Trang chủ > Vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình ở VN trước thế kỷ XX (qua tục ngữ, cao dao VN)

Vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình ở VN trước thế kỷ XX (qua tục ngữ, cao dao VN)

30/08/2023 16:09:12

Tham luận của Nguyễn Văn Linh (ĐH Nông Lâm TP.HCM) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Tóm tắt: Người mẹ Việt Nam có vai trò quan trọng trong giáo dục gia đình được đề cập ở khía cạnh chăm sóc, nuôi dạy con cái cũng như giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho con gái và con trai. Với trọng trách đó, phụ nữ Việt Nam đã trở thành “người quản lý tài chính” và là linh hồn của mọi gia đình. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình ở Việt Nam trước thế kỷ XX qua ca dao, tục ngữ Việt Nam.

Từ khóa: Vai trò, người mẹ Việt Nam, giáo dục gia đình, tục ngữ - ca dao. 

Mở đầu  

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á - cội nguồn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Lịch sử đã chứng minh, chính cơ sở kinh tế của nền văn minh lúa nước đã khẳng định vai trò trụ cột trong lao động sản xuất của người phụ nữ. Phụ nữ làm chủ gia đình, họ có vai trò lớn lao trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần. Người Việt cổ sống theo nguyên lí “Mẹ” chứ không theo nguyên lí “Cha”. Truyền thống đó được tiếp nối trong lịch sử dân tộc Việt Nam qua các thời kì xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam cho đến thời phong kiến cũng cho thấy, cùng với thời gian, vai trò “quyết định” của người phụ nữ Việt ngày càng giảm dần. Thời kì phong kiến ở Việt Nam (từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XX), đặc biệt giai đoạn từ thế kỉ XV đến thế kỉ XX, là thời kì xã hội chịu ảnh hưởng của Tống Nho trong nhiều lĩnh vực. Nho giáo xuất phát từ chế độ “tông pháp”, coi trọng huyết thống và coi rẻ phụ nữ.

Tuy nhiên, trên thực tế người phụ nữ - với tư cách là người Mẹ - trong các gia đình Việt Nam thời phong kiến giữ vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục gia đình ở những khía cạnh: Chăm sóc, nuôi dạy con từ thuở ấu thơ; Dạy con gái; Dạy con trai;... Đảm nhiệm trọn vẹn tất cả những trọng trách đó đã khiến người phụ nữ Việt trở thành “nội tướng”, “tay hòm chìa khóa”, là trung tâm, linh hồn chủ đạo của mỗi gia đình Việt Nam trước thế kỉ XX.  

Theo các nguồn sử liệu và tài liệu chính thống ở Việt Nam trước thế kỉ XX, vai trò của người phụ nữ nói chung, người Mẹ trong gia đình Việt (Kinh) nói riêng hầu như ít được đề cập. Tuy nhiên, nhìn nhận lại một cách khách quan lịch sử thời kì này, trên thực tế cho thấy người phụ nữ Việt có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái. Việc khảo cứu vai trò của người phụ nữ trong giáo dục gia đình ở Việt Nam trước thế kỉ XX chủ yếu dựa vào các nguồn sử liệu, các tài liệu gia huấn (giáo huấn, huấn nữ, nữ tắc), các văn bia, tục ngữ, ca dao... Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ giới hạn việc khảo cứu vai trò của người mẹ Việt (Kinh) trong giáo dục gia đình ở Việt Nam trước thế kỉ XX qua tục ngữ, ca dao Việt (Kinh). 

