Trao truyền tinh thần ‘việc họ’ cho thế hệ kế thừa
30/04/2025 12:09:56Tham luận của ThS Nguyễn Châu Linh (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).
Khi xã hội ngày càng phát triển, khái niệm “số hóa”, “hiện đại hóa” lên ngôi, không thể phủ nhận một số truyền thống lâu đời gặp trở ngại trong việc tiếp nối, kế thừa. Điều đó không phản ánh thế hệ trẻ - cụ thể là nhóm GenZ - thờ ơ với văn hóa, truyền thống; mà chỉ là xu hướng thay đổi chung của cả xã hội. Vậy, mức độ uyển chuyển như thế nào để thế hệ kế thừa có thể tiếp nhận, lĩnh hội và tiếp nối truyền thống một cách trọn vẹn? Trong phạm vi bài viết này, tôi xin phép đưa ra ý kiến liên quan đến một nội dung cụ thể trong phạm vi văn hóa truyền thống, đó là “việc họ”.
Đừng để những khái niệm trở nên xa vời
Chúng ta không thể phủ nhận hệ ngôn ngữ của thế hệ trẻ đã khác xưa rất nhiều. Các bạn trẻ nói ngắn gọn hơn trong một vài trường hợp nhưng lại cần giải thích rõ ràng hơn ở những trường hợp khác; hệ ngôn ngữ GenZ mang tính tượng hình nhiều hơn trong cách trao đổi thông tin cơ bản. Nhưng, như thế không có nghĩa các bạn trẻ không thể tiếp nhận được tính đẹp, tính bền vững trong ngôn ngữ thời trước. Thế nên, việc đưa những khái niệm cần lưu giữ, phát huy về ngôn ngữ gần gũi với thế hệ trẻ là điều cần thiết. Ở đây, chúng ta đang nói về sự linh hoạt, sự chuyển biến chứ không phải thay đổi hoàn toàn.
Ví dụ như, trong “việc họ”, cụm “quan - hôn - tang - tế” là phạm vi quan trọng, cần thế hệ trẻ hiểu sâu sắc để gìn giữ và phát triển về sau. Chúng ta không nên phủ nhận bốn từ này gây khó hiểu cho các bạn trẻ. Nếu mục tiêu là vẫn giữ cụm này để mọi thế hệ đều hình dung được hành trình một đời người, những dấu mốc quan trọng cần sự chứng kiến của họ hàng, thì chúng ta cần tìm ra cách giải thích, dẫn nghĩa phù hợp, thiết thực.
Ngay cả “quan” ở cụm này thôi đã trở thành một khái niệm rất xa vời với thế hệ trẻ. Không phải mọi gia đình, mọi dòng tộc đều có lễ trưởng thành. Khi không có điều kiện để dấu mốc ấy trở thành một dịp quan trọng, mặc định là buổi gặp gỡ của họ hàng, gia đình thì “quan” mai một dần là điều dễ hiểu.
Với một vài người trẻ, trưởng thành là khi bước chân vào giảng đường đại học. Một số người trẻ khác lại cho rằng, có công việc mới là lúc đánh dấu trưởng thành. Cũng không ít người trẻ lại nghĩ, trưởng thành đi đôi với việc các bạn tự lập sống cuộc đời của mình. Tìm ra điểm chung trong những hình dung ấy là cách duy nhất để các bạn trẻ hiểu sâu sắc khái niệm “quan” trong “việc họ” mà chúng ta muốn giữ gìn.
Chúng ta nói nhiều về “quan - hôn - tang - tế”, nhưng, liệu các bạn trẻ có cơ hội để nghe những điều ấy chưa? Nếu trang thông tin điện tử của một dòng họ, hay tạp chí liên quan đến tộc họ chỉ viết với mục đích lưu trữ, cho những người lớn tuổi có sự quan tâm nhất định đến những truyền thống này, cơ sở nào để các bạn trẻ có thể tiếp nhận và tiếp nạp?
Câu hỏi tiếp theo liên quan đến vấn đề này, giả sử các bạn trẻ tiếp nhận được thông tin, vậy cách chúng ta nói, viết có dễ hiểu không? Và liệu chúng ta có thật sự thẳng thắn, cởi mở để trả lời những câu hỏi này?
