Trang chủ > Gia phả học Việt Nam (Kỳ 2 & hết) - Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Gia phả học Việt Nam (Kỳ 2 & hết) - Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

12/08/2022 18:08:28

Ta có gia lễ VN, từ thời Lê, có TS Lê Sĩ Tấn, viết năm 1721 “Thọ Mai gia lễ” (Thọ Mai là bút danh). Phan Kế Bính với “Việt Nam phong tục”, Đào Duy Anh với “Việt Nam văn hóa sử cương”, Léopold Cadière (là một linh mục) với “Văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt”, cũng đã cho ta ít nhiều những hiểu biết về văn hóa, về phong tục, về gia đình và tôn giáo.

Lòng tin, tin tưởng, sự tôn vinh, sự nhớ ơn về việc đặt định, tạo dựng cuộc sống, đối với tổ tiên của các lớp hậu duệ, là một tín ngưỡng, một tập quán thuần nhất, tốt đẹp của dân ta; mục đích việc thờ cúng là giống nhau; có khác nhau là ở lễ thức, cách thức do có sự thêm bớt; nhất là khi ta chung đụng với văn hóa Nho, Lão, Phật và do giàu nghèo khác nhau.

“Theo Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh, “Về tín ngưỡng và truyền thống người Việt” của Léopold Cadière, thì nói về phong tục, trước tiên phải nói phong tục gia tộc, tức mối quan hệ cha mẹ với con, với anh chị em, thân thuộc, nói đến phụng sự tổ tiên, đạo làm con, thượng thọ, sinh nhật, thần hoàng, tang ma, cải táng, kỵ nhật, tứ thời tiết lập, giá thú, vợ chồng, vợ lẻ, cầu tự và nuôi nghĩa tử; tiếp sau nói phong tục trong hương đảng: nói về sự thần, việc tế tự, nhập tịch, đại hội, lễ kỳ an, chùa chiền, văn từ văn chỉ, kỵ hậu (người không có con trai phải mua, ghi tên vào sổ làng để có hương hỏa), công quân (nhà công của dân thôn), chúng sinh (đầu hay cuối làng để làm chỗ tẫn ma mộ địa), ngôi thứ trong làng, viên chức, hương ẩm (lễ hội có ăn uống), lễ khao vọng người thi đỗ thông thường, đăng khoa (bật tú tài trở lên), các sắc phong tặng, bầu cử lý dịch, thuế khóa, binh lính, tạp dịch, hương học (trường học tư của các thầy đồ), khoán ước (ước hẹn riêng ở hương thôn), về mục kỷ niệm (khắc bia việc ân, nghĩa, sửa lễ), về mục tự trị, về mục tuần phòng trong thôn, việc hiếu, việc hỷ, lệ khánh điều (lệ mừng, lệ phúng, vợ chồng ly dị, tài chánh ở thôn, nghĩa sương (là kho chứa thóc dân thôn phòng mất mùa), điều ước nghĩa sương, hội chư ba (làng có chùa mới có hội này dành cho phụ nữ 50 tuổi trở lên), hội tư cấp (gồm họ mua bán, họ hiếu, họ hỷ, họ ăn tết), hội bách nghệ, tuần đinh hoặc tuần phiên (mỗi làng phải có mươi mười hai trai tráng tuần đinh, đặc phu (dưới tuần đinh có một người làm tuần phu).

Phong tục xã hội, Phan Kế Bính còn ghi ra: quan hệ vua tôi, thầy trò, bầu bạn (đồng học, đồng nghề, đồng liêu, đồng sự, người quen lúc nhỏ, người tâm đầu ý hợp), quan dân (quan tôn trọng như cha mẹ, “quan phụ mẫu”, chủ khách, chủ nhà người ở, dâu gia hoặc thông gia, Nho giáo, Phật giáo, Gia tô giáo, chính trị, văn chương, khoa cử, võ nghệ, nghề làm ruộng, nghề nuôi tầm, nghề bách công, nghề buôn bán, y dược, bốc phệ, địa lý, toán số, tướng thuật, phù thủy, thanh đồng (người thờ đức thánh Trần), đồng cốt, cô hồn (người lấy nghề gọi hồn người ta để kiếm ăn), các cách chiêm đoán, các cách chiêm nghiệm,, xem ngày kén giờ, các việc kiêng kị, các phương thuật, tính tình, thanh âm ngôn ngữ, cách cư xử, để tóc, nhuộm răng, ăn giầu, hút thuốc lào, hát xẩm, hát ả đào, hát tuồng, cuộc tiêu khiển, cuộc cờ bạc.

