Việc ‘họ’ và các chế định pháp luật
30/04/2025 11:55:17Tham luận của luật gia Hoàng Long Vân (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).
Theo định nghĩa khái quát, việc “Họ” bao gồm các loại việc như thờ tự ở Từ đường; quản lý bổ sung Gia phả; tu bổ, bảo vệ mộ phần tổ tiên – dòng họ; và duy trì mối quan hệ đoàn kết trong anh em Dòng họ.... Như vậy rõ ràng việc “Họ” là một loại công việc bao trùm của một cá nhân, một tổ chức trong cộng đồng xã hội.
Vì vậy để bảo vệ và phát huy các quan hệ trong việc “Họ”, - ngoài các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996 về vấn đề gia đình dòng họ; Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 21/02/2005 về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI ngày 09/06/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong đó nhấn mạnh việc phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình tực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh... – thì còn có hàng loạt các Bộ Luật, luật, của Quốc Hội và nghị định của Chính phủ nhằm điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ của việc “Họ” trong cộng đồng xã hội.
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về các chế định pháp luật có liên quan nhằm điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ xã hội về gia đình, dòng họ trong việc “Họ” như sau :
I. BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG DÂN SỰ
Trước hết bao trùm vẫn là Bộ Luật Dân sự, nơi quan tâm bảo vệ các giá trị và lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ như Quyền nhân thân quy định từ Điều 26 đến Điều 29 Bộ luật Dân sự bao gồm: quyền có họ, tên; quyền thay đổi họ; quyền thay đổi tên; quyền xác định, xác định lại dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với quốc tịch; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ….
Ngoài ra, Quyền nhân thân còn có thể là quyền khác được quy định trong luật liên quan, như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; … là những quyền vô hình, có giá trị tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân và chỉ có thể nhận biết được thông qua sự ghi nhận trên giấy tờ liên quan hoặc qua các bằng chứng pháp lý khác. Mọi sự dịch chuyển, biến động của giấy tờ liên quan hoặc bằng chứng pháp lý này đều có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm Quyền nhân thân của cá nhân. Tất cả những giấy tờ liên quan hoặc bằng chứng pháp lý này là tài liệu của cá nhân - Một trong những đối tượng của hoạt động lưu trữ. Quá trình thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản, thống kê, sử dụng tài liệu của cá nhân có thể gây ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực, trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm Quyền nhân thân của cá nhân.
Tiếp theo đó là Điều 101 Bộ luật Dân sự về Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân đã quy định:
Dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 nêu trên thì dòng họ không có tư cách chủ thể mà “ thành viên” của dòng họ mới là chủ thể của quan hệ dân sự.
Như vậy, trong Bộ luật Tố tụng dân sự, dòng họ không thể trở thành đương sự như pháp nhân mà là các thành viên của dòng họ mới có thể trở thành đương sự. Cũng vì không có đương sự là Dòng họ nên không có việc Trưởng họ là đại diện theo pháp luật của Dòng họ; Trưởng họ có thể được dòng họ giao rất nhiều quyền nhưng trong tố tụng dân sự thì cũng chỉ là đại diện theo ủy quyền của các cá nhân là thành viên của dòng họ.
Về sở hữu của Dòng họ thì Điều 211 Bộ luật Dân sự về Sở hữu chung của cộng đồng quy định:
“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản. làng, buôn…
2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng…”.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của các thành viên của dòng họ là bình đẳng, trực tiếp đối với tài sản chung. Do vậy, khi thấy tài sản chung bị xâm phạm hay quyền lợi thành viên của mình bị xâm phạm thì bất cứ thành viên nào của dòng họ cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự chứ không cần có sự ủy quyền của các thành viên khác. Tuy nhiên, người khởi kiện là nguyên đơn, người bị kiện (người mà nguyên đơn cho rằng đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ) là bị đơn, còn các thành viên khác của dòng họ thì đều là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khoản 1 Điều 211 Bộ luật Dân sự về tài sản chung của dòng họ quy định nhiều nguồn của tài sản chung của công đồng nhưng đều là “nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng”. Quy định này cần được hiểu là một yếu tố bắt buộc cấu thành tài sản chung của cộng đồng.
Khoản 3 Điều 211 Bộ luật Dân sự quy định: “Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia”. Như vậy, tài sản chung của dòng họ tồn tại với tư cách là của chung của dòng họ, không phải tài sản chung thông thường nên không thể có việc chuyển giao cho những người thừa kế khi thành viên của dòng họ qua đời. Việc được quyền thừa kế hay không còn liên quan đến quyền tham gia tố tụng với tư cách đương sự.
Một vấn đề rất quan trọng của Gia đình và Dòng họ là thừa kế :
Hiện nay chưa có Luật Thừa kế riêng biệt mà được quy định thành một phần trong Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành ngày 24/11/2015.
Như vậy những quy định về thừa kế được quy định tại Chương XXI đến Chương XXIV :
Chương XXI: Quy định chung
Chương XXII: Thừa kế theo di chúc
Chương XXIII: Thừa kế theo pháp luật
Chương XXIV: Thanh toán và phân chia tài sản
Trong đó căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015quy định về quyền thừa kế:
Quyền thừa kế : Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
II. LUẬT ĐẤT ĐAI
Trong Luật Đất đai năm 2024 vẫn còn định nghĩa hộ gia đình sử dụng đất như sau: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung.