Tất cả mọi người đều bị thu hút bởi những câu chuyện kể, cho dù là ở lứa tuổi nào hay trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Nếu chúng ta viết được những câu chuyện chạm đến thói quen tư duy, thói quen sống của các bạn trẻ dựa trên tiền đề “quan - hôn - tang - tế”; rồi cho các bạn tiếp cận trực tiếp bằng cách dự lễ trưởng thành của một người trong họ, dự những hôn lễ
mang đậm tính truyền thống, học để hiểu về phong tục liên quan đến tang lễ, thờ cúng ông bà, tổ tiên… thì chắc chắn những khái niệm này sẽ trở nên gần gũi hơn với thế hệ kế thừa.
Hãy trao truyền giá trị, đừng trao truyền hình thức
Ngày xưa, sự kết nối trong “đại gia đình”, trong dòng họ rất mật thiết và bền chặt. Những câu chuyện về vĩ nhân, người tài, người thành danh trong họ trở thành niềm tự hào, cảm hứng cho thế hệ sau. Tại sao thế hệ trẻ ngày nay không còn những cảm giác ấy?
Nếu chúng ta đưa ra nhận định rằng có rất nhiều truyền thống đẹp đang mai một dần, câu hỏi đúng cần tìm hiểu là liệu cách truyền thông của chúng ta đang đúng không, đang hiệu quả không? Thay vì vội vàng kết luận rằng giới trẻ thờ ơ với văn hóa, truyền thống, hoạt động của dòng họ.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, một số cách truyền thông cũ đã không còn hiệu quả nữa.
Ví dụ như, nếu chỉ tiếp nhận thông tin theo hướng lý thuyết suông, thật khó để GenZ thấy lề lối cũ đẹp. Nếu muốn thế hệ trẻ hiểu sâu sắc “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, hãy thử tìm hiểu xem “bán họ hàng xa mua láng giềng gần” có còn thực tiễn với nếp sống hiện đại mà các bạn trẻ thụ hưởng không?
Tình thân với GenZ không còn là mối quan hệ được mặc định phải gắn bó nữa. Nhà nhà chuyển đến thành phố lớn với hy vọng tìm cơ hội học tập tốt cho con. Người người sống khép kín, đóng cửa chỉ cha mẹ và con cái biết đến nhau, đến hàng xóm sát bên còn ít khi chào hỏi. Sự tương tác ở mức tối thiểu thì thật khó để mong con người có tình cảm, muốn gắn bó với con người.
Mà khi không hiểu “láng giềng gần” có mối liên hệ như thế nào đến cuộc sống của mình, “giọt máu đào” nhưng không gặp gỡ, không trò chuyện rất khó trở thành quan trọng trong suy nghĩ của thế hệ trẻ. Đây là sự thật về xu thế xã hội, có thể khó nghe, có thể khó để thế hệ trước đón nhận, nhưng đó vẫn là sự thật đang tồn tại mỗi ngày.
Thế nên, nếu muốn GenZ hiểu về giá trị của “đại gia đình”, dòng tộc, thiết nghĩ, những bậc tiền bối thuộc thế hệ đi trước cần tìm thấy những phương thức truyền thông hữu hiệu hơn, thiết thực hơn.
Với các bạn trẻ, tình thân được tính ở mức độ kết nối. Nên truyền thông trực tiếp, từ cha mẹ, ông bà, những người sống cùng nhà là lựa chọn tối ưu nhất. Những câu chuyện được bà kể lại luôn mang giá trị tinh thần cao. Chỉ giá trị sâu sắc mới giúp con người dễ tiếp nhận và ghi nhớ lâu dài. Nếu chỉ dừng ở những văn bản suông, những bài viết chi chít thông tin nhưng không chạm đến cảm xúc thật, không liên hệ đến cuộc sống thật của giới trẻ, các bạn sẽ quên ngay và thấy đó là những hình thức xa vời.
Giá trị của “việc họ” trong đời sống tinh thần của người trẻ
Nếu lưu tâm một chút, chúng ta sẽ nhìn thấy sự sâu sắc trong lối sống của thế hệ GenZ, thậm chí là cả Gen Alpha.
Những câu chuyện truyền thuyết được vẽ lại với nét bút hiện đại hơn, dễ tiếp cận với đại chúng hơn. Tất nhiên, những tác phẩm ấy nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng, vấn đề cốt lõi có thể nhìn thấy ở đây là các bạn trẻ quan tâm, hiểu thấu và trân trọng những giá trị văn hóa cũ.
