Trang chủ > Chùa Long Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

Chùa Long Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

23/08/2022 12:41:38

Chùa Long Thạnh ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Cho đến hôm nay, chùa Long Thạnh đã có lịch sử hơn 250 năm tồn tại, trải qua 9 đời sư trụ trì. Quá trình tồn tại và phát triển của chùa gắn với nhiều sự kiện lịch sử không chỉ tại vùng đất Tân Tạo này mà còn gắn với lịch sử của Sài Gòn - Gia Định và Thành phố Hồ Chí Minh...

Đã từ lâu, đình, chùa là một thiết chế văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt. Trong quá trình định cư tại mảnh đất phương Nam, những lưu dân người Việt không quên xây dựng những ngôi đình, chùa để làm nơi nương tựa về tinh thần. Với đa số người dân Việt Nam, ngôi chùa chính là nơi tìm đến, nơi trở về mỗi khi có việc hệ trọng trong cuộc đời như việc hiếu, hỷ, xây cất nhà cửa, sinh con... hoặc vào những dịp thường lệ theo phong tục, tập quán như đi lễ đầu xuân, lễ rằm, mùng một. Người dân đến chùa, thỉnh sư để tìm một chỗ dựa, để cầu bình an, tài lộc...

 

Chùa Long Thạnh

Giữa những năm 1940, các thành viên họ Huỳnh ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến khai khẩn đất đai ở vùng Tân Tạo, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn. Khi đó, nơi này đã có khá đông người Việt định cư, sinh sống. Cũng tại nơi này, một ngôi chùa đã được xây dựng từ năm 1740, đó là chùa Long Thạnh, thuộc phái Thiền Lâm Tế dòng Đạo Bổn Nguyên. Từ nội thành thành phố, theo tỉnh lộ 10 hướng về Long An, đến địa phận phường Tân Tạo, quận Bình Tân, sẽ thấy chùa tọa lạc phía bên phải ở số 1756 tỉnh lộ 10, trong một khu đất rộng khoảng 1,2 hecta.

Cho đến hôm nay, chùa Long Thạnh đã có lịch sử hơn 250 năm tồn tại, trải qua 9 đời sư trụ trì. Quá trình tồn tại và phát triển của chùa gắn với nhiều sự kiện lịch sử không chỉ tại vùng đất Tân Tạo này mà còn gắn với lịch sử của Sài Gòn - Gia Định và Thành phố Hồ Chí Minh như: Việc tham gia vào cuộc khởi nghĩa 18 Thôn Vườn trầu của Hòa thượng Hoan Hỷ, sư trụ trì chùa Long Thạnh giai đoạn 1878 - 1916, Hòa Thượng Quảng Chơn, sư trụ trì chùa giai đoạn 1916 - 1943 tham gia tổ chức Thiên Địa hội, Hòa Thượng Thích Bửu Ý, trụ trì chùa giai đoạn 1943 - 1996 tham gia vào các hoạt động chống Pháp và chống Mỹ...

Từ sau năm 1945 - 1954, chùa Long Thạnh là cơ sở, địa điểm bí mật của cấp ủy xã Tân Tạo và là đường dây liên lạc của ban Trí vận đặc khu Sài Gòn. Ông Huỳnh Văn Nhiều, cháu đời 3 của họ Huỳnh, trong quá trình hoạt động bí mật trước khi tập kết ra Bắc, đã nhiều lần về ở trong chùa để chuẩn bị cho những trận đánh của du kích ở Tân Tạo.

Từ 1968 - 1975, chùa là địa điểm, cơ sở của Chi bộ trung tâm lãnh đạo phong trào Phật giáo. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, Long Thạnh là địa điểm mật đón tiếp một bộ phận quân chủ lực về ém quân tại chùa để xuất phát tiêu diệt các đồn bót địch ở trục lộ 10, Phú Lâm, mở đường cho đại quân tiến vào thành phố. Trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử này, các tăng, ni, phật tử chùa đã tham gia tích cực vào công tác chu cấp lương thực, cứu chữa thương binh và làm công tác tử sĩ.

Không chỉ là nơi thờ phụng, nơi gởi gắm những mong muốn bình an của người dân, chùa Long Thạnh còn là một cơ sở Phật học, một trung tâm hoằng pháp danh tiếng ở Nam Kỳ lục tỉnh, thu hút nhiều tăng sĩ và Phật tử đến tu học từ cuối thế kỷ XVIII.

Trong chiều dài hơn 250 năm, chùa Long Thạnh nhiều lần bị hư hại và được trùng tu. Năm 1945, chùa bị hư hỏng nặng do chiến tranh. Trong khoảng năm 1948 - 1950, chùa được xây dựng lại đơn sơ. Sau đó, chùa nhiều lần được trùng tu vào các năm 1959, 1984, 1993 đến 1995. Năm 2005, chùa Long Thạnh đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Các tượng trong sân trước của chùa Long Thạnh

Từ sau ngày thống nhất, chùa Long Thạnh không ngừng được tu bổ, tôn tạo để trở thành một địa điểm tín ngưỡng, một di tích, một danh thắng nổi bật ở quận Bình Tân. Những năm gần đây, chùa đã được trùng tu, xây dựng một số công trình. Bước vào cổng tam quan của chùa, xen lẫn trong khuôn viên rợp mát bóng cây là đài Quan Âm, là các tượng lộ thiên như tượng đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát Di Lặc, vườn Lâm Tì Ni... ở sân trước chùa. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều ngôi tháp của các vị tổ.

Chánh điện của chùa được bài trí đơn giản, trang nghiêm. Tượng đức Phật Trung Tôn bằng đồng, nặng 1.600 kg, có từ thời tổ Trí Tâm khai sơn chùa, đặt uy nghi ở điện Phật. Án thờ hai bên là tượng hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Ở điện Phật, còn có bộ tượng Ngũ Hiền, tượng Tiêu Diện, tượng Hộ Pháp... Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm 1797 do bà Mã Thị Nhàn phụng cúng.

Cũng như những người dân đã định cư lâu đời tại đây, các thành viên họ Huỳnh đã xem chùa Long Thạnh là nơi để mình gởi gắm những mong ước về cuộc sống bình an, đầm ấm. Chùa cũng là nơi một số thành viên họ Huỳnh gởi tro cốt sau khi quá vãng như ông Huỳnh Văn Trượng (đời II), anh Huỳnh Văn Trường (đời V)… Những thành viên của họ Huỳnh thường xuyên viếng chùa vào những ngày rằm, vào những ngày đầu năm mới để cầu an. Từ đó, chùa Long Thạnh đã trở thành một địa điểm gắn liền với tâm thức những đứa con xa xứ của họ Huỳnh.

(Trích gia phả họ Huỳnh - xã Long Thượng, huyện Cần Giuôc, tỉnh Long An)

(GP: 18-2-2017)