Trang chủ > Vai trò phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam

Vai trò phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam

29/06/2023 16:13:58

Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm My (Học viện Chính trị khu vực IV) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.

Trong tâm thức người Việt, cũng như trong đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ luôn có một vai trò quan trọng. Vai trò của người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa “lo việc nước, vừa đảm việc nhà” góp phần không nhỏ trong việc hình thành những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác, đó chính là yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hi sinh.

1. Vai trò của người phụ nữ trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người Việt

Người phụ nữ Việt có vai trò, vị thế đặc biệt trong xã hội, phát triển gia đình, xã hội, văn hóa truyền thống. Vai trò, vị thế này được ghi nhận, phản ánh trung thực trong văn hóa truyền thống, trên các phương diện vật chất, tinh thần, tâm linh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức người dân Việt, người phụ nữ có được vị thế và vai trò to lớn đó. Có lẽ, ngoài những lý do khác, thì căn bản là bởi người phụ nữ đã xuất hiện và có được những đóng góp to lớn vào lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước; vào đời sống sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần; vào đời sống tâm linh phong phú của dân tộc và văn hóa dân tộc. 

Trong lịch sử dựng nước, giữ nước, chúng ta có thể thấy hình ảnh mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng thể hiện vai trò kiến tạo quan trọng của phụ nữ Việt; các nữ anh hùng dân tộc Bà Trưng, Bà Triệu… đến những tấm gương sáng của người phụ nữ ba đảm đang trong chiến đấu, xây dựng, sản xuất... đã phản ánh rõ nét trong văn hóa nghệ thuật đã làm đậm hơn vai trò vị thế to lớn của phụ nữ Việt trong các phương diện xã hội. Họ đặc biệt yêu quí sự ổn định, hòa bình, nhân đạo, yêu thương nhưng cũng sẵn sàng đánh khi giặc đến nhà, sẵn sàng chống lại các thế lực tự nhiên, xã hội phá hoại sự ổn định của cuộc sống.

Trong đời sống văn hóa vật chất với môi trường tự nhiên, xã hội của người Việt mà phương thức trồng trọt, hái lượm, chăn nuôi chiếm ưu thế, thì vai trò của người phụ nữ là rất lớn. Duy trì nòi giống, chăm lo đủ ăn đủ mặc, duy trì sự ổn định gia đình, kiến tạo và giữ vững nền nếp gia phong... là những phương diện mà ở đó người ta thấy rõ sự đóng góp khó có thể đo đếm được của người phụ nữ Việt. Trong khi đó, không hề khoa trương, người phụ nữ ra sức vun vén, giữ được vai trò điều hòa gia đình.

Trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cũng có những biểu hiện đáng chú ý. Người Việt là cư dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên rất chú ý ứng xử với thiên nhiên, đất đai... Họ coi trời là cha, đất là mẹ, sự hài hòa đất trời sẽ cho cuộc sống tươi đẹp. Với tâm thức này, người phụ nữ hết sức coi trọng sự hòa thuận, đồng thời hết sức tôn trọng hình ảnh của mình qua việc thờ nữ thần, thờ thánh Mẫu. Trong đời sống tâm linh Việt, đạo thờ Mẫu, thờ nữ thần là tín ngưỡng dân gian điển hình gắn kết quan hệ ứng xử của con người với tự nhiên xã hội và con người. Ta có thể thấy rất rõ bóng dáng Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hàng loạt nữ thần, hàng loạt người phụ nữ khác trong đời sống tâm linh Việt qua lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, các cuộc chơi nghệ thuật cổ truyền...

Có thể nói, từ xưa đến nay trong xã hội truyền thống và văn hóa truyền thống, trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, trong đời sống vật chất cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có hình ảnh, biểu tượng ngày càng năng động và đẹp đẽ. Họ đã xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, đồng thời họ cũng được ghi nhận trong sự phát triển dài lâu của nền văn hóa ấy. Nếu được nhìn nhận và được đặt đúng vị trí, có thể tin rằng người phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hình ảnh người phụ nữ mới sẽ trở thành biểu tượng đẹp của nền văn hóa mới trong kỷ nguyên mới.

2. Sự ghi nhận về những đóng góp của phụ nữ trong đời sống của người Việt

Từ ngàn xưa, vai trò của người Mẹ, người phụ nữ được tôn trọng, đề cao trong xã hội Việt Nam. Trong dân gian, chúng ta thấy nhân dân lao động Việt Nam vừa kính cha vừa ơn mẹ - Chữ hiếu hai vai. Trong chiều sâu tâm thức của người Việt, câu ca dao mang tính chất triết lý "Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thể hiện lòng tôn kính, yêu thương, thấm đượm tinh thần nhân văn, thể hiện sự trân trọng vai trò của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình, điều này cho thấy người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong đời sống lao động, chiến đấu, bồi dưỡng các thế hệ măng non trong đời sống của người Việt từ xa xưa.