Ngay cả những trò chơi dân gian như ô quan, rồng rắn lên mây, cướp cờ… được những nghệ sĩ GenZ làm mới lại và công bố trên những phương tiện hiện đại; vừa là cách để lưu giữ giá
trị văn hóa tinh thần được tiếp nhận, vừa là để giới thiệu rộng rãi văn hóa Việt xưa đến bạn bè năm châu. Các bạn rõ ràng có ý thức rất vững đến văn hóa, truyền thống. Các bạn dùng tài năng của mình để thể hiện ý thức này.
Những ví dụ ấy chứng minh rằng, ý niệm quay về, kết nối để gìn giữ và kế thừa truyền thống gốc rễ đang được thế hệ trẻ - cụ thể là GenZ - nhân rộng ra. Mặt khác, từ những ví dụ này, chúng ta phải thấy được lối nghĩ, lối làm của thế hệ trẻ trong hành trình kế thừa di sản của cha ông để có thể cổ vũ, đồng hành, hỗ trợ thế hệ trẻ hiệu quả nhất.
Nếu chúng ta không cổ vũ với lý do chưa tiếp nhận được sự thay đổi, làm mới truyền thống lâu đời, thì các bạn trẻ dựa vào cơ sở nào để cố gắng đi trên hành trình kế thừa ấy? Nếu chúng ta cương quyết gìn giữ lối truyền thông cũ, còn các bạn trẻ nhất định giữ lối tư duy mới của họ, thì đâu là điểm giao cho khoảng cách thế hệ ngày càng xa? Chỉ khi có tiếng nói chung, chúng ta mới có thể góp ý để những sản phẩm truyền thống được làm mới có thể chinh phục cả những người cao tuổi. Đó mới là hành trình trao truyền và kế thừa vững bền.
GenZ là thế hệ muốn khẳng định bản thân, muốn tiến tới bình đẳng chân chính. Nhưng, gốc rễ, cội nguồn với các bạn cũng quan trọng vô cùng. Thế nên, nếu ta truyền thông đến những bạn nữ trẻ về câu chuyện một phụ nữ trong họ từng đấu tranh cho bình đẳng giới, cho quyền tỏa sáng của phụ nữ cách đây hàng trăm năm, chắc chắn lối truyền thông ấy sẽ thành công và truyền cảm hứng vô cùng.
Khi được truyền cảm hứng, khi có niềm tin rằng mọi việc mình đã và đang làm đều góp phần vào niềm tự hào tộc họ, các bạn trẻ sẽ chạm đến cảm giác say mê học để phát triển bản thân, để chứng minh năng lực, để khẳng định mình là cái tên mang niềm tự hào trong gia phả. Và, chính các bạn sẽ lan tỏa giá trị của “việc họ” cho nhau, cho những thế hệ tiếp sau và giới thiệu đến bạn bè cùng lứa ở chi họ khá, quốc gia khác.
Vị thế của thế hệ trao truyền
Rất nhiều dòng họ tại Việt Nam đã có trang thông tin điện tử riêng. Đó chính là cơ sở tạo nên lợi thế để truyền thông đến giới trẻ về niềm tự hào của dòng họ, giá trị tinh thần của “việc họ”, sự quan trọng trong việc kết nối với những thành viên trong “đại gia đình”, trong dòng họ. Và để truyền thông hiệu quả, hãy để người trẻ cùng thế hệ đi trước cùng làm công việc này.
Một website thế nào là bắt mắt? Người trẻ có thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác, bằng lý thuyết, bằng cả việc tự tay mình chỉnh sửa, thiết kế website.
Một fanpage thế nào là đạt yêu cầu về hiệu quả truyền thông? Người trẻ có thể tự tay mình lập nên một kênh truyền thông, liên hệ để phục vụ cho “việc họ”.
Một bài viết thế nào là thu hút, là chạm đến người đọc trong và cả ngoài dòng họ? Người trẻ có thể tìm kiếm thông tin, đối chiếu, viết bài một cách chỉn chu.
Đó là những câu hỏi mà thế hệ đi trước không chắc có thể trả lời, càng không chắc có đủ năng lực để thao tác trên những phần mềm quá tiên tiến. Nhưng người trẻ có thể. Vậy, tại sao chúng ta không mời người trẻ làm cùng?
Khi các thế hệ cùng đồng hành với nhau để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp là khi việc trao truyền thành công. Muốn như thế, từ thế hệ lão niên đến trung niên đều cần củng cố quan điểm này cho chính mình.