Phong tục VN, chủ yếu là phong tục từ miền Bắc từ đó tỏa ra, đa dạng, phong phú, tích cực, sinh động, có phần nhiêu khê, có mặt chứa đựng yếu tố mê tín, từ gia đình, trong gia tộc, đến những việc trong thôn xóm, làng xã, dẫn ra xã hội. Phan Kế Bính đánh giá từng việc, mặt ưu việt và mặt khuyết điểm, giúp chúng ta hiểu và duy trì cái tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ngày nay.

Gia lễ VN ngày nay

Là yếu tố quan trọng phải được khẳng định: phải mô tả toàn diện, chắt lọc ra những cái tốt, cái tinh túy, phù hợp với người nghèo, người giàu, người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Cái cốt lõi là giữ và phát huy cái mục đích cơ bản, đúng đắn của phong tục, tập quán VN: là sự tôn vinh, nhớ ơn và long hiếu thảo; còn hình thái thì nó muôn màu, phát sinh, biến đổi, biến thái, mà ta phải có chừng mức, áp dụng cái gì, không áp dụng cái gì…

Trong tập sách của Leopold Cadiere, “Croyances et Pratiques Religieuses Vietnamiennes” (Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của Việt Nam) - NXB Văn hóa Thông tin, phần một nói về gia đình và tôn giáo VN, ông nêu: “Người An Nam thờ cúng quỷ thần, quỷ thần đây phải hiểu là vong linh tiên tổ mà mỗi gia đình đều thờ kính; là vong hồn của những nhân vật xa xưa, ít nhiều có thật, nổi tiếng dưới nhiều danh nghĩa, mà các hoàng đế hay tín ngưỡng bình dân đã đặt lên bàn thờ…”.

Các phần sau, ông ghi về tế Nam Giao, lăng mộ người Việt vùng phụ cận Huế, tang lễ vua Gia Long, một vài sự kiện tôn giáo ghi nhận được nhân một mùa dịch tả ở VN, tín ngưỡng tôn giáo vùng quanh Huế, nuôi dạy trẻ con theo ma thuật thần bí ở VN, tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng Nguồn Sơn tỉnh Quảng Bình, phong tục ở thung lũng Nguồn Sơn, kinh thành tuyệt diệu, vũ trụ quan, triết học dân gian người Việt; nhân sinh quan, mỹ thuật ở Huế, người Việt - dân tộc - ngôn ngữ và bàn về quy thức tư duy của người Việt qua ngôn ngữ.

Linh mục Cadiere, theo Đào Hùng, người viết lời giới thiệu sách, có ý kiến: “Có thể nói tư tưởng của linh mục Cadiere đã mở đường cho những người nghiên cứu VN đầu thế kỷ”.

“Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh, sách tập họp các tài liệu có hệ thống theo cách hiểu biết của ông, nhằm cho người đọc “ôn lại cái vốn văn hóa của nước nhà”. Ông Đào cho chúng ta nhận thức: trên khắp vùng trung châu Bắc Việt không nơi nào là không có dấu vết, công trình thắm đậm của tổ tiên. Suốt miền Trung và miền Nam không nơi nào là không nhắc sự nghiệp gian nan, tiến thủ tổ tiên. Nền văn hóa ấy đã sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên, khó khăn, ác liệt và đã vươn lên được nhờ nó có một “sinh khí mạnh mẽ”. Tác giả theo học thuyết của Felix Sartiaux chia sách: Kinh tế sinh hoạt, Xã hội sinh hoạt và Trí thức sinh hoạt.

Phần “Người Việt Nam”, ông nêu: Việt Nam là nòi giống tiên rồng, vua đầu tiên nước Xích Quỷ là Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương, lấy người thiếu nữ nhan sắc là Long Nữ, con của Động Đình, sinh một người con trai là Sùng Lãm, nối ngôi cha làm vua xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là con Đế Lai đẻ ra “trăm trứng nở thành trăm con trai”.

Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Tôi là dòng dõi Long quân mà mình là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay trăm đứa con trai thì mình đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa để tôi đem xuống Nam Hải”.

