Vai trò của gia tộc trong mối quan hệ với dân tộc (Qua thực tế môn phái Nam Huỳnh Đạo)
30/04/2025 14:45:55Tham luận của Đại võ sư, chưởng môn của môn phái Nam Huỳnh Đạo - Huỳnh Tuấn Kiệt và Phó giáo sư Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM - Huỳnh Quốc Thắng viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).
Biểu diễn võ thuật cổ truyền của Nam Huỳnh Đạo tại Hội thảo Mẹ Âu Cơ
Nam Huỳnh Đạo là môn phái võ cổ truyền dân tộc, trực thuộc Liên đoàn Võ cổ truyền TP. Hồ Chí Minh, được võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt chính thức thành lập ngày 24/11/2001. Tên môn phái mang nội dung khẳng định sự trực tiếp kế thừa truyền thống võ vốn nổi tiếng lâu đời của dòng họ Huỳnh ở phương Nam với tổ sư là Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819), Tổng trấn Bắc Thành và Tổng trấn Gia Định thành. Trên thực tế, chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt đã tiếp thu và phát triển được vốn tri thức võ thuật, võ đạo dân tộc từ nhiều nguồn như thụ giáo một số võ sư nổi tiếng của một số môn phái khác nhau (như Võ sư Trần Tiến, Chưởng môn Thiếu Lâm Nội gia quyền Việt Nam chẳng hạn…) nhưng quan trọng vẫn là sự trực tiếp kế thừa truyền thống “Y – Võ” của gia tộc kết hợp với các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…
Ngoài những yếu tố trên, nhân tố trực tiếp về tổ chức tạo ra các thành quả đáng kể cho Nam Huỳnh Đạo đó là vai trò nồng cốt của 3 anh em: Đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt (anh) với vai trò Chưởng môn, Võ sư Huỳnh Quốc Hùng (em) với vai trò trưởng tràng, trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại và giáo dục, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (anh cả) tham gia cố vấn về văn hóa, khoa học cùng các võ sư, môn sinh của Nam Huỳnh Đạo, bên cạnh là sự ủng hộ tích cực về tinh thần của toàn thể gia đình, dòng họ và nhiều lực lượng xã hội khác nhau tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước, tất cả thực sự là một gia đình và đại gia đình để cùng góp phần phát huy được truyền thống “Nhân văn Thượng võ” của gia tộc và dân tộc nhằm tạo nên các thànnh tích có ý nghĩa tích cực đối với sự nghiệp chung.
Điều đó được minh chứng qua việc chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam phong Đại võ sư theo quyết định số 22/QĐ-LĐVTCTVN ngày 10 tháng 3 năm 2017 và Trưởng tràng Huỳnh Quốc Hùng cũng đã được phong Đại võ sư theo quyết định số 104/QĐ-LĐVTCTVN ngày 10 tháng 7 năm 2019 với thành tích chung “Đã có cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam” do PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang, chủ tịch Liên đoàn ký. Lãnh đạo môn phái cũng đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tại Phủ Chủ Tịch (4/2009) và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Thể dục Thể thao, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam… qua nhiều thời điểm khác nhau đã đến tận võ đường để thăm và động viên môn phái...
Một số thành quả quan trọng mà Nam Huỳnh Đạo đã thực hiện đó là:
+ Môn phái NHĐ gồm hàng ngàn võ sinh với phương thức không chỉ tập luyện võ thuật nhằm rèn luyện thể chất mà còn học về võ đạo với tinh thần đề cao văn hóa và đạo lý sống của dân tộc. Những nguyên lý đó không chỉ học bằng lý thuyết mà còn bằng hành động thực tế như các hoạt động xã hội, ngoài sự tương trợ nhau trong nội bộ đội ngũ võ sư, võ sinh của môn phái đó còn là những hoạt động tích cực vì cộng đồng xã hội như cứu trợ dân trong chống dịch Covid – 19 bằng hàng tấn gạo, lương thực, thực phẩm, sau này gần đây còn là tiếp tế hàng ngàn lít nước cho bà con miền Tây Nam Bộ chống lại nạn hạn hán, thiếu nước sinh hoạt vừa qua…
+ Nam Huỳnh Đạo đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ tạo điều kiện cho môn phái phối hợp nhà xuất bản Giáo dục thực hiện bộ giáo trình “Võ đạo Nam Huỳnh Đạo” theo tiêu chí của Bộ Giáo dục trong công tác giáo dục thể chất : “Sức nhanh – Sức mạnh – Sức bền và Khéo léo '' đồng thời bố trí khoa học theo tiết học chính quy theo từng lớp của cấp I , II , III. Bộ sách này đến nay đã được in ra hàng triệu bản có đính kèm bộ đĩa để thị phạm các động tác võ thuật. Bộ sách là cơ sở để từ tháng 4 năm 2009, Nam Huỳnh Đạo kết hợp với Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm đưa võ cổ truyền Nam Huỳnh Đạo vào trong nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc và sau đó là cho các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp và Kiên Giang (trực tiếp tại đảo Phú Quốc)…
Phương pháp triển khai là các võ sư Nam Huỳnh Đạo huấn luyện cho các giáo viên thể chất của từng tỉnh và nhờ vào lực lượng này giảng dạy lại cho hàng ngàn, hàng vạn thậm chí hàng triệu học sinh của các địa phương. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn không chỉ giúp cho các em học sinh rèn luyện nâng cao thể chất và tinh thần để học tập tốt các môn văn hóa khác mà còn giúp cho các em có ý thức về cội nguồn văn hóa dân tộc và lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc trong 4000 năm dựng nước và giữ nước.