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 

1. Khái quát về tục ngữ, ca dao Việt Nam 

Văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội và nảy sinh từ tồn tại xã hội, đồng thời nó cũng có mối quan hệ tác động qua lại với các hình thái ý thức xã hội khác. Tục ngữ, ca dao của người Việt (Kinh) là một thể loại của văn học nghệ thuật. Tục ngữ, ca dao Việt Nam ra đời từ rất sớm - “xuất hiện cùng thời với thần thoại, truyền thuyết” [1; tr 21] và mang tính truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Tục ngữ là những câu thông tục, thiên về diễn ý, đúc kết một số ý kiến dựa theo kinh nghiệm, dựa theo luân lí và công lí để nhận xét về con người và xã hội, hay dựa theo tri thức để nhận xét về con người và vũ trụ” [1; tr 40]. Theo Hoàng Phê: “tục ngữ là câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân” [2; tr 1315]; còn “ca dao là thơ ca dân gian được truyền miệng dưới dạng những câu hát không theo một điệu nhất định, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc” [2]. Nội dung của tục ngữ, ca dao rất sống động, phong phú, đa dạng thể hiện triết lí sống của người Việt được đúc kết qua nhiều thế hệ.

Tục ngữ, ca dao Việt Nam rất thân thuộc, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt, nó vừa thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt vừa là định hướng cho mọi hoạt động hàng ngày của người Việt. Triết lí trong tục ngữ, ca dao thẩm thấu một cách hoàn toàn tự nhiên như hơi thở cuộc sống vào tâm trí mỗi người Việt ngay từ thuở nằm nôi với những lời ru của bà, của mẹ. Mỗi người dân Việt trước thế kỉ XX đều được hưởng thụ một nền giáo dục truyền khẩu qua tục ngữ, ca dao trong ngôn ngữ và sinh hoạt hàng ngày ngay từ trong gia đình. 

2. Vai trò của người Mẹ Việt trong giáo dục gia đình trước thế kỉ XX qua tục ngữ, cao dao Việt Nam 

2.1. Khái quát về vị trí, vai trò của người mẹ trong gia đình  

Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á - cội nguồn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Lịch sử đã chứng minh, chính cơ sở kinh tế của nền văn minh lúa nước đã khẳng định vai trò trụ cột trong lao động sản xuất của người phụ nữ. Theo những tài liệu khảo cổ học, ở Việt Nam đã tồn tại thời kì Mẫu quyền khá dài (khoảng hơn ba vạn năm, tức là khoảng 4 vạn đến 4 nghìn năm trước đây) với vai trò quan trọng, quyết định của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Phụ nữ làm chủ gia đình, họ có vai trò lớn lao trong sinh hoạt kinh tế, đời sống xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần. Người Việt cổ sống theo nguyên lí “Mẹ” chứ không theo nguyên lí “Cha”. Truyền thống đó được tiếp nối trong lịch sử dân tộc Việt Nam qua các thời kì xây dựng và phát triển đất nước. Theo Trần Quốc Vượng: “Trên chặng đường chuyển từ mẫu hệ dưới thời Hùng và mãi cả về sau này nữa, xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ trong gia đình, ngoài xã hội” [3]. Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam cho đến thời phong kiến cũng cho thấy, cùng với thời gian, vai trò “quyết định” của người phụ nữ Việt ngày càng giảm dần.

Thời kì Hùng Vương (khoảng 700 năm trước Công nguyên), xã hội chuyển sang chế độ gia đình một vợ một chồng, với sự gia tăng dần vai trò của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội, vai trò và ưu thế “tuyệt đối” của người phụ nữ giảm dần. Thời kì Bắc thuộc (179 trước Công nguyên - 938), dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hán Nho với thuyết “tam cương”, đạo “tam tòng” hà khắc, vị thế của người phụ nữ càng giảm sút. Thời kì phong kiến ở Việt Nam (từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XX), đặc biệt giai đoạn từ thế kỉ XV đến thế kỉ XX, là thời kì xã hội chịu ảnh hưởng của Tống Nho trong nhiều lĩnh vực.