Câu chuyện trên, nếu ta bóc cái lớp thần thoại, truyền thuyết ra thì cái ý nghĩa, bản chất thật của nó là sự chuyển hóa mẫu hệ thành thời kỳ phụ quyền. Từ quyền hành tập trung ở người mẹ, do các nguyên nhân kinh tế, văn hóa, xã hội nó đã chuyển qua cho người cha.

Ở đây, là điểm xuất phát để chúng ta xem gốc tích của dân tộc, dòng họ chúng ta.

Nước Xích Quỷ sau thành Bách Việt rộng lớn xưa, gồm U Việt (Chiết Giang nay), Mân Việt (Phúc Kiến nay), Đông Việt (Giang Tây nay), Nam Việt (Quảng Đông bay), Lạc Việt (Miền Bắc và miền Bắc Trung Việt Nam nay).

Xét phương diện truyền giống nòi về tạng người, dáng người, AND, thì người VN đầu ngắn (chỉ xuất: 82,8), mình thấp, chân tay nhỏ, mặt xương, lưỡng quyền cao, mắt đen và hơi xếch, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, tóc đen và hơi cứng, râu cứng và thưa, dáng đi nhẹ nhàng và chắc chắn.

Về giá trị tinh thần: người VN, nhìn chung là thông minh, nhưng chưa có những người trí tuệ lỗi lạc phi thường; ký ức thì phát đạt, giàu trí tuệ nghệ thuật hơn là khoa học, tính thực tiễn nổi hơn sự tưởng tượng, người VN là người thiết thực, có sức làm việc, chịu cực khổ và nhẫn nhục. Tính khí có phần nông nổi, hay thất vọng, hay khoe khoang, thích bề ngoài, ưa hư danh, thích cờ bạc. Tính yêu chuộng hòa bình, biết hy sinh vì đại nghĩa. Đầu óc sáng tạo thì ít, song bắt chước, làm theo, dung hợp thì rất tài. Người VN trọng lễ giáo, hay bài bát, chế nhạo.

Sự sáng tạo lớn, duy nhất là phát kiến nghề nông nghiệp lúa nước, từ nền văn hóa Đông Sơn, nghề ruộng rẫy, biết dùng cuốc xuổng, dần dần biết dùng cày bừa, biết lợi dụng nước sông để tưới ruộng lúa. Họ biết sử dụng cung tên làm vũ khí, tên thì mũi bịt đồng và tẩm thuốc độc.

Ngày xưa, người VN có tục xăm mình, đến đời Trần mới bỏ, họ đã búi tóc, chít khăn, ăn trầu, nhuộm răng và dùng quần áo, gày bên tay trái (tả niệm).

Không rõ về phong tục và tôn giáo lúc ban đầu, nhưng chắc tôn giáo có quan hệ mật thiết với nông nghiệp mà thể hiện rõ ràng nhứt là đối với các lễ hội mùa xuân. Nhân các lễ hội ấy, trai gái gặp nhau, hát xướng, chọc ghẹo nhau.

Xã hội tổ chức theo chế độ phong kiến, thôn ấp có Lạc tướng, Lạc hầu cai quản, tất cả đều phục tùng một vị bá chủ là Lạc vương. Đến đầu kỷ nguyên Tây lịch, chế độ phong kiến bắt đầu biến đổi theo văn hóa Trung Quốc.

Ta cần nghiên cứu lịch sử tiến hóa của dân tộc từ đầu cho đến ngày nay.

Lịch sử tiến hóa của dân tộc VN

Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua ở nước Văn Lang, xưng là Lạc vương. Các Lạc vương họ là Hồng Bàng. Họ Hồng Bàng kế tục truyền ngôi cho nhau qua 18 thời đại, mỗi thời đại có nhiều vị vua, cho đến năm 257, thì nước Văn Lang bị vua nước Thục (nước láng giềng) là An Dương Vương chiếm cứ và đổi tên nước lại là Âu Lạc. Đến năm 207, nước Âu Lạc lại bị Triệu Đà chiếm, lâp thành một nước là Nam Việt.

Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán chiếm nhà Triệu, nước Nam Việt lệ thuộc Trung Hoa, đổi tên là Giao Chỉ bộ.