+ Theo quan điểm và định hướng chung như đã nói, lãnh đạo Nam Huỳnh Đạo không chỉ là Thành viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền TP. Hồ Chí Minh (liên tục nhiều nhiệm kỳ) mà còn tham gia Ban chấp hành Hội Di sản TP. Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2021 - 2025), tích cực đóng góp tài chính, công sức, trí tuệ để xây dựng và phát triển các hoạt động của Viện Lịch sử Dòng họ ngay từ ngày đầu thành lập của Viện …
+ Ngoài hoạt động võ thuật mang tính chuyên nghiệp bài bản, Nam Huỳnh Đạo còn triển khai rộng rãi các lớp Y võ dưỡng sinh cho nhiều loại đối tượng đặc biệt là cán bộ viên chức lao động, những người lớn tuổi… Với các hoạt động chuyên môn, xây dựng lực lượng được tích lũy nghiêm túc, Nam Huỳnh Đạo đã tham gia nhiều cuộc biểu diễn lớn nhỏ, đã góp phần tích cực vào các ngày hội võ thuật như Hội khỏe Phù Đổng cho hàng ngàn học sinh sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc, các đại hội quốc tế Võ Cổ Truyền Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Ngày hội võ thuật của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…
+ Nam Huỳnh Đạo cũng đã thực hiện nhiều cuộc sinh hoạt giao lưu văn hóa võ đạo với nhiều đoàn võ thuật quốc tế như Hàn Quốc, Nhật bản, Mỹ, Nga, một số nước Đông Âu, Hiệp hội Võ Đang Đạo giáo Trung Quốc và Malaysia v.v…
+ Đặc biệt, Nam Huỳnh Đạo đã kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Viện Lịch sử Dòng họ…với vai trò đồng tổ chức hoặc tham gia các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học (cấp địa phương, cấp quốc gia, quốc tế) theo nhiều chủ đề khác nhau như: “Luân thường Nho giáo dưới góc nhìn xuyên văn hóa” (01/6/2013); “Công tác giáo dục thể chất giá trị, thực trạng và giải pháp” (11/9/2013); ; ”Đào tạo, nghiên cứu văn hóa ứng dụng với thực tiễn hoạt động văn hóa khu vực phía Nam” (31/10/2014) , “Văn hóa Võ đạo Việt Nam “ (25/12/2017), “Dòng họ và đạo đức xã hội hiện nay” (28/6/2018), “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức Nhân vật –- Võ Nghiệp và Di sản” (04/10/2019).v.v…
Sau đại dịch Covid-19, xuất phát từ tình hình thực tế, Nam Huỳnh Đạo chủ trương phát triển đi vào chiều sâu, trong đó có hình thức đưa hoạt động võ thuật gắn với các gia đình, dòng họ. Lớp võ tại nhà từ đường dòng họ Võ của PGS.TS Võ Văn Lộc (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ) tại Cái Bè, Tiền Giang là một thể nghiệm thành công với nhiều kinh nghiệm quý theo hướng như vậy…Cũng theo hướng đó, võ đường môn phái Nam Huỳnh Đạo trước đây tập trung ở Đình Nam Chơn (29, Trần Quang Khải, P Tân Định, Quận 1, TPHCM) nay phát triển rộng rãi với sinh hoạt võ thuật phân tán ở nhiều nơi và trung tâm sinh hoạt võ đạo sẽ tập trung tại Nhà thờ họ tộc thờ cha mẹ gia đình họ Huỳnh số 27/91 đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, TPHCM.
Qua thực tế Nam Huỳnh Đạo cho thấy gia tộc (dòng họ) với dân tộc (quốc gia) có mối quan hệ hữu cơ mang ý nghĩa nhân quả và tương tác nhau chặt chẽ. Những việc làm tốt đẹp hay không của từng gia đinh, dòng họ sẽ có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực nhất định đối với quốc gia, dân tộc và ngược lại, mọi sự phát triển của quốc gia, dân tộc đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng gia đình, dòng họ. Theo nguyên lý như vậy, nỗ lực cá nhân không chỉ vì sự nghiệp, thành tích cho cuộc đời bản thân từng người mà còn có liên quan tới gia đình, dòng họ của mình và quan trọng hơn thế nữa, nó còn có thể liên quan đến đại cuộc của đất nước, quốc gia và dân tộc.
HUỲNH TUẤN KIỆT - HUỲNH QUỐC THẮNG
Các tin cũ
- » UNESCO - Nơi hội tụ trí tuệ của nhân loại, thành trì của hòa bình thế giới 30/04/2025 12:50:04
- » Trao truyền tinh thần ‘việc họ’ cho thế hệ kế thừa 30/04/2025 12:09:56
- » Việc ‘họ’ và các chế định pháp luật 30/04/2025 11:55:17
- » Chữ 'lễ' trong việc họ 30/04/2025 11:21:51
- » Giới thiệu về việc làm câu đối cho nghĩa trang họ Phạm ở Nam Định 30/04/2025 10:50:25
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức du khảo mừng 30/4/2025 27/04/2025 20:22:48
- » Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã 10/04/2025 18:12:22
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức tọa đàm khoa học lần 2-2024 04/01/2025 14:45:09
- » Viện Lịch sử Dòng họ và Công ty Sáng Kiến Hưng Gia ký thỏa thuận hợp tác 27/12/2024 14:44:52