Trang chủ > Phong trào nữ quyền trong xã hội Việt Nam thời cổ đại

Phong trào nữ quyền trong xã hội Việt Nam thời cổ đại

16/05/2023 11:47:53

Tham luận của PGS-TS Mạc Đường, Chủ tịch Hội đồng Viện Lịch sử Dòng họ viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh. 

PGS-TS Mạc Đường (đứng giữa)

(Từ Tổng khởi nghĩa chống chế độ thuộc địa Đông  Hán của Hai Bà Trưng (40-43 công nguyên)  đến khởi nghĩa địa phương của Bà Triệu (226-248 cn) đánh đổ chính quyền thực dân địa phương Đông Ngô ở quận Cửu Chân).

Trong thư mục xã hội học, dân tộc học. sử học mà tác giả có cơ may tiếp cận sơ bộ được từ năm 1980 cho đến nay, đã nổi lên một trong những sự kiện (events) bàn luận  khá rộng rãi khiến tác giả quan tâm : đó là sự bàn luận về phong trào nữ quyền (women’s movement ) và nội dung của giáo trình đại học về môn phụ nữ học (textbook of Women Learn).

Trong đó, vấn đề phụ nữ tham gia chính quyền và làm lãnh đạo xã hội là một vấn đề thảo luận có nhiều  ý kiến trái ngược nhau về vị trí và chức năng của phụ nữ  mà họ gọi là “women’s Lib” tức “Liberation of women”( giải phóng phụ nữ). Đặc biệt là ý kiến về địa điểm mở đầu cho phong trào nữ quyền Hai Bà Trưng ở Việt Nam.

Ngày nay, tưởng như vấn đề ấy đã được giải quyết. Bởi vì. nhiều vị trí lãnh đạo quốc gia, đảng chính trị, doanh nghiệp, hội trí thức, nghề nghiệp, từ thiện, nhiều tập đoàn công ty… đều đã có phụ nữ làm lãnh đạo.

Thế nhưng, trong  phạm vi toàn cầu hiện nay, vấn đề giải phóng phụ nữ và nữ quyền trong xã hội đương đại vẫn còn là sự kiện nóng bỏng mà trên lĩnh vực xã hội học, kinh tế học, nhân học và sử học còn có nhiều bài nghiên cứu đa chiều được công bố.

Ở Việt Nam, vấn đề giài phóng phụ nữ và nữ quyền có những đặc trưng hiếm thấy so với trong xã hội toàn cầu. Đặc trưng hiếm thấy ấy đã nhận thấy được ngay trong thập kỷ đầu công nguyên gắn liền với đất Mê Linh và hệ thống tín ngưỡng tâm linh thuần Việt mà tác giả bài viết này sẽ đề cập đến.

I. Xã hội vùng đất Việt Nam hiện nay trong thời cổ đại

Nước Lạc Việt của dân tộc Việt và nối tiếp theo là nước Âu Lạc của dân tộc Tây Âu và Lạc Việt là nằm trong lãnh thổ của nước Cộng Hòa Xã Hội chù nghĩa Việt Nam hiện nay (1).  Lạc Việt và Tây Âu là một cộng đồng bộ tộc (tribu) bao gồm hai cộng đồng bộ lạc (clan) liên minh với nhau. Dân tộc (ethnos) Âu-Việt ra đời, bộ máy quản lý xã hội liên minh bộ lạc xuất hiện để sau đó tạo nên một nhà  nước sơ khai có  kinh đô và quân đội, thành quách bảo vệ ở lưu vực sông Hồng Hà - đó là nhà nước Văn Lang và kinh đô Cổ Loa của người Âu - Việt trong xã hội cổ đại Lạc Việt.

Đây là quan điểm thống nhất của giới sử học Việt Nam xưa nay, nó phủ nhận một quan điềm gần đây của nước ngoải cho rằng, đất Lạc Việt, người Lạc Việt, Hai Bà Trưng.., đều thuộc về và đã trải nghiệm trên lãnh địa nước CHND Trung Hoa hiện nay (vùng Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông).Những sử liệu cơ bản trên lãnh thổ Việt Nam nói trên, mặc nhiên hiểu thành quyền lịch sử của phía nước láng giềng (!).