Nho giáo xuất phát từ chế độ tông pháp, coi trọng huyết thống và coi rẻ phụ nữ. Phụ nữ là người phải hứng chịu nhiều nhất những đau khổ, thiệt thòi do chế độ hà khắc, bất công và bất bình đẳng trong xã hội và trong gia đình gây nên. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” của Nho giáo đã được mặc định hàng ngàn năm, từ chỗ khinh rẻ phụ nữ đến chỗ áp bức hòng trói buộc họ trong bếp núc gia đình. Phụ nữ không được quyền đi học, và bị cấm tuyệt không được phép đi thi. Thời phong kiến, phụ nữ bị xếp ngang với trẻ con, bị coi là trí óc non nớt không đủ để bàn đến những chuyện “quốc gia đại sự”. Nam giới tự giành riêng cho mình quyền được gánh vác những công việc to lớn như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Còn phụ nữ bị dồn nén trong vòng cương tỏa của “tứ đức”, “tam tòng”, chỉ biết phận mình là nép vào khuôn phép, phải tự kiềm chế, tước bỏ mọi ham muốn cá nhân, chịu thuần dưỡng để vâng lời, phải nhường nhịn, kiên nhẫn chịu đựng và hi sinh cho chồng, con và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế thời kì phong kiến ở Việt Nam, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, đặc biệt trong việc giáo dục gia đình. 

2.2. Vai trò của người Mẹ Việt trong giáo dục gia đình trước thế kỉ XX qua tục ngữ, cao dao Việt Nam 

Ở Việt Nam trước thế kỉ XX, nền giáo dục của chính thống của nhà nước với chế độ khoa cử chỉ có từ thế kỉ XI trở đi. Trên thực tế, số người được đi học (nhận sự giáo dục của trường lớp) rất ít. Chỉ những gia đình có điều kiện hoặc có chí quyết tâm đi học thì thường nam giới 6 tuổi trở lên được gia đình đưa đến thầy học, còn nữ giới thì không được đi học, không được nhận sự giáo dục của thầy (trường lớp), mà chỉ nhận được sự giáo dục của gia đình, dòng họ và cộng đồng làng xã.

Nhưng ngay cả số người ít ỏi được đi học này, ngoài giờ học, họ cũng phải trở về với gia đình để tiếp nhận sự giáo dục của gia đình. Chính vì thế, vai trò của giáo dục gia đình vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Trong tâm trí của mỗi người Việt, giá trị của giáo dục gia đình được đặc biệt coi trọng, nhất là vai trò của người Mẹ: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng” “Con dại, cái (mẹ) mang”, “Phúc đức tại mẫu”. 

Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam từ nửa cuối thế kỉ XV trở đi, Nho giáo (Tống Nho) mới chính thức có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống của người Việt. Ngay cả ở thời kì này, tuy Nho giáo coi việc “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là việc của “người quân tử” chứ không phải việc của đàn bà, nhưng trên thực tế lịch sử Việt Nam dưới ảnh hưởng của Nho giáo lại không hoàn toàn như vậy.

Đồng thời với quan điểm “nhà phải có nóc” (vai trò trụ cột - chủ gia đình của người đàn ông), là “lệnh ông không bằng cồng bà”, “nhất vợ nhì trời”, “của chồng công vợ”, “tay hòm chìa khóa” (vai trò của người phụ nữ trong gia đình). Người phụ nữ Việt Nam tỏ rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình trong giáo dục gia đình ở những khía cạnh: Chăm sóc, nuôi dạy con từ thuở ấu thơ; Dạy con trai; Dạy con gái. 

- Chăm sóc, nuôi dạy con từ thuở ấu thơ: 

Người mẹ Việt từ bao đời nay đã có triết lí: “Sinh con ai nỡ sinh lòng/ Sinh con ai chẳng vun trồng cho con”, “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, “Đẻ con chẳng dạy, chẳng răn/ Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng”... 