Đời Thục và Triệu, nước ta tuy bên trên có đổi kẻ cai trị, các Lạc hầu, Lạc tướng vẫn giữ nguyên quyền thế tập.

Trong các đồ dùng thời kỳ này, có trống đồng, gốc từ miền Bắc nước ta.

Tích Quang muốn sử dụng người bản xứ để làm quan cấp thấp cùng làm lính thường trú, số người thoát ly phạm vi phong kiến ngày càng nhiều, thì tình thế có biến đổi. Lạc hầu, Lạc tướng quyền thế bị mất nên tỏ ra bất bình, nhưng vẫn còn yên lặng, chưa dám hoạt động. Tô Định là người bạo ngược, dùng thủ đoạn khủng bố, giết Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc, con tướng Mê Linh (tỉnh Phúc Yên). Trưng Trắc, chồng bị giết, quyết chí “trả thù cho chồng, rửa hận cho nước”.

Trưng Trắc, Trưng Nhị giữ được nền độc lập nước ta không? Tương quan lực lượng của hai bà chỉ hạn chế trong vùng Châu Diên, Mê Linh, có lan ra ở nhiều ấp lân cận, với quan hệ nội ngoại, hay các quan hệ xa gần khác, chứ các Lạc hầu, Lạc tướng khác đều hoan hỷ chấp nhân hai bà là thủ lỉnh! Thân nhân: gồm bà con thân thích, anh em, rồi rộng ra là lân bang là khối đoàn kết thành lực lượng đánh giặc đương nhiên. Mặt khác, xã hội lúc ấy vốn là xã hội phong kiến, không thống nhất, không thể xây dựng khối đoàn kết to lớn và lâu dài, cho nên với quyết tâm ban đầu nguội dần, Mã Viện kéo đến, thế quân rất mạnh, đánh rất gấp, hai chị em phải bại trận, nhảy xuống Hát Giang tự trầm.

Mã Viện, từ chế độ phong kiến cũ, chuyển sang chế độ quận huyện như ở Trung Quốc (lúc đó là triều Hán), chi phối được bên trên, còn ở tổng, làng có lẽ còn giữ nguyên quyền thế tập trước, như ở Thanh Hóa, Hòa Bình. Số quan lại này cùng với các trú nhân Trung Quốc dần dần lập nên một lớp quý tộc mới để cai trị.

Việc du nhập văn hóa Trung Quốc vào VN, từ nay về sau không còn trở ngại gì nữa, cuộc chinh phục Nam tiến (thế kỷ 10): lễ nghi, học thuật, văn tự, nghệ thuật, tôn giáo, chế độ gia tộc, chính trị, xã hội… đều theo văn hóa Trung Hoa. Tên dòng họ, có thể bắt chước từ phía Nam Trung Quốc, thuộc Bách Việt cũ, để đặt cho dòng họ VN.

Lúc ấy, Chiêm Thành, từ Hoành Sơn vào, dân tộc rất hiếu chiến và dũng mãnh, song do thế yếu nên họ phải lui dần.

Sau Bà Trưng có những cuộc khởi nghĩa khác như của Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Hắc Đế. Đến năm 939, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, tiếp sau là loạn Nhị thập sứ quân, cho đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn mới thống nhất đất nước gồm Bách Việt và Bắc Trung Việt, đến Hoành Sơn, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Thời Đinh, tên dòng họ mới được sử dụng phổ biến, như Thập nhị sứ quân ai cũng đều có họ cả.

Năm 980, Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh làm vua xưng là Lê Đại Hành, đánh phá quân nhà Tống sang xâm lấn, rồi quay lại đánh Chiêm Thành vì vua nước này bắt giam sứ giả VN. Vua Lê Đại Hành thân chinh chiếm được Địa Lý (tỉnh Quảng Bình nay), phá kinh đô Trà Kiệu bây giờ, sau vua Lê Đại Hành trả châu Đại Lý lại, nhưng kinh đô Chiêm Thành buộc phải dời vào thành Phật Thệ, tức Bình Định nay. Đó là cuộc thắng lợi lần thứ nhất của VN đối với Chiêm Thành, trên đường Nam tiến!

