Trang chủ > Đình Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, Mang Thít, Vĩnh Long)

Đình Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, Mang Thít, Vĩnh Long)

24/08/2022 11:58:30

Trước hết cần nói rằng, đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời Lê Sơ, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền. Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, của làng xã.

Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng mà thể hiện cô đọng nhất là lễ hội... Hầu như làng quê nào cũng có một ngôi đình, thông thường, đình làng là nơi thờ ông Thành hoàng, người có công khai phá vùng đất mới để lập nên ngôi làng đó. Hàng năm, tại đình làng được cúng lễ lớn quy tụ toàn bộ dân làng tham gia, lễ cúng phổ biến là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ruộng được mùa.

 

Cổng Đình Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long)

I. LỊCH SỬ VÀ CẤU TRÚC ĐÌNH

Theo ông Võ Văn Tài (Ba Tài) hiện là ông từ của Đình Hòa Tịnh, đình được xây dựng từ năm 1918 thời ông Tế Hiên Hên - một địa chủ của xã Hòa Tịnh. Ngôi đình ban đầu toàn bộ cột làm bằng gỗ căm xe, rui kèo làm bằng gỗ thao lao, mái lợp ngói vảy rồng.

Thời chống Pháp và chống Mỹ, đình nhiều lần bị hư hại và nhân dân xã Hòa Tịnh cũng nhiều lần sửa sang. Năm 1993 xây thêm nhà “Võ quy”, đó là ngôi nhà ngang tiếp giáp với điện thờ chính. Ngôi nhà này dùng làm nơi hội họp hoặc tiệc tùng ăn uống khi đình có cúng lễ. Năm 2000 thay toàn bộ giàn rui kèo và mái ngói, còn toàn bộ giàn cột gỗ bằng căm xe được giữ lại vì còn khá nguyên vẹn.

Đình Hòa Tịnh nằm bên vệ đường và quay mặt ra Hương lộ 20, xã Hòa Tịnh, con đường này chạy cặp theo con sông Hòa Tịnh. Toàn bộ khuôn viên đình rộng 1.200m2.

Trước đình có cổng lớn, trên đó có ghi “Đình Hòa Tịnh”, tiếp theo vào là một khoảng đất trống chiều sâu khoảng 15m, tiếp theo nữa là bàn thờ Thần nông, từ ngoài nhìn vào, bên trái bàn thờ Thần nông là  Miếu Ông Hổ, bên phải là Miếu Bà Chúa, tất cả đều quay mặt vào điện thờ chính của đình.

Tiếp theo đó là một sân lát gạch khá rộng, tiếp theo sân gạch là nhà Võ quy chiều ngang 18m, chiều sâu 5m. Tiếp giáp nhà Võ quy là điện thờ chính của đình (chiều ngang 18m, chiều sâu khoảng 10m). Điện chính là ngôi nhà 3 gian 2 chái theo kiểu nhà truyền thống làng quê Việt Nam. Điện chính có 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột bằng gỗ căm xe láng bóng, đường kính hơn 40cm. Bố trí trong điện chính của đình như sau:

- Gian giữa: phía trước là bàn thờ Bác Hồ, tiếp vào trong là bàn thờ Thần hoàng, trên bàn thờ có sắc phong của đình được bỏ vào trong một ống nhựa, ống nhựa này được đặt vào chiếc hộp gỗ, hộp gỗ này được gói bằng nhiễu đỏ và đặt trong hộp kiếng rất trang trọng. Trước bàn thờ Thành hoàng có 2 chim hạc đứng trên lưng rùa và có lộng che.

- Gian bên trái: Đứng trong điện thờ quay mặt ra đường, phía bên trái của bàn thờ Thành hoàng (gian trái) là bàn thờ Tả ban, phía trước bàn thờ Tả ban (ngang hàng với bàn thờ Bác Hồ là bàn thờ Đông hiến). Chái bên trái có bàn thờ Tiên sư (nằm ngang hàng với bàn thờ Tả ban).

- Gian bên phải: Có bàn thờ Hữu ban nằm ngang hàng với bàn thờ Thành hoàng. Phía trước bàn thờ Hữu ban là bàn thờ Tây hiến. Chái bên phải có bàn thờ Thái giám, quay mặt hướng vào giữa điện thờ.

Phía sau, đối lưng với bàn thờ Thành hoàng là bàn thờ Cửu huyền, đối lưng với bàn thờ Tả ban là bàn thờ Tiền hiền và đối lưng với bàn thờ Tây hiến là bàn thờ Hậu hiền. Ba bàn thờ Cửu huyền, Tiền hiền và Hậu hiện nằm ngang hàng nhau.