Theo nhiều tài liệu xưa nay, trong đó có tư liệu thành văn từ thơ ngũ bát của nhà cách mạng, nhà văn hóa thế giới Hồ Chí Minh đã khẳng định . lịch sử người Việt Nam dài hơn 4000 năm lịch sử. Năm 1941,tại vùng núi cao Pắc Bó ở Cao Bằng, Người đã hoàn thành tập diễn ca bằng thơ lục bát “Lịch Sử Việt Nam” dài 208 câu, trong đó có đoạn:

                              “Kể năm hơn bốn nghìn năm.

                             Tổ tiên rực rỡ,anh em thuận hòa.

                                Hồng Bàng là tổ nước ta.

                             Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang (2).  

Hơn hai thập kỷ sau, vào những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát và khai quật được 3 di chỉ khảo cổ học quan trọng : Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở vùng trung du đồi núi thấp thuộc tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ của Việt Nam và  cách ngày nay 4.000 năm lịch sử, nằm trong văn hóa  thời đại đồ đồng. « Chính vào thời kỳ đồng thau với giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun là thời kỳ xuất hiện nhà nước Văn Lang của bộ tộc  Hùng Vương với 15 bộ lạc liên kết nhau trong nền văn minh sông Hồng ở Việt Nam thời cổ đại.   ». (3)

Tổ tiên các dân tộc Lạc Việt, nay là người Việt, Mường, Chứt và các nhóm dân tộc nói tiếng Việt Mường khác đều có những yếu tố chung về một huyết thống, một thủy tổ bản địa (indigenous organizator) bản theo truyền thuyết và cùng chung một ngữ hệ. Họ cư trú tập trung ở vùng trung du Bắc bộ, những thung lũng hẹp nằm trong những dãy núi đá vôi tỉnh Ninh Bình và miền Bắc Trung Bộ.

Tổ tiên của dân tộc Tây Âu, nay là người Tày, Nùng, Thái, Pugiấy và các nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Tày-Nùng-Thái khác tập trung cư trú ở các vùng thung lũng của miền núi đồi Việt Bắc và Tây Bắc. Họ có những yếu tố chung về huyết thống, có chung một thủy tổ và ngôn ngữ.

Các cộng đồng dân tộc bộ lạc nói trên, cách đây hơn 4.000 năm đã cùng chung sống và khai khẩn đất hoang thành đất nông nghiệp, lập nên các tổ chức quản lý bộ lạc và nhà nước tiền sơ khai liên minh Âu- Lạc và nhà nước bộ tộc (tribu) Văn Lang (Văn Lang tribu state) đa thành phần dân tộc (multination) vào hơn 4.000 nghìn năm trước công nguyên. Nhà nước Văn Lang của liên minh dân tộc ở vùng bồn địa (basin) sông Hồng, sông Đà, sông Mã phát triển rất nhanh văn hóa của 15 bộ lạc và tạo nên toàn cảnh phát triển của nền văn minh sông Hồng trong thời cổ đại.

Văn minh sông Hồng là một trong những nền văn minh Đông Nam Á của những cư dân trồng lúa nước, sinh sống bằng nghề săn bắt hải sản ven biển và hải đảo, thành thạo đánh cá ven sông, đan lát mây tre, tín ngưỡng thần đất, thần sông, thần rắn, thần hổ, thần nghê, thần cổ thụ, thần đá. Đỉnh cao của văn hóa đồ đồng Đông Nam Á là văn hóa trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam và hệ thống nhạc cụ đa dạng bằng đồng và tre của cư dân Sumatra (Indonesia) và các dân tộc Tây Nguyên (Việt Nam). 

Tính đồng chủng của cư dân Đông Nam Á là rất lớn, mặc dù có những đặc thù rõ nét. Theo các nhà nhân chủng học nổi tiếng trên thế giới (N.N.Trêbốcxarop- xô viết - Carleton S. Coon- Hoa Kỳ và  Nguyễn Đình Khoa - Việt Nam ), trong đó có dân cư cổ đại  của nền văn minh sông Hồng (4). Nhưng, tính nhân chủng giữa người Hán ở lưu vực sông Hoàng Hà (miền Bắc  Trung Quốc) và các dân tộc trồng lúa nước vùng nam sông Dương Tử và các quốc gia Đông Nam Á là khác biệt nhau. Họ là nhóm nhân chủng bản địa có nhiều nét lai chủng với nhóm cư dân bản địa Châu Úc da sẫm màu và tóc quăn, mắt một mí. 