Năm 1044, vua Thái Tôn nhà Lý thân chinh đánh Chiêm Thành vì họ hay quấy nhiểu biên thùy, chiếm thành Phật Thệ, bắt voi ngựa, của cải và bắt 5.000 người Chiêm Thành đem về khai hoang đất Nghệ An và hòa hợp với dân Việt trên địa bàn này. Năm 1068, vua Lý Thánh Tôn lại đại thắng quân Chiêm, phá hủy kinh đô và bắt vua phải cắt đất ba châu là Địa Lý, Bố Chánh (huyện Bố Trạch nay) và Ma Linh (bắc Quảng Trị) và cho người VN vào khai khẩn các châu ấy. Với 5.000 người sống chung, sự đồng hóa với khối người Chiêm Thành tất yếu sẽ xảy ra, sự lai giống của quá trình Nam tiến đang diễn ra.

Năm 1306, Chế Mân lại cắt hai châu Ô và Rí cho vua Trần Anh Tôn để làm lễ cưới, con là Chế Chí muốn thu phục hai châu đó lại, nên vua Trần sai quân đi đánh và buộc Chiêm Thành thần phục (1312).

Sau Chế Bồng Nga, nhân Việt Nam suy nhược, tiến đánh Thăng Long, song nửa đường trúng đạn chết,.

Năm 1402, Hồ Quy Ly sai quân đánh Chiêm Thành, thu được các xứ Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi), Quý Ly chia miền ấy ra làm châu Thăng, châu Hoa, châu Tư và châu Nghĩa và cho dân nghèo vào ở, khai khẩn, còn người Chiêm thì bỏ di vào trong.

Năm 1414, nước VN bị nhà Minh chinh phục.

Khi Lê Lợi khôi phục được nền độc lập thì lo giao hảo với Chiêm Thành ngay, nhưng quân Chiêm vẫn quấy nhiễu. Vua Lê Thánh Tôn vào đánh và tạo thế lực vào phía nam Đèo Cả (Khánh Hòa).

Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chúa Nguyễn ở miền Nam tiếp tục sự nghiệp nam tiến, để cho người Chiêm vài huyện và chiếm vùng Nam Việt của người Khơmer.

Đào Duy Anh ghi: “Người VN, trước khi ở miền Trung châu Bắc Việt và các miền Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đất đai thì có hạn mà dân số một ngày một nhiều, cho nên sự thế bắt phải mở thêm bờ cõi”.

Do nhiều nguyên nhân, cuộc Nam tiến tiếp tục triển khai. Dân rủ nhau vào làm ruộng ở Mô Xoài (Bà Rịa và Đồng Nai). Chúa Hiền Vương can thiệp vào đất Chân Lạp, bắt vua triều cống và buộc nhường đất Mô Xoài và Đồng Nai.

Lúc này, Hiền Vương lại cho những người Minh chống nhà Thanh, bỏ trốn sang VN vào khai khẩn đất Đông Phổ, lúc này lấy tên là Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), rồi chiêu mộ dân từ Hoành Sơn trở vào lập them thôn xã. Mạc Cửu, cũng không chịu phục nhà Thanh bỏ sang đất Sài Mạt nước Chân Lạp. Năm 1708, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn và được phong chức Tổng binh giữ đất này. Khi Võ Vương mất, thì toàn địa phận Nam Việt ngày nay thuộc chúa Nguyễn cả.

Khi Trương Phúc Loan làm phụ chính,là người tham lam tàn ác, dân oán giận, ba anh em Tây Sơn hiệu triệu nhân dân khởi nghĩa đánh Quy Nhơn (1772), phía Bắc, quân Trịnh đem quân vào đánh Phú Xuân, khiến chúa Nguyễn phải chạy vào Gia Định. Quân Tây Sơn chiếm Quy Nhơn, Quảng Nam, rồi tiến quân vào đánh chúa Nguyễn ở Gia Định, chiếm Sài Gòn (1776).  Mười năm sau, Tây Sơn thu được ba miền Trung, Nam, Bắc. Nguyễn Huệ là người anh hùng nhất trong ba anh em mất, cơ nghiệp của nhà Tây Sơn có nhiều thay đổi. Bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Ánh đã thu hồi được đất Gia Định, nhờ giám mục Pháp là Bá Đa Lộc làm quân sự và nhiều võ quan Pháp giúp, Nguyễn Phúc Ánh lấy lại thành Quy Nhơn, Trung Việt và thành Thăng Long, thống nhất đất nước, lấy tên nước là VN đến ngày nay.