Ông, bà có thể kể những câu chuyện truyền cảm hứng từ thời các cụ, về những lý tưởng hình thành trên cơ sở của lễ và nghĩa. Đó là phương thức để thế hệ trẻ hiểu tính đẹp, tính trọng của
truyền thống. Sẽ không có người cháu nào phản biện chuyện ở thời của bà không ai mặc soirée vào ngày cưới, nhưng vì là người cách tân, bà đã tự tay may áo cưới cho mình. Chỉ một chiếc váy thôi, người cháu có thể hiểu, bà thể hiện được tài năng của bà, bà cũng khẳng định được tiếng nói của bà khi xã hội hẵng còn nặng phong kiến. Và nếu trong câu chuyện đó, bà kể thật xúc động về khoảnh khắc mặc áo dài truyền thống, quỳ gối dâng trà cho ông bà, cha mẹ của bà, người cháu sẽ lập tức hiểu ngay giá trị của chén trà ấy. Từ câu chuyện như thế, người trẻ sẽ tự liên hệ được giá trị tinh thần mình có thể tạo ra cho ông bà, cha mẹ mình ngay trong hôn lễ của mình, trước sự chứng kiến của họ hàng.
Cha, mẹ có thể từ sự kết nối trong gia đình, mời các con cùng về quê, cùng mọi người tham gia “việc họ”. Chúng ta phải hình dung rằng, nếu cha mẹ không ưu tiên thời gian để kết nối với họ hàng thì con cái sẽ càng ngày càng xa cách với nguồn cội, gốc rễ. Nên trong gia đình hãy tập thói quen dành thời gian để về quê, thăm nhà thờ họ, chào hỏi những tiền bối lão làng trong chi họ, cùng nhau trải nghiệm việc góp sức cho những việc họ trong phạm vi “quan - hôn - tang - tế”. Có như thế, thêm những lúc trò chuyện cùng nhau, giải thích cho các con từng chi tiết trong các buổi lễ, giới trẻ sẽ tiếp nhận mọi thứ rất tự nhiên.
Hành trình trao truyền giá trị truyền thống liên quan đến dòng họ cũng không thể thành công nếu thiếu đi sự góp sức của ngành Giáo dục. Chúng ta không thể phủ nhận được việc tri thức, kỹ năng chỉ đem lại thành công cho các bạn trẻ chứ không xây dựng được niềm hạnh phúc vững bền của những cá nhân có gốc rễ, có nguồn cội để phát triển mặt đạo đức. Thế nên, việc đưa quan điểm về tầm quan trọng của dòng họ, cụ thể là giá trị thực của “việc họ” vào chương trình giáo dục là điều cần thiết vô cùng. Ở trường, thầy cô là những người được các bạn trẻ đặt niềm tin tuyệt đối. Thế nên, nếu những giá trị truyền thống liên quan đến dòng họ được thầy cô chia sẻ, giảng giải sẽ giúp các bạn trẻ ghi nhớ rất lâu.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tầm ảnh hưởng của giới văn nghệ sĩ trong việc lưu giữ, truyền tải những giá trị truyền thống thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Bởi, chúng ta đều biết, nghệ thuật là thứ dễ đi vào lòng người và giữ cảm xúc lâu dài nhất. Thế nên, những bài hát, những bộ phim, những quyển sách phản ánh giá trị truyền thông theo hướng nghệ thuật sẽ tạo nên những rung cảm rất riêng. Đó cũng là phương tiện giúp các bạn trẻ phát triển tính sáng tạo, tài năng của mình để góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển những giá trị đã được kế thừa.
ThS NGUYỄN CHÂU LINH
Các tin cũ
- » Việc ‘họ’ và các chế định pháp luật 30/04/2025 11:55:17
- » Chữ 'lễ' trong việc họ 30/04/2025 11:21:51
- » Giới thiệu về việc làm câu đối cho nghĩa trang họ Phạm ở Nam Định 30/04/2025 10:50:25
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức du khảo mừng 30/4/2025 27/04/2025 20:22:48
- » Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã 10/04/2025 18:12:22
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức tọa đàm khoa học lần 2-2024 04/01/2025 14:45:09
- » Viện Lịch sử Dòng họ và Công ty Sáng Kiến Hưng Gia ký thỏa thuận hợp tác 27/12/2024 14:44:52
- » Lễ trao gia phả họ Đoàn ở Tân Hạnh 23/12/2024 08:25:36
- » Sinh hoạt chuyên đề: Chuyển đổi số gia phả 17/11/2024 16:16:30