UNESCO - Nơi hội tụ trí tuệ của nhân loại, thành trì của hòa bình thế giới
30/04/2025 12:50:04Tham luận của Ths NGUYỄN VĂN THỊNH (Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam) nhân kỷ niệm 30 năm thành lậpLiên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (1993-2023) và 15 năm thành lập Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thịnh
A: HỆ THỐNG TỔ CHỨC UNESCO THẾ GIỚI:
I. UNESCO là gì? - Nguồn gốc và sự ra đời
Thế giới đã từng trải qua hai cuộc đại chiến thảm khốc với sự kết thúc bằng đỉnh cao của công nghệ chiến tranh: Ra đòi bom nguyên tử hủy diệt sự sống loài người... là báo động đỏ về trí tuệ và nền văn minh nhân loại đang đi vào ngõ cụt của tư duy dân tộc hẹp hòi, cực đoan đã suýt đẩy loài người đến bờ vực diệt vong...
Các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo chính trị ở các quốc gia đồng minh trong đại chiến thế giới lần thứ hai đã cay đắng nhận ra sự thật đầy bất hạnh này của loài người nên ngay từ đầu các năm 1942-1943 đã liên tục diễn ra các hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của các quốc gia đồng minh (CAME): Bàn về các vấn đề giáo dục và xây dựng lại nền giáo dục và văn hóa của các nước sau chiến tranh, về sau có thêm nhiều nước hưởng ứng tham gia và hội nghị cũng mở rộng chủ đề sang các vấn đề giữ gìn hòa bình, thiết lập trật tự quốc tế mới, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và hợp tác quốc tế về trí tuệ....
Từ đầu năm 1944 ngày càng có nhiều ý kiến cá nhân, tổ chức và chính phủ nêu lên việc cần thiết phải thành lập một tổ chức quốc tế mới về hợp tác trí tuệ sau chiến tranh, lấy việc giữ gìn hòa bình thông qua trao đổi, hợp tác về giáo dục và văn hóa làm mục đích... Sau một quá trình dài thương lượng đầy cam go giữa các quốc gia, các tổ chức chính trị, xã hội... Chỉ bảy tháng sau khi hội nghị Xan Fran-xi-xco thông qua Hiến chương Liên hợp quốc (04/1945),
Hội nghị thành lập một tổ chức quốc tế về giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc được triệu tập và họp từ 01-16/11/1945 tại Luân đôn với sự tham dự của 44 nước phe chiến thắng trong đại chiến thế giới thứ hai. Ngày 16/11/1945: Các nước chính thức cùng nhau ký kết một công ước quốc tế quy định tổ chức này mang tính chất liên chính phủ, nội dung hoạt động và tên gọi bao gồm cả khoa học, tức Văn hóa-Giáo dục- Khoa học. Trụ sở được đặt tại Pa-ri (Pháp), các ủy ban quốc gia và các tổ chức phi chính phủ ở các nước tham gia công ước sẽ giữ những vai trò quan trọng trong tổ chức quốc tế này.
Ngày 04-11-1946 với việc chính phủ Hy Lạp là nước cuối cùng phê chuẩn bản công ước thành lập UNESCO, văn kiện này bắt đầu có hiệu lực và Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc chính thức ra đời – Tên tiếng anh là: United Nations Educational, Scientific and Cultural Organ-ization – Viết tắt là UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn đầu não lớn nhất của Liên hợp quốc và ra đời sớm nhất chỉ sau Liên hợp quốc có 7 tháng...