Sự vất vả của người mẹ: “Có chồng chẳng được đi đâu/ Có con chẳng được đứng lâu một giờ”, “Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con, ai dễ kể công tháng ngày”... Cả cuộc đời người phụ nữ Việt hi sinh vì chồng con, gia đình: “Không đẻ không thương, không máu không xót”, “Cá chuối đắm đuối về con” ... 

Trong việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ - phụ nữ Việt cũng là người tạo dựng nên nhân cách con người ngay từ trong bụng mẹ, và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các con về mọi mặt: thể chất, tình cảm, đạo lí làm người... “Con có mẹ như măng ấp bẹ”, “Con lên ba mới ra lòng mẹ”,...  

Ngày nay, nhiều công trình khoa học đã chứng minh, nhân cách và cá tính của một con người về cơ bản được hình thành trong giai đoạn dưới 6 tuổi. Ở giai đoạn này, người mẹ là “thầy dạy” đầu tiên của đứa trẻ, là cầu nối cho sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài: “Ví dù con phụng bay qua/ Mẹ nói con gà, con cũng nói theo”, “Con lên ba, cả nhà học nói”, “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”,... “Ngầm ngập như mẹ gặp con, lon xon như con gặp mẹ” 

Ngay từ thuở lọt lòng, mỗi đứa trẻ đã được đắm mình trong lời hát ru của mẹ: “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày, thức đủ năm canh...” và rồi lớn dần lên qua những câu chuyện cổ tích và chuyện kể của mẹ, của bà, trưởng thành nhờ sự “nối chí” của cha, ông và thầy học (nếu có điều kiện đi học). Người Việt có triết lí sống: “Phúc đức tại mẫu”, “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Mẹ ngoảnh đi, con dại; mẹ ngoảnh lại, con khôn”, “Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn”, “Con dại, cái (mẹ) mang”, “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Cháu bà nội, tội bà ngoại”... Triết lí sống ấy thể hiện trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục con cái trong gia đình của người mẹ Việt trong lịch sử vô cùng vai trò quan trọng. 

- Dạy con trai 

Trước thế kỉ XX ở Việt Nam, phụ nữ không được đi học, không nhận được sự giáo dục của trường lớp và thầy học, nhưng họ đã được hấp thụ nền giáo dục gia đình, dòng tộc và cộng đồng làng xã và thấm nhuần triết lí sống đó ngay từ nhỏ. Khi đi lấy chồng, trở thành người vợ, người mẹ, họ đã đem tất cả những kiến thức và khuôn mẫu đạo đức được hấp thụ đó để nuôi dạy con mình. Người phụ nữ Việt cũng góp phần lớn trong việc giáo dục con “nên người”, “làm trai cho đáng nên trai”, giáo dục nề nếp của gia đình. Người mẹ cũng góp phần dạy con trai cách thức làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, định hướng nghề nghiệp và giáo dục đạo đức theo chuẩn mực xã hội cho con trai để có thể gánh vác vai trò “trụ cột” gia đình sau này:  

“Làm trai nết đủ trăm đường/ Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay/ Công cha đức mẹ cao dày/ Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ/ Nuôi con khó nhọc đến giờ/ Trưởng thành con phải biết thờ hai thân/ Thức khuya dậy sớm chuyên cần/ Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con” và “Đã sinh ra kiếp ở đời/ Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn/ Gái thời trinh tỉnh lòng son/ Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai/ Trai lành gái tốt ra người/ Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên”...  

Việc giáo dục hiếu đễ cho con trai là hết sức quan trọng. Chữ Hiếu của Nho giáo được coi là nền tảng triết lí, là điều bất khả xâm phạm. Trong cuộc sống hàng ngày, từng lời nói, cử chỉ, hành vi của người mẹ giúp cho con hiểu được đạo lí: con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ, luôn làm những điều thiện để cha mẹ vui lòng khi còn sống; thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ chu đáo khi đã mất: “Khôn ngoan nhờ ấm cha ông/ Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ/ Đạo làm con chớ hững hờ/ Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm”. 

