi ra ngoài 

- Bàn việc với người lớn phải giữ thái độ khiêm nhường, người lớn hỏi phải  trả lời. Nghe hỏi xong mới đáp. Hỏi về nghề nghiệp lợi ích phải cung kính, không chặn lời nói trước, hay phụ hoa hùa theo, 

- Khi vào nhà nguời khác  phải báo trước ( nhấn chuông ) , cho phép mới được vào, cởi giày không đặt lên giày người khác, vào nhà rồi đóng hay mở cửa đều phải như cũ, đừng làm trái ý chủ nhân, không nghe lén, không nhìn bừa bãi …

…Và còn rất nhiều điều nữa… 

Trở lại chủ đề tang sự, trong Lễ ký cũng không bắt buộc phải theo cứng nhắc, mà phải biết biến, biết tùng quyền tùy theo hoàn cảnh, việc nào trọng việc  nào khinh mà hành xử cho thích đáng.

Như trong câu chuyện “ Khổng Tử hợp táng phụ mẫu” – Lễ ký – đàn Cung thượng. Khổng Tử mất cha lúc  3 tuổi, nên không biết mộ cha ở đâu. Đến khi mẹ mất, theo phong tục lúc ấy thì phải hợp táng, nhưng Ông lại không biết chỗ, nên Ông nghĩ cách thu thập  thông tin bằng cách không để quan tài trong nhà mà để quan tài mẹ bên đường cái cho mọi người chú ý, thu hút sự tò mò. Vì muốn biết nguyên cớ, có người đến hỏi tức có người nghe ngóng , mà người vãng lai trên đường thì nhiều , cuối cùng cũng  có người biết, chỉ cho Ông địa điểm chính xác ngôi mộ và sau đó đưa quan cữu mẹ hợp táng nơi đó .

Khổng Tử vì mục đích lớn là hợp táng , mà coi nhẹ việc nơi để quan tài .

Kết luận 

Tóm lại, muốn dẫn dắt xã hội, lòng người một cách chân chính, giải quyết vấn đề của xã hội, thì buộc phải bắt tay từ giáo dục, mà giáo dục phải bắt đầu từ  giáo dục vun bồi sâu khi còn bé thơ, khi tâm tính của trẻ nhỏ trong sáng nhất, hãy để chúng tiếp nhận giáo dục từ bé thơ một cách toàn diện nhất, sự giáo dục cho trẻ em từ trong nhà cho đến nhà trường  và ngoài xã hội rất là quan trọng . Lễ Ký- Học Ký có câu “trong việc xây dựng đất nước, dân tộc thì giáo dục là việc làm hàng đầu”. [Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên]. 

Cũng xin nói thêm Trong Lễ ký còn có những thiên khí thế hào hùng, kết cấu chặt chẽ, có thiên gọn lời đủ ý, ý vị sâu xa, có thiên sở trường về miêu tả và khắc họa tâm lý, trong tác phẩm còn có rất nhiều câu cách ngôn, thành ngữ mang nặng tính triết lý, tinh tế và sâu sắc. Lễ ký không chỉ là sách miêu tả về chế độ điển chương mà còn là sách giáo khoa về nhân nghĩa đạo đức. Hai thiên Đại Học và Trung Dung trong tứ thư cũng là được trích ra từ đây.Trong thiên Lễ vận đại đồng có sử dụng từ đại dồng , từ thường được sử dụng để chỉ về một thế giới lý tưởng có câu :” Đạo lớn được thi hành thì thiên hạ là của chung” [Đại đạo chi hành dành dã, thiên hạ vi công].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. KINH LỄ, Nguyễn Tôn Nhan biên dịch, NXB Văn Học, 1996

2. LỄ KÝ, Kinh điễn về việc lễ, Nhữ Nguyên biên soạn, NXB Đồng Nai,  1996

3. THỌ MAI GIA LỄ, Chu ngọc Chi  biên dịch, NXB Hưng Long, 1952

4. TỨ THƯ BÌNH GIẢI, Lý Minh Tuấn biên soạn, NXB Tôn giáo 2010

5. CỔ HÁN VĂN, cohanvan.com

6. ĐỆ TỬ QUY, detuquy.com

7. HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN, Thiều Chửu, NXB Trẻ, 1999

Lâm Hoài Phương
Tháng 6/2024