Trang chủ > Vấn đề giáo dục truyền thống phụ nữ qua tác phẩm văn học nghệ thuật

Vấn đề giáo dục truyền thống phụ nữ qua tác phẩm văn học nghệ thuật

18/08/2023 18:57:05

Tham luận của nhà thơ Lê Tú Lệ - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Thành ủy TP.HCM - viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Từ thuở khai thiên lập địa trải qua bao biến thiên lịch sử, vai trò cũng như thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và với xã hội dường như đã được mặc định rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Kể cả ở thời buổi hiện đại khi mà rất nhiều phụ nữ tự xây được nhà thậm chí lãnh đạo, chỉ đạo cho đàn ông xây nhà thì cái vai trò “xây tổ ấm”, vừa là thiên chức của phụ nữ, vẫn khó mà thay thế. Gia đình chính là tế bào của xã hội nên nếu “cái tổ” nào cũng ấm - ấm áp, ấm no - thì lo gì xã hội không yên, vận nước không cường thịnh.

Văn học nghệ thuật, bộ phận tinh tế của văn hóa, là hiện thân cái đẹp của tâm hồn xã hội và của khao khát hướng thiện trong tâm tưởng con người. Phụ nữ vốn được mệnh danh là “phái đẹp” nên từ xa xưa hình tượng người phụ nữ với muôn mặt của vẻ đẹp luôn được các tác phẩm văn học nghệ thuật ưu ái, truyền tải. Chính vì vậy, tác phẩm văn học nghệ thuật chứa đựng chức năng giáo dục truyền thống phụ nữ là một sự hiển nhiên đồng thời cũng là chất xúc tác để truyền thống tốt đẹp của phụ nữ ngày càng được bồi đắp, thăng hoa. 

Tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh những phẩm chất tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam

- Sự thủy chung, đức hy sinh, chịu thương chịu khó

 Khi đề cập đến những phẩm chất truyền thống tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam thì chắc chắn nhiều người sẽ có thống nhất cao đó là sự thủy chung, đức hy sinh vô bờ bến, tấm lòng chịu thương chịu khó, tần tảo đảm đang. Biết bao câu thơ, làn điệu dân ca, hò vè đi cùng năm tháng đề cập đến những phẩm chất này đã thấm sâu vào tâm khảm các thế hệ. Một đất nước từng trải qua chiến tranh liên miên nên hình ảnh người phụ nữ phải thay chồng chăm con quán xuyến gia đình dường như đã trở thành biểu tượng của sự thủy chung, đức hy sinh suốt thời phong kiến với đầy rẫy loạn lạc, chia ly, nhớ mong, chua xót: 

Trống trường chinh. Chàng đi ra trận. Em nỡ dạ nào trách mối tình ai. Hỡi chàng chàng ơi. Hỡi người người ơi.... Hãy nín nín đi con. Hãy ngủ ngủ đi con... 

(Ru con - Dân ca Nam bộ)

Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Tình chàng ý thiếp ai rầu hơn ai.

Quân đưa chàng ruổi lên đường/ Liêu Dương biết thiếp đoạn trường này chăng?

(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

Hình ảnh những người phụ nữ luôn tảo tần sớm hôm, chịu thương chịu khó với biết bao cơ cực vất vả vì chồng vì con bằng tất cả sự trân trọng của chính người bạn đời của mình đã khiến chúng ta xúc động biết bao:

Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi cả năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

(Bài thơ Thương vợ - Tú Xương)  

Hò hơ ơ... Đêm năm canh anh nằm nghe sấu lội/ Thương em đèo bòng nhớ cội cùng quê/ Tào khang làm chốn đi về/ Đồng cam mấy ngả phu thê một đàng. Hò hơ ơ...

(Hò Nam bộ)

Không chỉ ở những vần thơ, câu hò hay làn điệu dân ca, sự thủy chung, tảo tần, đức hy sinh của những người vợ, người mẹ trong các loại hình nghệ thuật khác cũng thấm đẫm nhân văn và tình người. Trong thể loại âm nhạc, rất nhiều ca khúc bất hủ mà mỗi khi giai điệu ngân lên đã khiến bao trái tim thổn thức. Còn gì đẹp hơn hình tượng người vợ đang mỉm cười đôi mắt ngấn lệ ở phương xa đang dõi theo hình bóng người chồng mà mình yêu thương nhớ mong da diết: Bến nước Cửu Long còn đó em ơi. Bãi lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xóa nhòa (Ca khúc Tình ca của Hoàng Việt).

Còn gì thương hơn, đau hơn hình tượng người mẹ Việt Nam khi mà “Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con, lần lượt ra đi đi mãi mãi.... Cho con xin chia xớt nỗi buồn. Cho cho con xin sẻ đôi bát cơm. Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn...” (Ca khúc Người mẹ của tôi – Xuân Hồng); “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về...” (Ca khúc Đất nước của Phạm Minh Tuấn - Tạ Hữu Yên).