Trong lúc đó, dân tộc Hán trên đất Hoa Hạ miền trung nguyên sông Hoàng Hà được gọi trong thư tịch là dân tộc Trung Hoa phân bố trong nhiều vùng lãnh thổ dân tộc (ethnic territory), thủ lĩnh các bộ lạc tự xưng là « vua », lãnh thổ gọi là « nước, quốc hiệu » (nước Tần, Tấn, Hán, Triệu, Ngụy, Sở, Lỗ, Ngụy, Tề, Chu, Yên, Tống, Hàn...). Cho đến năm 259-210 tr.CN (khi Tần Thủy Hoàng thống nhất các bộ lạc), nước Trung Quốc ngày nay vẫn chưa có quốc hiệu là Trung Hoa.

Tên Trung Hoa xuất hiện lần thứ nhất vào thời Lưu Bang tức Hán Cao Tổ (256-195 tr.CN) định đô ở đất Hoa Hạ thuộc miền trung nguyên lưu vực sông Hoàng Hà. Quốc hiệu Trung Hoa xuất hiện lần thứ 2 do Tôn Văn trong Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 đề ra. Tuy khác nhau về nước, đánh giết nhau quyết liệt đề dành đất, dành dân, dành của cải, nhưng về thành phần dân tộc: tất cả tầng lớp cầm quyền ấy (social elite) đều là Hán tộc.

Người dân lao động trên những ván cờ ăn thua của các tầng lớp ê líp, đa số là người Hán, đã chịu bao cảnh vắt mòn thân xác, bỏ thân nơi chiến trận, chịu cưỡng bức để lập ra những chiến công, những đền đài cung điện cho một lớp e líp xã hội hưởng thụ. Tần Thủy Hoàng - một vị vua đã thống nhất các vua địa phương ở miền Bắc sông Hoàng Hà và cho hàng vạn quân vượt sông Dương Tử chinh phục thành công các vùng bộ tộc Bách Việt ở miền nam sông Dương Tử, trong đó có vùng đất cực nam của dân tộc Lạc Việt - tổ tiên của dân tộc Việt đương đại (chiếm 85 % dân  số Việt Nam hiện nay). 

Theo sử liệu hiện có, viên thủ lĩnh người Hán đưa quân chiếm đất và đồng hóa cưỡng bức cư dân Bách Việt và Lạc Việt là Tần Thủy Hoàng, tên thật là Doanh Chính ( 259-210 tr.Cn ), dân tộc Hán, sinh quán ở tỉnh Hà Nam ngày nay, người đã tiêu diệt 6 nước ( Hàn, Ngụy, Sở, Triệu, Yên, Tề) để lập nên vương triều Tần thống nhất, xây dựng kinh đô ở Hàm Dương, lập nên  nước Tần hùng cường.

Sau khi nước Tần suy tàn vì quá tham lam lãnh thổ của các nước láng giềng anh em, Tần Thủy Hoàng mang bệnh chết lúc tuổi đời 50 trong khi đi kiểm tra đất chiếm được ở phương nam. Lưu Bang, dân tộc Hán, tức Hán Cao Tổ (256- 195 tr.CN), xuất thân là nông dân nghèo, người ở huyện Bái (nay thuộc tỉnh Giang Tô) thay thế vương triêu Tần, xóa nước Tần, lập nên vương triều Tây Hán ở vùng đất có núi Hoa, sông Hạ (lưu vực sông Hán Thủy, chi nhánh sông Hoàng Hà) thuộc miền trung nguyên Hoàng Hà nên đặt quốc hiệu là Trung Hoa của người Hoa Hạ.

