Trang chủ > Họp mặt truyền thống & công bố sách lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh

Họp mặt truyền thống & công bố sách lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh

25/12/2023 19:25:31

Ngày 24/12/2023, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023), Ban nhân dân ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi tổ chức Lễ họp mặt tryền thống và công bố, phát hành sách “Lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh qua các gia đình, dòng họ”.

Sách do nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Bền (chủ biên), Ngô Trung Kiên, Ngô Văn Cơ thực hiện

Đến dự lễ có hơn 100 người gồm 15/29 dòng họ, thân nhân các gia đình anh hùng, liệt sĩ, con cháu các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 30 nam nữ cán bộ cách mạng lão thành, đồng chí Huỳnh Văn Tú, Ban văn hóa thông tin, Hội Phụ nữ huyện Củ Chi, đồng chí Bùi Minh Phụng, Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng, đông đảo nam nữ thanh niên của ấp và Ban Biên soạn sách.

Đồng chí Nguyễn Văn Gọi, Bí thư, Trưởng ban ấp, Trưởng ban tổ chức lễ đọc Lời khai mạc, cảm ơn các đại diện huyện Củ Chi, xã Trung Lập Thượng và bà con cô bác anh chị của ấp đến dự khá đông đủ.

Nhà báo Nguyễn Thanh Bền (chủ biên sách) báo cáo sự hình thành, hoạt động nghiệp vụ sưu tầm, khai thác đặc điểm của sách. Ông Ngô Trung Kiên (đồng tác giả, nhà tài trợ) kể lại những thuận lợi, khó khăn suốt 5 năm để hoàn thành cuốn sách. 

Tác giả Nguyễn Thanh Bền tại buổi ra mắt sách

Sau đây là lời cảm nhận của nhà báo Nguyễn Thanh Bền:

Trang trọng kính thưa: Ông và Bà Tổ Ngô Văn Vui, Tiền hiền khai khẩn ấp Ông Vui, nay là Trung Hiệp Thạnh;

Kính thưa: Các anh hùng liệt sĩ của 27 dòng họ của ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi và nhiều địa phương khác đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất trọng điểm nầy;

Kính thưa: Quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tất cả cán bộ Dân Chánh Đảng, tất cả ông bà, cô bác, anh chị em - mỗi người dân là một chiến sĩ (có nhiều vị đã qua đời), có nhiều người không có mặt ở đây vì thương tật, đau yếu;

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo huyện Củ Chi, xã Trung Lập Thượng, ấp Trung Hiệp Thạnh anh hùng.

Kính thưa quý vị,

1. Ngay từ đầu sách với Lời giới thiệu của Giáo sư Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Xưa nay biên soạn sử học ít ai chú ý đến dân tình cơ sở tại một ấp, một xóm. Người dân một ấp, một xóm ít được biết đến, hiếm được các nhà nghiên cứu nghĩ đến họ, nghiên cứu vùng sinh sống của họ, vinh danh các dòng họ, gia đình cá nhân đã đóng góp cho sự phát triển xóm làng, cho sự nghiệp bảo vệ xóm làng an khang thịnh vượng”.

Tôi là phóng viên nhà báo cơ quan Thông tấn xã Giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Hàng ngày theo dõi tin tức cả nước và nhất là miền Nam, tôi đã mến mộ và kính trọng quê hương Đất thép Thành đồng Củ Chi từ trong khói lửa. Các đồng nghiệp của tôi như Nguyễn Hồ đã viết về Đội nữ du kích Củ Chi, sau này Diệp Hồng Phương viết sách về Vùng trọng điểm Trung Lập Thượng, ca ngợi người nữ anh hùng Huỳnh Thị Phước. Tôi cũng đã viết bài đăng báo Sài Gòn Giải phóng về liệt sĩ thiếu niên anh hùng Trần Văn Chẫm xã Phước Vĩnh An. Vả lại, huyện Củ Chi đã có sách Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Củ Chi (1930 - 1975), xã Trung Lập Thượng cũng có sách Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Trung Lập Thượng (1930 - 2010).

Tôi coi việc viết sách như là một việc trả ơn bà con mình ở Củ Chi. Tôi muốn viết nhưng còn chút phân vân, suy nghĩ. Tôi thấy những sách báo đã có, chủ yếu ca ngợi về truyền thống cách mạng kiên cường, phần lớn của tập thể, với những chiến công mà chưa đi sâu vào mảng gia đình dòng họ, tính nhân dân những anh hùng thầm lặng của các gia đình dòng họ - “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do Đảng lãnh đạo” (Các Mác) - Tôi quen thân với anh Ngô Trung Kiên đã mười mấy năm nay, từ lúc làm gia phả họ Ngô (bên nội) và họ Nguyễn (bên ngoại) của anh. Anh động viên và hứa sẽ giúp sức tôi. Bữa gặp mặt chánh thức tại nhà anh Kiên, có anh Nguyễn Văn Gọi, Bí thư, Trưởng ban ấp Trung Hiệp Thạnh, anh Đoàn Văn Luận, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng và vài người quen khác, các anh đều đồng tình ủng hộ việc viết cuốn sách nầy.

2. Vậy rồi từ đầu năm 2017 đến 2019, tôi miệt mài làm việc. sáng sớm theo xe công nhân lên Củ Chi, ăn ngủ tại nhà anh Ngô Trung Kiên hai, ba ngày mới theo xe về. Lúc đầu có người hướng dẫn đưa đến những người quen, sau biết đường tôi tự lái xe đi một mình như đi đến những người thân trong gia đình để ghi chép, chụp ảnh. Đến năm 2020, bản thảo cơ bản hình thành. Đại dịch Covid-19 kéo dài phải ngừng lại 2 năm. Ngày 15/10/2022, anh Ngô Trung Kiên họp bà con và đại diện chánh quyền ấp đến xem và góp ý bản thảo, và sửa chữa bổ sung nhiều lần với Nhà xuất bản.