II. Hệ thống tổ chức của UNESCO gồm có hai hệ thống song hành tồn tại là:
1. Hệ thống tổ chức UNESCO Liên chính phủ bao gồm:
- Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)
- Ủy ban quốc gia UNESCO của từng nước thành viên
- Biểu tượng của tổ chức UNESCO liên chính phủ:
2. Hệ thống tổ chức UNESCO phi chính phủ bao gồm:
Liên hiệp các hội UNESCO thế giới – World Federation of UNESCO
Clubs, Centres and Associations (WFUCA)
Liên hiệp các hội UNESCO của từng nước thành viên
Biểu tượng của tổ chức UNESCO phi chính phủ:
3. Cơ quan lãnh đạo của UNESCO:
Đại hội đồng gồm đại diện cấp đại sứ của 193 nước thành viên
Hội đồng chấp hành: 58 đại diện nước thành viên
Ban thư ký: Đứng đầu là Tổng giám đốc UNESCO - Liên hợp quốc
- Ủy ban quốc gia UNESCO
III. Tôn chỉ và mục đích của UNESCO:
1. Tôn chỉ: “ Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hòa bình...”
2. Mục đích: “ Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam-nữ, ngôn ngữ, tôn giáo mà hiến chương Liên hợp quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc...”
IV. Chức năng và nhiệm vụ của UNESCO:
1. Chức năng cơ bản của UNESCO:
- Khuyến khích sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc thông qua những phương tiện thông tin rộng rãi; Khuyến nghị những hiệp định quốc tế cần thiết để khuyến khích tự do giao lưu tư tưởng bằng ngôn từ và hình ảnh...
- Thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục quần chúng và truyền bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của nhân loại... Bằng cách hợp tác với các nước thành viên trong việc phát triển các hoạt động giáo dục theo yêu cầu của từng nước; Bằng sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm thực hiện từng bước lý tưởng bình đẳng về giáo dục cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ hoặc bất cứ một sự phân biệt nào khác về kinh tế hay xã hội; Bằng cách đề xuất những phương pháp giáo dục thích hợp để luyện tập cho các thế hệ người toàn thế giới bắt đầu từ thiếu nhi về trách nhiệm của con người tự do...
- Duy trì, tăng cường và truyền bá kiến thức... Bằng cách bảo tồn và bảo vệ các di sản thế giới về sách báo, các tác phẩm nghệ thuật, các công trình lịch sử hay khoa học, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác... Bằng cách khuyến nghị với các nước hữu quan về các công ước quốc tế cần thiết... Bằng cách khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia về tất cả các ngành hoạt động trí óc, trao đổi quốc tế những chuyên gia hàng đầu có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông... Kể cả trao đổi sách báo, tác phẩm nghệ thuật, dụng cụ thí nghiệm và mọi tư liệu có ích khác... Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các dân tộc tiếp xúc với các xuất bản phẩm của mỗi nước thông qua những phương pháp hợp tác quốc tế thích hợp...
2. Các lĩnh vực chuyên môn của UNESCO:
- Giáo dục ( Giáo dục quốc dân, giáo dục cộng đồng...).
- Khoa học tự nhiên .
- Khoa học xã hội và nhân văn.
- Văn hóa (vật thể, phi vật thể...).
- Thông tin và truyền thông.
3. Chiến lược của UNESCO:
- Phát triển và hỗ trợ các nguyên tắc, các tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên các giá trị được chia sẻ nhằm đáp ứng các thách thức trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông; Bảo vệ và củng cố các thành quả tốt đẹp của cộng đồng.
- Khuyến khích tính đa dạng thông qua việc thừa nhận sự an toàn của tính đa dạng của nhân quyền...
- Khuyến khích việc trao quyền và thực hành cho một xã hội tri thức thông qua các cơ hội chia sẻ kiến thức....
4. Các chủ đề đặc biệt trong các chương trình hành động của UNESCO:
- Chủ đề giới tính,
- Chủ đề thanh niên,
- Chủ đề văn hóa vì hòa bình,
- Chủ đề về đối thoại giữa các nền văn minh,
- Chủ đề về đạo đức toàn cầu,
- Chủ đề về phát triển bền vững,
- Chủ đề về Dân tộc và bản địa,
- Chủ đề sự đóng góp của công nghệ thông tin và truyền thông đối với các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông về việc xây dựng một xã hội tri
thức...
- Chủ đề loại bỏ sự đói nghèo, đặc biệt là đối với tình trạng bần cùng hóa,
- Chủ đề giáo dục với bình đẳng giới...
