Trang chủ > Người của muôn năm cũ

Người của muôn năm cũ

31/07/2023 15:23:15

“Người của muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?” 

(Vũ Đình Liên)

Có một buổi sáng nắng nhẹ, tôi được đứng giữa khu vườn rộng mênh mông, hoa nhãn lao xao, hương bát ngát bay.

Trước mặt tôi là 3 ngôi mộ cổ, thực tế là 3 bia đá xanh, cao khoảng 1 mét, khắc chữ Hán, xếp song song, trên nền đất hơi phẳng, ẩm, lưa thưa cỏ xanh. Phía mặt sau một bia đá, có khắc chữ Việt. Tôi đọc được tên 3 người con trai đã đứng ra lập bia cho cha mẹ. Bia ghi chú rằng người anh trai và em trai đã mất. Vậy là người còn lại đã đứng ra lập bia.

Tôi không nén được cảm xúc. Tên người thứ nhất là ông nội tôi, còn lại là tên 2 ông chú. Giờ đây, tất cả đã thành người của muôn năm cũ! Người mất sau cùng cách đây 40 năm là ông chú Hồ Quang Mân, người lập bia. Đó là ông chú năm. Hai ông mất sớm là ông nội tôi Hồ Phú Dưỡng, thứ tư và ông chú thứ sáu Hồ Phú Huấn.

Đó là những tên tuổi trên giấy tờ ông nội tôi để lại, không còn anh em nào khác.

Khi còn bé, tôi chỉ biết ông Năm. Tôi đã từng nắm tay ông, chạy theo ông trên đường làng, từ chợ Cái Răng, qua cầu Móng (nay là cầu Cái Răng), rồi đi về Rau Răm, nơi ông ở. Con đường dài khoảng 3 cây số. Vậy mà lúc nào ông cũng đi bộ với chiếc gậy trúc, bộ bà ba đen và nón nỉ nâu đội đầu. Người cao ốm, một búi tóc “củ hành” và chòm râu bạc, ông có dáng vẻ một tiên ông trong cổ tích! Ông hay hỏi thăm chị em chúng tôi chuyện học hành và kể chuyện về ba tôi và chú năm Hồ Văn Tri, một chiến sĩ đang ở trong bưng.

- Bưng là ở đâu ông Năm?

- Là ở trong rừng, xa lắm.

(Và lúc nào ông cũng dặn thêm một câu: Cháu không được nói cho ai biết nghe không?)

Nhà nội tôi ở tại chợ Cái Răng. Mỗi tuần, cứ như thế, ông Năm chống gậy ra thăm, ăn bữa cơm, nằm nghỉ một lát, chiều mát, một mình, ông chống gậy về nhà.

Sông chiều lên cao, từ chợ ông thong dong từng bước qua cầu Cái Răng. Nước sông êm ả trôi. Mùa nước nổi, sông đỏ au với vài chiếc xuồng nhỏ giữa đám lục bình xanh mướt. Chợ nổi đã tan từ sáng sớm. Những ngôi nhà sàn lượn khúc theo hai bên bờ cỏ, in bóng nhấp nhô trên mặt nước ven sông. Dưới ánh nắng chiều, cảnh vật đẹp như tranh.

Một năm nước lớn lắm, ngập cả đường làng, đường lộ, ông Năm quá giang xuồng chở rau trái, đi ra đi về. Xuồng cập bến sông còn phải bước qua cầu ván nhỏ, bắc tạm, để lên bờ. Lần đó, ông trợt ván, té xuống sông. Được cứu cấp nhưng cũng làm ông yếu đi, rồi bịnh già kéo đến. Không bao lâu ông mất. Khi ấy, tôi còn nhỏ quá, không biết rằng “tiên ông” này là chứng nhân sau cùng, người có thể giúp chúng tôi tìm về quá khứ, nguồn cội!

Đối với tiền nhân, có phải lúc nào chúng ta cũng chậm quá không?

Nay đứng trước 3 ngôi mộ của tổ tiên, và sau khi đọc được tên, biết được đây là mộ của ông bà cố nội Hồ Phú Hữu và Nguyễn Thị San. Ngôi mộ thứ 3 tên Phạm Thị Mai, có thể là của mẹ ông cố hoặc mẹ bà cố, do vị trí đặt bia mà suy ra vậy.

Trước đây không lâu, tình cờ, một người chị họ, đưa tôi đến nơi này. Khi xưa đây là đất ruộng của ông bà Tổ, đã tặng cho một người cháu. Nhưng người này rày đây mai đó, nên có nhờ một nông dân nghèo trong thôn cất chòi để giữ đất. Lâu dần, không thấy người cháu ấy về. Người giữ đất vẫn trung thành, hằng năm đắp đất cho 3 ngôi mộ và trồng trọt chung quanh để sống. Sau chiến tranh, một mình ông Năm trở về âm thầm dựng bia cho 3 ngôi mộ. 

Khu đất hoang sơ khi xưa giờ một phần là ruộng, một phần là vườn nhãn. Và căn chòi ngày xưa giờ là ngôi nhà gạch khang trang. Người chủ căn nhà này tiếp chúng tôi ân cần, kể chuyện xưa chuyện nay: “Mộ ông bà ở đây với chúng tôi mấy chục năm rồi, phù hộ chúng tôi mạnh khỏe, làm ăn khá. Các cô cứ để ông bà ở đây, thỉnh thoảng nhớ ghé thăm. Xây mộ xong, chúng tôi sẽ chăm sóc”.

Ngày cha tôi còn ở bên chúng tôi, tôi chưa nghe cha nhắc những ngôi mộ này. Nếu bây giờ cha tôi biết được là chị em tôi đã tìm thấy và xây xong mộ cho ông bà, chắc cha vui lắm. Bởi trong cuốn sổ tay ghi ngày giỗ và những lần thăm viếng bà con họ hàng, cha tôi có vẽ một phả đồ chi tiết, nhờ thế, chúng tôi không thể nhầm lẫn được.

Và đây là những gì tôi đã thưa trình với cha tôi:

Thưa cha,

Con vừa đến nơi,

Mà người xưa đã về trời từ lâu!

Còn đây 

Ba nắm đất nâu,

Còn đây 

Bia đá - dãi dầu nắng mưa.

Trăm năm

Người đã hay chưa?

Rêu phong dấu chữ 

Cỏ thưa lấp đầy!

Mặt trời vẫn ngủ đằng tây,

Người đi qua giấc mộng dài

Thiên thu.

Êm đềm từng câu hát ru,

Còn nghe gió thoảng vi vu gọi

Người!

Bóng ai giờ khuất xa rồi,

Hay anh linh

Vẫn về nơi cội nguồn:

Vỗ về - răn dạy - cháu con,

Nghìn năm

Cùng với nước non trường tồn!

Những nhân vật của tôi được nhắc tới trong bài này, giờ đã về với cõi nhớ! Mượn lời của một nhà thơ, để xin Tổ tiên lời tạ lỗi: “Người của muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?”.

Ngày 6/4/2008 (1/3 Âm lịch), chúng tôi nhờ ông Huỳnh Văn Năm và bạn Trần Thanh Tâm (Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM) đến đọc và dịch chữ Hán trên các tấm bia, đồng thời đo lại bằng la bàn

3 bia mộ (ông Huỳnh Văn Năm chép lại từ bia cổ)

HỒ VIỆT KIM CHI (10/3/2010)