Nước Trung Hoa của người Hoa Hạ có lãnh thổ rất hạn hẹp so với hiện nay và 5.000 năm sau mới có một nước Trung Hoa Dân Quốc gọi tắt là Trung Quốc do Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 của Tôn Dật Tiên mang đến mà phương Tây gọi là China (nước Tần). Trung Hoa dân quốc là thuộc địa nhà Thanh có diện tích gần như Trung Quốc hiện đại và được dân tộc Hán giành lại từ tay vương triều Thanh.

Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 11 tr.CN, giặc Ân đã xâm chiếm Lạc Việt và bị Thánh Gióng đẩy lùi về nước. Xã hội Ân - Thương là một xã hội phát triển hùng mạnh của chế độ chiếm hữu nô lệ, có quân đội và chiến khí bằng đồng, có chữ viết giáp cốt, thuyền chiến, kỵ binh, chăn nuôi ngựa và bò yak phát triển... Trong lúc đó, nước Lạc Việt là nước nhỏ mẫu hệ, xã hội còn chậm phát triển, có vật dụng bằng đồng, nhưng chưa có nhiều vũ khí bằng đồng, binh lực còn yếu kém.

Bằng sức mạnh bất khuất chống bạo cường xâm chiếm tổ quán, quê hương của dân tộc, Thánh Gióng đã dùng gươm sắt, ngựa sắt + ý chí bất khuất để chặn đứng dã tâm của nhà Ân vào thời Trụ Vương thối nát (Thọ Tân hoàng đế -1166 đến năm 1134 tr.CN, vua cuối cùng của nhà Ân). Nhà Thương-Ân tồn tại 661 năm và đến vua Trụ là sụp đổ. Ngày nay, con cháu Lạc Việt đều thờ cúng Thánh Gióng ở nhiều nơi, tập trung nhất ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Hà Nam. Nam Định, Ninh Bình... (4).   

Ý chí bất khuất vẫn còn nung nấu, tinh thần chống xâm lược vẫn còn trong lòng người đã khiến cho tướng quân Cao Lổ vả Lữ Gia can ngăn vụ xâm nhập « cưới xin, tình nghĩa » để xâm chiếm đất đai, xóa bỏ nước Âu- Lạc, lập nên quận Giao Chỉ, Giao Châu, Hải Nam.... của nhà Đông Hán ( 25-220 tr.Cn). Đó là câu chuyện về hôn nhân Trọng Thủy - Mỵ Nương và việc tướng nhà Hán Thiếu Quý vốn tư thông với hoàng hậu Cù Thị chủ trương dâng nước Nam Việt cho nhà Hán.

Nước Nam Việt vốn là lãnh thổ của người Âu- Lạc bị tên thực dân người Hán - nguyên là một danh tướng nhà Tần chống Tần Thủy hoàng- chạy xuống đất Bách Việt lập nghiệp là Triệu Đà tự xưng là vua nước Nam Việt của người Lạc Việt khiến ngày nay nhiều du khách vẫn còn có người ngộ nhận Nam Việt và Triệu Đà là « quốc gia cổ », là « vua » của người Việt hiện nay.

Nguy cơ diệt tộc (genocid) đối với các dân tộc nhóm Lạc Việt và Tây Âu đang hiện ra trên đất nước Âu- Lạc vào những thế kỳ đầu công nguyên trên lĩnh vực văn hóa dân tộc là một hiện thực lịch sử. Nguy cơ ấy vừa diễn ra dưới những hoạt động Hán hóa phong tục, tập quán thông qua những tập tục gia đình như cưới xin, mai táng, thờ cúng và những hoạt động xâm chiếm đất đai, gây xung đột vũ trang, lập ra các chế độ chư hầu của nhà Hán mà chế độ thái thú cai trị đất Âu Lạc là một điển hình của chế độ chiếm hữu nước chư hầu cổ Trung Hoa (Tích Quang, Nhâm Diên, Tô Định, Nhâm Ngao, Triệu Đà).

Đó là chế độ dùng sức mạnh buộc nước yếu làm chư hầu theo sự chỉ huy của các tầng lớp «elit» (tầng lớp trên cầm quyền) Hán Tộc, vơ vét tài nguyên làm giàu, nơi giải quyết «nạn nhân mãn» và cưỡng bức dân Hán làm lính đánh trận, người phục vụ chiến tranh «đến đâu ở đó» không được quay về quê hương cùng cha mẹ, vợ con.