- Chủ đề về HIV/AIDS.
- Chủ đề vế các đảo nhỏ; Về sóng thần ở Ấn độ dương.
- Chuyên đề các nước chậm phát triển...
5. Các lĩnh vực ưu tiên đặc biệt của UNESCO:
- Giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người.
- Nước và hệ thống sinh thái liên hợp.
- Ủng hộ vấn đề về tính đa dạng văn hóa song song với việc nhấn mạnh đặc biệt vấn đề di sản vật thể và phi vật thể.
- Trao quyền hành động cho con người thông qua hệ thống thu nhận thông tin và kiến thức song song với việc nhấn mạnh về quyền tự do biểu cảm...
6. Thế mạnh và ảnh hưởng của UNESCO với các quốc gia thành viên:
- Trải qua 70 năm tồ tại và phát triển đầy thử thách của mình kể từ khi ra đời đến nay, UNESCO đã được cộng đồng thế giới thừa nhận là một tổ chức quốc tế liên chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tổ chức hợp tác trí tuệ giữa các nước, góp phần bảo vệ hòa bình và giải quyết những vấn đề lớn của loài người. UNESCO không chỉ là bộ óc suy nghĩ về tương lai nhân loại, nó có chương trình hành động thiết thực, phối hợp cùng với các tổ chức chuyên môn khác của Liên hợp quốc phục vụ đắc lực cho sự phát triển của con người và của các dân tộc trên khắp hành tinh...
- Khả năng chính của UNESCO là cung cấp “Chất xám” vì chỉ UNESCO là nơi tập hợp được rộng rãi các nhà trí thức giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật nổi tiếng trên thế giới, để nghiên cứu những vấn đề chuyên môn, đem lại những thành quả thiết thực phục vụ cho sự phát triển tiến bộ của con người và xã hội...
- Hoạt động chủ yếu của UNESCO là tổ chức hợp tác trí tuệ, phổ biến kiến thức, truyền bá văn hóa, thông tin khoa học và kỹ thuật, thông tin truyền thông... UNESCO không cung cấp các mô hình hoặc đưa ra các quan điểm đòi các nước thành viên phải chấp nhận mà chỉ cung cấp những thử nghiệm và kinh nghiệm thành công cũng như thất bại để các nước thành viên trao đổi, phân tích đúng sai mà áp dụng vào thực tế của nước mình. UNESCO có thể cung cấp phương pháp và trang bị để các nước thành viên nghiệm xét những điều kiện thực tế của mình giúp cho các nhà lãnh đạo các nước có những quyết định phù hợp và chính xác.... UNESCO còn là nguồn cung cấp các chuyên gia hàng đầu giúp cho các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như UNICEF; UNIDO; PNUD...
7. Vai trò và sự đóng góp của hệ thống tổ chức UNESCO phi chính phủ quốc tế và tại các nước thành viên tham gia công ước:
- Tổ chức UNESCO phi chính phủ thế giới và tại các nước thành viên có một vai trò hết sức quan trọng, là cánh tay phải nối dài của tổ chức UNESCO liên chính phủ trên mọi mặt hoạt động chuyên môn của UNESCO thế giới và tại các nước thành viên...
- Tổ chức UNESCO phi chính phủ vừa là nơi tập hợp rộng rãi từ các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học đầu ngành đến người lao động, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn đến các cá nhân yêu chuộng hòa bình tại từng quốc gia tham gia hoạt động tự nguyện trong mái nhà chung của UNESCO theo tôn chỉ và mục đích của tổ chức UNESCO... Vừa là tổ chức phản biện các chính sách của chính phủ, các công trình khoa học, các dự án xã hội có ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh của từng quốc gia và nến hòa bình bền vững của toàn thế giới một cách tích cực theo hướng Chân - Thiện - Mỹ.... Là tổ chức tích cực nhất trong việc truyền bá các tư tưởng và phương châm hành động của UNESCO đến mọi tầng lớp nhân dân, là mặt trận ngoại giao nhân dân có hiệu quả nhất trong việc nâng cao dân trí, mở rộng hợp tác quốc tế vì nền hòa bình bền vững của toàn nhân loại...