Con có hiếu với cha mẹ, em kính nể anh chị được coi là đức tính quý báu nhất, là tình cảm tất yếu, tự nhiên của con người. Thờ phụng tổ tiên là biểu hiện cụ thể của lòng hiếu thảo của con cháu, các thế hệ sau đối với người đã khuất, sự thờ phụng đó là để tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với cha ông, gìn giữ và phát huy những di sản, thanh danh tốt đẹp của tiên tổ. Ngoài những bài học người con trai nhận được từ cha, ông (và thầy - nếu may mắn được đi học), hầu hết mọi người con trong xã hội phong kiến Việt Nam đều được người mẹ dậy dỗ ở gia đình.

Sự dạy bảo của mẹ tận tâm, kiên trì, liên tục và tự nhiên đi vào tiềm thức mỗi con người hàng giờ, hàng ngày. Mỗi người đều nhận lấy từ lòng mẹ những bài học bằng vô vàn những hình thức khác nhau bằng lời, bằng ý, bằng hành động của mẹ. Ngay cả đến giây phút “gần đất xa trời” người mẹ vẫn lo nghĩ cho các con: “Bốn con ngồi bốn chân giường/ Mẹ ơi, mẹ hỡi mẹ thương con nào? Mẹ thương con bé mẹ thay/ Thương thì thương vậy, chẳng tày trưởng nam/ Trưởng nam nào có gì đâu/ Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam. 

- Dạy con gái: Không chỉ cùng chồng hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn, giáo dục đạo đức và “nối chí” cho con trai, người mẹ Việt Nam trước thế kỉ 

XX đặc biệt chăm lo dạy dỗ con gái. Cũng vì quan niệm “con gái là con người ta”, sớm phải đi lấy chồng, lo việc nhà chồng, nên người mẹ càng thương và lo dạy dỗ nhiều hơn. Người mẹ dạy con gái để “làm dâu nhà người” sao cho khéo léo, kẻo bị nhà chồng chê trách “mẹ không biết dạy con”. Mẹ dạy con gái kinh nghiệm sản xuất, quán xuyến công việc nội trợ trong gia đình và giáo dục đạo đức theo chuẩn mực xã hội để khi đi lấy chồng sẽ trở thành vợ hiền, dâu thảo. Trên thực tế, trong các gia đình người Việt thời kì này, thời gian người con gái ở cùng cha mẹ đẻ rất ít (khoảng trên dưới chục năm): “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám em đà năm con”. 

Đây là thời kì “tại gia” của người con gái - giai đoạn thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm của người con. Cô con gái nhỏ đã được mẹ dạy quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà (quét nhà, rửa bát, đun nước, trông em, thổi cơm, nấu cám...) và dạy cách lao động sản xuất (làm ruộng, làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ...) thông qua những công việc thường nhật. Đây là thời kì cô gái chuẩn bị cho việc lấy chồng: “Con ơi, mẹ bảo con này/ Học buôn học bán cho tày người ta/ Con đừng học thói chua ngoa/ Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười/ Dù no dù đói cho tươi/ Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan/ Phòng khi đóng góp việc làng/ Đồng tiền, bát gạo lo toan cho chồng/ Trước là đẹp mặt cho chồng/ Sau là họ mạc cũng không chê cười”. 

Trong gia đình Việt thời phong kiến, người mẹ còn có trách nhiệm trau dồi “tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh cho con gái. Công là nữ công gia chánh (may vá, thêu dệt, buôn bán, bếp núc...) phải khéo léo; nết làm ăn phải cần cù, thức khuya dậy sớm, tài đảm đang nội trợ của người con gái khi còn ở nhà, của người phụ nữ với địa vị làm vợ, làm dâu, làm mẹ. Dung là sự chăm chút một cách kín đáo nhan sắc của mình sao cho dễ coi, duyên dáng. Người phụ nữ phải biết tôn trọng hình thức bản thân, phải hòa nhã, gọn gàng. Ngôn là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, nhỏ nhẹ, khiêm tốn, không khoe khoang, chua ngoa, đanh đá hay cười đùa ầm ĩ. Hạnh là phẩm chất đạo đức, tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng, thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng, sự chung thủy với chồng được coi là tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức của người con gái; ra ngoài thì nhu mì, chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt. 