Đặc biệt ca khúc viết về mẹ rất nhiều với tất cả sự thành kính, tri ơn về công lao sinh thành dưỡng dục, có ai mà không thấy lòng mình thổn thức khi nghĩ về mẹ của mình qua câu hát Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần. Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua thời gian (Ca khúc Mừng tuổi mẹ - Trần Long Ẩn). Ai đó có câu nói “Phụ nữ giống như nước, đủ mềm mại để cung cấp sự sống, đủ cứng rắn để nhấn chìm nó”, đắm mình vào những giai điệu và ca từ về người phụ nữ, về những người mẹ trong các ca khúc tuyệt vời ấy hẳn câu nói đó càng trở nên ý nghĩa. 

- Phẩm chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam

Có thể nói đây là một phẩm chất vô cùng đặc thù của phụ nữ Việt Nam bởi không có ở nơi đâu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” mà phải đánh liên miên qua hàng nghìn năm lịch sử mới có được thanh bình hôm nay. Tác phẩm văn học nghệ thuật tái hiện phẩm chất anh hùng của phụ nữ Việt Nam cũng vô cùng lung linh sống động. Thực tiễn cuộc sống được soi chiếu qua lăng kính nghệ thuật khiến cho hình tượng anh hùng của người phụ nữ Việt Nam trở nên bất diệt.

Là người Việt Nam, đã biết đến Mẹ Âu Cơ thì có ai không biết Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh (Tác giả Việt Dung – Vĩnh Điền), một vở diễn sân khấu kinh điển đã từng làm mưa làm gió trong đời sống nghệ thuật đất nước suốt những năm 80 thế kỷ trước. Vở diễn không chỉ tái hiện một huyền thoại mà còn kích thích, nhân rộng tinh thần của huyền thoại ấy sang hàng triệu trái tim của người đương thời trước mối nguy giặc ngoại xâm phương Bắc đang hiển hiện.

Cạnh đó là vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (được chuyển thể từ vở chèo của tác giả Trúc Đường) mặc dù còn nhiều tranh cãi về nội dung sai sự thật lịch sử khiến Bộ Văn hóa phải ra văn bản ngưng diễn nhưng vào thời điểm đó không thể không thừa nhận rằng vở diễn đã cực kỳ thành công về mặt vun đắp hào khí cha ông và ca ngợi truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam. 

Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà nhân vật trung tâm là những người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Những người phụ nữ đã phải gánh chịu bội phần những khó khăn vất vả, những đau thương mất mát với tư cách người vợ, người mẹ, người con gái nhưng họ vẫn vượt lên tỏa sáng bằng phẩm chất anh hùng của dân tộc được trao truyền từ đời này sang đời khác.

Trong điện ảnh có các phim như Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), Nổi gió (đạo diễn Huy Thành), Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), Hòn Đất (đạo diễn Hồng Sến), Người con gái đất đỏ (đạo diễn Lê Dân), Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh)... Sân khấu cũng có rất nhiều vở diễn về phẩm chất anh hùng của phụ nữ như vở kịch Khoảng trời con gái của tác giả Nguyễn Sỹ Đại nói về sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, vở nhạc kịch Người con gái đất đỏ của tác giả Đỗ Hồng Quân - Đỗ Bảo - Đặng Hùng, vở kịch Ngọn đèn trước gió của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân kể về cuộc đời đầy bi thương nhưng oanh liệt của một mẹ Việt Nam Anh hùng, vở kịch Cánh đồng rực lửa của tác giả Ngọc Trúc nói về sự hy sinh của các nữ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Bình Chánh...  

Ở loại hình văn học thì những tác phẩm như tiểu thuyết Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức, truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu hay các bài thơ Bà má Hậu Giang, Mẹ Suốt, Người con gái anh hùng của Tố Hữu đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học của cấp học phổ thông.

Có thể nói hình tượng phụ nữ anh hùng trong các tác phẩm văn học vô cùng nhiều, từ thơ đến tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký. “Đi dọc chiều dài lịch sử dân tộc, không đâu là không thấy bóng của người phụ nữ Việt Nam; trải nghiệm hết dòng chảy của chiều dài lịch sử thơ văn, không đâu là không thấy bóng những con người đảm đang, bất khuất” (Phan Thị Hàn “Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học hiện đại”). Tương tự văn học, nhiếp ảnh nghệ thuật, múa hay mỹ thuật cũng có rất nhiều tác phẩm về phẩm chất anh hùng của phụ nữ mà chúng ta khó có thể điểm được hết.  

- Phẩm chất năng động, sáng tạo

Phẩm chất năng động sáng tạo của phụ nữ Việt Nam được khẳng định ngày càng sáng rõ trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Có lẽ do độ khó và tính trừu tượng cao mà tác phẩm văn học nghệ thuật lâu nay về đề tài phụ nữ năng động sáng tạo ít được các văn nghệ sĩ với tư cách là người sáng tạo nghệ thuật tiếp cận. Có chăng thì ở 2 loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa với các tác phẩm mang tính “lát cắt”, đặc tả về những người phụ nữ đang lao động sản xuất mà thôi. Cũng có thể nói rằng đây là một “khoảng lặng” trong muôn vàn sôi động của tác phẩm văn học nghệ thuật ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại. 