- Tổ chức UNESCO phi chính phủ còn là nguồn cung cấp nhân lực, nhân tài dồi dào thông qua các hoạt động thực tiến xã hội tại các quốc gia thành viên... Là tổ chức triển khai các hoạt động, các chiến lược và các kế hoạch cử tổ chức UNESCO liên chính phủ đến với cộng đồng xã hội... Là đầu tầu dẫn dắt các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động, cùng đồng hành với UNESCO trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị chung của nhân loại, phổ cập các tiến bộ khoa học, các thành tựu chung vì sự tiến bộ và hòa bình bền vững của nhân loại... Là thành trì của hòa bình thế giới....
B: Hệ thống tổ chức UNESCO của Việt Nam:
Cũng tồn tại song hành hai tổ chức UNESCO chính phủ và UNESCO phi chính phủ. I. Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam là tổ chức UNESCO của chính phủ Việt Nam.
1. Lịch sử ra đời Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam:
- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam được thành lập theo quyết định số 251/TTG ngày 15/06/1977 của Thủ tướng chính phủ
- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam là tổ chức liên bộ và là cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ giữa Việt Nam với tổ chức UNESCO Liên hợp quốc
- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam có vai trò đảm nhiệm việc thực hiện những nghĩa vụ và quyền hạn của nước ta với tư cách là một nước thành viên của UNESCO và thực hiện chính sách đối ngoại của nhà nước ta trong tổ chức UNESCO Liên hợp quốc
- Từ năm 1982 chính phủ ta đã cử phái đoàn đại diện thường trực cấp đại sứ bên cạnh UNESCO ở Pa-ri
- Đại biểu nước ta đã có lần được bàu vào ủy viên hội đồng chấp hành UNESCO trong kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 22 (10/1983)
2. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam:
- Chủ tịch Ủy ban: Cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Các phó chủ tịch Ủy ban: Cấp thứ trưởng các Bộ Giáo dục; Bộ Văn hóa; Bộ.
- Thông tin, truyền thông; Bộ Khoa học và công nghệ; TTX Việt Nam.
- Các ủy viên của Ủy ban là đại diện cấp vụ trưởng của các cơ quan ngang bộ có liên quan đến UNESCO
- Ban thư ký gồm có Tổng thư ký; Các phó tổng thư ký và các ủy viên Ban thư
- Các tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban giáo dục; Tiểu ban khoa học tự nhiên; Tiểu ban khoa học xã hội; Tiểu ban văn hóa; Tiểu ban thông tin
3. Chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam:
- Nghiên cứu và trình lên Thủ tướng chính phủ các vấn đề về phương hướng, chính sách, chương trình và kế hoạch hoạt động của Việt Nam đối với UNESCO.
- Phối hợp và điều hòa hoạt động của các ngành giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông của Việt Nam trong công tác quan hệ với UNESCO nhằm thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn của nước ta với tư cách là một thành viên của UNESCO.
- Thông tin về hoạt động của UNESCO cho các cơ quan đoàn thể có liên quan ở trong nước.
- Duy trì thường xuyên mối liên hệ với tổ chức UNESCO Thế giới, với các Văn phòng UNESCO khu vực và các Ủy ban quốc gia UNESCO của các nước thành viên
khác.
- Duy trì quan hệ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, với phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO ở Pa-ri và các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam về những vấn đề liên quan đến UNESCO...
II. Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam là tổ chức UNESCO phi chính phủ của Việt Nam; Tên tiếng anh là: Vietnam Federation of UNESCO Associations; Tên viết tắt là: VFUA.
1. Lịch sử ra đời của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:
- Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam được thành lập theo quyết định số: 397/TTG của Thủ tướng chính phủ ký ngày 03/08/1993.
- Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam được đổi tên thành Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam theo quyết định số: 544/QĐ-BNV ký ngày 01/04/2009 của Bộ Nội Vụ.
- Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam là thành viên của Liên hiệp các hội UNESCO thế giới (WFUCA) và Hiệp hội UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APFUA).
2. Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:
- Đại hội đại biểu toàn quốc.
- Ban chấp hành.
- Thường vụ ban chấp hành.
- Chủ tịch Liên hiệp hội.
- Các phó chủ tịch Liên hiệp hội.
- Ban thư ký.
- Tổng thư ký.
- Các phó tổng thư ký.
- Các ủy viên Ban thư ký.
- Chánh Văn phòng TW Liên hiệp hội.
- Các phó chánh Văn phòng TW Liên hiệp hội.
- Các Ban chuyên môn giúp việc tại Văn phòng gồm: Ban tổ chức và hội viên; Ban đối ngoại; Ban tài chính; Ban Kiểm tra; Ban thi đua khen thưởng; Ban phát triển dự án... Các tiểu ban: Tiểu ban giáo dục; Tiểu ban văn hóa; Tiểu ban khoa học và công nghệ; Tiểu ban thông tin và truyền thông...
- Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam: Tạp chí ngày nay: Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam; Mạng thông tin điện tử Mái nhà chung: Cơ quan truyền thông điện tử của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam; Hội đồng khoa học bảo trợ các công trình khoa học về lịch sử, văn hóa, khoa học, văn học nghệ thuật... các nghệ sỹ, nghệ nhân và người tài Việt Nam; Các Trung tâm UNESCO; Các Hội UNESCO địa phương; Các Câu lạc bộ UNESCO.
3. Tôn chỉ và mục đích của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:
- Theo tôn chỉ và mục đích của UNESCO.
- Là một tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi, tập hợp rộng rãi các câu lạc bộ, trung tâm, hội UNESCO trên phạm vi quốc gia, các tổ chức và các công dân Việt Nam tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động vì các mục tiêu, lý tưởng của UNESCO đã được ghi nhận trong công ước thành lập UNESCO...
4. Chức năng và nhiệm vụ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:
- Huấn luyện, thông tin, triển khai các hoạt động UNESCO trong nước, trong nhân dân theo chương trình của UNESCO và Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam
- Thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông là những lĩnh vực hoạt động của UNESCO để thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.
- Tham gia phối hợp trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, tổ chức các hình thức trao đổi kinh nghiệm, giao lưu về các lĩnh vực UNESCO với các Liên hiệp
UNESCO quốc gia, khu vực, thế giới với các tổ chức trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Làm công tác tư vấn, phản biện cho các cơ quan nhà nước, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam về các hoạt động thực tiễn UNESCO nhân dân nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động UNESCO tại Việt Nam.
5. Trung tâm Unesco nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam
Tôn chỉ:
- Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam (Sau đây gọi tắt là Trung tâm) là một tổ chức xã hội, hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa các dòng họ theo đúng với mục đích, tôn chỉ của tổ chức UNESCO.
Mục đích:
- Trung tâm là tổ chức quần chúng rộng rãi của những người quan tâm đến văn hóa dòng họ và truyền thống dân tộc Việt nam nói chung, đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, môi trường sống của người Việt Nam nói riêng... tập hợp cùng nhau sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học cổ xưa và đương đại về Cổ học phương đông, Gia phả, Hán nôm, lịch sử dòng họ &gia đình... Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, nền văn hóa xã hội lành mạnh, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa dân tộc để tạo nên phong cách người Việt Nam mới: Hiện đại – Văn minh – Lịch sự - Giàu truyền thống và có văn hóa cao, xứng đáng với tổ tiên và dân tộc mình. Thực hiện đoàn kết các dòng họ, gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam theo tinh thần đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước...