Người mẹ Việt rất chăm lo dạy dỗ con gái. Người con gái thường gần gũi mẹ, và mỗi cô gái cũng thường là “bản sao” của mẹ. Chính do vai trò giáo dục con gái của người mẹ Việt trong mỗi gia đình mà những đức tính và vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam cũng trở thành truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam. Chính tình yêu thương và hình mẫu lí tưởng của người mẹ luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người con gái, đặc biệt là con gái đi lấy chồng xa thương nhớ mẹ:  

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con” 

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều” 

“Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi. Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương” 

“Chiều chiều xách giỏ hái rau. Ngó lên mả mẹ, ruột đau như dần...".

Ngoài thiên chức làm mẹ, dưỡng dục con, người phụ nữ Việt trong gia đình trước thế kỉ XX còn có vai trò lớn trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Không chỉ đóng vai trò dạy bảo con cái, trong gia đình, người phụ nữ Việt còn phải biết khéo léo khuyên chồng. Khuyên chồng chí thú làm ăn, tránh xa những thói hư, tật xấu, đi chệch ra ngoài những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc: “cờ bạc là bác thằng bần”,... Khuyên chồng chăm chỉ học hành (nếu được đi học), hết lòng gánh vác mọi gánh nặng gia đình để chồng chuyên tâm ăn học, mong chồng đỗ đạt: 

“Xin chàng kinh sử học hành/ Để em cày cấy cửi canh kịp người/ Mai sau xiêm áo thảnh thơi/ Ơn trời, lộc nước đời đời hiển vinh” và “Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ/ Dầu hao thiếp chịu, đèn mờ thiếp khêu”. 

Kết luận 

Lịch sử khoa cử Việt Nam trước thế kỉ XX không cho phép người phụ nữ được đi học, đi thi. Phần lớn phụ nữ không được nhận hưởng sự giáo dục của thầy học hay trường lớp (trừ một số ít trường hợp đặc biệt). Vì thế không có bảng vàng bia đá khắc ghi công lao của người phụ nữ cho sự nghiệp giáo dục. Song, thực tế lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn của người phụ nữ Việt trong giáo dục gia đình qua tục ngữ, ca dao Việt Nam đã góp phần tạo nên sự ổn định cho xã hội Việt Nam trong lịch sử. Nghĩa vụ và trách nhiệm làm con, làm vợ, làm mẹ trong suốt cuộc đời người phụ nữ Việt trong gia đình thật nặng nề, vất vả. Đảm nhiệm trọn vẹn tất cả những trọng trách đó đã khiến người phụ nữ Việt trở thành “nội tướng”, “tay hòm chìa khóa”, là trung tâm, linh hồn chủ đạo của mỗi gia đình Việt Nam trước thế kỉ XX.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội. 

[2] Hoàng Phê (2008, chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng. 

[3] Trần Quốc Vượng (2000), Truyền thống phụ nữ Việt Nam, NXB Văn hóa - Dân tộc. 

[4] Đại Việt sử kí toàn thư (2004; tập 1, 2), NXB Văn hóa - Thông tin. 

[5] Chu Hi, Tứ thư tập chú (1998, Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải), NXB Văn hóa - Thông tin. 

[6] Nguyễn Đăng Tiến (Chủ biên, 1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, NXB Giáo dục. 

[7] Lê Thị Nhâm Tuyết (1973), Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, NXB Khoa học Xã hội. 

[8] Vũ Khiêu (1997), Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

NGUYỄN VĂN LINH
(Đại Học Nông Lâm TP.HCM)