C. BỘ LUẬT HÌNH SỰ VÀ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Về vấn đề bảo vệ các quan hệ gia đình, dòng họ thì Bộ luật Hình sự có các quy định :
Tội vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng : Điều 147 BLHS 1999
Tội loạn luân : Điều 130 BLHS 1999
Tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con cái, người có công nuôi dưỡng mình : Điều 151 BLHS 1999
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng : Điều 152 BLHS 1999
Điều 51 của BLHS còn quy định thêm về tình tiết giàm nhẹ cho người vi phạm luật hình sự là những người thân thích nào hoặc là thành viên nào trong gia đình của người có công với cách mạng thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự giải thích rằng Người thân thích gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
III. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Đối với Dòng họ, Luật Hôn nhân và Gia đỉnh có quy định và giải thích cụ thể :
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình thì những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Từ đó các cá nhân có thể tự xác định dòng họ của mình theo Luật Hôn nhân và Gia đình để nối dài và kết nối trong Dòng họ.
D. LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Cũng trong việc “Họ” có một nội dung quan trọng là Gia phả hoặc các tác phẩm ghi chép, sưu tập về Dòng họ, thì Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 – sửa đổi năm 2009 và 2019) có ghi nhận tại khoản 1 Điều 4 là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả......Trong đó:
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
IV. LUẬT LƯU TRỮ
Cụ thể hóa trong phạm vi cá nhân, gia đình, dòng họ, khoản 1 Điều 5 Luật Lưu trữ quy định tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ (gọi chung là cá nhân) bao gồm: gia phả, tộc phả, bằng, sắc phong, tài liệu về tiểu sử; bản thảo viết tay, bản in có bút tích, công trình nghiên cứu khoa học, sáng tác, thư từ trao đổi; phim, ảnh; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; công trình, bài viết về cá nhân; ấn phẩm, tài liệu do cá nhân sưu tầm được.
V. LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Vấn để gia đình và Dòng họ hiện nay luôn luôn có những mâu thuẫn và tranh chấp nội tại xuất phát từ cạnh tranh lợi ích vật chất hoặc tinh thần, đặc biệt là trong vấn đề thừa kế nên Luật Hòa giải ở cơ sở cũng tham gia điều chỉnh một bước trước khi diễn ra các hoạt động tố tụng tại Tòa án nhằm giải quyết vấn đề.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
2. Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).
3. Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
VI. LUẬT LẬP HỘI 1957 VÀ NGHỊ ĐỊNH 45/2010 CỦA CHÍNH PHỦ
Trong vấn đề Việc “Họ” có một nội dung rất quan trọng, đó là Dòng họ hay có xu hướng kết nối thành một tổ chức xã hội để cùng chăm lo việc họ. Hiện nay nhiều tổ chức dòng họ như Hội đồng Dòng họ, Ban Liên lạc Dòng họ hình thành tự phát mà chưa quan tâm đến các chế định pháp luật có liện quan.
Thật ra Đảng và Chính phủ đã nhìn thấy từ trước nội dung này nên đã ban hành Luật Lập Hội từ năm 1957 Sắc lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/05/1957 của Chủ tịch nước VNDCCH. Tuy nhiên việc cụ thể hóa hiện nay thực hiện theo Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ của Chính phủ :
Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 45/2010/N Đ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật.
Nói tóm lại, bản thân việc “Họ” đã mang tính chất xã hội rất rộng lớn và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Do đó hàng loạt các chế định pháp luật tham gia điều chỉnh mối các mối quan hệ trong việc “Họ” đã làm cơ sở giải quyết các vấn đề nội tại của việc “Họ” ngày càng thêm vững bền và phát triển. Hiểu rõ và chấp hành, tuân thủ các chế định pháp luật điều chỉnh về việc “Họ” trong đời sống xã hội là điều cần thiết để Gia đình, Dòng họ trong việc “Họ” được tồn tại và lâu dài, làm rực rỡ thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam .
Luật gia HOÀNG LONG VÂN
Các tin cũ
- » Chữ 'lễ' trong việc họ 30/04/2025 11:21:51
- » Giới thiệu về việc làm câu đối cho nghĩa trang họ Phạm ở Nam Định 30/04/2025 10:50:25
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức du khảo mừng 30/4/2025 27/04/2025 20:22:48
- » Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã 10/04/2025 18:12:22
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức tọa đàm khoa học lần 2-2024 04/01/2025 14:45:09
- » Viện Lịch sử Dòng họ và Công ty Sáng Kiến Hưng Gia ký thỏa thuận hợp tác 27/12/2024 14:44:52
- » Lễ trao gia phả họ Đoàn ở Tân Hạnh 23/12/2024 08:25:36
- » Sinh hoạt chuyên đề: Chuyển đổi số gia phả 17/11/2024 16:16:30
- » Tết Thanh minh tính theo Âm lịch hay Dương lịch? 19/10/2024 10:19:56