Vấn đề giáo dục truyền thống phụ nữ bằng tác phẩm văn học nghệ thuật

Khi ta nói văn học nghệ thuật là “nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” (Nghị quyết 23-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới) thì tác phẩm văn học nghệ thuật về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ đã làm được khá tốt vai trò này. 

Tuy nhiên tác phẩm văn học nghệ thuật với tư cách là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay đang có nhiều phức tạp khó lường. Mặt trái của cơ chế thị trường cho thấy những sản phẩm “rác văn học nghệ thuật” chiều theo thị hiếu tầm thường, thấp kém của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ đang công phá dữ dội vào nền tảng văn hóa tinh thần xã hội, làm biến đổi thang giá trị theo chiều hướng tiêu cực.

Đã có không ít tác phẩm sáng tác theo khuynh hướng lệch lạc, xúc phạm anh hùng, danh nhân, xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ cần phải phê phán tẩy chay. Ví dụ từng có vở kịch đình đám một thời đã “biến” một vị hoàng thái hậu có công trong lịch sử phong kiến Việt Nam thành người vô cùng ác độc thâm hiểm mà các nhà sử học phải lên tiếng và lãnh đạo ngành văn hóa TP. Hồ Chí Minh phải vô cuộc để chấn chỉnh. Hay đã có một cuốn truyện xoáy vào câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên trong lịch sử rồi cố tình xây dựng nhân vật Nguyễn Thị Lộ, người phụ nữ tài sắc là nạn nhân của những xung đột chính trị thời phong kiến thành một người đàn bà trơ trẽn dâm đãng. Hay như “nỗi oan Thị Kính” một sự tích kinh điển của nghệ thuật chèo cũng bị bóp méo trong vài sáng tác thơ nhạc nhân danh đổi mới thành nỗi oan Thị Màu... 

Một hạn chế nữa mà ở phần trên đã chỉ ra là còn quá ít tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh phẩm chất năng động sáng tạo của người phụ nữ trong khi đây là một phẩm chất rất tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước.

Chỉ đơn cử việc từ sau giải phóng đến nay, hơn hai chục phụ nữ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và các nữ anh hùng này góp mặt trên hầu khắp các lĩnh vực như Cù Thị Hậu (ngành dệt), Mai Kiều Liên (ngành chế biến thực phẩm), Nguyễn Thị Ráo tức Ba Thi (ngành lương thực), Nguyễn Thị Bích Thủy (ngành hóa học), Nguyễn Thị Ngọc Thu (ngành xăng dầu), Nguyễn Thị Phương Dung (ngành thuế), Mai Thị Mậu (ngành y tế), Thái Hương (ngành công nghệ cao)... nhưng chưa có tác phẩm văn học nghệ thuật nào khai thác, tôn vinh.

Chúng ta tự hào và có biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật đình đám về những nữ anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng còn các nữ anh hùng lao động thì sao? Điều này rất đáng để những người làm công tác phụ nữ và công tác văn hóa, văn học nghệ thuật suy nghĩ. 

Trong 3 chức năng chủ yếu của văn học nghệ thuật: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ thì vấn đề tăng cường giáo dục truyền thống phụ nữ qua các tác phẩm văn học nghệ thuật là hết sức cần thiết. Những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải luôn được xã hội trân trọng, nhân rộng, phát huy bởi nó là một phần không nhỏ làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

Và như vậy chúng ta không nên thụ động để cho tự thân các tác phẩm văn học nghệ thuật “chuyên chở” chức năng giáo dục đến cho xã hội mà phải chủ động có các giải pháp để làm sao bên cạnh việc tiếp tục phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật về phẩm chất truyền thống của phụ nữ đã có từ trước thì còn phải có nhiều nữa các tác phẩm mới về đề tài này, nhất là những tác phẩm mà hình tượng trung tâm là những người phụ nữ năng động sáng tạo, trong đó có những nữ anh hùng lao động tuyệt vời của chúng ta. Nên chăng có các hoạt động liên tịch giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật như tổ chức về nguồn, tọa đàm, trại sáng tác, mở các diễn đàn văn học nghệ thuật chuyên đề về phụ nữ... để tạo cảm hứng, “tiếp lửa” cho các văn nghệ sĩ.  

Tạm kết

Nhà thơ Huy Cận đã từng xúc động ngợi ca “Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử/ Nắng cho đời và cũng nắng cho thơ”. Thiết nghĩ 2 câu thơ đó thôi cũng đủ cô đọng tất cả vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.  Tác phẩm văn học nghệ thuật với sức mạnh chi phối nhận thức sẽ làm tốt việc nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần xã hội và thông qua hình tượng những người phụ nữ trong văn học nghệ thuật, truyền thống phụ nữ cũng như các phẩm chất tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam sẽ tỏa sáng hơn, thăng hoa hơn. 

 LÊ TÚ LỆ