Năm 34 sau công nguyên, vương triều Đông Hán dùng danh tướng Tô Định làm thái thú quận Giao Chỉ, lập thủ phủ ở Luy Lâu (nay thuộc đất Bắc Ninh) để cai trị dân Âu-Việt mà dân số đông là dân tộc Lạc Việt, nơi có địa danh Mê Linh và đất đai của nữ tù trưởng bộ lạc nữ quyển Trung Trắc (6).  Thời kỳ này, nước Trung Hoa của người Hán ở vùng Hoa Hạ, trung nguyên sông Hoàng Hà đã trở thành 7 nước (Tần, Ngụy, Hàn, Triệu, Sở, Yên, Tề trong thời Chiến quốc), rồi từ 7 nước mở rộng thành «thập lục quốc» (Hán, Thành Hán, Tiền Lương, Ngụy, Tiền Yên, Tiền Tấn, Hậu Yên, Hậu Tần, Tây Tấn, Hậu Lương, Nam Lương, Tây Lương, Bắc Lương, Nam Yên, Bắc Yên, Hạ. Hồi đầu triều Chu, toàn Trung Quốc ngày nay có 1800 nước, thời Xuân Thu còn hơn 100 nước, quyền hành tập trung ở 14 nước lớn (Tần, Tấn, Sở, Lỗ, Tề, Vệ, Yên, Tào, Tống, Trần, Sái, Trịnh, Ngô, Việt. Quyền lực tập trung mạnh nhất vào 4 cường quốc Tần, Tấn, Tề, Sở (7).  Thời kỳ nhà Tần (221-206 tr CN) là thời kỳ có một nước gọi là Trung Hoa và mãi tới năm 1911 một nước Trung Hoa thuộc địa của nhà Thanh rộng lớn như ngày nay đã được Cách Mạng 1911 dành lại, nay thường gọi là Trung Quốc.Nước Trung Quốc ngày nay không phải là một dân tộc (nation) thống nhất trong lịch sử và càng không có một quốc gia (united state) thống nhất trong qua khứ xa xưa. Nước Trung Quốc hiện đại là một quốc gia thống nhất bằng sự chinh phạt tàn khốc nhiều « nước » của các dân tộc « phi Hán », nhờ sự thất bại của dân tộc Mãn Thanh và sự thắng lợi của dân tộc Hán do Tôn Trung Sơn lãnh đạo trong Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 đem lại.

Dưới quyền cai trị của Tô Định thời Đông Hán, dân Lạc Việt phải chịu sưu cao, thuế nặng. Người sống ở miền núi phải tìm chim lạ, thú hiếm, vật quý để cống nạp. Người sống ven biển phải đi mò trai, ngọc châu, thu bắt đồi mồi bỏ xác nơi biển cả. Người làm ruộng bị mất đất canh tác vào tay những nhóm dân nghèo tử phương bắc kéo vào. Người lương thiện bị quan tham ức hiếp trăm bề (8). Đó là bối cảnh lịch sử buộc người Âu-Việt phải đứng lên tổng khởi nghĩa chống thái thú Tô Định của triều đình nhà Đông Hán để tìm lấy con đường sống tự do.

Cuộc Tổng Khởi Nghĩa và việc điều hành đất nước Âu Lạc của Hai Bà Trưng trong thời gian ngắn (từ nay 40 đến năm 43) là một sự kiện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Phụ nữ làm vua, làm hoàng thái hậu, cá nhân đứng lên chống quân thù xâm lược có nhiều (ví như Đắc Kỷ (1166-1134 trCN, Vũ Tắc Thiên (624-705), Từ Hy Thái Hậu, nữ hoàng Ecaterina, nữ anh hùng Doia, Jean D’Arc…) Nhưng, chưa có vị nữ tướng nào quy tụ được nhiều nữ tướng, nam tướng và toàn dân 64 bộ lạc địa phương vùng Lĩnh Nam cùng thống nhất chống quân xâm lược như Hai Bà Trưng.