Bước vào thời kì phong kiến, dưới ảnh hưởng nặng nề của các quan điểm Nho giáo, các lễ tiết phong kiến đã vùi dập người phụ nữ, quy định cho họ một địa vị xã hội thấp kém. Tuy nhiên, với những vai trò quan trọng của người phụ nữ trong đời sống xã hội người Việt từ xưa đến nay, người Việt vẫn giữ được phần nào truyền thống coi trọng phụ nữ. Trong Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) và Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long) - hai bộ luật ra đời vào những thời kỳ Nho giáo phát triển, nhưng nét đáng chú ý ở hai bộ luật này chính là tinh thần dân chủ, mà một biểu hiện quan trọng là truyền thống trọng phụ nữ.

Luật Hồng Đức đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật giành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322). Điều 308 cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi ly hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do 2 vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ nhưng trong Luật Gia Long vẫn có một số điều quy định chú ý phần nào đến quyền lợi và thân phận người phụ nữ. Trong thời phong kiến địa vị của người phụ nữ phần nào được đánh giá thấp, tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, nhân phẩm người phụ nữ vẫn được đề cao và tôn trọng. Quyển 7 Hộ luật hôn nhân, điều 12 Cưỡng chiếm lương gia thế nữ viết rằng “cưỡng đoạt vợ con cái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hay đem dâng cho vương phủ, cho nhà huân công hào thích thì đều bị xử giam chờ thắt cổ”. Hay trong quyển 7 mục Hộ luật hôn nhân, điều 15 Xuất thê viết rằng “nếu chồng bỏ vợ đi biệt tăm 3 năm, trong thời gian ấy không báo quan biết, rồi bỏ đi thì phạt 80 trượng, tự ý cải giá thì phạt 100 trượng”, điều đó có nghĩa người đàn ông phải có ý thức trách nhiệm với người phụ nữ, quan tâm đến gia đình hơn. Khoản 268 điều 17 còn cấm đàn ông không được dùng lời nói sàm sỡ, thô tục để xúc phạm người phụ nữ, nếu người phụ nữ vì thế mà tự vẫn thì người đàn ông sẽ bị xử tội.

Như vậy, có thể thấy, xuất phát từ những đóng góp của người phụ nữ trong mọi mặt đời sống của người Việt, từ rất sớm vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã được xem trọng. Đến thời kì phong kiến, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của lễ tiết phong kiến nhưng trong một chừng mực nào đó, vai trò, phẩm hạnh của người phụ nữ Viêt Nam vẫn được ghi nhận và trân trọng.

3. Phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh mới

Nói về những đóng góp của phụ nữ trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ” (1)  , “giang sơn gấm vóc Việt Nam là do người phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (2)  . Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, phụ nữ Việt Nam đã cùng toàn thể Nhân dân Việt Nam bước bào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1954-1975) xâm lược kéo dài ba mươi năm đó là chưa kể tới hai cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc (1979). Trong cuộc trường kỳ kháng chiến này, phụ nữ  Việt Nam đã không những vừa đảm đang thay chồng sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Các danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... đã chứng tỏ công lao và đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam không chỉ được Đảng và Nhà nước Việt Nam công nhận mà còn được toàn xã hội tôn vinh.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, ngoài việc thực hiện thiên chức, vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, người phụ nữ còn phải không ngừng học hỏi, tiếp cận và nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ, kiến thức thực tiễn để phục vụ công việc ngoài xã hội. Trên thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội hơn cả nam giới và họ đã mạnh dạn ứng cử, xung phong làm  những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ đã thật sự thoát khỏi những định kiến, lễ giáo cổ hủ, hà khắc để vươn lên sống tốt hơn và có nhiều đóng góp hơn cho gia đình và xã hội. Phải nói rằng, khi xã hội có bình đẳng giới, nhận thức về vai trò và vị thế của phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn. Họ không còn chỉ quẩn quanh với công việc nội trợ mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực.

Có thể nói, trên thực tế trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới, người phụ nữ đã, đang và sẽ thực hiện hài hòa hai việc: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ rất cần được ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Mỗi người phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Nói tóm lại, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Người phụ nữ Việt Nam đóng rất nhiều vai trò và ở vai trò nào họ cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, họ không chỉ đẹp ở thiên chức làm vợ, làm mẹ mà còn có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Có thể nói người phụ nữ Việt Nam vô cùng xứng đáng với những lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

Chú thích:

(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, NXB CTQG, HN, 2011, tr 752.

(2): Bác Hồ viết trong thư gởi phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 1952

ThS NGUYỄN THỊ DIỄM MY 

(Học viện Chính trị khu vực IV)