Giá trị tinh thần dòng họ VN

GS Trần Văn Giàu cho rằng giá trị tinh thần của dân tộc VN gồm: Yêu nước - Cần cù - Anh hùng - Sáng tạo - Yêu người - Vì nghĩa và Đảng CS VN cũng nêu: Yêu nước - Nhân ái - Nghĩa tình - Trung thực - Đoàn kết - Cần cù - Sáng tạo. Nêu lên những cái tốt, ưu việt VN.

Về nguồn nhân lực xét trên lĩnh vực “kinh tế sinh hoạt” như Đào Duy Anh đã ghi trong sách “Việt Nam Văn hóa sử cương”, đại khái như sau: Nông nghiệp, thoạt tiên là làm ruộng bằng cuốc đá trau, cho phép cày ruộng bằng trâu. Có lẽ lúc đầu dân ta cũng biết làm ruộng hai mùa, biết lợi dụng nước sông để đem nước vào ruộng… Thực tế, dân tộc ta đã biết chuyên nghề nông từ thời thượng cổ, sau học Trung Quốc mới biết cày bừa và làm đồ dùng bằng sắt.

Nông nghiệp phát triển rất sớm, song sách “việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh ghi: “Ta không thể thuật rõ cái lịch sử phát đạt của nông nghiệp để xem con đường tiến triển của nó để kinh qua tới trình độ ngày nay”. Như vậy kinh nghiệm vô danh của nhà nông “không có chi chép trong lịch sử” (sách đã dẫn). Nông ngiệp, nghề nông xét bên ngoài là đơn giản, chất phát, kỳ thật nó rất tinh tế, phù họp hoàn cảnh đất đai; đây là một cuộc lao động kiên trì, nhẫn nại, vất vả. Việc cải tạo nền nông nghiệp này là phức tạp: bỏ cũ làm mới, song mới đó phải thích hợp, như giống lúa mới, phân hữu cơ, cách thu hoạch hiện đại. Những vấn đề sinh tử của dân tộc là thuộc về nông nghiệp, như sự chiếm hữu ruộng đất, thủy lợi, đắp đê xây đập. Xưa có chế độ quân điền, khẩn hoang, hộ đê, trọng nông khinh thương.

Phương pháp canh tác của dân quê ta rất tinh tế, thích hợp với thổ nghi cùng hoàn cảnh: giống lúa có rất nhiều thứ (xưa đã có khoảng 300 giống lúa, mỗi giống có tính chất riêng, tùy mùa, tùy đất mà cấy, có lúa muộn, lúa sớm, có lúa nước mặn, lúa nước lụt, lúa đồng cạn, lúa đồng sâu… Phép cấy cũng tùy mùa, tùy đất, cấy dày cấy thưa, khóm to khóm nhỏ để tiết kiệm giống, dễ mọc. Cấy mùa trước phải tính mùa sau, cấy ba mùa vụ. Phép đúc ruộng, vặt mạ càng tinh xảo hơn, nhất là cách trang mắt mương để trời mưa khỏi trôi giống, tránh nước đọng. Miền Bắc lớp đất ở dưới sâu, không tốt, nên cày cạn; Trung bộ thì cày sâu nên cày to lưỡi to. Có nơi, Nam định, Thái Bình xưa, sau tháng 10, người ta cày rồi xếp đất lát cày thành từng đống để phơi, làm thế đất tốt hơn.

Dùng phân để bồi bổ cho đất: phân súc vật, dùng tất cả chất hữu cơ, dùng bèo, rong, bùn, đá vôi, muối làm cho đất tốt hay đổi tính chất của đất. Nước ta, ngày xưa cũng có hội nông dân để thi heo lớn, thi xôi nếp ngon, làm phân bón ruộng.