- Trung tâm ra đời, hoạt động nhằm mục đích nghiên cứu, ứng dụng, phản biện các đề tài chuyên nghành về Gia phả, Hán nôm, Cổ học phương đông, các loại hình hoạt động dòng họ, văn hóa dòng họ, văn hóa truyền thống dân tộc trong xã hội xưa và nay có liên quan... Tổ chức phát hiện, bảo tồn, phát huy những công trình, những giá trị di sản văn hóa truyền thống... Thông tin và phổ biến những kiến thức về văn hóa, khoa học, giáo dục, thông tin truyền thông xưa và nay của thế giới và trong nước theo chức năng của hệ thống UNESCO...
Chức năng:
- Bằng uy tín của mình, Trung tâm luôn sẵn sàng làm chỗ dựa tinh thần, là nơi tập hợp và quy tụ các ý tưởng, gợi mở các chương trình, dự án nghiên cứu về văn hóa dòng họ, văn hóa cổ truyền dân tộc cho mọi đối tác quan tâm.
- Tạo ra diễn đàn để các dòng họ có cơ hội đến trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học, tra cứu tư liệu mang tính học thuật giúp làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử dòng họ, tộc họ.
- Là cầu nối thông tin giữa các dòng họ, tham vấn với các dòng họ về tri thức văn hóa lịch sử dòng họ, về phương pháp nghiên cứu phả họ, các hoạt động dòng họ khác, giúp các dòng họ kinh nghiệm chắp nối hệ tộc, hướng dẫn viết phả tiểu chi, tổng kết truyền thống văn hóa – giáo dục tốt đẹp của dòng họ, tổng kết các hoạt động dòng họ ở tầm vĩ mô, tổ chức tham gia phản biện các công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử dòng họ với sự hợp tác cùng các cơ quan chuyên ngành khác.
- Tạo điều kiện cho hội viên được tham gia hội thảo, giao lưu với các tổ chức dòng họ góp phần đưa văn hóa dòng họ cùng các phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc đến với cộng đồng xã hội nhằm nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống trong nhân dân.
Nhiệm vụ:
- Tạo lập các đề tài nghiên cứu về văn hóa dòng họ, tổ chức sưu tầm, khai thác, bảo quản và tác nghiệp nghiên cứu phả họ, lập và biên dịch gia phả, tộc phả, hệ thống các nghiên cứu về di sản văn hóa lịch sử của dòng họ ở mọi thời đại. Vận dụng các thành quả nghiên cứu vào thực tiễn trên các lĩnh vực phát triển lý luận, đưa ra các giải pháp để khôi phục các di sản lịch sử văn hóa dòng họ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ bị xâm hại do hội nhập kinh tế quốc tế.
- Giúp các địa phương đề xuất xếp hạng di tích, tôn vinh các di sản văn hóa lịch sử, tiến tặng các giải thưởng, các tài năng cá nhân và tập thể trong các dòng họ.
- Tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, tuyên truyền tri thức tiến bộ trong cộng đồng dòng họ trên tinh thần đoàn kết, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau “Học tiến bộ xưa, phát triển đạo lý nay”. Thực hiện nếp sống “Dòng họ văn minh, Gia đình hạnh phúc”, góp phần xây dựng ý thức đoàn kết, kỷ cương của các dòng họ Việt Nam theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu – nối kết các dòng họ, tổ chức lễ hội... để cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm hoạt động dòng họ và nghiên cứu phả họ, giúp các dòng họ học hỏi lẫn nhau và tăng cường tình đoàn kết giữa các dòng họ.
- Thực hiện tập huấn các nghiệp vụ về tri thức UNESCO, mở lớp đào tạo và phổ biến kiến thức về khoa học cổ phương đông (Cổ học phương đông): Hán nôm, Gia phả, Kinh dịch, Phong thủy... Khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, truyền bá kiến thức an ninh về di sản văn hóa dòng họ. Tổ chức triển lãm, thực hiện việc ghi chép tài liệu hình ảnh dòng họ truyền thống tốt đẹp trong dòng họ, gia đình...
- Chú trọng việc đào tạo đội ngũ những người làm công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, chắp nối dòng họ cộng tác chặt chẽ với các nhà khoa học chuyên ngành văn hóa xã hội thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi chuyên môn, chuyên ngành về các vấn đề liên quan đến dòng họ, lối sống của con người, của từng vùng, từng địa phương trong toàn quốc.