Chỉ có Hai Bà Trưng mới có 103 nơi thờ cúng ở 9 tỉnh thành hiện đang hoạt động như là một tín ngưỡng dân gian của người Việt (Kinh), trong đó đền thờ thôn Hạ Lôi ( nay là xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phô Hà Nội) là điểm xuất phát cội nguồn. Đó là cuộc Tổng Khởi Nghĩa Vũ Trang  toàn quốc đầu tiên của người dân Âu Việt  nước Văn Lang  chống ách cai trị của triều đình Đông Hán (23-230 sau công nguyên thắng lợi, nó kết thúc 246 năm của thời kỳ gọi là Bắc thuộc lần thứ nhất đối với người dân Lạc Việt và Tây Âu. Lịch sử chống xâm lăng ở Việt Nam bắt đầu từ thời kỳ Thánh Gióng và mở đầu trong lịch sử thành văn từ cuộc Tổng Khởi Nghĩa của Hai Bà Trung tại cội nguồn xuất phát là đất Mê Linh của Việt Nam ngày nay.

II. Tổng khởi nghĩa Hai Bà Trưng - thành công và thất bại

Vào những năm 39-40 đầu công nguyên, thủ lĩnh bộ lạc Mê Linh, 26 tuổi là nữ tù trưởng cùng em là Trưng Nhị đã kêu gọi toản bộ lạc Mê Linh ở 65 địa phương đứng lên đánh đuổi thái thú Tô Định về nước. Nữ tù trưởng Lê Chân 18 tuổi ở vùng duyên hải Hải Phòng - Đông Triều đã hưởng ứng lời kêu gọi và hợp tác chặt chẽ với Hai Bà Trưng vùng dậy tổng khởi nghĩa trang vũ trang chống nhà Đông Hán vào năm 40 CN. Tham gia với Hai Bà còn có 12 vị nổi tiếng tài danh như nữ tướng Lê Chân...

Tổng Khởi nghĩa vũ trang của Hai Bà Trưng đã giải phóng 7 quận của đất Mê Linh (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thượng Ngô, Uất Lâm, Nam Hải), nhiều quận thời Hai Bà nay là lãnh thổ của nước CHND Trung Hoa láng giềng như Hợp Phố (nay là vùng Quảng Tây, Quảng Đông, Nam Hải nay là đảo Hải Nam...).

Mặc dù gần đây có quan điểm cho rằng, trụ cột của phong trào Hai Bà Trưng là xuất phát từ hồ Động Đình ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), nơi khách du lịch đến nơi đã chỉ còn thấy được một ngôi đền thờ Hai Bà hoang tàn, thiếu sự chăm sóc của người dân, truyền thuyết về Hai Bà ở đây đã trở thành câu chuyện đã quên lãng từ lâu đời.

Ngày nay, người Việt vẫn còn nhớ viên thái thú Tô Định – viên thái thú tàn ác dân tộc Hán đã ép duyên bất thành với nữ tướng Lê Chân nên hạ sát cả cha mẹ, người thân, chém chết chàng trai Thi Sách- vị hôn thê của Trưng Trắc- con trai một tù trưởng láng giềng của bộ lạc Mê Linh. Chỉ mới ổn định trong gần 3 năm thì mùa đông năm 43 công nguyên, triều đình Hán tộc Đông Hán do Quang Vũ đế (25-58 sau CN) đã thúc giục danh tướng trận mạc Mã Viện kéo 2 vạn tinh binh sang đất Âu Lạc tiêu diệt Tổng Khởi nghĩa vũ trang của Hai Bà Trưng.

Hiện nay, chưa hề có một tài liệu dân số chính xác nào nói về thởi cổ đại ở Việt Nam. Nhưng, theo tác giả dự đoán, dân số thời Hai Bà Trưng cũng không vượt quá quân số binh lính Đông Hán do Mã Viện cầm đầu xâm lược nước Âu Lạc. Vì vậy, danh tướng Mã Viện chiến thắng Hai Bà Trung là điều dễ nhận ra. Quyết không cho giặc Hán bắt sống, Trưng Trắc và Trưng Nhị lao mình xuống sông Hát Giang (nay là sông Hát ở Phú Thọ) quyên sinh, nữ tướng Lê Chân vừa đánh địch, vửa rút lên đỉnh núi cao để lao mình xuống vực sâu tuẩn tiết (nơi này nay ở tỉnh Quảng Ninh).