Thời chiến tranh, ấp Ông Vui (sau là Trung Hiệp Thạnh) có diện tích khiêm tốn khoảng 200ha, với khoảng 700 hộ dân với 27 dòng họ, đã có 113 liệt sĩ (trong đó họ Nguyễn: 25 liệt sĩ, họ Phạm: 12 liệt sĩ, họ Lê: 6 liệt sĩ, họ Ngô: 6 liệt sĩ, họ Đào: 5 liệt sĩ, họ Phan: 3 liệt sĩ) với 29 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 30 người dân tử nạn chiến tranh, hàng trăm người thương binh, thương tật. Tỷ lệ khá cao trong một ấp; 41 nam nữ nông dân trong ấp được Nhà nước khen tặng Huân chương Kháng chiến, được hưởng chánh sách của Nhà nước.

Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn

Máu liệt sĩ (nhân dân) chảy tràn sông suối!

3. Sau ngày hòa bình, “hoa hồng” lại đỏ thắm bên cạnh hố bom. Đi đôi với việc khẩn trương khắc phục hậu quả của chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, bà con ta quan tâm đặc biệt đến giáo dục. Kết quả con cháu các dòng họ ấp Trung Hiệp Thạnh thành đạt vượt bậc: 43 nam nữ thanh niên đã tốt nghiệp các trường Đại học ở TP.HCM, trong đó có 13 là cấp tá công an, cảnh sát; có 1 Đại tá Trưởng công an quận 8; có 1 Đại tá quân đội ở Quân khu 7 đã làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ và quê hương. Đặc biệt tri ân những liệt sĩ, đồng thời tiếp nối sự nghiệp vinh quang các bậc tiền bối.

Kính thưa ông bà, cô bác, anh chị vô cùng kính yêu, quý trọng,

Lúc đầu bắt tay viết cuốn sách tình nghĩa này, chúng tôi có thể coi đây là việc làm để trả ơn bà con cô bác. Nhưng nay sách đã xong, chúng tôi càng thấu hiểu sâu xa hơn nên thấy “sự trả ơn” này chưa thấm vào đâu so với ân tình trọng đại rất thiêng liêng này của bà con cô bác, nên chúng tôi không bao giờ “trả ơn nổi”, chỉ dám xin cúi đầu ngàn lần bái phục, bái phục mảnh đất và con người anh hùng; 

Sau này, khi bà con, cô bác, anh chị em xem lại cuốn sách “Lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh qua các gia đình dòng họ” là kỷ vật còn nhớ lại Nguyễn Thanh Bền là quý lắm rồi!

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng Đất Thép Thành Đồng, ngày nay những người không phải ở Củ Chi có thể tự hào nghĩ rặng, chất “THÉP” của Củ Chi thật là loại “thép không rỉ”, càng ngày càng sáng!

Nhà báo Nguyễn Thanh Bền ký tên và tặng sách cho số đại biểu gia đình, dòng họ.

Đồng chí Bùi Minh Phụng, Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng phát biểu đánh giá:

Hôm nay, ấp Trung Hiệp Thạnh ra mắt sách “Lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh qua các gia đình, dòng họ”, đây là tâm huyết nhiều năm của các bậc lão thành cách mạng, người con ưu tú trên địa bàn ấp, thông qua đó góp phần giúp cho người dân, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu hơn về quá trình lịch sử hình thành, về những chiến công hiển hách, về những tiền nhân đã mở lối khai hoang, về những dòng họ, những người anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương, chiến đấu cho hòa bình, độc lập và những nỗi đau, sự hy sinh các Mẹ Việt Nam anh hùng cho mảnh đất thiêng liêng này; về hình ảnh người nhân dân kiên cường, giữ đất, bám làng làm cho mảnh đất lửa ngày nào nay đã nở hoa ngày càng tươi đẹp. Đặc biệt hoa hồng của Trung Hiệp Thạnh, Trung Lập Thượng, Củ Chi ngày càng thắm tuơi hơn vì thấm máu bao liệt sĩ anh hùng.

Tất cả những hình ảnh đó đã, đang và sẽ là những bài học quý báu góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ: về ý chí kiên cường, bất khuất, luôn hướng về phía trước. Thắp lên ngọn lửa hoài bão, khát vọng xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, hiện đại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đất thép Củ Chi cho Trung Lập Thượng anh hùng. Trong lòng xã Trung Lập Thượng có ấp Trung Hiệp Thạnh kiên cường.

Thay mặt Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Lập Thượng xin gửi lời chúc mừng đến các báo lão thành cách mạng và bà con nhân dân ấp Trung Hiệp Thạnh.

Cảm ơn các ông Nguyễn Thanh Bền (chủ biên), ông Ngô Trung Kiên, ông Ngô Văn Cơ và các ông, bà tham gia trong quá trình thực hiện biên soạn sách “Lược sử ấp Trung Hiệp Thạnh qua các gia đình, dòng họ”.

Kinh chúc quý đồng chí lão thành cách mạng, quý đại biểu thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, quý hương thân, phụ lão và Nhân dân ấp Trung Hiệp Thạnh luôn đoàn kết một lòng, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công.

Chúc cho ấp Trung Hiệp Thạnh chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn, đoàn kết, ấm no, nghĩa tình.

NGUYỄN THANH BỀN