Về thủy lợi, nước Xăn Lang xưa biết lợi dụng nước sông lên để đem nước vào ruộng. Lúa luôn cần nước, vì vậy, từ thời thượng cổ, dân ta phải hết sức chăm lo thủy lợi. Đây là một cuộc đấu tranh kiên cường và không ngừng với thiên nhiên, có liên quan tới sinh mạng của dân tộc. Cho nên nhân dân và nhà nước cùng làm bao đời: Lo ngăn nước lụt sông lớn, đem nước vào ruộng cao, tháo nước ở những miền trũng thấp và ngăn nước mặn tràn vào…

Ngày nay, ở hai bên châu thổ sông Hồng ta thấy hệ thống đê điều gia cố vững chắc, phủ khắp. Đê điều hình thành do sông Hồng vừa là nguồn phù sa bồi đắp vừa là mối họa gây lụt lội. Đối với nạn nước lụt và biển tràn, đê là biện pháp chính yếu. Sách “Quân Quốc Chí” chép: “Quân Giao Chỉ ở phía Tây Bắc huyện Long Biên (Hà Nội nay) có đê để giữ nước sông”.

Đời Đường, Cao Biền đắp đê thành Đại La (Thăng Long), đời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) đắp đê Cơ Xá, vua Trần Thái Tôn (1244 - 1258) đắp đê hai bờ sông Hồng và đặt quan Hà Đê để coi sóc đê điều. Vua Gia Long, mới lên ngôi đã lo trị thủy, các đời vua sau có tới năm, bảy lần hội nghị về việc đê điều, phải hỏi dân để trưng cầu ý kiến. Người thì bàn giữ đê, người thì bàn phá đê, người thì chủ trương đào thêm sông mới, rốt cuộc triều đình chủ trương đắp thêm đê, song không vững vàng, không đủ sức chống lại lụt to, nạn vỡ đê xảy ra luôn. Ngày nay, ta có chủ trương đắp đê cao hơn mực nước lên cao nhứt, mặt đê phải rộng ra hơn 7 mét. Đối với 2.000 km, thì việc duy trì như vậy không là việc dễ dàng.

Ngày xưa việc hộ đê, dắp đê là công ích, dân phu phải đi hộ đê.

Về việc dẫn thủy: Ruộng lúa cần phải luôn có nước, từ thượng cổ dân ta đã tìm cách đem nước vào ruộng, cách làm đầu tiên là gì không biết, song chắc rằng cách tát nước là thông dụng. Ở những nơi, mặt nước không thấp hơn mặt ruộng, người ta dùng gàu kéo hay gàu sòng. Nếu phải tát nước lên ruộng cao, người ta dùng gàu giai với hai người tát. Xưa, để tát được một mẫu ruộng cao, nước phải tát lên nhiều nấc, công phải mất hơn tám ngày rưỡi. Ở Trung, người ta dùng xe đạp nước, mỗi bực mỗi cái.

Đây là việc làm nặng nhọc, phải làm ban đêm, nhất là những đêm trăng.

Ở nhiều miền, người ta dùng một thứ bánh xe nước, chạy bằng sức nước dòng sông, như ở Quảng Ngãi, có bánh xe nước đường kính đến 10 hay 12 mét. Người ta đắp đập ngang sông, cho nước chảy mạnh hơn, rồi đặt bánh xe nước ở giũa sông, xung quanh bánh xe, cột những ống tre để múc nước rồi đổ vào một cái máng để dẫn nước đi.

Việc đào sông khơi ngòi để lấy nước vào ruộng, các vua xưa vẫn làm, thời Pháp khuếch trương mạnh hơn, đào nhiều sông, lập cửa nước để ngăn mặn. Ở Nam bộ, việc trọng yếu là khơi dòng tháo nước.

Thời Nguyễn, khoảng 1890 - 1900, mỗi năm lượng đất khơi sông đến 824.000 mét khối, ruộng ở phía Nam, năm 1880 mới có 400.000 mẫu Tây, mà đến nay (1938) đã cò trên 2 triệu mẫu!.

Chính sách canh nông. Đây là bản nghiệp của nhân dân và của nhà nước, cho nên nhà nước lúc nào cũng ban hành chính sách trọng nông. Lịch triều có sắc khuyến nông, lo việc đê điều và thủy lợi. Năm mất mùa, miễn hay giảm thuế, thỉnh thoảng, dùng phép hạn điền và “quân điền”, để quyền sở hữu khỏi chênh lệch nhiều. Đời Trần, các vị tôn thất thường sai người ra lắp biển quay đê, khai khẩn thành ruộng tư trang.

* Gia phả học Việt Nam (kỳ 1) - Gia phả học là một môn khoa học 

Võ Ngọc An
(Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ, Giám đốc TT NC&THGP TP.HCM)

(GP: 9-9-2020)