Trang chủ > Đình Mỹ Ngãi (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Đình Mỹ Ngãi (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

21/08/2022 20:17:48

Đình Mỹ Ngãi đượcxây dựng đến nay đã hơn trăm năm, tọa lạc tại ấp 2 làng Mỹ Ngãi, tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường, nay là xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp.

Chứng tích còn lưu từ câu liễn đối do ông Hương Quan Nguyễn Văn Chiêu cúng vào tháng 3 năm Quý Mão 1903. Đình cất trên nền đất cao ráo, hướng ra lộ cặp sông Cái Sao Thượng (Đình Trung). Đất đình rộng 2,5 ha do điền chủ Nguyễn Hoằng Đạo hiến. Gồm phần để cất đình, phần để trồng cây và sản xuất hoa màu thu huê lợi hàng năm, Sau Giải phóng 1975, đất đình bị thu hẹp, còn khoảng 1/3 diện tích, chủ yếu là khuôn viên đình có hàng rào bao quanh. Đình có hai cổng vào: Cổng chính và cổng phụ, cổng nào cũng có cặp câu đối chất liệu xi măng, khắc chữ Nho; một câu đối (bên phải) cổng chánh bị tróc mất một chữ. Vừa qua , ông Võ Văn Sổ, chuyên viên Hán Nôm của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh đã điền vào cho đủ.

Đình Mỹ Ngãi

Quá trình hình thành

Sau nhiều lần tôn tạo từ đình nhỏ lợp lá đến cất lớn mái ngói, cột gỗ đúng quy chuẩn của một đình làng do dân làng

góp công xây dựng, trong đó có công lớn của họ Nguyễn và họ Bùi.

Hai họ nầy được khắc tên trong Khám thờ Tiền Vãng và còn khuôn hình phóng to 4 ông (từ trái sang): Bùi Văn Gương,

Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Hoằng Đạo và Bùi Văn Lược được treo trang trọng trong đình. Khuôn hình treo hiện nay

bằng chất liệu gỗ, sơn dầu năm 1940 một họa sĩ vẽ lại theo hình chụp để lưu giữ lâu bền.

Năm 1945, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, lệnh của Chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến tỉnh Long Châu Sa Phạm Hữu Lầu, phải đốt phá đình, không để cho giặc Pháp dùng làm nơi đóng đồn bót giết hại dân làng. Hậu duệ họ Bùi, họ Nguyễn cùng nhân dân trong làng ra sức bảo vệ, cất dấu, bảo quản toàn bộ hoành phi, liễn đối trong đình đem gởi nơi khác; đặc biệt là sắc thần được giữ nguyên đến ngày nay. Theo lệ, người được giữ săc thần phải là người có uy tín, danh giá và không có con gái. Từ ngày đình được sắc phong đã trải qua các ông giữ gìn: Ông Nguyễn Hoằng Đạo, Nguyễn Văn Phối, Đoàn Văn Bộn, thầy chùa, ông Cả Hai Nguyễn Văn Tư tới ông Nguyễn Văn Sương. Ông Sương mất, mới chánh thức gởi chùa Bửu Lâm đến ngày nay. Thời chiến tranh Sắc thần được cất kỹ trong ống bằng thau, chống mối mọt, ẩm ướt, có lúc phải dấu trong giàn bầu vì sợ bị cháy nhà.

Hình 4 ông ông Tiền Vãng, được treo trong đình Mỹ Ngãi

Sau năm 1975, đình được sử dụng vào việc công, nhiều lần Ban Quý Tế làm đơn xin tới cấp trên, đình mới được trả

lại; Việc tế tự hàng năm tiếp tục duy trì đến ngày nay. Mỗi năm, tại đình có hai lệ cúng: 16-17 tháng 3 và 16- 17 tháng chạp âm lịch là lễ chính (Văn Tế Thần Nông trong sách Đình Mỹ Ngãi.

Di sản Hán Nôm

Hiện nay, tuy đình có mái ngói và phần bao che chưaq được tôn tạo khang trang, xứng tầm, nhưng bên trong đình phần di sản Hán Nôm là vô giá, ít có đình nào ở Nam Bộ còn giữ được nguyên vẹn như ở đình Mỹ Ngãi nầy. Toàn bộ 11 Hoành phi, 1 phù điêu dạng cuốn thư, 7 cặp liễn đối, hàng chục Bài vị ở hai Khám thờ Tả Ban, Hữu Ban đều được sơn

son, thếp vàng , nét chữ cực kỳ tinh xảo, vừa tráng lệ vừa uy nghi.

Trong số các cặp liễn đối hoành phi, có họ Bùi phụng cúng. Nhiều câu ý nghĩa sâu xa, phép khoán thủ hai từ “Mỹ”

“Ngãi” (hàng cột thứ tư từ trong ra) do ông Bùi Văn Chuẩn cúng:

Mỹ tục thuần phong thánh trạch dương dương tỳ vật hậu Ngãi cơ nhơn chỉ, thần oai hách hách hộ dân khương.

(Tục lệ đẹp, phong hóa thuần, đức của Thánh sáng ngời, giúp đỡ mọi vật; Cơ nghiệp nghĩa, nền móng nhân, oai

của Thần hiển hách phò hộ dân yên). Đầu xuân Mậu Tý 2008, hậu duệ đời VI họ Bùi có các ông Bùi Thanh Chàng (De) và ông Bùi Văn Tắc trong Ban Quý Tế đình cậy chuyên viên Hán Nôm ông Võ Văn Sổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh (Hội Khoa Học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh) phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ di sản Hán Nôm của đình. Ban Quý tế hết sức vui mừng vì ước muốn từ lâu nay mới được thực hiện. Ông Bùi Hữu Phương (đời VII) cháu cố ông Bùi Văn Gương có ý định nhờ viết Tiểu sử của đình (Sách Đình Mỹ Ngãi nói rõ hơn). Đây là cơ sở quan trọng để lập hồ sơ xin Bộ Văn Hóa-Thông tin-Du lịch và Sở Văn Hóa-Thông Tin tỉnh Đồng Tháp xét công nhận đình là Di tích Lịch sử Văn Hóa. Ngoài di sản Hán Nôm, đình Mỹ Ngãi còn là di tích lịch sử còn lại từ thời lưu dân người Việt từ miền Ngoài vào đặt chân trên mảnh đất này, khai hoang mở ấp lập làng phát triễn đến ngày nay. Rất tiếc xã Mỹ Ngãi lâu đời (gắn với tên đình Mỹ Ngãi) đã đổi tên thành xã Mỹ Tân, không gắn với tình cảm, tập quán của người dân Mỹ Ngãi cố cựu bao đời nay mà con cháu đang sanh cơ lập nghiệp nơi đây.

Cùng với đình Mỹ Ngãi, chùa Bửu Lâm bên cạnh đình cũng do họ Bùi góp công sáng lập.

(Trích gia phả họ Bùi - xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

(GP: 24-10-2016)