 

Bàn thờ Thành hoàng

II. LỄ CÚNG HÀNG NĂM TẠI ĐÌNH

Hàng năm, đình được Ban Hội tề của dân làng cúng 2 lễ lớn là Lễ Hạ điền và Lễ Thượng điền, ngoài ra những ngày như mùng 5  tháng 5 Âm lịch, Tết Nguyên đán, các ngày Rằm đều có cúng, nhưng cúng nhỏ.

1. Lễ Hạ điền (16-17/3 Âm lịch)

Ngày 15/3 Âm lịch, Ban Hội tề của đình tập trung để dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn thờ, và các vật dụng thờ. Ngày 16/3 Âm lịch, bà con dân làng tập trung để làm heo, bò tùy tình hình từng năm.

Lễ cúng được bắt đầu vào chiều 16/3 Âm lịch. Khoảng 3 giờ chiều là cúng Lễ Tiền giảng hương chức. Lễ này cúng cho những người quá cố đã có công lao xây dựng, tu bổ, chăm sóc đình.

8 giờ tối ngày 16/3 là cúng Lễ Cầu an, lễ cúng này có thầy chùa tụng kinh. Vật phẩm cúng là đồ chay, gồm xôi, chè, trái cây. Lễ cúng này kéo dài đến 9-10 giờ đêm thì xong.

Khuya 16 rạng sáng 17/3 là lễ cúng chính của Hạ điền gồm:

- Cúng Thần nông: Cúng vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/3, bàn thờ Thần nông nằm ngoài trời, phía trước sân đình. Lễ cúng này lúc nào cũng bắt buộc có 1 đầu heo và 1 mâm xôi cùng thức ăn mặn.

- Cúng Thành hoàng: Cúng vào lúc 4 giờ sáng ngày 17/3. Lễ cúng này cũng bắt buộc có 1 đầu heo và 1 mâm xôi cùng thức ăn mặn. Nếu năm nào có làm heo hoặc làm bò thì tế sống nguyên con, sau đó mang xuống nấu nướng và cúng cỗ đĩa từng mâm, từng bàn trong tất cả các bàn thờ nằm trong điện thờ. Cúng Thành hoàng có đọc văn tế nhắc lại tiểu sử đình và tên những người trong ban Hương chức hội tề. Văn tế thường nhờ một người biết chữ Nho và nắm được lịch sử, lễ lạc của đình để viết, văn tế cúng xong thì đốt. Cuối cùng của lễ cúng là “học trò lễ” dâng rượu, dâng trà.

Đến sáng thì dân làng lủ lượt đến thắp nhang vái Thành hoàng và các vị được thờ trong điện thờ của đình. Ở mỗi bàn thờ đều có người mặc áo dài khăn đóng đứng tiếp nhang, tiếp lễ.

Mỗi năm đình mời khoảng 20 đình lân cận đến dự lễ và lúc nào cũng có nghi lễ tiếp đón.

Dân làng đến cúng, hoặc đình bạn sau khi cúng xong, cứ người ngồi đủ bàn là dùng tiệc cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Thông thường đến khoảng 3-4 giờ chiều 17/3 thì kết thúc.

2. Lễ Thượng điền (16-17/11 Âm lịch)

Lễ cúng Thượng điền toàn bộ giống như lễ cúng Hạ điền, chỉ khác là, nếu lễ cúng Hạ điền, Thần nông cúng trước và Thành hoàng cúng sau, thì lễ cúng Thượng điền ngược lại, Thành hoàng cúng trước và Thần nông cúng sau.

Cả lễ cúng Hạ điền và Thượng điền, nếu năm nào tình hình kinh tế nhân dân có vẻ sung túc thì mời đội Hát bộ về hát 3 đêm, dân làng làm sân khấu trước sân đình để đội Hát bộ trình diễn.

* Về kinh phí: Ngày xưa, đình có mấy trăm công đất dùng làm hoa lợi để chi phí cho các lễ cúng. Nhưng từ năm 1972, khi Luật Người cày có ruộng của chính quyền Sài Gòn cũ ban hành, đình không còn đất đai và không còn nguồn thu tiền bạc nữa.

Từ đó về sau thì Ban quý tế góp tiền lại để ứng trước cho những chi phí của lễ cúng. Nhân dân và các đình bạn đến tham dự sẽ cúng dường theo lòng hảo tâm. Đây là nguồn thu chính để trang trải cho những chi phí của lễ cúng. Nếu năm nào thu không đủ chi, số thiếu hụt còn lại Ban quý tế phải gánh vác, người làm “chức lớn” thì gánh vác nhiều, người chức nhỏ hơn thì gánh vác ít hơn.

 

Miếu ông Hổ trước sân đình

 

Miếu Bà Chúa trước sân đình

 

Bàn thờ Thần nông trước sân đình

 

Sân Đình Hòa Tịnh từ trong nhìn ra phía đường cái

 

Sân Đình Hòa Tịnh từ phía đường cái nhìn vào

Bình Minh

(GP: 25-8-2020)