- Bảo tồn và phát triển các bài tập dưỡng sinh cổ truyền, phổ biến các bài tập dưỡng sinh trong cộng đồng để nâng cao sức khỏe nhân dân, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về nâng cao chất lượng nòi giống dòng tộc và gia đình Việt Nam....
- Tham gia vào các hoạt động chung của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
C. THAY LỜI KẾT
UNESCO đóng một vai trò rất tích cực và có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động Dòng họ bởi với chức năng chính của UNESCO như đã nói ở trên là Phát hiện – Bảo tồn – Phát huy những công trình, những giá trị di sản văn hóa truyền thống, thông tin kiến thức về Văn hóa, khoa học, Giáo dục, thông tin truyền thông, truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO Thế giới đến với nhân dân Việt Nam và ngược lại quảng bá nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt nam ra với bạn bè Thế giới bằng con đường UNESCO. Chính vì vậy, đối với các Dòng họ:
- UNESCO đã coi các Dòng họ như là một đối tác nghiên cứu chính thống của mình, UNESCO trân trọng tất cả những công trình nghiên cứu, những tư liệu, những tác phẩm... Phản ánh về Dòng họ của tất cả các Họ một cách bình đẳng, không vụ lợi với thái độ nghiêm túc trong tiếp nhận và nghiên cứu. UNESCO luôn tạo ra diễn đàn để các Dòng họ có cơ hội đến để trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học, tra cứu tư liệu.... Mang tính học thuật giúp làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Dòng họ, Tộc họ....
- UNESCO vừa là tổ chức sát cánh cùng các Dòng họ, tham gia vào nghiên cứu Phả họ, văn hóa Dòng họ, hoạt động Dòng họ...; UNESCO sẵn sàng giúp các dòng họ tổ chức sưu tầm, phát hiện những di sản truyền thống dòng họ, nhận tư vấn tôn tạo, tu bổ di tích, ra quyết định bảo trợ cho di tích, di sản là Nhà thờ, Mộ tổ, di sản vật thể, phi vật thể, các công trình ghi dấu ấn lịch sử dòng họ, gia đình...
- Unesco bằng uy tín của mình luôn sẵn sàng làm chỗ dựa tinh thần, là nơi tập hợp và quy tụ các ý tưởng, gợi mở các chương trình, dự án nghiên cứu về văn hóa Dòng họ, gia đình cho mọi đối tác quan tâm; Unesco luôn là người đồng hành và cổ súy cho tất cả các hoạt động Dòng họ góp phần đưa văn hóa Dòng họ cùng các phong tục cổ truyền tốt đẹp của Dân tộc đến với cộng đồng xã hội nhằm nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống trong nhân dân
Nhân dịp Kỷ niệm 15 năm Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam xin kính chúc các Gia đình, các dòng họ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn phát triển hoạt động phong phú và thiết thực, đem lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa cho muôn dân bách tính nước nhà...
Ths NGUYỄN VĂN THỊNH
(Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam)
Các tin cũ
- » Trao truyền tinh thần ‘việc họ’ cho thế hệ kế thừa 30/04/2025 12:09:56
- » Việc ‘họ’ và các chế định pháp luật 30/04/2025 11:55:17
- » Chữ 'lễ' trong việc họ 30/04/2025 11:21:51
- » Giới thiệu về việc làm câu đối cho nghĩa trang họ Phạm ở Nam Định 30/04/2025 10:50:25
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức du khảo mừng 30/4/2025 27/04/2025 20:22:48
- » Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã 10/04/2025 18:12:22
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức tọa đàm khoa học lần 2-2024 04/01/2025 14:45:09
- » Viện Lịch sử Dòng họ và Công ty Sáng Kiến Hưng Gia ký thỏa thuận hợp tác 27/12/2024 14:44:52
- » Lễ trao gia phả họ Đoàn ở Tân Hạnh 23/12/2024 08:25:36