Nhưng, phong trào nữ quyến đầu công nguyên tại đất nước Văn Lang của dân tộc Âu Lạc đã chỉ ra điều chân lý vĩnh cửu « giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh » của dân tộc Việt là điều chí lý. Giặc ỷ đông, ỷ mạnh, dân Âu Lạc phải dựa vào lòng người và ưu thế thiên nhiên trời định để « ngăn lũ». Đó cũng là tâm lý ứng xử với địch họa mà dân tộc Việt đã thực thi trong lịch sử ngay từ đầu công nguyên. Đó cũng là tinh thần quật khởi của khởi nghĩa địa phương ở vùng Hậu Lộc do Bà Triệu và các nữ tướng lãnh đạo năm 226 công nguyên đánh đổ chính quyền Đông Ngô châu Diên. 

Chú thích:

(1): Chữ ethnos ở đây có nghĩa là một cộng đồng huyết thống có tiếng nói chung và tự nhận nhau là một dòng họ (Theo “Dictionnaire de L’ethnologie” của M.Panoff và M.Perrin,Paris 1975, tr. 96,  nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp mà sau này gọi là ethnie,peuple trong (tiếng Pháp), nation (tiếng Anh), narod (tiếng Nga). Nay, các tài liệu được công bố trên thế giới đều phổ cập dùng thuật ngữ “nation”.

(2): Hồ Chí Minh, “Lịch sử nước ta”, NXB Tuổi Trẻ, TP.Hồ Chí Minh 1999, tr. 10.

(3): Hữu Ngọc chủ biên-“Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam”. Nxb Thế Giới, Hà Nội 2002, tr.728.

(4): N.N.Trêbocxarop, “Thành phần nhân chủng dân cư” trong sách “Narođư vastotrnoi Azii” (Các dân  tộc Đông Á), NXB Khoa học - Viện HLKHLX, Masxcơva 1965 và Carleton S.Coon trong sách “The Living Races of Man”, New York 1962. Tham khảo thêm sách “Lịch sử Việt Nam”, tập 1, NXB Trẻ, TP.HCM 2008, mục “Những đặc trưng nhân chủng tộc người ở Việt Nam” (Mạc Đường) tr.67-74).hạ

(5): Hữu Ngọc (chủ biên), tài liệu đã dẫn, tr. 708.

(6): Cuối năm 1960, trong một cuộc hội thảo khoa học tại Viện Sử học Hà Nội (38 Hàng Chuối) giáo sưàngTrần Huy Liệu cho rằng xã hội cổ đại Việt Nam có chế độ bộ lạc nữ quyền mà vị Trưng Trắc của bô lạc Mê Linh là một ví dụ, Việt Nam thời cổ đại đã có chế độ nô lệ- một chế độ nô lệ không giống với các tài liệu hiện nay trong sách vở. Sau bao nhiêu năm đeo đuổi theo ý niệm cua Gs. Trần Huy Liệu, năm 1978, trong cuộc điều tra điền đã về người Stiêng ở Sông Bé và người Jarai ở Phú Bổn, tôi mới xác tín rằng, ý kiến đoán định của GS. Trần Huy Liệu là xác thực. Trong người Việt (Kinh) không có xã hội nô lệ, không có nữ hệ, nữ quyền rõ nét, Nhưng, trong các dân tộc ngữ hệ Mã Lai-đa đảo, nữ hệ thị tộc và xã hội nô lệ còn rõ nét.

(7): Theo Lê Giảng, “Các triều đại Trung Hoa”, NXB Hồng Đức, Hà Nội 2014,tr. 35

(8): Theo Quỳnh Cư, “Các triều đại Việt Nam”, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1995, tr. 25.

Tài liệu tham khảo:

 1. Hồ Chí Minh,“Lịch sử  nước  ta”, NXB Tuổi Trẻ, TP.Hồ Chí Minh 1999.

 2. Đào Duy Anh, “Lịch sử Viêt Nam”, NXB Văn học, Hà Nội, 2014.

 3. Tôn Thất Dương Kỵ -

 4. Lê Giảng, “Các triều đại Trung Hoa”, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

PGS-TS MẠC ĐƯỜNG